Bị rối loạn giấc ngủ nên làm gì? Khi nào thì cần gặp bác sĩ

Hỏi: Thưa chuyên gia, thời gian gần đây tôi hay thức khuya xem bóng đá, xem phim, ngủ muộn nên sáng cũng dậy muộn, đi làm cảm thấy buồn ngủ và hơi uể oải, đem ngủ không được sâu giấc. Tôi muốn luyện ngủ lại lúc 10:30-11:00 PM như trước nhưng mà đến giờ đó không tài nào ngủ được, như vậy tôi có phải bị rối loạn giấc ngủ không ạ? Nếu là bị rối loạn giấc ngủ nên làm gì để quay trở lại nhịp ngủ như trước đây. (Độc giả M.V. Hoàng – Hà Nội)

Rối loạn giấc ngủ

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Chu Thị Thảo trả lời câu hỏi của bạn đọc:

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Chu Thị Thu Thảo

Chào bạn Hoàng, cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Hỏi – đáp của Tạp chí Tâm lý học. Dựa trên thông tin bạn đưa ra, tôi nhận thấy bạn bị rối loạn nhịp thức ngủ. Điều này thường xảy ra với người thức khuya làm việc, người làm ca đêm hoặc do thay đổi múi giờ (mới đi nước ngoài, làm tiếp viên, phi công…).

Rối loạn giấc ngủ có thể khiến bạn ngủ không được ngon, không được sâu giấc. Chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng có thể khiến cho cơ thể mệt mỏi, uể oải vào ban ngày. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe: Làm suy giảm hệ miễn dịch, xu hướng tăng cân, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, sinh lý yếu… Do đó, bạn nên luyện ngủ trở lại lúc 10-11 giờ đêm và ngủ khoảng 7 tiếng là đủ. Buổi trưa nên có giấc ngủ ngắn khoảng 20-30 phút.

Để cơ thể quay về nhịp ngủ như trước kia, bạn có thể sử dụng một số mẹo dưới đây:

  • Tạo một thói quen: Việc tạo thói quen sẽ giúp cơ thể thực hiện theo một lịch trình cụ thể và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Thói quen này tùy thuộc vào sở thích, nhu cầu của bạn, nhưng điều quan trọng là phải đúng thời gian và trình tự. Ví dụ như bạn có thể đọc một cuốn sách trước khi ngủ khoảng 30 phút hoặc ngồi thiền, tắm nước ấm trước khi ngủ.
  • Chuẩn bị phòng ngủ lý tưởng: Sử dụng đèn ngủ có ánh sáng dịu nhẹ và mờ; Giữ cho nhiệt độ phòng ngủ ổn định, không nóng quá, không lạnh quá; Tạo không gian yên tĩnh; Chuẩn bị chăn gối sạch sẽ trước khi ngủ.
  • Luyện cơ thể ngủ dậy sớm.
  • Giảm lượng caffeine, không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, không uống đồ uống chứa cồn, không ăn trễ quá vào buổi tối.
  • Tập thể dục hàng ngày: Tập thể dục giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, bạn không nên tập thể dục ngay trước giờ đi ngủ.
  • Yoga, thiền giúp cơ thể dễ ngủ hơn.
  • Sử dụng một số loại trà thảo dược hoặc thực phẩm giúp ngủ ngon như tâm sen, lạc tiên, trà hoa cúc…
  • Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh suy nghĩ nhiều vấn đề trước khi ngủ.

Nói chúng, hầu hết mọi người đều có thể xử lý rối loạn nhịp thức ngủ một cách đơn giản nhưng nếu nó xảy ra quá lâu, bạn có thể gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý trị liệu để được hỗ trợ, sớm lấy lại giấc ngủ ngon nhé. Bởi vì, mất ngủ, khó ngủ còn có thể do một số nguyên nhân khác như thuốc bạn đang sử dụng, hay bạn đang mắc các chứng bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm,…

Đặt lịch tư vấn mất ngủ  – khó ngủ với Chuyên gia tâm lý, Master Coach Chu Thị Thảo tại đây.

Có thể bạn quan tâm:

Mối liên hệ giữa chứng mất ngủ và trầm cảm bạn nên biết
Cảm thấy trong người bồn chồn, lo lắng, khó ngủ là biểu hiện của bệnh gì?

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *