Bồn chồn, lo lắng, khó ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó ngủ thường xảy ra khi phải đối mặt với những tình huống quan trọng như kỳ thi, buổi biểu diễn, cuộc phỏng vấn,… Tình trạng này sẽ xuất hiện nhiều lần trong cuộc sống với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu triệu chứng tiến triển trong thời gian dài, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn.

cảm giác bồn chồn lo lắng khó ngủ
Tình trạng bồn chồn, lo lắng và khó ngủ thường gặp ở người trưởng thành

Cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó ngủ là biểu hiện của bệnh gì?

Cảm giác lo lắng, bồn chồn và khó ngủ là những triệu chứng tiêu cực khá phổ biến ở người trưởng thành. Các triệu chứng này thường bắt nguồn từ hiện tượng tăng hormone andrenaline. Khi hormone này tăng mạnh sẽ xuất hiện cảm giác bồn chồn, bất an và lo lắng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tăng andrenaline có thể tạo cảm xúc đam mê và thỏa mãn.

Hormone andrenaline có tác dụng tăng cung cấp oxy cho não bộ. Chính vì vậy khi rơi vào tình trạng lo lắng và căng thẳng, não bộ sẽ luôn trong trạng thái “hoạt động”, từ đó làm gián đoạn sản xuất hormone melatonin tạo cảm giác buồn ngủ. Kết quả là gây khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn và dễ thức giấc.

Trên thực tế, đôi khi cơ thể sẽ có cảm giác lo lắng, bồn chồn và khó ngủ khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng như lo nghĩ về ý tưởng cho dự án, sắp có cuộc phỏng vấn, cuộc họp quan trọng với đối tác, chuẩn bị cho kỳ thi hoặc buổi biểu diễn,… Những cảm xúc này sẽ xuất hiện nhiều lần trong cuộc sống với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu lo lắng, bồn chồn và khó ngủ kéo dài, đây có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe.

Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ra cảm giác bồn chồn, lo lắng trong người kèm theo khó ngủ và mất ngủ:

1. Căng thẳng thần kinh (stress)

Căng thẳng thần kinh (stress) là tình trạng rất phổ biến ở thanh thiếu niên và người trưởng thành trong những năm gần đây. Stress là phản ứng bao gồm nhiều biển hiện khi cơ thể cố gắng thay đổi để thích nghi và vượt qua những áp lực bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Đôi khi, stress cũng tạo ra những tác động tích cực nhưng những tác động tiêu cực thường chiếm đa số.

Khi đối mặt với căng thẳng, các hormone trong cơ thể sẽ có sự thay đổi đột ngột dẫn đến những biểu hiện về cảm xúc, hành vi và thể chất. Trong đó bao gồm cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó ngủ. Ngoài ra, căng thẳng thần kinh còn tăng mức độ nhạy cảm khiến tâm trạng trở nên bất ổn, dễ cáu gắt, tức giận, thậm chí sợ hãi.

Sự thay đổi của các hormone nội sinh khi bị stress còn gây ra những biểu hiện thể chất như lờ đờ, mệt mỏi, thiếu sức sống, có xu hướng lạm dụng rượu bia, ăn quá ít hoặc quá nhiều, chóng mặt, đau đầu, co giật mí mắt, uể oải, nhức mỏi vai gáy,…

2. Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là nhóm bệnh tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Hội chứng này đặc trưng bởi sự lo lắng và sợ hãi thái quá về những đối tượng, tình huống và vấn đề xung quanh cuộc sống. Thậm chí, có một số bệnh nhân thường trực nỗi sợ hãi nhưng không xác định được nguyên do.

bị rối loạn lo âu bồn chồn khó ngủ
Người bị rối loạn lo âu có xu hướng lo lắng, bồn chồn, phiền muộn dẫn đến khó ngủ và mất ngủ

Sự sợ hãi quá mức khiến người bệnh thường rơi vào trạng thái căng thẳng, bồn chồn, luôn cảm thấy bất an và uể oải. Ngoài ra, người mắc chứng rối loạn lo âu có xu hướng dành nhiều thời gian để suy nghĩ giải pháp cho những tình huống xấu nhất (dù trên thực tế các tình huống này gần như không có khả năng xảy ra). Chính vì suy nghĩ quá nhiều nên bệnh nhân dễ gặp phải những vấn đề sức khỏe như khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mộng mị.

3. Suy nhược cơ thể

Suy nhược cơ thể là tình trạng cơ thể bị mệt mỏi mãn tính, uể oải, thiếu sức sống và xanh xao. Tình trạng này thường xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh mãn tính, rối loạn tâm thần hoặc do làm việc, học tập với cường độ cao trong thời gian dài. Suy nhược cơ thể có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến người từ 20 – 40 tuổi.

Triệu chứng đặc trưng nhất của suy nhược cơ thể là mệt mỏi, uể oải, giảm các hoạt động thể chất, mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc. Đa phần người mắc chứng bệnh này đều bị căng thẳng, hay lo lắng, tâm trạng bất an và bồn chồn. Vì vậy trong một số trường hợp, cảm thấy trong người bồn chồn, lo lắng và khó ngủ có thể là biểu hiện của suy nhược cơ thể.

4. Rối loạn hoang tưởng và rối loạn nhân cách hoang tưởng

Rối loạn hoang tưởng và rối loạn nhân cách hoang tưởng đều đặc trưng bởi sự đa nghi vô căn cứ về những người xung quanh mặc dù không có cơ sở xác thực. Vì luôn cho rằng những người xung quanh có mục đích xấu nên người mắc bệnh lý này thường bất an, bồn chồn và lo lắng bản thân sẽ bị hại, bị phản bội.

Người mắc các chứng bệnh này luôn tỉnh táo và cảnh giác quá mức với hành động, lời nói của những người xung quanh. Khi ở một mình, bệnh nhân thường dành nhiều thời gian suy nghĩ về những người xung quanh để xác định đối tượng đang có ý định xấu với bản thân. Điều này khiến người bệnh dễ bị mất ngủ và khó ngủ.

rối loạn hoang tưởng dẫn tới khó ngủ
Rối loạn hoang tưởng và rối loạn nhân cách hoang tưởng cũng có thể gây ra tình trạng bồn chồn, lo lắng, khó ngủ

Tỷ lệ người bị rối loạn hoang tưởng và rối loạn nhân cách hoang tưởng khá thấp. Tuy nhiên, bạn nên xem xét khả năng mắc hai chứng bệnh này nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh.

Ngoài ra, trẻ nhỏ sinh sống trong thời gian dài với người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng hoặc rối loạn hoang tưởng dù không cùng huyết thống vẫn có khả năng mắc bệnh. Nguyên nhân là do trẻ có thể học theo hành vi, nhận thức và suy nghĩ của người bệnh.

5. Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên trước áp lực trong công việc và học tập, không ít người trẻ tuổi cũng gặp phải tình trạng này. Rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi tình trạng khó ngủ, giấc ngủ đến muộn, mất ngủ, dễ thức giấc, ngủ chập chờn, dậy sớm nhưng không có cảm giác sảng khoái, ngược lại luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi và uể oải sau khi thức giấc – ngay cả khi đã ngủ đủ giấc.

Chất lượng và thời gian ngủ suy giảm trong thời gian dài gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, luôn có cảm giác bồn chồn và lo lắng. Nếu không được điều trị sớm, rối loạn giấc ngủ còn gia tăng nguy cơ bị đau nửa đầu, nhức mỏi vai gáy, thiếu máu não, rối loạn lo âu và trầm cảm.

6. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, cảm giác trong người bồn chồn, lo lắng và khó ngủ còn xảy ra do một số nguyên nhân khác như:

  • Trầm cảm: Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc thường gặp, đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn và chán nản. Người bệnh luôn cảm thấy buồn bã, mất hứng thú và lo lắng, bồn chồn. Đặc điểm của người mắc bệnh trầm cảm là dành nhiều thời gian suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra với cách nhìn nhận bi quan và tự nhận lỗi về bản thân. Chính vì vậy, khi bị chứng trầm cảm, nguy cơ bị mất ngủ và khó ngủ cũng tăng lên đáng kể.
  • Rối loạn tiền đình: Rối loạn tiền đình là tình trạng tiền đình (cơ quan nằm phía sau ốc tai) bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, mất phối hợp cử động tay chân, mắt và thân mình, khó duy trì trạng thái cân bằng, dễ choáng váng,… Người mắc chứng bệnh này rất dễ gặp phải tình trạng mất ngủ và khó ngủ. Hơn nữa, sự rối loạn của tiền đình cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và tăng mức độ nhạy cảm với stress. Do đó, trong một số trường hợp, cảm thấy trong người bồn chồn, lo lắng và khó ngủ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý này.

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bồn chồn, bất an và khó ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên cân nhắc tìm bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. Tránh để tình trạng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Cách khắc phục cảm giác trong người lo lắng, bồn chồn và khó ngủ

Bồn chồn, lo lắng và khó ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu để kéo dài, tình trạng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

Để khắc phục tình trạng hay lo lắng, bồn chồn và khó ngủ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục như:

1. Tổ chức lại lối sống

Lối sống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bồn chồn, lo âu và khó ngủ. Do đó để cải thiện tình trạng này, bạn cần tổ chức lại lối sống.

tập thể dục đẻ cải thiện giấc ngủ
Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện tâm trạng bồn chồn, lo lắng và nâng cao chất lượng giấc ngủ

Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng bồn chồn, căng thẳng và khó ngủ:

  • Tránh làm việc – học tập với cường độ cao trong thời gian dài. Bởi căng thẳng quá mức chính là nguyên nhân dẫn đến trạng thái bồn chồn, lo lắng và khó ngủ. Do đó, cần giảm cường độ và chỉ nên dành khoảng 7 – 8 giờ mỗi ngày để học tập, làm việc.
  • Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập thể dục thể thao. Hoạt động thể chất đã được chứng minh có tác dụng giải tỏa căng thẳng và giải tỏa phiền muộn. Ngoài ra, tập thể dục mỗi ngày còn giúp giãn cơ và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Ăn uống hợp lý, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu Omega 3 và probiotic (lợi khuẩn) để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm lo âu, căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
  • Nên dành thời gian để nghỉ ngơi và đảm bảo ngủ đủ 7 giờ mỗi ngày. Không nên thức khuya và suy nghĩ quá nhiều khiến sức khỏe suy giảm, đồng thời làm tăng mức độ lo lắng và bồn chồn.
  • Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hay chất kích thích. Các nghiên cứu cho thấy, nicotine, cồn và các chất tác động lên hệ thần kinh trung ương đều làm gia tăng mức độ bồn chồn, lo lắng, phiền muộn và khiến tình trạng mất ngủ trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Áp dụng các biện pháp thư giãn

Trước những áp lực trong cuộc sống, không ít thanh thiếu niên và người trưởng thành gặp phải stress (căng thẳng thần kinh). Hiện nay, stress được xem là một phần tất yếu với vai trò là động lực để mỗi cá nhân phát triển và nâng cao năng lực. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài chính là nguồn cơn dẫn đến cảm giác bồn chồn, lo lắng, khó ngủ và dễ mất ngủ.

thư giãn giảm bồn chồn, lo lắng
Thiền định giúp điều chỉnh hơi thở, giải tỏa lo âu, phiền muộn và cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ hiệu quả

Để giải tỏa căng thẳng và tránh tình trạng stress kéo dài, bạn nên áp dụng các biện pháp thư giãn như:

  • Thiền định: Thiền định là kỹ thuật giúp cân bằng cảm xúc và giải tỏa căng thẳng thần kinh hiệu quả. Khi ngồi thiền, bạn cần phải gạt bỏ những suy nghĩ và phiền muộn trong cuộc sống, tập trung điều chỉnh lại hơi thở và thư giãn cơ thể. Ngồi thiền thường xuyên có thể giảm nhanh tình trạng bồn chồn, khó ngủ, hay lo lắng, đồng thời giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Tập thở sâu: Thở sâu có thể điều hòa được huyết áp, thư giãn tâm trí và giải tỏa căng thẳng. Chính vì vậy, bạn nên tập kỹ thuật thở sâu để thư giãn cơ thể và giảm stress vào mỗi buổi tối. Thực hiện kỹ thuật này thường xuyên còn giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng khó ngủ, mất ngủ hiệu quả.
  • Sử dụng trà thảo mộc: Ngoài những kỹ thuật trên, bạn cũng có thể sử dụng một số loại trà thảo mộc có tác dụng an dịu thần kinh, giảm bồn chồn và lo lắng như trà hoa cúc, trà hoa nhài, trà cam quế và trà la hán quả. Các hoạt chất tự nhiên trong thảo dược này có tác dụng làm dịu thần kinh trung ương, từ đó giảm các cảm xúc tiêu cực và cải thiện chất lượng giấc ngủ rõ rệt.
  • Liệu pháp mùi hương: Mùi hương được cảm nhận bằng mũi, sau đó tín hiệu được truyền đến não bộ giúp cơ thể cảm nhận rõ rệt các tầng hương. Chính vì vậy, bạn có thể áp dụng liệu pháp mùi hương để giải tỏa căng thẳng và giảm tình trạng bồn chồn, hay lo lắng. Ngoài ra, ngửi hương thơm tự nhiên từ các loại thảo mộc vào mỗi buổi tối còn giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Các biện pháp thư giãn có thể cải thiện tình trạng bồn chồn, lo lắng và khó ngủ rõ rệt. Ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm, bạn cũng nên duy trì thực hiện một số liệu pháp thư giãn để phòng ngừa stress.

3. Điều trị y tế

Trong một số trường hợp, tình trạng trong người luôn có cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó ngủ có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy tình trạng kéo dài và không thuyên giảm khi áp dụng những biện pháp kể trên.

Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp. Hầu hết các bệnh lý gây ra tình trạng trong người bồn chồn, khó ngủ và lo lắng đều được điều trị bằng sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm một số bài tập và liệu pháp thư giãn để kiểm soát cảm xúc, giảm lo âu, căng thẳng và ngủ ngon giấc hơn.

Cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó ngủ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng không dược cải thiện bằng các biện pháp tại nhà, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm. Tránh tình trạng chủ quan khiến triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *