Bài test ADHD cho người lớn – Đánh giá mức độ hội chứng
Việc nhận diện dấu hiệu tăng động giảm chú ý thông qua các bài test ADHD cho người lớn là bước đầu quan trọng giúp mỗi cá nhân hiểu rõ tình trạng của mình hơn. Những bài kiểm tra này không chỉ mang tính tham khảo mà còn góp phần lớn vào quá trình chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi nào cần thực hiện bài test ADHD cho người lớn?
Tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD) là một rối loạn sinh học thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, chú ý và kiểm soát hành vi. Mặc dù gọi là ADHD ở người lớn nhưng các triệu chứng của rối loạn này đã xuất hiện từ khi còn nhỏ và kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Đặc trưng của ADHD ở người lớn là khó giữ tập trung, có hành vi bốc đồng và cảm giác luôn bồn chồn, không yên. Một số người có thể giảm bớt sự tăng động, nhưng vẫn gặp khó khăn khi kiểm soát hành vi và chú ý đến các chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu như khó tập trung, dễ bị phân tâm, bồn chồn không yên, bộc phát hành động mà không cân nhắc hậu quả thì việc thực hiện bài test ADHD cho người lớn là điều cần thiết. Bài test này giúp đánh giá và xác định rõ các triệu chứng, từ đó có phương án điều trị và hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, nếu các dấu hiệu này đã tồn tại từ khi còn nhỏ và vẫn tiếp tục đến tuổi trưởng thành, việc thực hiện càng trở nên quan trọng để tránh các hậu quả không mong muốn.
Bài test ADHD cho người lớn đánh giá mức độ nhanh chóng, chính xác
Bài test ADHD cho người lớn là một công cụ quan trọng trong việc đánh giá và nhận diện các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý. Việc thực hiện bài test kịp thời giúp phát hiện rối loạn ở người lớn nhằm ngăn chặn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và tránh ảnh hưởng đến công việc, học tập và các mối quan hệ cá nhân.
1. Thang tự đánh giá ADHD cho người lớn (ASRS) – Part A
Thang tự đánh giá ADHD này được điều chỉnh từ ASRS Screener do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Nhóm công tác về ADHD ở người lớn thiết kế với 6 câu hỏi ngắn trong tổng 18 câu, mỗi câu được đánh giá theo thang điểm từ 0 – 4. Điểm số càng cao càng cho thấy mức độ biểu hiện của các triệu chứng liên quan đến rối loạn này.
- 0 điểm: Không bao giờ
- 1 điểm: Hiếm khi
- 2 điểm: Đôi khi
- 3 điểm: Thường xuyên
- 4 điểm: Rất thường xuyên
6 trong số 18 câu hỏi được tìm thấy (phần A) là tiêu chí chẩn đoán sơ bộ về các triệu chứng phù hợp với ADHD. Nội dung phần A bài test ADHD cho người lớn như sau:
- Bạn có thường trì hoãn, chần chừ trong công việc đến phút cuối cùng?
- Bạn có thường ngắt lời, chen ngang khi ai đó đang nói chuyện?
- Bạn có thường xuyên không thể ngồi yên trong các cuộc họp, cuộc gặp gỡ quan trọng?
- Bạn có gặp khó khăn khi duy trì sự chú ý vào những gì người khác đang nói trực tiếp với bạn?
- Bạn có thường gặp khó khăn trong việc thư giãn vào thời gian rảnh?
- Bạn có phải phụ thuộc vào người khác bởi họ giúp tổ chức công việc, quản lý thời gian và chú ý đến chi tiết trong cuộc sống hàng ngày?
Cách đánh giá kết quả bài test: Nếu điểm số từ 14 điểm trở lên, đây là dấu hiệu cho thấy cá nhân có thể đang mắc phải triệu chứng ADHD. Trong trường hợp này, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý để có chẩn đoán chính xác và sự hỗ trợ cần thiết.
2. Bài test số 2
Dưới đây là các câu hỏi giúp người dùng đánh giá liệu bản thân có đang gặp phải các triệu chứng phổ biến của ADHD ở người lớn hay không. Hãy suy nghĩ kỹ về mức độ ảnh hưởng của những câu hỏi này đối với cuộc sống của mình trong 6 tháng vừa qua.
- Bạn có thường đưa ra các quyết định nhanh chóng mà không suy nghĩ kỹ về hậu quả không?
- Bạn có thấy khó tập trung khi tham gia vào các hoạt động nhóm không?
- Bạn có hay trì hoãn khi phải bắt đầu một nhiệm vụ, dự án đòi hỏi nhiều suy nghĩ không?
- Tâm trí bạn có thường cảm thấy lộn xộn, khó tập trung vào một việc duy nhất không?
- Bạn có thường bồn chồn, không thể ngồi yên trong thời gian dài không?
- Bạn có thường cảm thấy tâm trạng thay đổi thất thường từ phấn chấn sang buồn bã không?
- Bạn có thấy khó tự sắp xếp, tổ chức một nhiệm vụ nào đó không?
- Bạn có thường bỏ lỡ những gì người khác đang nói trong cuộc trò chuyện không?
- Bạn có thường cáu kỉnh, nóng tính không?
- Bạn có cảm thấy mình luôn bị thôi thúc phải hoạt động, không ngừng di chuyển như thể bị điều khiển bởi máy móc không?
- Bạn có thấy khó khăn trong việc hoàn thành các dự án, nhiệm vụ không?
- Bạn có hay quên các cuộc hẹn quan trọng không?
Người thực hiện có 5 lựa chọn cho mỗi câu hỏi:
- Không bao giờ
- Hiếm khi
- Thỉnh thoảng
- Thường xuyên
- Rất thường xuyên
Cách đánh giá kết quả sau khi hoàn thành bài kiểm tra:
- Điểm số từ 0 – 28: Khả năng mắc ADHD ở mức thấp hoặc trung bình.
- Điểm số từ 29 – 48: Xác suất cao có thể gặp phải triệu chứng ADHD.
Làm gì khi nghi ngờ mình mắc phải ADHD sau khi thực hiện bài test?
Khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân yêu có thể mắc phải ADHD sau khi thực hiện bài test, hãy bình tĩnh tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế. Người bệnh cần xây dựng môi trường sống phù hợp để đối phó với tình trạng này. Đặc biệt, hãy cân nhắc các biện pháp điều chỉnh hợp lý tại nhà, nơi làm việc để tạo thói quen sinh hoạt hiệu quả.
1. Điều trị bằng thuốc
Một trong những phương pháp điều trị ADHD phổ biến là sử dụng thuốc, bao gồm các loại thuốc kích thích, không kích thích và thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc kích thích như methylphenidate và dexamfetamine giúp tăng cường các chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp kiểm soát hành vi và sự tập trung.
- Các loại thuốc không kích thích như atomoxetine và guanfacine thường được chỉ định khi thuốc kích thích không phù hợp.
- Một số thuốc chống trầm cảm ba vòng như imipramine đã từng được sử dụng không theo chỉ định để điều trị ADHD nhưng ít được kê đơn hơn do gây ra tác dụng phụ.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc luôn đi kèm với những rủi ro và tác dụng phụ. Vì vậy cần có sự tư vấn và giám sát chặt chẽ từ bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả điều trị.
2. Trị liệu tâm lý
Một số phương pháp trị liệu tâm lý đã được chứng minh là giúp kiểm soát hiệu quả triệu chứng ADHD. Các liệu pháp như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), các khóa giáo dục tâm lý giúp người mắc tăng động giảm chú ý xây dựng kỹ năng quản lý thời gian, tổ chức công việc và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Đặc biệt, CBT còn giúp phát triển khả năng tập trung, kiểm soát sự bốc đồng và đồng cảm với người khác.
Khi tìm kiếm chuyên gia trị liệu, nên ưu tiên lựa chọn người có kiến thức về ADHD, sẵn lòng tìm hiểu thêm về tình trạng này bởi người bệnh bị đãng trí, mất tập trung có thể ảnh hưởng đến quá trình trị liệu. Ngoài ra, chuyên gia có thể hỗ trợ xây dựng kỹ năng sống hàng ngày như quản lý thời gian và điều chỉnh môi trường sống.
3. Trị liệu nghề nghiệp
Trị liệu nghề nghiệp là phương pháp hữu ích dành cho người lớn mắc ADHD để quản lý cuộc sống hàng ngày hiệu quả hơn. Chuyên viên trị liệu nghề nghiệp sẽ cùng người bệnh sắp xếp lại môi trường sống và làm việc của mình, từ đó tạo ra không gian phù hợp với nhu cầu cùng thói quen khách hàng. Đồng thời, hỗ trợ bệnh nhân phát triển kỹ năng quản lý thời gian, xây dựng lịch trình rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu công việc mà không bị phân tâm.
Một trong những mục tiêu chính của trị liệu nghề nghiệp là giúp bạn trở nên tự lập và tham gia vào những hoạt động ý nghĩa trong cuộc sống. Bạn sẽ học cách xây dựng tính kỷ luật để bám sát các kế hoạch đã đề ra, đồng thời vẫn có thể linh hoạt với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống. Nếu quan tâm, bạn có thể lựa chọn tìm kiếm chuyên viên trị liệu nghề nghiệp độc lập nhằm có sự chăm sóc cá nhân hơn.
4. Tập thể dục thể thao thường xuyên
Nghiên cứu đã chỉ ra việc tập thể dục đều đặn làm giảm đáng kể các triệu chứng lo âu và trầm cảm – yếu tố có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng ADHD. Mặc dù tác động của vận động thể chất đối với sự tăng động, bốc đồng, giảm chú ý vẫn chưa được xác định rõ nhưng lại có thể cải thiện sức khỏe tâm thần, tăng cường chức năng nhận thức và sự tập trung.
Dưới đây là một số hoạt động thể dục thể thao bổ ích mà bạn có thể thử:
- Đi bộ hoặc chạy bộ
- Đạp xe
- Bơi lội
- Tập yoga
- Tham gia các lớp thể dục nhóm (Zumba, Aerobics)
- Chơi thể thao đồng đội ( bóng đá, bóng rổ)
- Tập thể hình hoặc nâng tạ
- Thực hiện các bài tập thể dục tại nhà (bài tập cardio, Pilates)
5. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Ngủ không ngon có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến tâm trạng và khả năng tập trung. Mặc dù việc tạo thói quen ngủ tốt có thể gặp khó khăn, nhưng có nhiều cách đơn giản để thực hiện cải thiện giấc ngủ:
- Phát triển thói quen thư giãn trước khi ngủ như đi tắm, nghe nhạc nhẹ
- Đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần
- Tránh sử dụng thiết bị điện tử ít nhất một tiếng trước khi đi ngủ
- Không dùng nhiều đường, caffeine hoặc rượu trong vòng vài giờ trước khi ngủ
- Tập thể dục đủ trong suốt cả ngày để giúp cơ thể mệt mỏi và dễ ngủ hơn
- Giữ cho phòng ngủ tối và yên tĩnh và nếu có thể, hãy mở cửa sổ để đón không khí trong lành
6. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Thói quen ăn uống không lành mạnh, đặc biệt nhiều đường có thể làm tăng mức độ giảm chú ý và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý. Trong khi đó, chế độ ăn uống cân bằng không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ cải thiện tâm trạng để dễ kiểm soát các triệu chứng ADHD hơn.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế
- Bổ sung nhiều protein nạc như thịt gà, cá và đậu
- Hạn chế dùng đường trong thực phẩm và thức ăn chế biến sẵn
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Cân nhắc bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết theo khuyến nghị của bác sĩ
Bài test ADHD cho người lớn là công cụ hữu ích giúp định hướng cho những bước chăm sóc sức khỏe tiếp theo. Tự chăm sóc sức khỏe tinh thần là hành động cần thiết để sống tích cực và chủ động hơn.
Kết quả từ bài test ADHD cho người lớn này chỉ mang tính chất tham khảo và không được coi là chẩn đoán y tế chính thức. Bài kiểm tra không thể thay thế cho sự tư vấn, chẩn đoán hay hướng dẫn điều trị từ các chuyên gia y tế có chuyên môn. Tạp chí Tâm lý học xin được MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM và khuyến nghị nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Bài test kiểm tra mức độ Thái Nhân Cách của một người
- Bài Test trẻ chậm nói giúp phát hiện và can thiệp sớm
Các nguồn tham khảo:
- https://www.adhdcentre.co.uk/adhd-quiz/
- https://www.clinical-partners.co.uk/for-adults/adult-adhd-add/test-for-adhd/adhd-test-results/results
- https://www.londonpsychiatry.clinic/services/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd-assessment-in-adults#strongfaqs-diagnostic-tests-and-tools-for-adult-adhdstrong
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!