Rạch tay do trầm cảm: Hành vi tự hủy hoại của nhiều người trẻ
Rạch tay do trầm cảm hiện đang là vấn nạn nguy hiểm tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của con người. Tình trạng giới trẻ tự thực hiện các hành vi ngược đãi bản thân đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do những dồn nén về cảm xúc, họ muốn giải tỏa sự căng thẳng, mệt mỏi, bế tắc của bản thân.
Rạch tay do trầm cảm – Nguyên nhân do đâu?
Trong những năm trở lại đây, câu chuyện về hành vi tự hủy hoại bản thân, giới trẻ tự dùng dao lam, các vật sắc nhọn để rạch tay chính mình không phải là tin tức quá mới lạ. Nhiều bạn trẻ lựa chọn cách tự ngược đãi bản thân, tự hành hạ chính thân thể của mình chỉ vì những lý do “nhỏ nhặt”.
Nếu nhìn theo chiều hướng chủ quan, không tìm hiểu sâu vào nội tâm của từng nạn nhân thì chắc hẳn chúng ta sẽ cho rằng đây là những hành vi điên rồ, nổi loạn của giới trẻ. Tuy nhiên, dựa theo các thông tin nghiên cứu chuyên khoa cùng với những chia sẻ của chuyên gia tâm lý thì hành vi rạch tay của giới trẻ phần lớn đều xuất phát từ những bất ổn về mặt tinh thần, chủ yếu là trầm cảm.
Họ cho biết rằng, với sự phát triển vượt bậc của xã hội hiện nay, thế hệ trẻ nhận được rất nhiều lợi ích và có môi trường phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, song song với đó, đây cũng chính là đối tượng phải đối mặt với hàng loạt áp lực từ học tập, gia đình, xã hội và cũng là những người có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm lý như stress, trầm cảm, lo âu,…
Lứa tuổi teen từ 13 đến 19 tuổi thường có những sự nổi loạn bởi đây là giai đoạn trẻ có sự biến đổi nhanh chóng và đột ngột về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, dễ tổn thương tâm lý do những áp lực, căng thẳng, thử thách xoay quanh cuộc sống hoặc những sự thiếu vắng tình thương, quan tâm từ ba mẹ, gia đình.
Khi những tổn thương tinh thần trở nên quá lớn và trẻ không biết cách để giải tỏa, thoát khỏi điều đó thì họ sẽ dần có xu hướng tự làm tổn thương bản thân mình. Rạch tay là hành vi thể hiện những sự bế tắc và tuyệt vọng đến cùng cực, nó là cách duy nhất để giúp người bệnh đối phó với những cảm xúc tồi tệ đang xâm chiếm lấy toàn bộ cơ thể.
Nhiều người thường chia sẻ rằng, họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và nhẹ nhõm hơn sau khi sử dụng các vật sắc nhọn để hành hạ bản thân. Lúc này họ hoàn toàn không cảm thấy đau bởi cơn đau đã được che lấp từ cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.
Thực sự rất khó để hiểu được lý do vì sao một người lại chủ động thực hiện hành vi rạch tay, tự làm tổn thương bản thân. Biết rằng đó là do ảnh hưởng của bệnh trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm lý, nhưng nguyên nhân sâu thẳm vẫn là một ẩn số đối với mỗi trường hợp khác nhau.
Dựa vào kinh nghiệm thăm khám với nhiều trường hợp giới trẻ rạch tay do trầm cảm và những tìm hiểu từ thực tế, các chuyên gia cũng đã nói về một vài nguyên nhân được chính người bệnh chia sẻ như:
- Để giải tỏa cảm xúc tiêu cực: Đây là lý do thường xuyên được nhắc đến và cũng chính là nguyên nhân chính để nhiều người trẻ thực hiện hành vi ngược đãi bản thân. Khi các cảm xúc tiêu cực bị dồn nén một cách dữ dội và kéo dài, trẻ thường có nhiều xu hướng muốn tự hành hạ chính mình, sử dụng dao lam, mảnh chai, kim tiêm để đâm vào cơ thể như một sự giải tỏa cảm xúc.
- Do không tìm được cách giải tỏa tốt hơn: Như đã chia sẻ, tình trạng rạch tay do trầm cảm thường xuất hiện nhiều ở giới trẻ, có thể là trẻ dậy thì hoặc những trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên,…Ở lứa tuổi này, trẻ vẫn chưa có đủ kinh nghiệm và nhận thức đúng đắn về việc áp dụng các phương pháp giải tỏa tâm trạng. Vì thế, khi rơi vào khủng hoảng, bế tắc trẻ thường có xu hướng thực hiện các hành vi sai lệch, chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, điển hình là tự hành hạ bản thân.
- Không thể bộc lộ cảm xúc: Nếu các cảm xúc mệt mỏi, căng thẳng, chán chường, suy sụp, tuyệt vọng không được bày tỏ một cách đúng đắn, trẻ không có cơ hội để được chia sẻ và nói ra những suy nghĩ trong lòng thì có nhiều khả năng trẻ sẽ tự thực hiện hành vi hủy hoại bản thân. Nhiều bạn trẻ khi tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ đã chia sẻ về việc bản thân cảm thấy rất cô đơn, kể cả bạn bè, gia đình đều không lắng nghe, thấu hiểu cho những điều tồi tệ mà trẻ đang đối mặt, điều này làm cho trẻ càng trở nên tuyệt vọng và dễ gây ra những hành vi thiếu suy nghĩ.
- Sự ảnh hưởng của các rối loạn tâm thần khác: Ngoài trầm cảm thì các rối loạn lưỡng cực, rối loạn hành vi, rối loạn suy nghĩ khi được kết hợp với nhau và gia tăng mạnh mẽ cũng có thể là lý do khiến cho người bệnh bị thôi thúc về hành vi tự cắt rạch tay chân của chính mình. Theo đó, các chuyên gia còn cho biết thêm, tình trạng này đôi khi cũng có sẽ có liên quan đến những rối loạn tâm thần gây mất kiểm soát, bệnh nhân khó có thể điều chỉnh và khống chế suy nghĩ, hành động của mình.
- Do muốn tự dằn vặt bản thân: Nhiều người rơi vào trầm cảm do một số sai lầm nghiêm trọng đã gây ra trong quá khứ và họ có thể luôn cảm thấy dằn vặt trong nội tâm, tự trách móc về những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Chính vì thế, việc tự rạch tay, tự ngược đãi cơ thể cũng có khả năng xuất phát từ việc muốn hành hạ chính mình, muốn bản thân phải “trả giá” cho những lỗi lầm mình đã gây ra, họ xem đây như một sự trừng phạt thích đáng.
- Muốn gây sự chú ý: Nhiều người trẻ khi không nhận được sự quan tâm từ gia đình, xã hội cũng có xu hướng thực hiện các hành vi tự rạch tay, hành hạ thể xác. Họ muốn tạo sự chú ý với mọi người xung quanh, muốn người khác quan tâm đến mình.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rạch tay do trầm cảm. Mặc dù đây không phải là hành vi có thể trực tiếp gây ảnh hưởng đến tính mạng của con người nhưng nếu nó liên tục xảy ra và diễn biến ở mức độ nặng thì cũng được xem là hành vi tự sát.
Rạch tay hủy hoại bản thân và những câu chuyện ẩn sau căn bệnh trầm cảm
Giới trẻ rạch tay do trầm cảm chắc hẳn không còn là vấn đề quá xa lạ đối với mỗi chúng ta. Đặc biệt là với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội, chỉ cần vài phút lướt xem tin tức, truy cập vào các trang mạng cũng đủ để chúng ta bắt gặp hàng loạt thông tin chia sẻ về các câu chuyện tự làm tổn thương bản thân.
Nếu là một người thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội thì chắc hẳn bạn đã từng bắt gặp một đoạn video chia sẻ về cảnh một nữ sinh tại Nghệ An chia sẻ về hành vi dùng dao lam để tự rạch cổ tay của chính mình. Nguyên nhân được nhắc đến đó chính là cảm thấy thất tình sau khi chia tay bạn trai. Đoạn clip này được cộng đồng mạng dành nhiều sự quan tâm và chia sẻ với hơn 30.000 lượt xem.
Bên cạnh đó, qua các thông tin, số liệu từ những bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tâm thần cho biết rằng, số lượng trẻ tìm đến hỗ trợ tâm lý với những vết xước trên cơ thể hiện đang gia tăng đáng kể. Mỗi em khi đến đây đều trầm lặng, mặt cúi gằm xuống đất như đang muốn che giấu đi những điều tồi tệ đang xảy ra.
Theo chia sẻ đến từ TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, số lượng giới trẻ tìm đến hỗ trợ sức khỏe tâm thần hiện đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là các trường hợp nữ giới. Dựa vào số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho đến năm 2017 thì tỷ lệ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, stress, trầm cảm ở nước ta đã lên đến 15% tổng dân số và con số này hiện còn có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây.
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần tăng cao nhưng số lượng người đến thăm khám và tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia lại không mấy đáng kể. Phần lớn các trường hợp tìm đến điều trị đều ở trong trạng thái nghiêm trọng, khó kiểm soát cảm xúc, hành vi và đã phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề đến từ các rối loạn tâm thần.
Đặc biệt hơn, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các vụ tự tử, rạch tay chân, ngược đãi bản thân liên tiếp xảy ra, đối tượng chủ yếu lại là học sinh, sinh viên. Cụ thể tình trạng của một nữ sinh viên năm 2 đại học được tiếp nhận hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo thông tin tìm hiểu thì em là một sinh viên có học lực khá giỏi, tính tình hiền lành, hướng nội. Sau khi tốt nghiệp THPT, em luôn ấp ủ hy vọng được đi du học nhưng do điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên ước mơ vẫn còn dang dở. Tuy nhiên, với những trăn trở này đã khiến em rơi vào trạng thái căng thẳng, bế tắc, tuyệt vọng trong thời gian dài.
Tâm trạng tồi tệ này kéo dài cho đến năm 2 đại học. Do không biết chia sẻ cùng ai và cũng không nhận được sự thấu hiểu từ mọi người nên em đã có xu hướng tự dùng dao lam để rạch tay như một cách tự trừng phạt bản thân. Khi tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ, trên tay em đều là những vết trầy xước, có cả những vết đã thành sẹo và cả nhưng vết thương còn rỉ máu đỏ tươi.
Em chia sẻ rằng, mỗi lần sử dụng dao lam để cắt tay, em hoàn toàn không thấy đau mà thay vào đó là cảm giác thoải mái, nhẹ lòng hơn. Bản thân em cũng không có ý định muốn được điều trị nhưng khi gia đình vô tình phát hiện các dấu vết trên tay đã vội vàng đưa em đến Viện sức khỏe Tâm thần để thăm khám và can thiệp.
Thời gian gần đây, nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng chắc hẳn là tình trạng nhảy lầu tự sát của một nam sinh trường chuyên tại Hà Nội. Theo như các thông tin được cập nhật thì trước khi chọn cách rời bỏ thế giới, em đã có cuộc trò chuyện ngắn với ba mình và để lại một bức thư chia sẻ về những áp lực, căng thẳng, mệt mỏi của mình trong thời gian qua.
Chứng kiến tận mắt cảnh con nhảy qua thành lan can để tự sát, chắc hẳn bất kỳ người làm ba mẹ nào cũng không khỏi ám ảnh và tự dằn vặt bản thân mình. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả các gia đình, các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi nhạy cảm. Chúng ta cần có ý thức cao hơn về việc phòng chống, ngăn chặn và kịp thời phát hiện các bất ổn tâm lý của giới trẻ, từ đó có biện pháp can thiệp, hỗ trợ con tốt hơn.
Qua những câu chuyện thương tâm từ việc giới trẻ liên tục rạch tay, tự sát khiến cho dư luận có cái nhìn cấp thiết hơn về việc bảo vệ sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi mới lớn. Chúng ta đừng vội phán xét hay lên án các hành vi tiêu cực của trẻ, thay vào đó hãy tìm hiểu, nhìn nhận và đồng cảm với những tổn thương, áp lực to lớn mà trẻ đang phải gánh chịu, từ đó từng bước giúp trẻ tháo gỡ, cải thiện hiệu quả.
Làm sao để ngăn chặn hành vi rạch tay do trầm cảm ở giới trẻ?
Như đã biết, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác ở giới trẻ hiện đang là thực trạng đáng báo động của toàn xã hội. Trầm cảm gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, cuộc sống của mỗi người bệnh, nó kìm hãm sự phát triển của các nhân và cả những người xung quanh.
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa thì phần lớn những trường hợp trầm cảm mà chúng ta được nghe thấy, được chia sẻ đều chỉ là phần nổi của một tảng băng. Trong thực tế, đã có không ít các trường hợp bị ảnh hưởng từ căn bệnh này và liên tục thực hiện các hành vi hành hạ bản thân, họ chọn cách ngược đãi chính mình hoặc thậm chí là tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Mặc dù hành vi rạch tay do trầm cảm ở giới trẻ không trực tiếp gây ra những thiệt hại về tính mạng nhưng nó cũng được xem là một trong những vấn đề nguy hiểm và được đánh giá là hành động tự sát. Đấy là chưa kể đến những trường hợp phát triển bệnh âm thầm, người bệnh có xu hướng che giấu bệnh tật và những vết thương do mình gây ra khiến cho quá trình phát hiện và can thiệp gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong những năm trở lại đây, có không ít các trường hợp bệnh nhân tìm đến hỗ trợ tâm lý với rất nhiều các vết thương tích trên cơ thể hoặc những vụ tự sát thương tâm làm dấy động cộng đồng. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội để cùng nhau ngăn chặn tốt các hệ lụy nguy hiểm đến từ trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì gia đình chính là một trong các yếu tố quan trọng và nắm vai trò chủ chốt đối với việc ngăn chặn hành vi rạch tay, tự hủy hoại bản thân của những bệnh nhân tâm thần. Ba mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ với con cái, cùng trao đổi, trò chuyện để con cảm nhận rõ hơn về tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình.
Giới trẻ đang trong giai đoạn phát triển và trưởng thành nên rất cần sự giáo dục, định hướng tốt từ chính người thân, gia đình. Ba mẹ cần phải chú ý quan sát và thường xuyên chia sẻ, động viên con cái để giúp con có thêm nhiều kinh nghiệm, động lực tốt. Ngoài ra, việc quan tâm, tôn trọng và lắng nghe chia sẻ của con cũng là cách hiệu quả nhất để các bậc phụ huynh kịp thời phát hiện các bất ổn về tâm lý, từ đó giúp trẻ cân bằng và giải tỏa kịp thời.
Bên cạnh đó, thầy cô, nhà trường và toàn xã hội cùng cần phải dành sự quan tâm tốt đối với thế hệ trẻ hiện nay. Trẻ luôn cần có môi trường phát triển lành mạnh để tự do khám phá và thể hiện bản thân. Vì thế, chúng ta cũng đừng nên quá áp đặt hoặc tạo nên sự kỳ vọng quá lớn để giới trẻ, điều này sẽ khiến cho các em cảm thấy vô cùng ngột ngạt và mệt mỏi.
Ngoài ra, để hạn chế hành vi rạch tay do trầm cảm ở giới trẻ thì bản thân các em cũng phải được hỗ trợ nâng cao nhận thức, hiểu biết về việc tự bảo vệ sức khỏe, thân thể của chính mình. Trẻ cần học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, trau dồi những kinh nghiệm về các phương pháp giải tỏa cảm xúc, cân bằng tâm lý và vượt qua khó khăn, thử thách để phòng chống tốt sự ảnh hưởng của trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác.
Hơn thế, để kịp thời ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra từ trầm cảm, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý quan sát và nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám, chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường hoặc phát hiện hành vi tự rạch tay chân của con. Thông qua quá trình hỗ trợ, các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ đánh giá tốt về tình trạng sức khỏe của trẻ, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, khắc phục phù hợp với từng trường hợp khác nhau.
Rạch tay do trầm cảm thường là hành vi ngược đãi nhằm mục đích tự giải tỏa cảm xúc tiêu cực của bản thân. Tuy nhiên, nếu không sớm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nó có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống hoặc thậm chí cướp đi tính mạng của giới trẻ. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về thực trạng nguy hiểm do trầm cảm gây ra và có biện pháp ngăn chặn, khắc phục hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
- Quiz test trầm cảm tuổi dậy thì: Kiểm tra nhanh, can thiệp sớm
- Thực trạng trầm cảm ở giới trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội – Hồi chuông cảnh báo giới trẻ
- Top 10 bác sĩ chữa trầm cảm giỏi tại Hà Nội
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!