Trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Cách nhận biết và phòng tránh
Trầm cảm là một trong các nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, gây nên tình trạng tàn tật ở trẻ vị thành niên. Thậm chí có thể gây tử vong nếu không thể kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Thực trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Vị thành niên được hiểu đơn giản là lứa tuổi sắp trưởng thành tuy nhiên chúng vẫn chưa được thống nhất cụ thể về độ tuổi. Do đó, để dễ xác định hơn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã quy định rằng những trẻ từ 10 đến 19 tuổi sẽ thuộc vào tuổi vị thành niên.
Các chuyên gia cho biết rằng, ở độ tuổi này sẽ sẽ có những thay đổi rất lớn về mặt sinh hoạt, dẫn đến các biến đổi rõ rệt về tâm lý. Hầu hết các trẻ đều sẽ dần thay đổi tích cách, hành vi, suy nghĩ dần muốn tách biệt và cố gắng khẳng định mình bằng cách bắt chước người lớn. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân lớn khiến cho trẻ dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần, đặc biệt là chứng trầm cảm.
Dựa vào thống kê của WHO nhận thấy có đến 20% các trẻ vị thành niên mắc phải những biểu hiện của rối loạn tâm thần, 50% các trẻ có triệu chứng của trầm cảm ban đầu vào khoảng 14 tuổi. Trầm cảm cũng được xem là một trong các nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm, tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự sát cũng được xếp vào vị trí thứ ba trong các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tử vong ở độ tuổi 15 đến 19.
Trong một cuộc nghiên cứu gần đây nhận thấy, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Cụ thể có khoảng 26,3% các trẻ vị thành niên mắc chứng trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau; 6,3% các trẻ có suy nghĩ về cái chết; 4,6% trẻ bắt đầu lên kế hoạch tự sát và có đến 5,8 các trẻ cố gắng thực hiện hành vi tự sát của mình.
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là một trong các tình trạng cực kì nguy hiểm và có thể gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc nếu không được sớm phát hiện và điều trị. Tuy nhiên thực tế đáng tiếc là rất ít các trường hợp trẻ có thể sớm nhận biết được tình trạng bệnh lý của mình. Đa số các em khi tìm đến sự giúp đỡ của y khoa đều chủ yếu là những tình trạng chuyển biến vừa và nặng hoặc trong tình trạng đã thực hiện hành vi tự sát.
Đặc biệt hơn là chưa có gia đình nào kiên trì điều trị được từ 6 đến 7 tháng, đa phần đều bỏ dở giữa chừng hoặc một số trường hợp thấy trẻ đã giảm bớt các triệu chứng thì tự ý ngưng điều trị. Điều này khiến cho quá trình điều trị bệnh trầm cảm của trẻ bị thất bại, thậm chí trẻ có thể bị tái phát bệnh nhiều lần sau đó và mức độ bệnh sẽ nghiêm trọng hơn cả ban đầu, lúc này hi vọng khỏi bệnh cũng trở nên mong manh hơn.
Tại sao trẻ vị thành niên dễ bị mắc chứng trầm cảm?
Vị thành niên là lứa tuổi nhạy cảm và phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi về sinh học, tâm lý. Đôi lúc trẻ cũng phải chịu những áp lực, căng thẳng đến từ học tập, cuộc sống, gia đình gây tác động đến nhận thức và hành vi của trẻ. Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh lại không dành nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ với con cái khiến cho trẻ cảm thấy cô độc và không được tháo gỡ những khúc mắc trong lòng, từ đó gây ra những vấn đề về mặt tâm lý.
Do đó, các chuyên gia cũng cho biết rằng, lứa tuổi vị thành niên là một trong các nhóm đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm nhất hiện nay. Sau đây là một số nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh nguy hiểm này:
- Yếu tố di truyền
Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng, ADN là một trong các yếu tố liên quan mật thiết đối với những căn bệnh rối loạn tâm thần, nhất là chứng trầm cảm. Thực tế cho thấy những trẻ có người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột có tiền sử mắc bệnh trầm cảm thì sẽ có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng của bệnh lý này.
- Nguyên nhân sinh học
Sự rối loạn và suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ cũng là một trong các lý do chiếm tỉ lệ cao có thể gây ra tình trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Các chất này có vai trò rất quan trọng đối với con người, chúng sẽ dẫn truyền tín hiệu thần kinh đi đến các thành phần của cơ thể và não bộ. Vì thế, nếu các chất này bị tác động và biến đổi sẽ làm cho chức năng thụ cảm của hệ thần kinh bị phá hủy nghiêm trọng, từ đó khởi phát các triệu chứng tiêu cực của bệnh trầm cảm.
- Ảnh hưởng từ các thiết bị công nghệ
Hiện nay nhờ vào sự phát triển của công nghệ mà trẻ em dễ dàng tiếp xúc hơn với những thông tin bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, đối với trẻ vị thành niên vẫn chưa thể có được nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tất cả các sự việc xảy ra xung quanh. Điều này khiến cho trẻ chưa thể chắt lọc được những thông tin cần thiết và hữu ích cho bản thân.
Rất nhiều trẻ nhỏ, thanh thiếu niên bắt đầu học tập và làm theo các những hành vi, cách cư xử sai lệch từ các trang mạng xã hội. Đồng thời cũng có một số đối tượng tự đánh giá giá trị của chính mình dựa vào những lời bình luận, lượt yêu thích ảo trên mạng xã hội. Khi trẻ lệ thuộc quá nhiều vào “thước đo vô hình” này sẽ khiến trẻ dần trở nên bế tắc, tuyệt vọng và quên dần thế giới hiện thực.
- Sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên
Vào giai đoạn này sẽ rất dễ bị ảnh hưởng và thay đổi về tính cách, suy nghĩ, hành vi, cách ứng xử của bản thân. Cụ thể như:
– Tính độc lập: Trẻ sẽ có xu hướng muốn sống tách biệt, không muốn phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ. Bắt đầu chuyển từ sinh hoạt gia đình sang bạn bè, muốn được độc lập về mọi thứ, đôi lúc có hành vi chống đối lại người lớn.
– Về tình cảm: Lúc này trẻ sẽ chuẩn bị cho những mối quan hệ yêu đương nên dễ mơ mộng, bắt đầu học cách biểu lộ cảm xúc, tình cảm của bản thân.
– Về nhân cách: Luôn cố gắng khẳng định bản thân đã trưởng thành nên thường bắt chước và làm theo những hành vi của người lớn.
– Tính tích hợp: Những thông tin tiếp nhận từ xã hội, nhà trường, cha mẹ, người xung quanh sẽ là cơ sở để trẻ tạo dựng giá trị của bản thân.
– Về trí tuệ: Ở lứa tuổi vị thành niên trẻ sẽ thích suy diễn, lập luận dựa trên quan điểm lý tưởng hóa. Lúc này trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục, văn hóa, điều kiện kinh tế của gia đình, xã hội, nhà trường.
Tuy nhiên, vào thời gian này trẻ vẫn chưa có đủ nhận thức đúng đắn và toàn diện về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Do đó nhiều trẻ không biết cách chọn lọc thông tin, dẫn đến tình trạng tiếp nhận các hành vi, suy nghĩ tiêu cực. Những yếu tố bất lợi đó sẽ dần hình thành nên cách nhìn sai lệch và dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
- Từng bị tổn thương trong quá khứ
Những trẻ từng bị tổn thương trong tâm lý ở thời thơ ấu sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm hơn so với thông thường. Một số biến cố có thể làm thay đổi lớn đến suy nghĩ, hành vi của trẻ như từng bị lạm dụng tình dục, mất người thân yêu, cha mẹ ly thân, bị bắt nạt, cô lập, bạo lực học đường,…
- Mất ngủ kéo dài
Mất ngủ và trầm cảm là hai vấn đề sức khỏe có mối liên hệ vô cùng mật thiết với nhau. Mất ngủ kéo dài nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ vị thành niên. Khi chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo sẽ khiến cho tâm lý của trẻ trở nên bất ổn.
Hiện nay, những trẻ ở độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi sẽ phải chịu rất nhiều áp lực đối với việc học hành, thi cử. Điều này cũng là một trong các nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc thường xuyên thiếu ngủ, lâu dần dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể, mệt mỏi, chán nản, suy nghĩ tiêu cực.
- Lối sống không lành mạnh
Các chuyên gia cho biết rằng, những trẻ vị thành niên có thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên thức khuya, lười vận động, nghiện chơi game, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,…thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm rất cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể làm suy giảm đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
- Ảnh hưởng từ gia đình, xã hội
Gia đình và xã hội là yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, suy nghĩ và hành vi của trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ vị thành niên. Nếu trẻ thường xuyên sinh sống trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ bất hòa hoặc đặt quá nhiều áp lực cho trẻ cũng khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, nếu môi trường sống xung quanh có quá nhiều tệ nạn cũng sẽ khiến sẽ dễ bị cuốn theo và gây nên nhiều hành vi không lành mạnh.
Cách nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên cha mẹ nên biết
Những triệu chứng của trầm cảm ở trẻ vị thành niên tương tự với đối tượng bệnh là người trưởng thành. Người bệnh sẽ thường xuyên ủ rũ, chán nản và cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh. Lúc này giấc ngủ của trẻ sẽ bị rối loạn nặng nề, hơn thế trẻ sẽ dần tách biệt hơn với cuộc sống và muốn tự cô lập bản thân mình.
Bên cạnh những biểu hiện đặc trưng đó, các bậc phụ huynh cũng có thể nhận biết các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở trẻ qua các dấu hiệu sau:
- Trở nên nhạy cảm hơn, dễ kích động, nóng tính, có thể la hét, đập phá đồ đạc.
- Cảm thấy tự ti về bản thân, cho rằng mình vô dụng và kém cỏi.
- Luôn có khí sắc buồn bã, chán nản, ủ rũ, tuyệt vọng.
- Nói năng, suy nghĩ, phản ứng, di chuyển chậm chạp.
- Có xu hướng muốn tự cô lập bản thân, thích ở một mình và không muốn gặp gỡ hay tiếp xúc với bất kì ai.
- Thờ ơ, vô cảm và không còn hứng thú với các sự việc, hoạt động xảy ra xung quanh, kể cả những điều mà bản thân đã từng rất yêu thích.
- Mất tập trung, không thể tiếp thu được trọn vẹn những gì người khác truyền đạt, kết quả học tập sa sút.
- Suy giảm trí nhớ, hay quên trước quên sau.
- Rối loạn ăn uống, có thể chán ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa hoặc có trường hợp thèm ăn, ăn không kiểm soát.
- Rối loạn giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm và khó ngủ lại được. Một ít trường hợp ngủ quá nhiều.
- Có những hành vi chống đối lại cha mẹ, quậy phá, trốn học, trộm cắp, sử dụng các chất gây nghiện.
- Một số triệu chứng về cơ thể như đau bụng, đau ngực, đau đầu, khó thở,…không xác định được cụ thể nguyên nhân.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc thực hiện các hành vi tự sát.
Tùy vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà mỗi trẻ sẽ có các biểu hiện riêng biệt. Ngay khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất.
Có thể bạn quan tâm: Rạch tay do trầm cảm: Hành vi tự hủy hoại của nhiều người trẻ
Phòng ngừa và điều trị trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Cũng giống như các trường hợp bị trầm cảm ở những đối tượng khác, trầm cảm ở trẻ vị thành niên cũng được điều trị bằng các biện pháp phổ biến như thay đổi lối sống, trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc, sự hỗ trợ từ gia đình,…Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các chuyên gia sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau.
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là một trong các phương pháp điều trị luôn được ưu tiên áp dụng cho các trường hợp bị trầm cảm ở trẻ em, trẻ vị thành niên, phụ nữ đang mang thai, sau khi sinh hoặc người cao tuổi. Thông thường với các trường hợp bị trầm cảm ở trẻ vị thành niên thì các nhà trị liệu sẽ áp dụng liệu pháp trò chuyện và liệu pháp nhận thức – hành vi để kiểm soát và cải thiện về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của người bệnh.
Thông qua các buổi trị liệu, trẻ sẽ dần nhận thấy được những suy nghĩ, hành vi sai lệch của bản thân và tự tìm cách đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý còn giúp cho người bệnh học được cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân, học cách chọn lọc và đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Với liệu pháp điều trị này các chuyên gia cũng khuyến khích cha mẹ và những người thân trong gia đình cùng tham gia với trẻ. Điều này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý của con, đồng thời được hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc và hỗ trợ trẻ tốt nhất. Nhờ vào tâm lý trị liệu mà các thành viên trong gia đình cũng gắn kết với nhau nhiều hơn, các mâu thuẫn tiềm ẩn cũng sẽ dần được giải quyết và khắc phục hiệu quả.
2. Sử dụng thuốc Tây
Theo số liệu thống kê nhận thấy, hầu hết các trường hợp trầm cảm ở trẻ vị thành niên khi tiến hành thăm khám đều ở giai đoạn vừa và nặng. Do đó, các trường hợp này cần phải sử dụng đến sự can thiệp của thuốc điều trị để kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi nguy hiểm.
Sau khi tiến hành thăm khám và chẩn đoán cụ thể về tình trạng bệnh của mỗi người, các bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để kê đơn thuốc điều trị phù hợp nhất. Quá trình sử dụng thuốc cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc đột ngột.
Thông thường các loại thuốc chống trầm cảm có thời gian phát huy công dụng khá chậm, trung bình từ 2 đến 4 tuần mới nhận thấy được hiệu quả. Do đó, người bệnh cần phải kiên trì uống thuốc theo phác đồ của bác sĩ. Nếu trong quá trình sử dụng nhận thấy các dấu hiệu bất thường cũng cần thông báo với chuyên gia để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời.
3. Xây dựng lại lối sống tích cực
Song song với việc áp dụng các biện pháp nêu trên thì người bệnh trầm cảm cần phải cố gắng xây dựng lại lối sống tích cực và lành mạnh của mình. Việc có được một chế độ ăn uống khoa học, thời gian nghỉ ngơi hợp lý, suy nghĩ lạc quan, yêu đời cũng sẽ giúp cho người bệnh mau chóng đẩy lùi được căn bệnh quái ác này.
Do đó, các bậc phụ huynh nên đồng hành và hỗ trợ cho con xây dựng được lối sống tốt, cụ thể như sau:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và giúp trẻ ăn đủ bữa mỗi ngày. Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất, đặc biệt là những trẻ đang mắc phải chứng trầm cảm. Do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý xây dựng cho trẻ một thực đơn ăn uống lành mạnh và cân bằng dưỡng chất. Nên đảm bảo cho trẻ ăn 3 bữa chính và kèm theo một số bữa phụ trong ngày. Bên cạnh đó phải hạn chế các thực phẩm béo, cay nóng, khó tiêu, các loại gia vị như đường, muối, bột ngọt,….
- Sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi thật hợp lý. Vào độ tuổi vị thành niên, các trẻ thường chịu nhiều áp lực từ việc học hành, một số trường hợp hầu hết thời gian của trẻ đều dành cho việc học khiến trẻ không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Vì thế tốt nhất nên tập cho trẻ thói quen lên kế hoạch cho từng ngày, từng tuần. Đồng thời các bậc phụ huynh và phái nhà trường cũng không nên gây áp lực quá lớn đối với kết quả học tập, thi cử của trẻ. Nên tạo cho trẻ môi trường thoải mái nhất để trẻ có thể phát triển tự nhiên.
- Chú ý đến giấc ngủ của trẻ, không nên cho trẻ thức quá khuya, tốt nhất là nên ngủ đủ 8 tiếng và ngủ trước 23 giờ mỗi ngày. Vệ sinh giấc ngủ của trẻ thật tốt, lựa chọn không gian ngủ thoải mái, tránh tiếng ồn. Nếu trẻ mất ngủ thì có thể áp dụng một số liệu pháp thư giãn tốt cho giấc ngủ như ngâm chân với nước ấm, thiền định, nghe nhạc, massage, uống trà thảo mộc, sử dụng tinh dầu thơm,…Tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Trẻ nên vận động nhiều hơn, thường xuyên tập luyện các bài tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, đồng thời cân bằng được trạng thái tâm lý. Mỗi ngày nên dành ra khoảng 20 đến 30 phút để tập luyện các bài tập đơn giản như đạp xe đạp, chạy bộ, đi bộ, yoga, bơi lội, đánh cầu lông,….
- Cởi mở hơn trong việc chia sẻ và tâm sự với những người thân thiết. Người bệnh nên học cách nói ra những khó khăn, khúc mắc trong lòng để cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Đồng thời việc chia sẻ với những người mà bản thân tin tưởng đôi lúc sẽ giúp bạn nhận lại được những lời khuyên hữu ích để giải quyết vấn đề tốt hơn.
- Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi. Các trẻ ở độ tuổi vị thành niên chưa thực sự trưởng thành, vì thế hãy để cho trẻ tự do khám phá và tham gia vào những hoạt động mà trẻ yêu thích. Các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện nhiều hơn để trẻ được thoải mái vui đùa đúng với lứa tuổi. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn mà còn gia tăng khả năng giao tiếp, cải thiện tốt các mối quan hệ xã hội.
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là một tình trạng phổ biến và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Do đó, nhà trường, các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm trẻ nhiều hơn. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
- Trầm cảm ở học sinh: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa
- Trầm cảm ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và chữa trị
- Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở tuổi dậy thì và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!