Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em: Cách chung sống và chữa trị

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ở trẻ em là hội chứng tương đối ít gặp. Nếu khởi phát sớm (trước 15 tuổi), chứng bệnh này thường có tiến triển nặng, phức tạp và tiên lượng xấu. Do đó, gia đình cần phát hiện và cho trẻ điều trị sớm để phòng ngừa những ảnh hưởng và biến chứng nặng nề.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) rất ít khi khởi phát ở trẻ em nhưng nếu khởi sớm, bệnh thường có tiên lượng xấu và tiến triển phức tạp

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em là bệnh gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder – OCD) là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn lo âu. Hội chứng này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như rối loạn ám ảnh cưỡng bức và rối loạn ám ảnh nghi thức. Thông thường, OCD khởi phát trong giai đoạn từ 15 – 25 tuổi nhưng cũng có những trường hợp khởi phát sớm.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ý nghĩ một cách cưỡng bức, có tính chất lặp đi lặp lại tạo ra sự ám ảnh. Điều này thôi thúc người bệnh thực hiện các hành vi/ nghi thức không theo chủ đích. Những hành vi này có thể không cần thiết và thừa thãi nhưng bệnh nhân không thể chống lại và bắt buộc phải thực hiện để giải tỏa cảm giác khó chịu, lo âu và căng thẳng quá độ.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em có biểu hiện tương tự như người trưởng thành. Thậm chí biểu hiện còn dễ nhận biết hơn do hội chứng này khiến trẻ hình thành tính cách kỹ lưỡng và sạch sẽ quá mức so với độ tuổi. OCD là hội chứng tương đối hiếm gặp, chiếm khoảng 0.05 – 1% dân số thế giới. Ở trẻ nhỏ, tỷ lệ mắc bệnh khá thấp và thường gặp nhiều hơn ở bé trai (chiếm khoảng 70% các ca mắc bệnh).

Chứng bệnh này khiến trẻ luôn ở trong trạng thái lo âu, căng thẳng. Đối với những trường hợp khởi phát bệnh sớm, OCD còn ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần. Do đó, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con trẻ bên cạnh sự phát triển về thể chất.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ở trẻ em

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là hội chứng tương đối ít gặp và số trẻ mắc bệnh chiếm tỷ lệ rất thấp. Mặc dù đã được nghiên cứu nhiều nhưng hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Các nguyên nhân, yếu tố được đưa ra đều chỉ nằm trong giả thuyết. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, OCD ở trẻ em là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố sinh học và tác động từ môi trường:

1. Bất thường về cấu trúc não bộ

Não bộ chi phối hoạt động của các tất cả cơ quan trong cơ thể, đồng thời điều khiển cảm xúc, tư duy, nhận thức và hành vi. Khi nghiên cứu não bộ của người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thông qua chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), CT và MRI, các chuyên gia nhận thấy, thùy trán và các hạch đáy não tăng hoạt động, nhân đuôi 2 bên giảm kích thước,…

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Sự bất thường về cấu trúc não bộ là một trong những yếu tố gây ra hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Nghiên cứu này cho thấy bằng chứng rõ rệt về vai trò của cấu trúc não bộ trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tuy nhiên để đưa ra khẳng định, các chuyên gia cần phải nghiên cứu thêm.

2. Di truyền và yếu tố gia đình

Trẻ được sinh ra bởi bố mẹ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Theo các chuyên gia, gen quy định cấu trúc não bộ và sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể. Khi thừa hưởng gen từ người bệnh, trẻ sẽ sở hữu cấu trúc não bộ, ngưỡng chịu đựng stress và cách đáp ứng với stress tương tự. Do đó, nguy cơ mắc chứng OCD ở trẻ có thể tăng lên gấp 4 lần khi bố hoặc mẹ mắc chứng bệnh này.

Thực tế cũng cho thấy, rối loạn lo âu nói chung và rối loạn ám ảnh cưỡng chế nói riêng đều có tính chất di truyền ở các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, trẻ cũng có thể bị rối loạn ám ảnh nghi thức khi sinh sống với người mắc bệnh trong thời gian dài dù không cùng huyết thông. Bởi trong quá trình phát triển nhận thức, trẻ có thể học theo cách suy nghĩ, hành vi và hình thành cách cư xử tương tự người bệnh.

3. Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh

Chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ chịu trách nhiệm truyền tín hiệu đến các cơ quan, điều chỉnh các chức năng cần thiết, kiểm soát tâm trạng và kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Đối với người mắc các rối loạn tâm lý nói chung và OCD nói riêng, nồng độ chất dẫn truyền thần kinh thường bị mất cân bằng.

Ở trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các chuyên gia nhận thấy nồng độ serotonin giảm đi đáng kể và có hiện tượng tăng nhạy cảm đối với chất dẫn truyền thần kinh này. Serotonin giữ chức năng điều chỉnh nhận thức, gia tăng trí nhớ, mang lại cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn và điều phối nhiều quá trình sinh lý bên trong cơ thể.

Sự sụt giảm đáng kể của serotonin có thể gây ra bất thường về mặt cảm xúc. Ngoài chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nồng độ serotonin suy giảm còn gặp ở bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa, căng thẳng thần kinh và người gặp phải các vấn đề tâm lý khác. Do đó, tình trạng này chỉ được xem là yếu tố góp phần hình thành OCD và các chứng rối loạn lo âu ở trẻ em và người lớn.

4. Yếu tố môi trường

Ngoài những yếu tố nội sinh, tác động từ môi trường cũng góp phần phát triển chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em:

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Ngoài các yếu tố nội sinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em cũng có thể xảy ra do sang chấn tâm lý và tác động từ môi trường
  • Bị lạm dụng tinh thần, thể chất
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng do liên cầu. Thống kê cho thấy, khoảng 5% trẻ mắc OCD gặp phải phản ứng miễn dịch trong não bộ được gọi là PANDAS gây ra bởi vi khuẩn gây ban đỏ và viêm họng. Khi tạo ra phản ứng nhằm tiêu diệt vi khuẩn, hệ miễn dịch có thể bị rối loạn và tự tấn công vào hạch nền bên trong não dẫn đến những biểu hiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Thay đổi môi trường sống quá đột ngột
  • Người thân qua đời
  • Cha mẹ ly thân, ly hôn và buộc phải sống chung với 1 trong 2 người
  • Bạo lực học đường
  • Chứng kiến hoặc trải qua tai nạn thảm khốc

Thống kê cho thấy, hơn 50% trẻ khởi phát các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý. Ở người trưởng thành, chứng bệnh này còn có thể bùng phát do stress khi phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong cuộc sống.

Biểu hiện của trẻ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ có biểu hiện khá đa dạng. Trong đó, khoảng hơn 70% trường hợp vừa có ý nghĩ ám ảnh vừa xuất hiện các hành vi/ nghi thức một cách cưỡng bức. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chỉ xuất hiện các ý nghĩ ám ảnh lặp đi lặp lại nhưng hoàn toàn không thôi thúc thực hiện hành vi. Những trường hợp này thường khó phát hiện do trẻ không bộc lộ suy nghĩ của bản thân với những người xung quanh.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Trẻ mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường sắp xếp đồ chơi một cách ngăn nắp và trật tự

Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế:

  • Đa phần trẻ em và người lớn mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đều ám ảnh quá mức về việc bị bám bụi bẩn, lo sợ nhiễm vi khuẩn, virus. Trẻ có thể bộc lộ sự ám ảnh này bằng cách rửa tay rất nhiều lần trong ngày, không vui chơi ngoài trời, không chạm vào đất cát hay những đồ vật bám bụi.
  • Ở độ tuổi còn nhỏ, rất ít trẻ có ý thức vệ sinh cá nhân. Vì lo sợ bị nhiễm vi khuẩn và mắc bệnh nên trẻ mắc hội chứng này thường xa cách và không muốn tiếp xúc với những trẻ khác.
  • Việc rửa tay và tắm quá thường xuyên có thể khiến trẻ bị bong tróc da nặng.
  • Trẻ bày tỏ sự nghi ngờ về một số vấn đề như cha mẹ đã tắt bếp, khóa cửa hay chưa,… Ngay cả khi cha mẹ đã khẳng định, trẻ vẫn không thôi nghi ngờ. Lúc này, trẻ sẽ có biểu hiện căng thẳng, lo lắng và thậm chí là cáu gắt khi cha mẹ không quay trở về nhà để kiểm tra.
  • Trẻ bị ám ảnh bởi sự cân đối và chính xác nên thường sắp xếp đồ chơi, đồ dùng học tập rất gọn gàng, trật tự. Sự ngăn nắp này rất bất thường so với lứa tuổi của trẻ nên nếu chú ý, phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện ra. Nếu đồ vật bị di dời đến những vị trí khác, trẻ sẽ bày tỏ sự khó chịu và thậm chí là gắt gỏng.
  • Trẻ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế yêu thích các đồ chơi có hình dáng đơn giản như các khối rubic hình vuông, đồ chơi hình tròn, chữ nhật,… thay vì các món đồ chơi đầy màu sắc và hình dáng đa dạng như trẻ cùng trang lứa.
  • Trẻ bày tỏ sự lo lắng thái quá về việc bố mẹ bị bệnh, tổn thương do không rửa tay thường xuyên.
  • Trong giai đoạn dậy thì, trẻ có thể xuất hiện các suy nghĩ lặp đi lặp lại về tình dục như xâm phạm, quấy rối tình dục, khao khát quan hệ tình dục và có những ý nghĩ tục tĩu. Những suy nghĩ này tái diễn trong thời gian dài nhưng không thôi thúc thực hiện các hành vi/ nghi thức cưỡng chế.
  • Khi thực hiện những hành vi thôi thúc, trẻ sẽ có cảm giác hài lòng và giảm bớt sự lo âu đáng kể. Tuy nhiên, đôi khi các hành vi này không mang lại kết quả như trẻ mong muốn dẫn đến gia tăng mức độ lo âu.
  • Các ám ảnh và cưỡng chế ở trẻ nhỏ cũng có xu hướng thay đổi theo thời gian.

Trẻ nhỏ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường có nguy cơ phát triển chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn TIC. Các suy nghĩ và hành vi cưỡng chế ở trẻ thường chiếm ít nhất 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nếu không được điều trị, triệu chứng sẽ tăng dần lên theo thời gian khiến trẻ mất nhiều thời gian cho các hành động vô nghĩa, gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống và quá trình học tập, sinh hoạt bị gián đọa.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ có nguy hiểm không?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em gây ra những ảnh hưởng tương tự như người trưởng thành. Ảnh hưởng đầu tiên của chứng bệnh này là gây hao tốn thời gian, gián đoạn quá trình sinh hoạt và học tập của trẻ. Những ý nghĩ xuất hiện lặp đi lặp lại không theo chủ đích khiến trẻ dễ căng thẳng, lo âu và khó tập trung trong quá trình học tập.

Trên thực tế, trẻ có thể chống đối lại những suy nghĩ ám ảnh bằng cách không thực hiện các hành vi cưỡng chế. Tuy nhiên nếu không thực hiện nghi thức/ hành vi, mức độ lo lắng, căng thẳng và phiền muộn sẽ tăng lên đáng kể. Tâm trạng của trẻ trở nên nhạy cảm, dễ gắt gỏng và tức giận với những người xung quanh. Ngoài ra, trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế còn có thể tự nhổ tóc, cào da và cắn móng tay do ý nghĩ ám ảnh điều khiển.

Nếu không được điều trị sớm, chứng OCD ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Trẻ mắc chứng bệnh này rất dễ phát triển dạng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn TIC và tăng động giảm chú ý.

Các rối loạn tâm lý nói chung và OCD nói riêng đều gây suy giảm chức năng xã hội. Về lâu dài, trẻ khó có thể học tập như bình thường, không có nhu cầu kết bạn và có xu hướng tự cô lập bản thân với xã hội. So với người lớn, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em thường có tiến triển phức tạp và tiên lượng xấu hơn. Có khá nhiều trẻ thực hiện những hành vi kì dị và không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội.

Cách điều trị, chung sống với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Tương tự như chứng OCD ở người lớn, trẻ nhỏ nghi ngờ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ được đánh giá sức khỏe tâm thần một cách tổng quát, khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân, gia đình và thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân thực thể. Sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10 để đưa ra chẩn đoán xác định.

Đối với hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em, lựa chọn hàng đầu là trị liệu tâm lý. Ngoài ra, một số trẻ có biểu hiện lo âu và căng thẳng quá mức sẽ được cân nhắc sử dụng thuốc.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là hình thức chữa trị bằng lời nói. Trong phương pháp này, nhà trị liệu sẽ giao tiếp với trẻ nhằm giúp trẻ bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ chân thật. Sau khi thấu hiểu và đánh giá được diễn tiến tâm lý của trẻ, nhà trị liệu sẽ tạo ra các can thiệp phù hợp nhằm giúp trẻ thay đổi suy nghĩ, qua đó giảm dần sự lo lắng và hạn chế phải thực hiện các hành vi cưỡng chế do suy nghĩ ám ảnh gây ra.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Trị liệu tâm lý là giải pháp tối ưu trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Đối với trẻ nhỏ, các chuyên gia thường áp dụng liệu pháp phòng ngừa phản ứng và tiếp xúc (ERP). Liệu pháp này được thực hiện bằng cách cho trẻ tiếp xúc với những tình huống gây lo lắng (chạm vào đồ vật bám bụi,…) để trẻ quen dần và giảm đi sự căng thẳng thái quá. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi trẻ không còn bị ám ảnh và mất đi sự căng thẳng, lo âu. Qua đó ngăn chặn được những hành vi cưỡng chế.

Một vấn đề lớn ở trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế là trẻ thường yêu cầu những thành viên trong gia đình thực hiện các hành vi theo mong muốn của bản thân. Bởi trẻ tin rằng, những hành vi này có thể ngăn chặn những điều tồi tệ như rửa tay sẽ ngăn được bệnh tật, khóa cửa nhà phòng ngừa kẻ gian đột nhập, khóa bình gas để tránh hỏa hoạn,… Do đó bên cạnh trị liệu cá nhân cho trẻ, gia đình cũng cần tham gia trị liệu cùng để giúp trẻ vượt qua chứng bệnh này một cách dễ dàng hơn.

2. Sử dụng thuốc

Trẻ nhỏ thường không được chỉ định dùng thuốc trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế do tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Hiện nay, kinh nghiệm dùng các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương đối với trẻ dưới 12 tuổi còn khá hạn chế. Do đó, thuốc chỉ được sử dụng khi trẻ có các biểu hiện nghiêm trọng.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Trẻ có biểu hiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế nặng sẽ được chỉ định dùng thuốc

Hiện tại, chỉ có thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) được FDA cho phép sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc hội chứng ám ảnh cưỡng chế. Trong đó được sử dụng phổ biến nhất là 3 loại thuốc sau:

  • Sertraline: Sertraline có thể dùng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Thuốc có tác dụng ức chế mạnh và đặc hiệu về hiện tượng tái hấp thu serotonin (5-HT), đồng thời có tác dụng rất yếu đối với dopamin và norepinephrine. Trong điều trị OCD, Sertraline được sử dụng dài hạn và cho hiệu quả kéo dài nên rất được ưa chuộng.
  • Fluoxetine: Fluoxetine cũng thuộc nhóm SSRIs với cơ chế tương tự Sertraline. Thuốc được dùng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên có biểu hiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ngoài ra, Fluoxetine cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn hoảng sợ, chứng cuồng ăn và bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, trẻ có tiền sử động kinh thường không được chỉ định loại thuốc này.
  • Fluvoxamine: Fluvoxamine được sử dụng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên. Cơ chế hoạt động của thuốc tương tự như các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) khác. Đặc biệt, loại thuốc này được dùng phổ biến cho trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế kết hợp với trầm cảm.

Sử dụng thuốc có thể giảm sự căng thẳng, lo lắng ở trẻ, qua đó hạn chế các hành vi/ nghi thức cưỡng bức. Thuốc cũng giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, chán nản, tức giận, gắt gỏng, sợ hãi,…

Đối với trẻ mắc chứng OCD có liên quan đến phản ứng miễn dịch trong não bộ, trẻ cần được dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm (NSAID, corticoid,…) để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và giảm triệu chứng. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch để tăng sức đề kháng, từ đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Hiện tại, điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cho trẻ còn gặp nhiều hạn chế do căn nguyên và cơ chế bệnh sinh có nhiều điểm chưa rõ ràng. OCD khởi phát sớm có tiên lượng xấu và đa phần đều phát triển mãn tính. Trong khi đó, những trường hợp khởi phát muộn đáp ứng tốt với điều trị và có xu hướng giảm dần theo thời gian.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Tham gia các khóa học vẽ tranh, nhạc cụ,… có thể cải thiện triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Do đó ngoài các phương pháp chuyên sâu, gia đình cũng cần thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ để giảm nhẹ chứng OCD ở trẻ nhỏ:

  • Gia đình nên xây dựng các trò chơi có tính chất tập thể để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tăng khả năng hòa nhập của trẻ. Ban đầu, phạm vi trò chơi sẽ bao gồm những thành viên trong gia đình. Sau đó, có thể mời người thân và bạn bè cùng tham gia để trẻ quen dần với việc tiếp xúc với người khác.
  • Ngoài những trò chơi trong nhà, nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như pinic, trồng cây,… Các hoạt động này sẽ giúp trẻ giảm suy nghĩ ám ảnh về việc bị nhiễm bệnh.
  • Lắng nghe chia sẻ từ trẻ và đưa ra lời khuyên một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, gia đình cũng không nên tự ý sắp xếp đồ đạc của bé.
  • Nghiên cứu cho thấy, âm nhạc và nghệ thuật có vai trò đáng kể trong điều trị các rối loạn tâm lý. Chính vì vậy, gia đình nên cho trẻ tham gia các lớp dạy nhạc cụ, vẽ tranh,… để trẻ phát triển kỹ năng và giảm dần những biểu hiện của OCD.
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục và ăn uống khoa học để nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên đưa ra những tác động như lối sống khoa học sẽ giúp trẻ khỏe mạnh thay vì phải rửa tay quá nhiều lần và tiếp xúc đất cát, tham gia các hoạt động ngoài trời sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho bé.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm gián đoạn việc học và tác động đáng kể đến quá trình hình thành nhân cách. Chính vì vậy, gia đình cần quan tâm đến sức khỏe tâm lý và nỗ lực cùng trẻ vượt qua chứng bệnh này.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *