Bệnh tăng động giảm chú ý có tự khỏi không? Có cách chữa?
Với tỷ lệ mắc bệnh ngày một tăng cao, không ít bạn đọc băn khoăn về vấn đề “Bệnh tăng động giảm chú ý có chữa được không? Tự khỏi không?”. Được biết, bệnh lý này là một dạng rối loạn phát triển thần kinh nên không thể tự khỏi nếu không thăm khám và can thiệp điều trị.
Bệnh tăng động giảm chú ý có tự khỏi không?
Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát trong giai đoạn từ 6 – 12 tuổi với tỷ lệ rơi vào khoảng 6 – 8% người dưới 18 tuổi. Khi trưởng thành, các triệu chứng của ADHD có xu hướng thuyên giảm và khó nhận biết hơn. Tuy nhiên, chứng bệnh này vẫn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng dù ở giai đoạn trẻ em, thanh thiếu niên hay giai đoạn trưởng thành.
Như đã biết, rối loạn tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi tình trạng không tập trung hoặc khó duy trì khả năng tập trung kèm theo các hành vi hiếu động quá mức, bốc đồng, tăng động,… Ngoài ra, trẻ em và người lớn bị hội chứng ADHD còn gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát – điều chỉnh cảm xúc.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý tăng lên đáng kể. Bên cạnh yếu tố di truyền, các chuyên gia cho rằng, nguy cơ mắc hội chứng này tăng lên phần nhiều là do hút thuốc lá, sử dụng rượu bia khi mang thai, các biến chứng chu sinh, trẻ sinh ra nhẹ cân, thường xuyên chơi các trò game bạo lực,… Do tỷ lệ mắc bệnh ngày một tăng cao nên không ít người băn khoăn về vấn đề “Bệnh tăng động giảm chú ý có tự khỏi không?”.
Về cơ bản, các bệnh lý liên quan đến phát triển thần kinh hoàn toàn không thể tự khỏi bao gồm cả rối loạn tăng động giảm chú ý. Các triệu chứng của bệnh lý này thường khởi phát sớm (đa phần trước 7 tuổi), sau đó tiến triển đến giai đoạn thanh thiếu niên và trưởng thành. Theo thời gian, triệu chứng của bệnh có thể thay đổi và giảm nhẹ nhưng về bản chất là không thể tự khỏi. Nếu không được điều trị, có khoảng 30 – 50% trường hợp mắc hội chứng ADHD khi trưởng thành.
Rối loạn tăng động giảm chú ý có chữa được không?
Thực tế, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý còn khá nhiều hạn chế. Ngay cả với những trường hợp phát hiện và điều trị sớm, bệnh vẫn có thể kéo dài trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên nếu được điều trị đúng cách và gia đình có biện pháp giáo dục phù hợp, trẻ có thể cải thiện khả năng tập trung, học tập tốt và gia tăng cơ hội nghề nghiệp khi trưởng thành.
Mặc dù rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ảnh hưởng đáng kể đến việc học, nghề nghiệp và các mối quan hệ nhưng bản thân người mắc chứng bệnh này cũng có một số ưu điểm như luôn dồi dào năng lượng, lạc quan, tính sáng tạo cao, đôi khi có những ý nghĩ phá cách và nổi bật so với những người xung quanh. Do đó, nếu được chăm sóc và điều trị dài hạn, bệnh nhân hoàn toàn có thể duy trì cuộc sống như bình thường. Thậm chí không ít người đạt được những thành tựu lớn trong công việc cũng như cuộc sống.
Hiện nay, các phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có khá nhiều hạn chế do mức độ đáp ứng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Ngoài phương pháp y tế, sự hỗ trợ của gia đình cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả trị liệu. Mặc dù vậy, nhìn chung phần lớn bệnh nhân tăng động giảm chú ý đều có thể ổn định cuộc sống, duy trì khả năng học tập và làm việc như bình thường.
Đối với những trường hợp mắc đồng thời với các rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối, trầm cảm và rối loạn lo âu, điều trị thường phải kéo dài và đôi khi không mang lại cải thiện như mong đợi.
Các phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý
Tương tự như các rối loạn phát triển thần kinh khác, bệnh tăng động giảm chú ý sẽ được điều trị bằng tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc. Với người dưới 18 tuổi, cần kết hợp thêm với cách giáo dục phù hợp từ gia đình. Bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên cũng có thể thực hiện một số biện pháp tự cải thiện bên cạnh điều trị y tế để quản lý thành công chứng bệnh này.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một trong những phương pháp chính khi điều trị bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD). Với trẻ em, phương pháp này có vai trò chủ đạo. Trong khi ở người lớn, trị liệu tâm lý được xem là biện pháp hỗ trợ bên cạnh sử dụng thuốc. Đối với trường hợp ADHD khởi phát sớm ở trẻ trong độ tuổi mầm non, tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị duy nhất được áp dụng.
Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ thay đổi các nhận thức, suy nghĩ sai lệch, đồng thời giảm các hành vi hấp tấp, hiếu động quá mức và bốc đồng. Bước kế tiếp, tâm lý trị liệu giúp trẻ tăng các hành vi tích cực thông qua việc khen ngợi và tặng phần thưởng khi trẻ ngoan ngoãn, vâng lời.
Ở người dưới 18 tuổi, bố mẹ nên nghiêm khắc chỉ ra lỗi sai của trẻ bằng giọng nói rõ ràng, ngắn gọn nhưng từ ngữ phải phù hợp, tránh sử dụng từ ngữ quá nặng nề hay chì chiết khiến trẻ phát sinh các hành vi chống đối, quấy phá. Đối với hội chứng ADHD ở trẻ em, gia đình cần phải được trị liệu cùng để hiểu rõ hơn về tâm lý và cảm xúc của con trẻ. Từ đó có cách cư xử và phản ứng phù hợp để giáo dục đúng cách, định hướng trẻ phát triển các hành vi tốt và hạn chế tối đa những méo mó trong quá trình hình thành nhân cách.
Ở người trưởng thành, trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, hành vi để có thể cải thiện các mối quan hệ và duy trì cảm giác hứng thú đối với công việc. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp bệnh nhân trang bị những kỹ năng cần thiết để xử lý những vấn đề trong cuộc sống, đồng thời học cách chú ý và duy trì sự tập trung – ngay cả với những công việc mà bản thân không hào hứng.
2. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc cũng là phương pháp chính trong điều trị bệnh tăng động giảm chú ý. Ở người lớn, dùng thuốc là phương pháp có vai trò quan trọng và thường được sử dụng dài hạn để tránh tái phát. Dùng thuốc không chỉ cải thiện các hành vi bốc đồng, tăng động mà còn hỗ trợ điều chỉnh tâm trạng và tăng khả năng tập trung khi học tập, làm việc.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc sau:
- Thuốc kích thích thần kinh trung ương (Dextroamphetamine, Methylphenidate,…)
- Thuốc không kích thần (Atomoxetine, Venlafaxine, Bupropion, Clonidine,…)
- Thuốc chống trầm cảm (Guanfacine, Bupropion,…)
3. Các biện pháp hỗ trợ
Các biện pháp hỗ trợ có vai trò quan trọng không kém các phương pháp điều trị chuyên sâu. Với trẻ nhỏ, biện pháp hỗ trợ quan trọng nhất là cách giáo dục của gia đình. Theo các chuyên gia, bố mẹ không nên bảo bọc con cái quá mức. Nên yêu cầu trẻ thực hiện một số việc nhà thông qua quy tắc và những câu đề nghị đơn giản, ngắn gọn để trẻ hiểu ý và thực hiện đúng mong muốn.
Vì trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý thường thiếu tập trung và không có khả năng lên kế hoạch nên gia đình cũng cần hỗ trợ trẻ lên kế hoạch sinh hoạt, học tập và cùng trẻ thực hiện để rèn luyện thói quen. Đồng thời, phải nhất quán trong lời nói, cách giáo dục và khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi nhằm cải thiện tư duy, chỉ số IQ.
Ở người trưởng thành, các biện pháp tự cải thiện bao gồm xây dựng chế độ ăn hợp lý, tăng cường tập thể dục và tập lên kế hoạch những việc cần phải thực hiện trong ngày. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thực hiện các liệu pháp thư giãn và ngủ đủ giấc để gia tăng khả năng tập trung, kiểm soát và điều chỉnh tốt hơn những cảm xúc tiêu cực.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bệnh tăng động giảm chú ý có chữa được không? Tự khỏi không?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về hội chứng ADHD và chủ động hơn trong quá trình điều trị. Nếu nhận thấy con trẻ có biểu hiện bất thường, gia đình cần giữ vững tinh thần để cùng con vượt qua chứng bệnh này.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn hành vi ở lứa tuổi thanh thiếu niên và những điều cần lưu ý
- Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Biểu hiện và cách xử lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!