Bài Test trẻ chậm nói giúp sớm phát hiện và kịp thời can thiệp

5/5 - (1 bình chọn)

Việc thực hiện bài test cho trẻ chậm nói sẽ giúp các bậc phụ huynh dễ dàng hơn trong việc đánh giá nguy cơ, mức độ nghiêm trọng để kịp thời can thiệp các biện pháp phát triển ngôn ngữ hiệu quả cho trẻ nhỏ. Bài test này có thể áp dụng phù hợp cho trẻ từ 1 đến 66 tháng tuổi và được chia thành các bộ riêng biệt để phù hợp cho từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ. 

Bài Test trẻ chậm nói
Bài Test trẻ chậm nói giúp đánh giá, sàng lọc nguy cơ chậm nói ở trẻ dưới 66 tháng tuổi.

Có nên cho trẻ thực hiện bài test chậm nói?

Dựa vào số liệu thống kê những năm gần đây nhận thấy rằng, tỷ lệ trẻ chậm nói hiện đang gia tăng đáng kể và gây nên nhiều trở ngại đối với sinh hoạt đời sống và sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ nhỏ. Trong thực tế thì mỗi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển ngôn ngữ riêng biệt.

Tuy nhiên, dựa vào mốc phát triển chung theo từng độ tuổi, các bậc phụ huynh cũng có thể dễ dàng nhận biết được các dấu hiệu chậm nói, chậm ngôn ngữ ở trẻ. Trong những năm tháng đầu đời, trẻ đã bắt đầu tiếp thu và nhận dạng ngôn ngữ thông qua các cuộc giao tiếp trực tiếp với ba mẹ, người thân và những hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi đã biết cách tạo ra những âm thanh đơn giản, riêng biệt để gây sự chú ý đối với những người xung quanh. Trẻ được khoảng 2 tuổi sẽ có vốn từ nhất định và nói được vài từ cơ bản hoặc biết cách ghép các từ đơn lại với nhau để tạo thành cụm từ có nghĩa.

Tuy nhiên, có không ít các trường hợp trẻ nhỏ không thể đạt được mốc phát triển chung này, trẻ có vốn từ nghèo nàn, ít hoặc thậm chí không nói, không đáp ứng tốt các nhu cầu giao tiếp thông thường. Các biểu hiện của trẻ chậm nói có thể xuất hiện từ rất sớm nhưng dễ dàng nhận biết nhất là trong giai đoạn trẻ tập nói từ 2 đến 4 tuổi.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng có thể hiểu và phát hiện tình trạng trẻ chậm nói ở giai đoạn sớm. Có không ít ba mẹ chủ quan, cho rằng trẻ chỉ chậm nói thông thường và tình trạng này sẽ dần cải thiện theo thời gian nên không tiến hành can thiệp, hỗ trợ cho trẻ.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tình trạng trẻ chậm nói dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào cũng cần được hỗ trợ can thiệp ở giai đoạn sớm. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi được xem là thời điểm vàng để phát triển ngôn ngữ nên việc phát hiện sớm tình trạng chậm nói ở trẻ đóng vai trò quan trọng và cần thiết.

Bài Test trẻ chậm nói
Bài test chậm nói giúp các bậc phụ huynh sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ nhỏ.

Do đó, các chuyên gia luôn khuyến khích phụ huynh nếu nghi ngờ về tình trạng chậm nói của trẻ thì nên chủ động đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng. Tại đây, trẻ nhỏ sẽ được tiến hành thăm khám, đánh giá và thực hiện bài test để sàng lọc về nguy và mức độ chậm nói.

Hoặc ba mẹ cũng có thể tự thực hiện bài test trẻ chậm nói ngay tại nhà để có thể đánh giá khách quan về tình trạng của trẻ nhỏ, từ đó cân nhắc đến việc cho trẻ thăm khám trực tiếp và điều trị cùng chuyên gia. Hiện nay, các bài test trẻ chậm nói tại nhà cũng được đánh giá cao về mức độ hiệu quả và chính xác, giúp các bậc phụ huynh dễ dàng hơn trong việc kiểm soát sự phát triển của trẻ nhỏ.

Phổ biến nhất đó chính là bài test chậm nói ASQ-3 (Ages and Stages Questionnaire, Third Edition) dành cho trẻ từ 1 đến 66 tháng tuổi. Nội dung của bài test này đã được nghiên cứu và hoàn thiện bởi rất nhiều các chuyên gia của Đại học Oregon, Hoa Kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại thì ASQ-3 đã được ứng dụng hơn 40 năm và phát triển rộng rãi ở khắp các quốc gia trên toàn thế giới với các bản dịch cặn kẽ, chi tiết.

Hiện tại, bài test ASQ-3 được sử dụng phổ biến như tiêu chuẩn đến đánh giá về mức độ phát triển của trẻ nhỏ. Không chỉ riêng về các vấn đề phát triển ngôn ngữ mà bài test còn giúp đánh giá tốt về các kỹ năng vận động thô, vận động tinh, khả năng bắt chước và cá nhân – xã hội.

Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh nên lựa chọn bộ câu hỏi tương ứng để có thể đánh giá tốt khả năng phát triển của mỗi trẻ. Nếu có thể phát hiện sớm tình trạng chậm nói và can thiệp tốt bằng những biện pháp hữu hiệu thì trẻ nhỏ hoàn toàn có khả năng cải thiện ngôn ngữ, giao tiếp hiệu quả, phát triển toàn diện hơn.

Ai cần test chậm nói?

Như đã chia sẻ, trẻ nhỏ từ ngay những tháng đầu đời đã có sự phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp. Chính vì thế mà việc hỗ trợ đánh giá và thực hiện bài test chậm nói cho trẻ cũng có thể được tiến hành ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Theo đó, dựa vào bảng đánh giá ASQ-3 thì trẻ từ 1 tháng tuổi đến 66 tháng tuổi đã có thể thực hiện bài test để kiểm tra về mức độ phát triển ngôn ngữ, kịp thời nhận biết tình trạng chậm nói ở giai đoạn sớm. Các bậc phụ huynh nếu cảm thấy khi ngờ về khả năng tiếp nhận, sử dụng ngôn ngữ lời nói ở trẻ thì có thể dễ dàng đánh giá dựa vào bài test ASQ-3 theo từng độ tuổi khác nhau.

Một đứa trẻ được xác định là chậm nói khi trẻ không thể đạt được mốc phát triển ngôn ngữ chung của từng giai đoạn, độ tuổi. Chậm nói thường được chia thành 2 dạng cơ bản đó chính là trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ chậm nói tự kỷ.

Ở mỗi loại chậm nói sẽ có những đặc điểm, tính chất và cách can thiệp phù hợp. Đối với những trẻ chỉ chậm nói đơn thuần thì có thể dễ dàng khắc phục tốt bằng những biện pháp tại nhà và trẻ hoàn toàn có khả năng phát triển ngôn ngữ sau khi lớn lên.

Bài Test trẻ chậm nói
Ba mẹ, người chăm sóc hoặc bác sĩ chuyên khoa có thể là người trực tiếp thực hiện bài test chậm nói cho trẻ.

Tuy nhiên, đối với trẻ chậm nói do tự kỷ thì cần được áp dụng các biện pháp chuyên sâu hơn và phải kiên trì trong thời gian dài. Thực tế, các khiếm khuyết do tự kỷ gây ra khó có thể khắc phục triệt để, tuy nhiên việc áp dụng sớm các phương pháp can thiệp sẽ giúp trẻ dần cải thiện và nâng cao tốt kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp linh hoạt và hòa nhập tốt hơn.

Chính vì thế, việc nhận biết và đánh giá sàng lọc chậm nói ngay từ những năm tháng đầu đời đóng vai trò quan trọng. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu và thực hiện khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi trẻ mà ba mẹ nên lựa chọn các bộ câu hỏi phù hợp. Bộ test ASQ-3 gồm có tổng cộng 21 câu hỏi được phân chia thành nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến các hoạt động đời sống thường ngày của trẻ nhỏ.

Mặc dù bài test này hướng đến việc phát hiện sớm tình trạng chậm nói ở trẻ dưới 66 tháng tuổi nhưng đối tượng thực hiện sẽ là ba mẹ, người chăm sóc chính của trẻ, giáo viên hỗ trợ hoặc các chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn. Nếu chỉ đánh giá riêng về tình trạng chậm nói của trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần quan sát và chú ý về những hành vi, lời nói, cách giao tiếp để có thể thực hiện bài test một cách chính xác nhất.

Nội dung bài test ASQ-3 giúp phát hiện, sàng lọc trẻ chậm nói hiệu quả

Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh nên lựa chọn bộ câu hỏi ASQ-3 phù hợp với trẻ. Bài test trẻ chậm nói sẽ được chia theo từng giai đoạn khác nhau, tương ứng với từng mốc phát triển chung của trẻ từ 1 đến 66 tháng tuổi.

Bài Test trẻ chậm nói
Bài test ASQ-3 được chia thành nhiều bộ câu hỏi tương ứng với từng độ tuổi khác nhau của trẻ.

Cụ thể các bộ câu hỏi cần được thực hiện để đánh giá nguy cơ chậm nói của trẻ qua từng giai đoạn như sau:

Đối với trẻ từ 0 tháng đến dưới 3 tháng tuổi

  • Trẻ hoàn toàn không biết cách tạo ra các âm thanh đơn giản?
  • Khi có nhu cầu cá nhân như đói, muốn đi vệ sinh, muốn chơi,…trẻ đều không biết cách thể hiện?
  • Khi có tiếng động, âm thanh lớn trẻ cũng không có bất kỳ phản ứng nào như chớp mắt, giật mình, quay đầu tìm kiếm?

Đối với trẻ từ 3 tháng đến 6 tháng 

  • Trẻ có phát ra các âm thanh khi nhìn thấy người quen hoặc những món đồ mà mình yêu thích không?
  • Trẻ có ngừng khóc khi nghe thấy các âm thanh, tiếng động, giọng nói nào khác không?
  • Trẻ có cười thành tiếng không?

Đối với trẻ 6 tháng đến 9 tháng 

  • Khi một người nào đó bắt chước âm thanh của trẻ, trẻ có xu hướng lặp lại âm thanh đó không?
  • Trẻ có phản ứng khi nghe thấy âm thanh hay tiếng động mạnh không?
  • Trẻ có bắt đầu tự tạo ra các âm thanh đơn giản như “ba”, “ma” không?

Đối với trẻ từ 9 tháng đến 12 tháng tuổi

  • Khi có tiếng động mạnh xuất hiện, trẻ có xu hướng quay đầu lại tìm kiếm không?
  • Trẻ có những hành động của mình lại khi bạn nói “không” không?
  • Trẻ có tạo ra các âm thanh như “baba”, “nana”, “gaga”, “mama” không?

Đối với trẻ từ 12 tháng đến 23 tháng tuổi

  • Trẻ có biết thực hiện và làm theo các yêu cầu đơn giản không? Chẳng hạn như “Lấy cho mẹ con gấu bông”.
  • Trẻ có biết sử dụng các cử chỉ giao tiếp như lắc đầu, gật đầu, dùng tay để chỉ đồ vật không?
  • Ngoài các âm thanh đơn giản như “baba”, “mama”, trẻ có nói được bất kỳ từ ngữ nào nữa không?

Đối với trẻ từ 24 tháng đến 35 tháng tuổi

  • Trẻ có biết thực hiện theo các hướng dẫn, yêu cầu đơn giản không? Chẳng hạn như khoanh tay, xoay vòng.
  • Vốn từ của trẻ có phong phú không? Trẻ có thể nói và sử dụng tốt các cụm từ, câu hoàn chỉnh từ 2 đến 3 từ không?
  • Khi được đặt ra câu hỏi về các đồ vật, con vật trong tranh ảnh, trẻ có hiểu và chỉ đúng không?

Đối với trẻ từ 36 tháng đến 47 tháng tuổi 

  • Trẻ có thể phân biệt và chỉ tay chính xác vào các bộ phận của cơ thể không?
  • Trẻ có thể nói và ghép từ thành câu có nghĩa, sử dụng đúng với hoàn cảnh không?
  • Trẻ có biết giới thiệu tên, tuổi của mình không?

Đối với trẻ từ 48 tháng đến 59 tháng tuổi

  • Trẻ có biết phân biệt và kể tên đúng các con vật cùng nhóm, đồ vật, cùng nhóm không? Chẳng hạn như con mèo, con chó, con bò, con heo là động vật bốn chân.
  • Trẻ có biết mô tả về tối thiểu 2 đặc điểm của đồ vật, con vật không? Chẳng hạn như cái bàn dài và rộng.
  • Trẻ có sử dụng được các từ ngữ để chỉ thời gian, số lượng không? Chẳng hạn như 3 con mèo, sáng nay,…

Đối với trẻ từ 60 tháng đến 66 tháng tuổi 

  • Trẻ có hiểu và biết sử dụng các từ ngữ so sánh không? Chẳng hạn như Con chó to hơn con mèo.
  • Trẻ có thực hiện đúng theo các thứ tự khi được hướng dẫn không? Chẳng hạn như Đánh răng, rửa mặt, lên giường, đắp chăn và đi ngủ.
  • Trẻ có thể nói được những câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ không? Chẳng hạn như “Con mới đi học về”.

Sau khi thực hiện bài test, nếu 2 trong 3 câu trả lời là “không” thì nhiều khả năng trẻ đang bị chậm nói, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ đang bị hạn chế hơn so với mức bình thường. Trẻ cần được tiến hành thăm khám trực tiếp để tìm hiểu về nguyên nhân, từ đó áp dụng tốt các biện pháp can thiệp phù hợp để giúp trẻ cải thiện, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, giao tiếp tự tin hơn.

Cách hỗ trợ trẻ chậm nói hiệu quả ba mẹ cần biết

Trẻ chậm nói có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với các tình trạng trẻ chậm nói đơn thuần thì có thể dễ dàng khắc phục và kích thích ngôn ngữ ở trẻ bằng các biện pháp đơn giản. Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm nói đến từ các vấn đề nghiêm trọng khác như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, các khiếm khuyết về bộ phận phát âm, thính giác thì cần được hỗ trợ chuyên khoa và kiên trì lâu dài hơn.

Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi trẻ nhỏ mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ khắc phục khác nhau. Phần lớn những trẻ chậm nói sẽ được áp dụng các biện pháp trị liệu ngôn ngữ, thực hiện các bài tập cơ miệng, chăm sóc tâm lý để kích thích ngôn ngữ, điều chỉnh phát âm và kiểm soát tốt tinh thần cho trẻ.

Bài Test trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói cần được tăng cường giao tiếp, trò chuyện trực tiếp cùng ba mẹ, người thân.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của gia đình cũng đóng vai trò to lớn và quan trọng đối sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Chính vì thế, khi nhận thấy con có dấu hiệu chậm nói, các bậc phụ huynh cũng nên nhanh chóng tìm hiểu thông tin hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm về các biện pháp hỗ trợ tại nhà cho trẻ.

Để hỗ trợ cải thiện tình trạng chậm nói cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp đơn giản sau:

  • Trẻ chậm nói cần được tạo thêm nhiều điều kiện để tham gia và tiếp xúc với các môi trường bên ngoài. Việc được khám phá và quan sát những điều thú vị, mới mẻ xoay quanh cuộc sống sẽ giúp trẻ nhỏ kích thích khả năng ngôn ngữ, tư duy, nhận thức và trở nên tự tin, dạn dĩ hơn.
  • Ba mẹ nên dành nhiều thời gian bên cạnh con để trò chuyện, vui đùa cùng con. Khi giao tiếp với trẻ, hãy chú ý sử dụng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, đồng thời cách nói cần ngắn gọn, phát âm chuẩn để trẻ có thể học hỏi theo.
  • Cho trẻ tiếp xúc với nhiều sách vở cũng là một trong những cách hiệu quả thường được các chuyên gia khuyến khích áp dụng cho trẻ chậm nói. Mặc dù trẻ vẫn chưa biết đọc nhưng thông qua các kể chuyện và chỉ dẫn của ba mẹ cùng với việc quan sát các hình ảnh, tranh vẽ minh họa cũng giúp trẻ ghi nhớ, phát triển ngôn ngữ hiệu quả.
  • Âm nhạc là lựa chọn hoàn hảo cho những gia đình đang có con bị chậm nói. Việc để trẻ thường xuyên nghe nhạc sẽ kích thích kỹ năng chủ động nghe của trẻ, đồng thời giúp trẻ tiếp nhận ngôn ngữ và gia tăng vốn từ một cách tự nhiên nhất.
  • Ba mẹ cũng nên dạy trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ bằng các hoạt động hàng ngày. Hãy chỉ cho con cách gọi tên những đồ vật quen thuộc trong nhà, hướng dẫn con nói lên nhu cầu của bản thân và chờ đợi sự phản hồi khi đặt ra yêu cầu cho con.
  • Hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại, tivi, iPad bởi đây chính là một trong các nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ em hiện nay rơi vào trạng thái chậm nói, khó phát triển ngôn ngữ.
  • Trẻ chậm nói cũng cần được chú ý và nâng cao về chế độ dinh dưỡng, bổ sung nhiều thực phẩm chứa nhiều Omega-3, vitamin, khoáng chất, protein có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là não bộ.

Qua bài viết này, bạn đọc đã biết thêm thông tin về bài test trẻ chậm nói giúp các bậc phụ huynh sớm phát hiện được tình trạng của mỗi trẻ nhỏ ở từng giai đoạn. Ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói, ba mẹ nên thực hiện bài đánh giá để kịp thời can thiệp, áp dụng tốt các biện pháp kích thích ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *