Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Biểu hiện và cách xử lý

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là một dạng rối loạn tâm lý gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi các hành vi đối nghịch, không nghe lời, ngang bướng và thù địch với người lớn. Các hành vi này diễn ra thường xuyên, dai dẳng và kéo dài ít nhất trong vòng 6 tháng.

Rối loạn thách thức chống đối
Rối loạn thách thức chống đối là một dạng rối loạn tâm lý gặp ở trẻ nhỏ (thường khởi phát trước 8 tuổi)

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là gì?

Rối loạn thách thức chống đối (Tiếng Anh:Oppositional Defiant Disorder – ODD) còn được gọi là rối loạn bướng bỉnh chống đối. Đây là một dạng rối loạn tâm lý khá phổ biến ở trẻ em. Rối loạn này đặc trưng bởi các hành vi thách thức, đối nghịch, không vâng lời của trẻ đối với người lớn có tính chất dai dẳng và thường xuyên. Thậm chí, một số trẻ còn có hơi hướng thù địch đối với cha mẹ và người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, sự chống đối của trẻ không đi kèm với những hành vi hung hăng, bạo lực như rối loạn hành vi hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Hiện nay, một giả thuyết cho rằng, rối loạn thách thức chống đối (ODD) là dạng lâm sàng nhẹ hơn của rối loạn hành vi nhưng giả thuyết này không được chấp nhận.

Bản thân trẻ mắc chứng ODD hoàn toàn không có các hành vi bạo lực, thiếu lương tâm và các hành vi chống đối, thách thức thường giới hạn trong môi trường gia đình. Cũng chính vì vậy mà trẻ mắc chứng bệnh này gặp ít phiền toái hơn trong nhà trường và đôi khi vẫn có thể học tập, kết bạn như bình thường.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) tương đối phổ biến trong thời kỳ thơ ấu với tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 2 – 10%. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh không chênh lệch giữa nam và nữ giới trong thời kỳ thơ ấu. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn thiếu niên, bệnh gặp nhiều hơn đến nam giới. Tương tự như rối loạn hành vi, ODD ảnh hưởng chủ yếu đến người thuộc tầng lớp thấp, luôn phải sống trong cảnh nghèo đói.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Hiện tại, các bác sĩ và chuyên gia chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây rối loạn thách thức chống đối (ODD). Tuy nhiên, một số nguyên nhân và yếu tố đã được công nhận có liên quan đến chứng bệnh này, bao gồm:

1. Yếu tố di truyền

Di truyền là yếu tố góp phần đáng kể vào sự phát triển của các rối loạn tâm lý, bao gồm cả rối loạn thách thức chống đối. Ước tính, khả năng di truyền của rối loạn này chiếm trên 50%. Tuy nhiên, cách thức di truyền của ODD còn nhiều điểm tranh cãi.

Một số chuyên gia cho rằng, ODD có sự chồng chéo với rối loạn hành vi về mặt di truyền nên biểu hiện lâm sàng có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, một số khác cho rằng, mỗi rối loạn đều có cách thức di truyền riêng biệt. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng vai trò rõ rệt của yếu tố di truyền trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn thách thức chống đối đã được ghi nhận.

2. Yếu tố môi trường

Bên cạnh yếu tố nội sinh, môi trường cũng tham gia vào cơ chế bệnh sinh của rối loạn thách thức chống đối. Trẻ mắc chứng bệnh này thường bị ngược đãi từ thời thơ ấu, sau đó dần hình thành biểu hiện chống đối, không nghe lời người lớn. Trong đó, nguy cơ cao hơn ở trẻ có gen mã hóa enzyme chuyển hóa chất dẫn truyền thần kinh MAO – A (monoamine oxidase – A) hoạt động kém.

Nguyên nhân rối loạn thách thức chống đối
Trẻ có nguy cơ mắc chứng rối loạn bướng bỉnh chống đối cao nếu phải chứng kiến bố mẹ bất hòa, thường xuyên xung đột và gây gổ

Ngoài ra, trẻ chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa, xung đột và bạo lực hay môi trường sống xung quanh thường xuyên có gây gổ, ẩu đả cũng gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý hay cụ thể hơn là rối loạn bướng bỉnh chống đối.

3. Đặc điểm tính cách

Đặc điểm chung của trẻ từ 1 – 3 tuổi là dễ cáu gắt, khó chịu, bốc đồng và thường có các phản ứng thái quá. Đây là lý do vì sao rối loạn thách thức chống đối thường khởi phát ở thời thơ ấu. Ngoài ra, trẻ lớn và trẻ vị thành niên có tính khí thất thường, cứng đầu, ngang bướng cũng có nguy cơ mắc ODD cao hơn.

4. Ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ có biểu hiện rối loạn thách thức chống đối thường trải qua xích mích, đổ vỡ với bạn bè cùng trang lứa. Vì hành vi và tích cách khá bất thường nên trẻ dễ bị cô lập và chỉ được chấp nhận kết bạn với các nhóm bạn có tính cách tương tự. Điều này khiến cho các hành vi của trẻ tăng dần mức độ đối nghịch và thách thức.

5. Yếu tố gia đình

Bên cạnh gen di truyền, sự giáo dục và cách hành xử của những người thân trong gia đình cũng là yếu tố góp phần gây rối loạn thách thức chống đối. Thực tế cho thấy, con nuôi sống trong gia đình có cách giáo dục tiêu cực cũng có thể phát triển ODD. Ngoài ra, trẻ cũng có thể học theo thái độ thách thức, hành vi chống đối và thù địch của cha mẹ với ông bà.

6. Một số yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc rối loạn thách thức chống đối bao gồm:

  • Khả năng tự điều chỉnh kém
  • Mắc chứng rối loạn cảm xúc và rối loạn lo âu
  • Khả năng ngôn ngữ kém
  • Nhận thức lệch lạc, méo mó

Rối loạn thách thức chống đối chủ yếu khởi phát ở trẻ dưới 8 tuổi và thường xuất hiện một cách từ từ. Mặc dù mức độ nghiêm trọng của ODD thấp hơn so với rối loạn hành vi, tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị, trẻ có thể phát triển chứng rối loạn hành vi và nhiều vấn đề tâm lý khác. Thống kê cho thấy, khoảng 50% trường hợp trẻ mắc ODD có các biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý.

Biểu hiện của rối loạn thách thức chống đối

Như đã đề cập, rối loạn thách thức chống đối đặc trưng bởi thái độ chống đối, không nghe lời và thậm chí là thù địch với bố mẹ. Do tính cách và hành vi bất thường nên trẻ thường có ít bạn bè và thiếu những kỹ năng xã hội.

biểu hiện rối loạn bướng bỉnh chống đối
Rối loạn bướng bỉnh chống đối đặc trưng bởi tính cách bốc đồng, hay tức giận, bực bội và thường chống đối với người lớn

Các biểu hiện của rối loạn thách thức chống đối:

  • Trẻ thường tranh luận với người lớn một cách tiêu cực và thường có xu hướng la hét thay vì tranh luận hòa bình.
  • Dễ bực bội, tức giận, mất bình tĩnh và khó chịu bởi thái độ và hành vi của người khác
  • Không tuân thủ quy định và các yêu cầu mà bố mẹ đặt ra
  • Cố tình làm phiền, quấy nhiễm người khác
  • Có xu hướng đổ lỗi khi bản thân mắc sai lầm và có các hành vi sai trái
  • Nhạy cảm quá mức và rất khó chịu khi bị quấy rầy
  • Chủ động thách thức người lớn khi bị đưa ra yêu cầu/ quy định muốn trẻ phải tuân thủ
  • Trẻ có tâm lý hằn học, thù địch và luôn muốn trả thù. Tuy nhiên, hành vi trả thù của trẻ thường là cố tình làm phiền người khác, hoàn toàn không phải là các hành vi mang hơi hướng bạo lực và thiếu lương tâm như trẻ bị rối loạn hành vi.
  • Thường có suy nghĩ bản thân mình bị đối xử bất công và quá nghiêm khắc
  • Suy nghĩ đơn chiều, thiếu sự đồng cảm và cứng nhắc
  • Thường thiếu khả năng truyền đạt cảm xúc bằng lời nói
  • Không nhận ra sự khác thường của bản thân và hầu như không nhận thức được bản thân gây ra nhiều phiền toái cho bố mẹ, thầy cô

Các triệu chứng này thường chỉ xảy ra trong phạm vi gia đình, hầu như không xuất hiện với bạn bè và thầy cô trong trường học. Những hành vi chống đối của trẻ biểu hiện rõ rệt nhất với người lớn mà trẻ thấu hiểu như ông bà, bố mẹ hoặc anh chị trong gia đình. Đôi khi, trẻ cũng phát sinh những hành vi này với bạn bè thân thiết. Vì không biểu hiện với người lạ nên quá trình thăm khám đối với trẻ ODD chủ yếu dựa trên lời nói của người thân.

Rối loạn thách thức chống đối có nguy hiểm không?

Rối loạn thách thức chống đối là một dạng rối loạn tâm thần gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Những hành vi chống đối, thách thức của trẻ gây ra sự căng thẳng đáng kể cho gia đình và bạn bè đồng trang lứa. Vì không vâng lời và luôn có thái độ thách thức nên trẻ gặp khó khăn khi kết bạn và thường thiếu những kỹ năng xã hội. Điều này gây ra không ít trở ngại trong quá trình phát triển, học tập và hình thành nhân cách của trẻ.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) thường ổn định dần theo thời gian. Khoảng 67% trường hợp thuyên giảm rõ rệt khi bước vào tuổi trưởng thành và triệu chứng có thể biến mất hoàn toàn khi trẻ phát triển đầy đủ về nhận thức. Tuy nhiên, cũng một số trường hợp trẻ khởi phát ODD sớm đáp ứng kém với điều trị dẫn đến nhiều rối loạn như rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội (APD).

Rối loạn bướng bỉnh chống đối nguy hiểm không
Trẻ mắc chứng ODD có nguy cơ cao bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý,…

Ngoài ra, rối loạn thách thức chống đối khởi phát sớm ở trẻ mầm non cũng có thể đi kèm với nhiều bệnh lý như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý,… Các chuyên gia cho rằng, tính cách dễ mất bình tĩnh, hay tức giận và khả năng chịu đựng sự thất vọng kém chính là nguồn cơn khiến trẻ bị ODD dễ phát triển hội chứng rối loạn lo âu và rối loạn cảm xúc.

Chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối được chẩn đoán khi trẻ đáp ứng được ít nhất 4 tiêu chuẩn của DSM-5 và các triệu chứng này phải kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Đặc biệt, các triệu chứng của trẻ đều phải thể hiện rõ sự thách thức và tính chất nghiêm trọng.

Trẻ chỉ được chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối khi có ít nhất 4 triệu chứng sau đây:

  • Thường xuyên mất bình tĩnh
  • Bực bội, cáu gắt, giận dữ
  • Nhạy cảm và dễ khó chịu với những người xung quanh
  • Hay tranh cãi với người lớn
  • Từ chối tuân thủ các yêu cầu mà người lớn yêu cầu và thường chủ động thách thức
  • Hay đổ lỗi cho người khác về những sai lầm của bản thân
  • Cố tình làm phiền người khác
  • Hằn học và có hành động trả thù xảy ra trong ít nhất 2 lần trong vòng 6 tháng
  • Các hành vi của ODD ảnh hưởng đáng kể đến việc học và chức năng xã hội của trẻ

Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng không đáp ứng được tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn hành vi (dưới 18 tuổi) và rối loạn nhân cách chống đối xa hội (trên 18 tuổi). Đồng thời không xuất hiện trong tiến triển của bệnh loạn thần và rối loạn cảm xúc.

Các triệu chứng của ODD dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Với một số trẻ mắc đồng thời nhiều bệnh lý, quá trình chẩn đoán thường mất nhiều thời gian hơn.

Các phương pháp điều trị rối loạn thách thức chống đối (ODD)

Rối loạn thách thức chống đối là tiền đề của nhiều vấn đề tâm thần khi trưởng thành. Chính vì vậy, thăm khám sớm và điều trị kịp thời là vấn đề rất cần thiết.

Mục tiêu của điều trị là giảm các hành vi chống đối, thách thức của trẻ, điều chỉnh suy nghĩ méo mó và các hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội. Ngoài ra, điều trị còn bao gồm cả giáo dục và trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập và học tập, làm việc một cách bình thường.

Các phương pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn thách thức chống đối (ODD):

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn thách thức chống đối. Phương pháp này được thực hiện dựa trên hình thức giao tiếp nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của gia đình và trẻ nhỏ. Ngoài ra, tâm lý trị liệu cũng giúp gia đình nhận thấy cách giáo dục tiêu cực và thay đổi phương pháp giáo dục con cái khoa học, phù hợp hơn.

điều trị rối loạn bướng bỉnh chống đối
Trị liệu tâm lý có thể điều chỉnh các hành vi thách thức, chống đối và gia tăng mối quan hệ giữa bố mẹ – con cái

Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn bướng bỉnh chống đối:

  • Trị liệu hành vi: Trị liệu hành vi là phương pháp được nghiên cứu và ứng dụng phổ biến nhất trong điều trị ODD. Phương pháp này tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ bằng cách hướng cha mẹ tương tác với con cái một cách nhẹ nhàng, ấm áp, không xâm lấn và luôn chú ý đến hành vi của trẻ. Cha mẹ sẽ được hướng dẫn kỹ năng giáo dục con cái thay vì trừng phạt hãy đưa ra phần thưởng khi trẻ vâng lời và thực hiện việc tốt. Với những hành vi không mong muốn, cha mẹ nên bỏ qua và chấp nhận thay vì chỉ trích và trách mắng trẻ.
  • Can thiệp gia đình: Can thiệp gia đình bao gồm các bước đào tạo những người thân trong gia đình (chủ yếu là bố mẹ) để có kỹ năng quản lý con cái và duy trì sự tương tác phù hợp nhằm giúp trẻ cảm nhận sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
  • Trị liệu tâm lý cá nhân: Trị liệu tâm lý cá nhân thường được áp dụng với trị liệu hành vi. Trong liệu pháp này, trẻ sẽ được hướng dẫn và phát triển nhận thức, từ đó tạo ra mối quan hệ trung lập và giảm thiểu tối đa các hành vi chống đối, thách thức với người lớn.

Đa số trẻ mắc chứng rối loạn thách thức chống đối còn khá nhỏ nên các chuyên gia thường chỉ định trị liệu tâm lý đơn độc, không có sự hỗ trợ của thuốc. Thực tế cho thấy, tâm lý trị liệu mang lại hiệu quả cao và lâu dài khi có sự hợp tác từ gia đình.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

2. Sử dụng thuốc

Trong trường hợp can thiệp tâm lý không mang lại hiệu quả cao hoặc trẻ mắc đồng thời với các rối loạn tâm thần khác, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định một số loại thuốc. Các loại thuốc được sử dụng có thể giảm hành vi chống đối và điều chỉnh tâm trạng của trẻ.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn thách thức chống đối:

  • Thuốc kích hoạt thần kinh (Dextroamphetamine, Methylphenidate)
  • Thuốc không kích thần Atomoxetine
  • Thuốc chống loạn thần không điển hình (Lithium carbonate, Carbamazepine)
  • SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc)

3. Một số biện pháp hỗ trợ

Rối loạn thách thức chống đối thường xảy ra trong phạm vi gia đình. Điều này cho thấy sự bất thường trong cách giáo dục và mối tương tác giữa bố mẹ – con cái. Do đó ngoài các phương pháp chuyên sâu, phụ huynh cũng cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để cải thiện hành vi chống đối, thách thức ở con trẻ.

chữa rối loạn thách thức chống đối tại nhà
Gia đình nên cùng trẻ vui chơi, vẽ tranh, tập thể dục,… để có thể cải thiện các biểu hiện của rối loạn thách thức chống đối

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện ODD:

  • Ghi nhận và khen thưởng khi trẻ vâng lời, ngoan ngoãn và có các hành vi tích cực. Có thể thưởng cho trẻ bằng một lời khen, các món ăn trẻ yêu thích hoặc các món quà nhỏ. Khi trẻ có hành vi chống đối, cần đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng và bỏ qua hành vi thay vì chỉ trích và trừng phạt nặng nề.
  • Bố mẹ cần thay đổi hành vi của bản thân, tránh thể hiện sự chống đối, tranh cãi gay gắt và xung đột trước mặt con cái.
  • Thực hiện các hành vi lành mạnh, tích cực để trẻ học tập và làm theo.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý và khuyến khích trẻ tham gia các bộ môn thể dục thể thao.
  • Dành nhiều thời gian cho trẻ và cùng trẻ vui chơi, vẽ tranh, nghe nhạc, tập thể dục,… để tăng mối liên kết với con cái. Khi mối quan hệ được cải thiện, trẻ sẽ giảm đi hành vi thách thức, loại bỏ dần thái độ hằn học và thù địch.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) không chỉ ảnh hưởng đến chức năng xã hội, việc học của trẻ mà còn gây ra tâm lý căng thẳng, phiền muộn cho các bậc phụ huynh. Do đó, cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Thực tế cho thấy, không ít cha mẹ cho rằng các biểu hiện của ODD là đặc điểm tính cách dẫn đến tình trạng không điều trị và gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở giai đoạn trưởng thành.

THAM KHẢO THÊM:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *