Hội chứng ADHD ở người lớn (rối loạn tăng động giảm chú ý)

Hội chứng ADHD ở người lớn (rối loạn tăng động giảm chú ý) đặc trưng bởi tình trạng giảm chú ý, khó khăn khi tập trung, bốc đồng và thiếu sự suy xét trong hành vi, lời nói,… So với trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 4 – 5% dân số nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và các khía cạnh của cuộc sống. 

Hội chứng ADHD ở người lớn
Hội chứng ADHD không chỉ gặp ở trẻ em mà còn có thể gặp ở người lớn (chiếm 4 – 5% dân số)

Hội chứng ADHD ở người lớn là gì?

ADHD ở người lớn (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) hay còn được biết đến với tên gọi là hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Hội chứng này thực chất là một dạng rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm trong những năm đầu đời (thường là trước 12 tuổi). Bệnh đặc trưng bởi tình trạng giảm chú ý, khó khăn để duy trì sự tập trung, tăng động, hấp tấp, thiếu sự suy xét trong hành vi/ lời nói,…

Hội chứng ADHD gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ và các triệu chứng thường thuyên giảm khi trưởng thành. Tuy nhiên, khoảng 30 – 50% trường hợp bệnh có thể kéo dài sau tuổi 20. Do đó, người lớn cũng có thể mắc hội chứng ADHD. Ở người trưởng thành, các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường không rõ ràng nên dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, khoảng 4 – 5% người trưởng thành ở Mỹ mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Các triệu chứng của bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng đáng kể về sức khỏe tinh thần, thể chất, nghề nghiệp và các mối quan hệ. Hầu hết bệnh nhân không được thăm khám – điều trị đều rất khó có thể duy trì cuộc sống như bình thường.

Một thách thức khác ở người lớn mắc hội chứng ADHD là thường xảy ra đồng thời với các bệnh lý tâm thần như rối loạn loạn thần, tâm thần phân liệt, rối loạn phát triển lan tỏa, rối loạn nhân cách,… Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân gây hội chứng ADHD ở người lớn

Tương tự như ở trẻ em, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ADHD ở người lớn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, hội chứng này được cho là có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Bất thường về gen
  • Giải phẫu não bộ bất thường
  • Môi trường sống

Đa phần những trường hợp mắc ADHD ở tuổi trưởng thành đều tiến triển từ chứng rối loạn tăng động giảm chú ý từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp triệu chứng chỉ xảy ra khi bước sang tuổi trưởng thành. Ngoài ra, một số trẻ có thể bộc lộ biểu hiện của ADHD trong thời thơ ấu nhưng gia đình và nhà trường không phát hiện sớm mà cho rằng đây là biểu hiện của trẻ lười biếng, IQ thấp,…

Dấu hiệu của hội chứng ADHD ở người lớn

Tương tự như trẻ nhỏ, hội chứng ADHD ở người lớn cũng đặc trưng bởi tình trạng giảm chú ý và tăng mức độ xung động. Tuy nhiên, các triệu chứng ở người lớn thường không rõ rệt và dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác. Ngoài ra, mức độ triệu chứng và ảnh hưởng đối với cuộc sống cũng có sự khác biệt ở từng bệnh nhân.

Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp ở người lớn:

1. Khó tập trung và duy trì sự tập trung lâu dài

Khó tập trung và duy trì sự tập trung là biểu hiện điển hình của hội chứng ADHD. Ở trẻ nhỏ, biểu hiện này có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên ở người trưởng thành, đa phần bệnh nhân vẫn có thể tập trung khi thực hiện một số nhiệm vụ và hoạt động mà bản thân yêu thích nhưng khó khăn trong việc tập trung và duy trì sự tập trung đối với những nhiệm vụ không mang lại cảm giác thú vị.

Dấu hiệu ADHD ở người lớn
Người mắc hội chứng ADHD rất khó tập trung vào công việc, đặc biệt là những nhiệm vụ không mang lại cảm giác thú vị

Người lớn mắc hội chứng ADHD dễ bị xao nhãng, thường nhảy từ việc này sang việc khác nhưng hầu như không có kết quả và dễ bị nhàm chán. Các triệu chứng khó tập trung thường không được chú ý bằng các triệu chứng tăng động, bốc đồng. Nhiều người cho rằng, tình trạng giảm chú ý là một phần của tính cách nên hiếm khi tiến hành thăm khám và điều trị.

  • Khó khăn trong việc chú ý, đặc biệt là khi lắng nghe lời nói của người khác, đọc sách, đọc báo,…
  • Dễ bị xao nhãng bởi những sự kiện mà người khác thường lờ đi như tiếng động nhỏ, tiếng gió, trời mưa,…
  • Xuất hiện nhiều dòng suy nghĩ cùng một lúc và rất khó để tập trung vào 1 suy nghĩ riêng biệt
  • Thường mơ màng, khuôn mặt luôn thể hiện rõ sự thiếu tập trung mà người khác có thể nhận thấy
  • Khả năng lắng nghe kém nên hầu như không nhớ kỹ hướng dẫn của cấp trên hay những cuộc hội thoại với người khác
  • Rất khó khăn để có thể hoàn thành nhiệm vụ dù là những việc rất đơn giản
  • Thường xuyên mắc lỗi và không hoàn thành được công việc do có xu hướng bỏ qua những chi tiết trong lời nói của đồng nghiệp
  • Dễ bị nhàm chán và thường tìm kiếm các trải nghiệm, công việc mới.

2. Hay quên, vô tổ chức

Ngoài tình trạng giảm chú ý và khó duy trì sự tập trung, hội chứng ADHD ở người lớn còn đặc trưng bởi tình trạng hay quên và lối sống vô tổ chức. Khác với rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ, ADHD ở người trưởng thành gây đảo lộn, cản trở cuộc sống và có một số vấn đề vượt xa ngoài tầm kiểm soát. Vì lối sống vô tổ chức cộng với khả năng tập trung kém, hay bỏ qua những chi tiết quan trọng, người mắc chứng bệnh này phải đối mặt với rất nhiều phiền toái và có nguy cơ thất nghiệp cao.

Hội chứng ADHD ở người lớn
Hội chứng ADHD ở người lớn còn đặc trưng bởi lối sống vô tổ chức, nhà cửa và phòng làm việc luôn bừa bộn
  • Kỹ năng tổ chức rất kém bao gồm cả việc làm, việc nhà, nơi ở thường bừa bộn, lười dọn dẹp, rất hiếm khi hoàn thành công việc một cách chỉn chu do không biết cách sắp xếp và lên kế hoạch chi tiết.
  • Thường trì hoãn bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ, công việc
  • Thường xuyên trễ hẹn
  • Khó khăn khi bắt đầu và kết thúc nhiệm vụ/ công việc
  • Hay quên những việc quan trọng như deadline công việc, giờ gặp gỡ với bạn bè, các cuộc hẹn quan trọng,…
  • Người bệnh thường xuyên làm mất các đồ đạc cá nhân như hóa đơn, tài liệu, chìa khóa, ví bóp, điện thoại,…
  • Gần như không thể dự trù chính xác khoảng thời gian cho một việc gì đó

3. Bốc đồng, hành động một cách bộc phát

Bốc đồng là nhóm triệu chứng của ADHD dễ nhận biết nhất. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng xuất hiện nhóm triệu chứng này. Nhóm triệu chứng bốc đồng bao gồm các biểu hiện thể hiện sự hấp tấp, thiếu thấu đáo của người bệnh. Người bệnh thường hành động, phản ứng mà không suy xét kỹ, thường cắt ngang lời nói của người khác, thiếu tính kiên nhẫn và khó khăn trong việc bộc lộ hành vi của bản thân.

  • Có thói quen nói leo hoặc cắt ngang lời nói của người khác
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân và thường có xu hướng sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá,…
  • Có nhiều hành động bộc phát mà không suy xét đến hậu quả nghiêm trọng
  • Thường có những lời nói có tính chất thô lỗ, không phù hợp với ngữ cảnh do thói quen nói trước khi suy nghĩ
  • Thường xuyên gặp phải vấn đề về các tình huống xã hội do không suy xét kỹ lưỡng về hành vi, lời nói và phản ứng

4. Khó khăn về bộc lộ, kiểm soát cảm xúc

Ngoài các triệu chứng điển hình, rối loạn tăng động giảm chú ý cũng gây khó khăn trong việc bộc lộ và kiểm soát cảm xúc. Đa phần người lớn mắc hội chứng này đều khó kiểm soát được sự bực tức, giận dữ và lòng tự trọng thấp. So với trẻ nhỏ, tâm lý của người lớn phức tạp hơn và có xu hướng căng thẳng, lo âu do nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, thường xuyên mắc phải sai lầm khi làm việc,…

  • Thiếu sự tự tin, lòng tự trọng thấp
  • Nhạy cảm và dễ căng thẳng với những lời phê bình của người khác
  • Thường trực sự bực bội, khó chịu và dễ bị căng thẳng
  • Khó duy trì động lực, dễ nản chí

5. Tăng hoạt động (tăng động)

Hội chứng ADHD ở người lớn cũng có triệu chứng tăng động như trẻ nhỏ, cơ thể luôn trong trạng thái hoạt động và dồi dào năng lượng. Tuy nhiên so với trẻ nhỏ, biểu hiện tăng động ở người lớn sẽ giảm đi về mức độ nên những người xung quanh khó có thể phát hiện ra dấu hiệu bất thường.

tăng động ở người lớn
Người bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường cảm thấy khó chịu khi phải ngồi yên 1 chỗ
  • Luôn thèm muốn sự hào hứng, thú vị và rất dễ bị nhàm chán
  • Luôn cảm thấy không thể ngồi yên 1 chỗ
  • Thường ngọ nguậy chân tay và gần như không thể ngồi yên (trong một số hoàn cảnh, bệnh nhân phải giữ tư thế ngồi yên như khi đến nhà thờ, buổi họp quan trọng nhưng sẽ luôn có cảm giác bồn chồn, khó chịu)
  • Nói rất nhiều gây phiền nhiễu đến những người xung quanh
  • Thường làm nhiều việc cùng một lúc

Có thể thấy, hội chứng ADHD ở người lớn có biểu hiện rất đa dạng và mức độ triệu chứng cũng có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Do khả năng kiểm soát cảm xúc kém, khó tập trung, hay quên, tăng động và vô tổ chức, người mắc chứng bệnh này gặp không ít phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa vì thiếu tính kiên nhẫn và không nghiêm khắc với bản thân nên nhiều người bệnh hình thành lối sống thiếu khoa học, tham gia tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Ảnh hưởng của hội chứng ADHD ở người lớn

Hội chứng ADHD ở người lớn gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trẻ nhỏ mắc chứng bệnh này chịu sự quản lý của gia đình nên ảnh hưởng lớn nhất là khả năng phát triển và kết quả học tập. Tuy nhiên ở người lớn, ADHD gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống. Người mắc chứng bệnh này thường có tính cách khó chịu, hay tức giận nên khó có bạn bè thân thiết và thường không giữ được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình.

ADHD có chữa được không
Hội chứng ADHD ở người lớn gây ra nhiều vấn đề về tài chính, bệnh nhân dễ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu

Nếu không được điều trị, rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn có thể gây ra một số ảnh hưởng sau:

  • Vấn đề tài chính: Tài chính là vấn đề lớn mà người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý phải đối mặt. Vì không hoàn thành công việc tốt nên đa phần người mắc chứng bệnh này đều khó thăng tiến trong sự nghiệp, thường xuyên thay đổi công việc do nhàm chán,… Tài chính không ổn định khiến bệnh nhân không có tiền tích lũy, dễ rơi vào cảnh túng thiếu và nợ nần.
  • Sức khỏe thể chất, tinh thần: Lối sống vô tổ chức và thiếu sự nghiêm khắc với bản thân khiến người mắc chứng ADHD dễ rơi vào cuộc sống thiếu lành mạnh, ăn uống không kiểm soát, nghiện rượu bia, chất kích thích,… Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này cũng dễ bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm do nhạy cảm với những lời phê bình từ những người xung quanh và phải đối mặt với nhiều sai lầm mà bản thân gây ra trong công việc.
  • Khó duy trì các mối quan hệ: Vì đặc điểm tính cách khó chịu, hay tức giận, lối sống vô tổ chức và lộn xộn nên người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khó có thể duy trì các mối quan hệ thân thiết. Hầu hết người mắc chứng bệnh này đều không kết hôn hoặc ly hôn/ ly thân sau một thời gian chung sống.

Về cơ bản, rối loạn tăng động giảm chú ý gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống. Tuy nhiên, người mắc chứng bệnh này cũng một số ưu điểm như năng lượng dồi dào, khả năng sáng tạo cao, ít suy nghĩ theo lối mòn,… Nếu can thiệp điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể chế ngự những triệu chứng tiêu cực và phát huy thế mạnh của bản thân.

Chẩn đoán hội chứng ADHD ở người lớn

Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn khó nhận biết hơn so với trẻ nhỏ. Đa phần người bệnh và những người xung quanh đều nhầm tưởng đây là đặc điểm tính cách. Thống kê cho thấy, hầu hết bệnh nhân ADHD đến thăm khám khi có biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm và căng thẳng mãn tính.

Các bước chẩn đoán hội chứng ADHD ở người lớn bao gồm:

  • Khai thác tiền sử thất bại trong công việc hoặc học tập
  • Thường xuyên bị tai nạn xe cộ do khả năng tập trung kém
  • Khai thác tiền sử hành vi từ thời thơ ấu để xác định các triệu chứng ADHD đã khởi phát từ sớm
  • Đánh giá tâm lý

Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt với các rối loạn tâm thần gây ra những triệu chứng tương tự. Đối với những người có biểu hiện ADHD từ thời thơ ấu, bệnh nhân có thể phát triển cùng với một số rối loạn tâm thần khác như rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Những trường hợp này có sự chồng chéo giữa các triệu chứng nên chẩn đoán thường gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn so với bệnh nhân mắc ADHD đơn độc.

Các điều trị ADHD ở người lớn

Hội chứng ADHD ở người lớn khó có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, điều trị có thể giảm các triệu chứng tiêu cực do hội chứng này gây ra, đồng thời giúp bệnh nhân phát triển thế mạnh của bản thân nhằm đạt được thành tựu trong sự nghiệp, ổn định tài chính và duy trì cuộc sống một cách bình thường.

Tương tự như rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em, hội chứng ADHD ở người lớn sẽ được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu. Đa phần các trường hợp sẽ được điều trị kết hợp để đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thực hiện một số biện pháp tự cải thiện và cần nỗ lực lâu dài để vượt qua chứng bệnh này.

1. Điều trị bằng thuốc

Hóa dược là lựa chọn hàng đầu khi điều trị hội chứng ADHD ở người lớn. Các loại thuốc được sử dụng đều tác động đến chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó cải thiện các rối loạn về mặt cảm xúc, hành vi,…

thuốc trị ADHD ở người lớn
Sử dụng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng do hội chứng ADHD ở người lớn gây ra

Các loại thuốc được sử dụng cho người lớn mắc hội chứng ADHD bao gồm:

  • Thuốc kích thích thần kinh trung ương: Là lựa chọn ưu tiên khi điều trị ADHD, trong đó thường dùng nhóm Methylphenidate (Ritalin, Concerta, Metadate ER,…) hoặc Dextroamphetamine (Lisdexamfetamine, Dextrostat, Dexedrin,…). Nhóm thuốc này có đáp ứng tốt (khoảng 80 – 90%) nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như giảm vị giác, sụt cân, loạn nhịp tim, đau bụng, bồn chồn, mất ngủ, rối loạn TIC, nổi mẩn ngứa,…
  • Các loại thuốc không kích thần: Một số bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc không kích thần bao gồm Clonidine, Venlafaxine, Bupropion, Atomoxetine,… Tuy nhiên trước khi chỉ định nhóm thuốc này, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn trạng cơ thể bao gồm cả chiều cao, cân nặng và huyết áp để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
  • Các loại thuốc khác: ADHD ở người lớn thường đi kèm với trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu,… Do đó ngoài 2 nhóm thuốc trên, bệnh nhân có thể được chỉ định thêm thuốc chống trầm cảm và thuốc điều chỉnh khí sắc tùy theo trường hợp cụ thể.

Sử dụng thuốc có thể cải thiện triệu chứng tăng động, giảm chú ý, bốc đồng và cân bằng cảm xúc ở bệnh nhân mắc rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, dùng thuốc luôn tiềm ẩn rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, bệnh nhân cần phải được hướng dẫn cách nhận biết tác dụng phụ để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị hội chứng ADHD ở người lớn. Thực tế, việc dùng thuốc chỉ có thể giảm triệu chứng, hoàn toàn không thay đổi được cách nhìn nhận, tư duy và hành vi của người bệnh. Do đó song song với sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ được can thiệp tâm lý trị liệu.

Mục tiêu của tâm lý trị liệu là giúp bệnh nhân trang bị những kỹ năng cần thiết để quản lý thời gian, hoàn thành các nhiệm vụ một cách có kế hoạch, học cách chế ngự cảm xúc, hạn chế tình trạng trễ nải trong công việc và các cuộc hẹn. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp bệnh nhân học cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè.

trị tâm lý với bệnh nhân ADHD
Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa ADHD ở người lớn mang lại hiệu quả cao, giúp họ kiểm soát cảm xúc, cân bằng các mối quan hệ trong cuộc sống.

Trị liệu tâm lý đặc biệt có vai trò quan trọng với bệnh nhân ADHD có biểu hiện trầm cảm và rối loạn lo âu. Sau khi trang bị những kỹ năng cần thiết, nhà trị liệu sẽ xây dựng chiến lược dài hạn với mục đích giúp bệnh nhân tìm kiếm niềm vui trong công việc, tránh tình trạng nhàm chán và thiếu động lực. Đây là bước rất quan trọng để người bệnh có thể bình thường hóa cuộc sống, duy trì công việc lâu dài và tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng ADHD:

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi: Liệu pháp này là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất trong những năm gần đây. Mục tiêu của liệu pháp là giúp bệnh nhân quản lý các triệu chứng của ADHD, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng đối với công việc, các mối quan hệ, tài chính,… Ngoài ra, liệu pháp nhận thức – hành vi còn trang bị cho bệnh nhân những kỹ năng sống cần thiết.
  • Liệu pháp gia đình: Liệu pháp gia đình được thực hiện với bệnh nhân và những người thân trong gia đình. Mục tiêu đầu tiên của liệu pháp này là cải thiện mối quan hệ giữa người bệnh và gia đình, từ đó tạo chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân khi gặp phải những vấn đề trong cuộc sống. Khi tham gia trị liệu, gia đình cũng sẽ hiểu rõ hơn về cảm xúc, hành vi, cách phản ứng của bệnh nhân, qua đó có sự đồng cảm, chia sẻ thay vì chỉ trích như trước đây.

3. Các biện pháp tự cải thiện

Khác với trẻ nhỏ, người lớn mắc chứng ADHD đã phát triển toàn diện về nhận thức nên có thể thực hiện một số biện pháp tự cải thiện bên cạnh các phương pháp chuyên sâu. Những biện pháp này phần nào có thể giảm thiểu phiền toái trong cuộc sống, giúp bệnh nhân hoàn thành công việc một cách chỉn chu và xây dựng lối sống có tổ chức.

tự chữa ADHD tại nhà
Lên kế hoạch làm việc khoa học sẽ giúp bệnh nhân hoàn thành công việc một cách chỉn chu, tránh tình trạng trễ nải và sai sót

Các biện pháp tự cải thiện hội chứng ADHD ở người trưởng thành:

  • Nên lập danh sách những việc cần phải thực hiện trong ngày để hoàn thành từng nhiệm vụ một, tránh tình trạng làm cùng lúc nhiều việc nhưng không có việc nào hoàn thành. Ban đầu, bệnh nhân chỉ nên lập kế hoạch với các công việc quan trọng, sau đó có thể thêm vào một số hoạt động thứ yếu như dọn dẹp nhà cửa, gặp gỡ bạn bè, chăm sóc cây cối,…
  • Chia sẻ vấn đề sức khỏe với người thân, bạn bè và đồng nghiệp để nhận được sự hỗ trợ. Khi hiểu rõ hội chứng ADHD, những người xung quanh sẽ dành sự quan tâm nhất định dành cho người bệnh và giảm thiểu những lời phê bình, chỉ trích như trước đây. Sự hỗ trợ của những người xung quanh sẽ giúp người bệnh có động lực trong cuộc sống và nỗ lực vượt qua chứng bệnh này.
  • Dành thời gian tập thể dục mỗi ngày. Ngoài tác dụng cải thiện sức khỏe, hoạt động thể chất còn có thể nâng cao khả năng tập trung, ghi nhớ và kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh để nâng cao thể trạng và cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động trong ngày. Bản thân người mắc hội chứng ADHD luôn tràn trề năng lượng và tăng các hoạt động nên dễ bị sụt cân, suy nhược nếu không ăn uống điều độ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bổ sung một số loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng như sữa chua, trái cây, rau xanh, các loại hạt,…
  • Ngủ đủ giấc có thể gia tăng khả năng tập trung cho người lớn mắc hội chứng ADHD. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng giấc ngủ còn giúp bệnh nhân giảm thiểu những ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Hội chứng ADHD khiến bệnh nhân rất khó tập trung khi giao tiếp với người khác. Để cải thiện tình trạng này, hãy tập nói chuyện với người thân và bạn bè. Hoặc có thể dành thời gian đọc sách báo nhằm gia tăng khả năng tập trung và chú ý.
  • Thiền định có thể giúp bệnh nhân ADHD kiểm soát cảm xúc, giải tỏa căng thẳng và học cách suy nghĩ thấu đáo trước khi nói chuyện, hành động. Ngoài ra, ngồi thiền cũng có thể cải thiện giấc ngủ và mang lại nguồn năng lượng dồi dào khi làm việc.

Hội chứng ADHD ở người lớn ít gặp hơn ở trẻ em nhưng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống. Dù điều trị còn khá nhiều thách thức nhưng đa phần những trường hợp tích cực chữa trị và chăm sóc đúng cách có thể ổn định cuộc sống, hạn chế những triệu chứng tiêu cực và phát huy được thế mạnh của bản thân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

  1. Hà Vũ says: Trả lời

    Xin hỏi địa chỉ khám tăng động giảm chú ý cho người lớn ở đâu? Cháu nhà tôi 20 tuổi, đã có tiền sử bị tăng động từ nhỏ (có kết luận của bác sỹ), thời gian này cháu có hiểu triệu chứng nặng hơn nên tôi muốn cho cháu ddI khám để được tư vấn điều trị tốt nhất! Xin cảm ơn!

  2. Lương Thị Kiên says: Trả lời

    Tôi rất cần tư vấn về bệnh ADHD

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *