Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Dấu hiệu và điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm ở trẻ từ 6 – 12 tuổi. Trẻ mắc bệnh lý này gặp nhiều trở ngại trong việc học tập, kết bạn, khả năng tư duy kém,… Thông thường, các triệu chứng sẽ giảm dần khi trưởng thành, tuy nhiên ADHD có thể là tiền đề của rối loạn nhân cách và nhiều vấn đề tâm lý khác.

Rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) thường khởi phát sớm từ 6 – 12 tuổi

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi sự thiếu tập trung (giảm chú ý), tăng động, bốc đồng và hiếu động quá mức. Một số người mắc chứng bệnh này còn gặp vấn đề trong việc kiểm soát chức năng điều hòa và điều chỉnh cảm xúc.

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường khởi phát từ 6 – 12 tuổi và các triệu chứng tiến triển trong vòng ít nhất 6 tháng. Vì khả năng tập trung kém, khó kiểm soát hành vi và tăng động quá mức, trẻ mắc chứng bệnh này gặp rất nhiều vấn đề trong việc học, kết bạn,…

Ước tính, khoảng 7.2% người dưới 18 tuổi mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và tỷ lệ cao hơn ở bé trai (gấp 2 lần so với bé gái). Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ mắc ADHD tăng lên đáng kể do sự phát triển quá mức của khoa học công nghệ, bố mẹ bận rộn, thiếu sự quan tâm đến con cái,… Những yếu tố này không chỉ gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà còn khiến triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng và diễn tiến phức tạp hơn.

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

ADHD có 3 dạng lâm sàng bao gồm tình trạng giảm chú ý, khó giữ được sự tập trung; bốc đồng, tăng động; và dạng kết hợp giữa cả hai dạng trên. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ em và người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người trưởng thành có các biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý.

Rối loạn tăng động giảm chú ý
Bệnh tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi tình trạng khó tập trung, giảm chú ý, hành vi hiếu động và hấp tấp quá mức

Rối loạn tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi 3 nhóm triệu chứng sau:

Giảm chú ý: Giảm chú ý, mất khả năng tập trung hoặc khó duy trì được sự tập trung trong thời gian dài. Biểu hiện này xuất hiện rõ rệt nhất khi trẻ tham gia các hoạt động đòi hỏi phải chú ý, lắng nghe, quan sát và nhận thức một cách có hệ thống, liên tục (thường là việc học).

  • Khó khăn trong việc điều chỉnh sự chú ý của bản thân
  • Khó tập trung và duy trì sự tập trung vào việc đang làm
  • Thường xuyên mơ màng, hay quên, mất đồ đạc do thiếu tập trung và khả năng ghi nhớ kém
  • Giảm chú ý khiến trẻ bỏ lỡ những thông tin quan trọng trong lời dặn của thầy cô, không tiếp thu được kiến thức trong quá trình học tập dẫn đến không biết làm bài tập, kết quả học kém.
  • Người lớn mắc chứng bệnh này khó tập trung khi làm việc, thường không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm việc trễ nải do khó khăn trong việc duy trì sự chú ý. Đặc biệt, người lớn mắc chứng ADHD rất thiếu kiên nhẫn nên thường xuyên từ chối các nhiệm vụ khó khăn được cấp trên yêu cầu.

Bốc đồng, hấp tấp: ADHD đặc trưng bởi các hành vi vội vàng, hấp tấp dẫn đến những kết quả tiêu cực. Các hành vi này có sự khác biệt rõ rệt tùy theo độ tuổi của người bệnh.

  • Trẻ thường có những hành vi hấp tấp, bốc đồng như băng qua đường không chú ý, leo cầu thang hấp tấp dẫn đến té ngã,…
  • Sự hấp tấp của trẻ còn thể hiện qua một số hành vi như hay tranh giành, chen lấn và cố gắng lấy đồ sớm nhất thay vì phải xếp hàng chờ đợi như mọi người.
  • Thanh thiếu niên và người lớn thường có những hành vi thiếu suy nghĩ như nghỉ học, nghỉ việc đột ngột
  • Thường lấy đồ của người khác và thực hiện một số hành vi mà chưa xin phép
  • Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa đặt xong câu hỏi. Có xu hướng quấy rầy và làm gián đoạn cuộc trò chuyện, trò chơi của người khác.
  • Dễ bị kích động trong nhiều tình huống khác nhau

Tăng động: Tăng động là các hành vi thể hiện sự hiếu động quá mức. Biểu hiện này rõ rệt nhất ở trẻ em dưới 12 tuổi và thường giảm dần khi trưởng thành.

  • Khó khăn khi ngồi yên, nhất là khi ở nhà thờ, trường học và những không gian cần giữ sự yên lặng
  • Tay chân cử động liên tục và khó khăn trong việc kiểm soát hành vi của bản thân
  • Trẻ thường có xu hướng rời khỏi chỗ ngồi trong lớp vì không thể ngồi yên 1 chỗ
  • Leo trèo quá mức, chạy loay quanh
  • Ở người lớn, tăng động thể hiện qua trạng thái thao thức, bồn chồn và nói quá nhiều gây ra sự khó chịu, phiền toái cho những người xung quanh.

Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường xuất hiện trước 7 tuổi và xảy ra trong ít nhất 2 môi trường khác nhau (ở nhà – nơi làm việc/ trường học). Tình trạng giảm chú ý, mất tập trung, bốc đồng và tăng động quá mức ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập (khoảng 20 – 60%).

Những triệu chứng do ADHD gây ra ảnh hưởng đáng kể đến mọi khía cạnh trong cuộc sống. Do đó, người mắc chứng bệnh này còn có một số biểu hiện thứ phát như:

  • Kết quả học tập kém và thường chán ghét đến trường
  • Hay độc thoại
  • Khó kiểm soát được cảm xúc
  • Hung hăng, không có khả năng kết bạn
  • Người lớn mắc chứng ADHD khó duy trì được các mối quan hệ, tâm trạng nhạy cảm và thiếu tính kiên nhẫn

Các triệu chứng ADHD rõ rệt hơn ở trẻ em và khá mờ nhạt ở người lớn. Vì thiếu tính điển hình nên các biểu hiện ADHD ở người lớn rất dễ bị nhầm lẫn với một số rối loạn tâm thần khác.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý

Hiện nay, các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, bệnh lý này đã được xác định có liên quan đến một số yếu tố và nguyên nhân sau đây:

1. Yếu tố di truyền

Di truyền là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn tăng động giảm chú ý. Ước tính, khoảng 75% trường hợp trẻ mắc bệnh là do di truyền từ bố hoặc mẹ. Ngoài ra nếu có anh chị em ruột mắc chứng bệnh này, nguy cơ sẽ tăng lên từ 4 – 5 lần. Các chuyên gia cũng nhận thấy, 1 trong 2 trẻ sinh đôi mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thì nguy cơ mắc bệnh ở trẻ còn lại có thể lên đến 90%.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy vai trò rõ rệt của yếu tố di truyền trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được loại gen và cách thức di truyền của rối loạn này.

2. Hút thuốc lá khi mang thai

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ có thể bị rối loạn tăng động giảm chú ý do mẹ hút thuốc lá trong thời gian mang thai. Nicotine, carbon monoxide trong khói thuốc lá là nguyên nhân gây hẹp mạch máu, cản trở nguồn dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi và gây rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh, thể chất.

Rối loạn tăng động giảm chú ý
Trẻ sinh ra có nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý cao nếu mẹ hút thuốc lá trong thời gian mang thai

Nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng lên khoảng hơn 60% nếu mẹ hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động trong thời gian mang thai. Trong đó các biến chứng thường gặp là trẻ sinh ra nhẹ cân, tăng nguy cơ hội chứng đột tử và trẻ dễ gặp phải các rối loạn phát triển thần kinh như ADHD, rối loạn hành vi và bệnh tự kỷ. Dù không phải là nguyên nhân “chủ chốt” nhưng hút thuốc lá trong thai kì được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

3. Tổn thương thực thể ở não bộ

Ngoài yếu tố di truyền, bẩm sinh, rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có thể xảy ra do các tổn thương thực thể ở não bộ như chấn thương đầu, nhiễm trùng não và nhiễm độc chì. Các vấn đề này đều gây tổn thương hệ thần kinh trung ương dẫn đến sự bất thường trong hành vi, lời nói và nhận thức của trẻ.

4. Các yếu tố sinh hóa

Tương tự như các rối loạn phát triển thần kinh khác, ADHD cũng có liên quan đến các yếu tố sinh hóa như mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, rối loạn hệ thần kinh vận động – cảm giác, bất thường trong hệ thống dopaminergic và noradrenergic, giảm hoạt động của các vùng trước của não giữa và giảm kích thích ở vùng thân não trên.

5. Các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có thể tăng lên do một số yếu tố như:

  • Trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 1.5kg)
  • Thiếu sắt
  • Tiền sử về rối loạn hành vi như hung hăng, giận dữ, hay thách thức, chống đối và khả năng chịu đựng kém
  • Tiền sử rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, rối loạn cảm xúc và rối loạn lo âu
  • Trẻ có kỹ năng xã hội, giao tiếp kém có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Có các cơn ngưng thở khi ngủ

Các nghiên cứu đều cho thấy, cách giáo dục, kỷ luật của gia đình hầu như không liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn tăng động giảm chú ý. Thông thường, ADHD sẽ khởi phát trước 7 tuổi và tiến triển trong một thời gian dài. Trong đó, khoảng 30 – 50% trường hợp phát triển các biểu hiện ngay cả khi bước vào tuổi trưởng thành.

Rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy hiểm không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm (thường trước 7 tuổi). Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng thiếu tập trung, giảm chú ý, tăng động, hấp tấp và bốc đồng. ADHD ảnh hưởng đáng kể đến khả năng học tập và tiếp thu của trẻ. Hầu hết trẻ mắc chứng bệnh này đều có kết quả học tập kém và phát triển nhận thức chậm hơn so với các trẻ đồng trang lứa.

Ngoài ra, do tính cách bốc đồng, hung hăng, trẻ rất khó kết bạn và hầu như không duy trì được các mối quan hệ thân thiết. Tình trạng này khiến trẻ dễ bị cô lập, tâm trạng trở nên bất ổn và phức tạp. Nếu không được quan tâm kịp thời, không ít trẻ phát triển một số rối loạn tâm lý như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường đi kèm với các rối loạn hành vi và rối loạn thách thức chống đối. Sự chồng chéo giữa các rối loạn này gây khó khăn trong việc chẩn đoán và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, việc học, các mối quan hệ và cuộc sống của trẻ. Trong trường hợp không tiến hành điều trị, ADHD có thể phát triển cả trong giai đoạn trưởng thành (chiếm 30 – 50%).

Rối loạn tăng động giảm chú ý
Người trưởng thành mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao

Ở người trưởng thành, biểu hiện của ADHD không rõ rệt như trẻ em. Tuy nhiên, bệnh lý này vẫn gây ra rất nhiều ảnh hưởng nếu không được chăm sóc và điều trị. Ảnh hưởng đầu tiên mà bệnh nhân phải đối mặt là nguy cơ thất nghiệp cao do thiếu tập trung, công việc chậm trễ và thường xuyên sai sót. Bệnh nhân cũng có nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu do phải đối mặt với sự phê bình của những người xung quanh, áp lực tài chính, khả năng cạnh tranh trong công việc thấp,…

Người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý dễ lạm dụng chất gây nghiện, tham gia đua xe trái phép, sử dụng chất gây nghiện và có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Đặc biệt, người lớn mắc chứng ADHD thường đi kèm với một số rối loạn nhân cách nên khả năng phạm tội rất cao – nhất là khi không được xã hội chấp nhận.

Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý

Tương tự như các rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Trong đó, các bác sĩ thường sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 trong chẩn đoán bệnh lý này. Tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm 9 triệu chứng giảm chú ý + 9 triệu chứng bốc đồng, tăng động và hấp tấp. Chẩn đoán khi bệnh nhân đáp ứng được ít nhất 6 triệu chứng.

Ngoài ra, các triệu chứng này phải:

  • Tồn tại trong ít nhất 6 tháng
  • Xảy ra trong ít nhất 2 hoàn cảnh (trường học – nơi làm việc và nhà riêng)
  • Các triệu chứng xuất hiện rõ rệt và không phù hợp với lứa tuổi của trẻ
  • Một vài triệu chứng phải xuất hiện trước năm 12 tuổi
  • Các triệu chứng phải gây trở ngại, phiền toái cho việc học, nghề nghiệp và các hoạt động tại nhà

Đa phần những trường hợp mắc rối loạn tăng động giảm chú ý đều đi kèm với các rối loạn tâm thần khác. Do đó, quá trình chẩn đoán thường gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Bên cạnh chẩn đoán xác định thông qua tiêu chuẩn DSM-5, các bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt ADHD với rối loạn học tập, tự kỷ, rối loạn hành vi, trầm cảm,… trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường kéo dài trong suốt cả cuộc đời nhưng có thể kiểm soát triệu chứng thông qua điều trị và chăm sóc đúng cách. Về cơ bản, điều trị có thể hạn chế nguy cơ thất nghiệp, cải thiện việc học và giảm thiểu khả năng phạm tội khi bước vào tuổi trưởng thành. Ngoài ra, tham gia trị liệu sẽ giúp bệnh nhân khôi phục lòng tự trọng, nhận thức đúng đắn về bản thân và dễ dàng tìm kiếm được công việc phù hợp với năng lực.

Hiện tại, phương pháp chính trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý là liệu pháp nhận thức – hành vi và điều trị hóa dược. Đối với trẻ nhỏ, sự hỗ trợ của gia đình cũng có vai trò đáng kể trong việc cải thiện các hành vi bốc đồng, tăng động và giúp trẻ kiểm soát tốt khả năng tập trung.

Các phương pháp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý được áp dụng phổ biến:

1. Trị liệu tâm lý

Đa phần bệnh nhân mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đều được trị liệu tâm lý kết hợp với dùng thuốc. Tuy nhiên với trẻ ở độ tuổi mầm non, lựa chọn duy nhất là tâm lý trị liệu do sử dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp thông qua ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ với mục tiêu chính là giúp trẻ thay đổi cách suy nghĩ, nhận thức, giảm thiểu các hành vi bốc đồng, hiếu động quá mức và rèn luyện những thói quen tốt.

tăng động giảm chú ý
Tâm lý trị liệu là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý

Liệu pháp hành vi – nhận thức là phương pháp chính trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Phương pháp này giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, thay đổi nhận thức – suy nghĩ sai lệch, xây dựng các hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn xã hội,… Ngoài ra, liệu pháp hành vi – nhận thức còn giúp trẻ cải thiện khả năng kiểm soát sự tập trung, tránh tình trạng sao nhãng với tiếng ồn và không gian xung quanh lớp học.

Trẻ mắc chứng ADHD có thể gặp khó khăn khi học tập trong môi trường bình thường. Do đó, phụ huynh có thể cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt để trẻ được quan tâm và dễ dàng kết bạn hơn. Ngoài các tác động từ nhà trị liệu, gia đình cũng cần có một số biện pháp để điều chỉnh hành vi cho trẻ như:

  • Đưa ra những quy tắc đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu để trẻ hiểu chính xác thông điệp/ yêu cầu của bố mẹ.
  • Tránh tình trạng bao bọc trẻ quá mức. Thay vào đó, nên nhờ trẻ làm việc nhà để trẻ hình thành tính trách nhiệm, rèn luyện khả năng chịu đựng và nâng cao lòng tự trọng.
  • Cha mẹ nên dành thời gian giao tiếp với trẻ và tìm cách để trẻ chú ý khi giao tiếp với người khác.
  • Gia đình nên xây dựng bảng kế hoạch cho trẻ và cùng trẻ thực hiện để hoàn thành kế hoạch. Sau khi trẻ đã quen dần, hãy cho trẻ tự lên kế hoạch và hoàn thành mọi nhiệm vụ đã đề ra. Điều này sẽ giúp trẻ tăng khả năng tập trung khi học tập và có ý thức trong việc hoàn thành các bài tập về nhà.
  • Bố mẹ nên có sự quan tâm đúng mực để trẻ có cảm giác được yêu thương nhưng không bị lệ thuộc quá mức. Nên đưa ra lời khen, lời khích lệ khi trẻ có hành động tốt và giúp đỡ trẻ cải thiện những mặt còn hạn chế.
  • Cho trẻ tham gia các trò chơi mang tính sáng tạo, đòi hỏi phải tư duy và suy nghĩ để rèn luyện khả năng tập trung, tính kiên nhẫn. Tránh những trò chơi mang tính chất bạo lực khiến trẻ gia tăng các hành vi tăng động, bốc đồng.
  • Nhắc nhở trẻ nội quy khi đến những nơi công động.
  • Đưa ra lời đề nghị với trẻ một cách dứt khoát và kiên trì, tránh tình trạng thiếu nhất quán trong lời nói. Để khuyến khích trẻ, bố mẹ nên có phần thưởng khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao và ngoan ngoãn nghe lời.
  • Cho trẻ vui chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe.
  • Trẻ mắc chứng ADHD dễ có hành vi chống đối, thách thức nên gia đình cần tuyệt đối không đánh mắng hay chỉ trích gay gắt.

Trong suốt quá trình điều trị, gia đình cần trao đổi với chuyên gia để theo sát diễn biến tâm lý và đánh giá sự thay đổi của trẻ theo thời gian. Đa phần những trường hợp trị liệu tâm lý có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình đều có kết quả tích cực, trẻ giảm đáng kể các hành vi tăng động và có thể học tập một cách bình thường.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

2. Sử dụng thuốc

Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của ADHD và cải thiện một số rối loạn tâm thần đi kèm. Ngoài ra, dùng thuốc còn giúp nâng cao lòng tự trọng, cải thiện khả năng học tập, nhận thức,… Do đó, một số bệnh nhân sẽ được điều trị kết hợp bằng tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc.

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD):

  • Thuốc hướng thần: Thuốc hướng thần là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị ADHD, trong đó thông dụng nhất là Amphetamine và Methylphenidate. Thuốc có đáp ứng rất khác nhau ở từng bệnh nhân nên sẽ được điều chỉnh tùy theo khả năng đáp ứng của từng người. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc hướng thần bao gồm đau dạ dày, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, trầm cảm, mất ngủ,…
  • Nhóm thuốc không hướng thần: Thường dùng nhất là Atomoxetine – chất ức chế chọn lọc tái hấp norepinephrine. Thuốc có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, một số trẻ có thể trở nên kích động, nóng giận và buồn nôn trong thời gian sử dụng.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm như Guanfacine, chất chủ vận alpha-2, Bupropion,… cũng có thể được sử dụng khi thuốc hướng thần không mang lại hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiệu quả của nhóm thuốc này thường kém hơn nên không phải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Thuốc cũng có thể được dùng kết hợp với thuốc hướng thần cho người lớn nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời tác dụng không mong muốn.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Những năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và thể chất. Sự ảnh hưởng của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học, kết bạn, thiếu kỹ năng xã hội, chậm phát triển,… Do đó ngoài các phương pháp điều trị chuyên sâu, gia đình nên thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như:

tăng động giảm chú ý
Gia đình cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn hợp lý để cải thiện sức khỏe thể chất và hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của ADHD
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng để cải thiện hệ thần kinh và sức khỏe thể chất của trẻ.
  • Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật để tăng khả năng cảm thụ và tư duy.
  • Cho trẻ nuôi thú cưng để tạo tính trách nhiệm và kiên nhẫn. Ngoài ra, sự đồng hành của thú cưng còn là liệu pháp hỗ trợ giúp trẻ ổn định tâm trạng và giảm đáng kể những cảm xúc tiêu cực như tức giận, gắt gỏng, chống đối, thách thức,…

Rối loạn tăng động giảm chú ý ảnh hưởng đáng kể đến khả năng học tập và phát triển tư duy, nhận thức của trẻ. Do đó, cha mẹ cần quan tâm đúng mực và chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy trẻ hấp tấp, hiếu động quá mức, khả năng tập trung kém,…

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *