Nhà Tâm Lý Học Là Gì? Nhiệm Vụ Của Nhà Tâm Lý Học
Nhà tâm lý học tái lập sự cân bằng bằng những lời khuyên hết sức sáng suốt và tinh tế dành riêng cho từng người.
“Đứa trẻ nào cũng tham vọng trở thành một người lớn, nhưng có biết bao nhiêu người lớn cũng có chính tham vọng ấy?”
Nhà tâm lý học là gì?
Nhà tâm lý học là những người làm việc bằng cả trái tim và khối óc, với một thái độ công tâm, không phán xét. Họ làm việc bằng cách quan sát, cảm nhận bằng tình yêu thương và tìm hiểu bản chất vấn đề.
Họ không chỉ quan sát, nhận diện các suy nghĩ, hành vi tiêu cực mà còn tập trung vào việc thay đổi những hành vi ấy theo hướng tích cực bằng vốn kiến thức sâu xa và học thức uyên bác của mình. Không chỉ vậy, họ còn tìm ra bản chất sâu xa của vấn đề, xuất phát từ tư tưởng, nhận thứ, tâm trí; một khi nhận thức thay đổi thì hành vi cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
Những kiến thức về con người, về tâm lý học, sinh lý học là kim chỉ nam để các nhà tâm lý học tìm các ra vấn đề trong tâm trí của con người. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, thế giới nội tâm của con người rất phong phú và khác biệt nhau, không bao giờ bị ràng buộc bởi một sự xếp loại nào cả.
Tất cả mọi người đều có những rắc rối, trục trặc tâm lý và nỗi khổ đau riêng. Lúc nào con người cũng đi tìm giải pháp cho nỗi thống khổ ấy bằng những phương tiện sẵn có trong tầm tay. Và đa số các hành động “phàm phu tục tử” thì cũng chẳng khác gì hơn là những sự truy tìm các ý hướng ấy mà thôi.
Nhà tâm lý học là kẻ mộ đạo, họ làm việc để dần dần cảm thấy mình nối kết được với tất cả những gì diễn ra xung quanh mình. Các nhà tâm lý học luôn biết rằng, có rất nhiều người luôn rơi vào trạng thái sợ hãi và lúc nào chìm đắm trong nỗi lo âu, căng thẳng.
Con người thường đi tìm sự an tâm cho chính mình. Sự an tâm này do gia đình và xã hội tạo nên. Một khi không tìm thấy được mối an tâm trong gia đình hay trong xã hội thì nỗi lo âu của họ càng lớn hơn. Người có khả năng mang đến sự an tâm và giải pháp giải tỏa lo âu, chính là nhà tâm lý học. Những người làm việc để cho mỗi một người đều tự thấy mình được an yên.
Nhà tâm lý học giống như những người đang bước đi trên những đụn cát gập ghềnh dễ sợ: đó là những sa mạc của toàn thể nhân loại. Cũng từ một góc nhìn, nhưng các nhà tâm lý học quan sát hết thảy mọi hành động của con người, thấu hiểu bản chất, nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Họ không kinh ngạc cũng không khinh thường bất kỳ điều gì. Bởi họ truy tìm tường tận tận nguyên nhân để thấu hiểu mà không bao giờ phán xét.
Có rất nhiều thanh thiếu niên cùng các bà mẹ, các thiếu nữ cùng các ông bố, các đôi vợ chồng đến hỏi ý kiến nhà tâm lý học. Họ mâu thuẫn nghiêm trọng trong mối quan hệ. Và đôi khi chống chọi nhau rất quyết liệt.
Lúc này, nhà tâm lý học sẽ là người tái lập sự cân bằng bằng những lời khuyên hết sức sáng suốt và tinh tế, được nói cho riêng từng người.
Với những người khờ khạo, chuyên gia tâm lý sẽ tìm xem tình trạng này có phải là thực tế hay đang che giấu các khả năng chưa được phát triển. Nếu như nó thật thì phải ngăn cản không cho nó biến thành tính độc ác. Nhà tâm lý học nói với từng người bằng thứ ngôn ngữ riêng của họ và không bao giờ quên mãnh lực siêu việt của ngôn từ.
Họ lắng nghe các bí mật và những lời thú tội mà không một người nào khác, có thể ngoại trừ vị tu sĩ, có thể nghe được. Bản chất con người đang phơi bày trước mặt họ và họ phải xem đây là một vinh hạnh nhưng không được tỏ ra hãnh diện về việc đó.
Nhiệm vụ của Nhà tâm lý học là gì?
Theo Pierre Daco (thành viên của Viện Tâm lý và Tâm lý trị liệu Quốc tế) trong nhiều năm làm việc, ông đã không biết bao nhiêu lần nhận ra rằng danh từ “tâm lý học” vẫn bị bóng tối và bí mật bao trùm… Không biết bao nhiêu lần được nghe câu hỏi “… thế tâm lý học chính xác là cái gì? Nó làm được những gì? Nó chữa lành những thứ gì?…”
Rất nhiều người cho rằng nhà tâm lý học là người “làm các cuộc trắc nghiệm”. Hoặc giả đó chỉ đơn thuần là người chỉ đạo tinh thần. Thậm chí có nhiều người coi nhà tâm lý học như là một gã phù thủy hay một đạo sĩ… hay bất cứ cái gì khác nữa không biết chừng.
Nếu như có nhiều người biết được mục đích và công việc của nhà tâm lý học thì trái lại vô số người lại mù tịt về điều này. Có người tìm đến ông (Pierre Daco) về tính nhút nhát do chứng rối loạn thần kinh. Có nhiều bà mẹ tìm đến trong trạng thái hốt hoảng một cách vô lý (vì không hiểu vấn đề) rằng “thằng con nhà tôi nó quan tâm quá nhiều đến thân thể của nó… nó còn quá trẻ thưa ông, thật khủng khiếp!…” Hoặc giả nhiều thiếu niên nổi loạn với “nỗi buồn trong lòng”, đến nhấn chuông vào lúc đêm khuya, cùng ông bố vẻ mặt giận dữ.
Có nhiều người tìm đến nhà tâm lý học chỉ đơn giản đến để học hỏi. Nhiều người lại đến để tìm hiểu khám phá bản chất bên trong con người của họ… Nhiều trường hợp tìm đến vì “suy nhược thần kinh”, vì các chứng loét bao tử, các vấn đề về tình dục, các rắc rối trong gia đình, các vấn đề rất nghiêm trọng về giáo dục…
Hoặc đôi khi người ta nhận thấy, người trưởng thành đòi hỏi quá nhiều ở một đứa con mà chính bản thân họ cũng không thể đáp ứng được các vấn đề đó… Ông còn thấy nhiều bậc cha mẹ đáng ngưỡng mộ, nhiều bố mẹ muốn tìm ra chân lý, trong khi số cha mẹ khác lại không một chút ý thức nào. Ông cũng thấy nhiều thiếu niên đáng khâm phục và nhiều đứa trẻ rất vô ý thức. Bất cứ điều gì cũng đều có căn nguyên của nó cả, trong sự vinh quang cũng như thấp hèn… Tôi đã gặp gỡ không biết bao khuôn mặt hết sức đau khổ…
Tất cả những điều đã kể trên nằm trong lĩnh vực nghề nghiệp của một nhà tâm lý học. Một nghề nghiệp hết sức khỏe học nhưng trước hơn hết vẫn là lòng tin của con người. Bất cứ điều gì liên quan đến con người đều thuộc lĩnh vực của tâm lý học, bất kể đó là một người bình thường hay bất thường.
Tâm lý học phát triển nhưng không được biết đến rộng rãi, có rất nhiều người không biết, thậm chí biết nhưng không dám tìm đến nhà tâm lý học. Cho đến khi nỗi tuyệt vọng cùng cực hoặc đang muốn tự tử, mới tìm đến sự giúp đỡ. Sự quan tâm đến các vấn đề tâm lý con người đang không ngừng lớn mạnh. Trong quá trình làm việc Pierre Daco nhiều lần nhận ra rằng, “đôi khi người ta tưởng là có thể giúp được cho chính mình”. Nhưng đó là điều sai lầm. Tại sao thế? Chỉ đơn giản là người ta luôn chỉ nhìn thấy mình qua góc nhìn chủ quan… và có đến chín trên mười trường hợp sai lệch.
Pierre Daco chia sẻ: khi Jacqueline D… đến tìm tôi, hôn nhân cô ta gần như đã tan rã, tình trạng này kéo dài như thế suốt ba năm trời! Chỉ bằng những cuộc trò chuyện về tâm lý, sau ba tuần, cuộc hôn nhân của cô ấy đã trở lại bình thường, lúc đó Jacqueline D. đã hiểu được các động cơ thầm kín của tâm hồn con người.
Còn Jean, một thanh niên luôn bị vò xé về các vấn đề tình dục, đang tiến triển đến sự ám ảnh và rối loạn thần kinh. Sau ba tháng anh ta nhìn các vấn đề dưới một khía cạnh khác và có một đời sống hoàn toàn đổi mới… (đúng những từ mà anh đã dùng).
Và Paul R… mang nhiều rối loạn về tim mạch. Ông ấy không thể nào ngờ được là không chỉ tim ông ấy có vấn đề mà thân thể của ông ấy còn tệ hại hơn thế! Các rối loạn về tim mạch xuất phát từ những rối loạn vô thức hết sức mãnh liệt của xúc cảm, hình thành từ sự ức chế tình dục.
Còn Yvette mang bệnh từ dị ứng đến chứng rối loạn tinh thần do ám ảnh, từ nỗi ám ảnh đến bệnh eczema, rồi từ bệnh eczema đến chứng viêm đại tràng cuối cùng tác động trở lại với chứng rối loạn thần kinh. Trong khi đó, bản thân Yvette không hề biết mình có vấn đề về tâm lý, phải được chữa trị bằng khoa y học tâm thể (médecine psychosomatique).
Và còn biết bao nhiêu người khác mà cuộc sống của họ được đặt trên các hiểu biết nội giới hoàn toàn sai lạc. Đương nhiên là có hàng triệu vấn đề khác nhau, nhưng tư chất thầm kín vẫn là sự thống khổ của con người. Bản chất thầm kín của con người không hề khác biệt. Sự vô ý thức sâu đậm của một người thổ dân không khác gì của một người văn minh Châu Âu. Nhận định này có làm cho chúng ta cảm thấy an lòng trong cái thời buổi phân biệt chủng tộc ngày nay không?
Phân loại tâm lý học
Tâm lý học là một ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi, liên quan đến cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức của con người. Có thể chia tâm lý học thành 2 bộ phận chính gồm: bộ phận nghiên cứu và bộ phận ứng dụng.
Tâm lý học là lĩnh vực rộng, liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nhau. Hiện nay, tâm lý học có 20 nhánh khác nhau, chia thành nhiều lĩnh vực. Trong đó, mười lĩnh vực phổ biến nhất bao gồm:
- Tâm lý học lâm sàng
- Tâm lý học phát triển
- Tâm lý học giáo dục
- Tâm lý học công nghiệp và tổ chức
- Tâm lý học tội phạm
- Tâm lý học thể thao
- Tâm lý học học đường
- Tâm lý học đường
- Tâm lý học xã hội
- Tâm lý học thần kinh và Tâm lý học ứng dụng.
Ngoài ra, một số phân nhánh khác của tâm lý học cũng phổ biến không kém như:
- Tâm lý học hành vi
- Tâm lý học nhận thức
- Tâm lý học thực nghiệm
- Tâm lý học pháp lý
- Tâm lý học ngôn ngữ
Công việc của một nhà tâm lý học
Công việc của một nhà tâm lý học rất đa dạng, tùy vào lĩnh vực chuyên môn họ lựa chọn, theo đuổi mà họ sẽ thực hiện những công việc khác nhau. Tuy nhiên, công việc chung của hầu hết các nhà tâm lý học là nghiên cứu, chẩn đoán, hỗ trợ các vấn đề về tấm lý và sức khỏe tâm thần.
Các công việc của một nhà tâm lý học thường là:
- Nhận diện, xác định các vấn đề tâm lý
- Thực hiện các đánh giá, chẩn đoán ban đầu về vấn đề sức khỏe tâm thần
- Xây dựng, xác định mục tiêu, liệu pháp trị liệu và thực hiện kế hoạch trị liệu tâm lý
- Tư vấn, tham vấn tâm lý cho cá nhân, tổ chức như trường học, doanh nghiệp, tâm lý pháp y
- Tư vấn tâm lý, giúp cá nhân vượt qua khó khăn, tăng cường sức khỏe tinh thần
- Phối hợp với bác sĩ hoặc tham gia chương trình hỗ trợ cộng đồng, xã hội.
Công việc của một nhà tâm lý học rất đa dạng, tùy vào lĩnh vực lựa chọn. Những lĩnh vực này thường là: lĩnh vực sức khỏe trị liệu; lĩnh vực nghiên cứu; lĩnh vực giảng dạy; lĩnh vực quảng cáo; lĩnh vực nhân sực…
Nếu là một người có ý định học chuyên ngành Tâm lý, có thể có các cơ hội phát triển nghề nghiệp như: tâm lý nhân sự; tâm lý học đường; tâm lý tội phạm; tâm lý pháp lý, trị liệu tâm lý; tham vấn hướng nghiệp; huấn luyện sức khỏe tinh thần; nghiên cứu khoa học; can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em; tham vấn tâm lý; giảng dạy kỹ năng sống…
Yêu cầu để trở thành một nhà tâm lý học
Để có thể trở thành một nhà tâm lý học không phải là điều đơn giản. Có nhiều yêu cầu đối với một nhà tâm lý học. Các yêu cầu để trở thành một nhà tâm lý học bao gồm:
1. Có bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ
Đầu tiên, cần có bằng cử nhân trong lĩnh vực tâm lý học hoặc các chuyên ngành liên quan. Đây được xem là nền tảng để phát triển trong ngành tâm lý học. Một số lĩnh vực đòi hỏi phải có bằng thạc sĩ như tâm lý học tổ chức, tâm lý học giáo dục, tâm lý học lâm sàng.
Ngoài ra, một số lĩnh vực đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ để hành nghề như tâm lý học pháp ý, tâm lý học lâm sàng hoặc khi muốn nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học. Tại Mỹ, nhà tâm lý học phải có bằng cử nhân và thạc sĩ trước khi đăng ký vào chương trình tiến sĩ tâm lý học.
Sinh viên ngành tâm lý nếu muốn trở thành nhà tâm lý học sẽ phải hoàn thành chương trình đại học, lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Ví dụ, sinh viên muốn trở thành nhà tâm lý học chuyên ngành lâm sàng sẽ phải lấy bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng.
2. Phải hoàn thành chương trình đào tạo thực hành
Để trở thành một nhà tâm lý học phải trải qua chương trình đào tạo, thực hành thông qua việc làm việc với các nhà tâm lý học đang hành nghề. Thời gian đào tạo này cũng giống như quá trình thực tập, nhằm giúp nhà tâm lý có kinh nghiệm tiếp xúc với bệnh nhân tâm lý để tích lũy kinh nghiệm.
Thời lượng của quá trình sẽ phụ thuộc vào từng nơi, tuy nhiên, phổ biến là 3.000 giờ hoặc 2 năm dưới sự giám sát. Việc làm việc, cọ xát với các nhà tâm lý học đang hành nghề đủ điều kiện nhận giấy phép tâm lý học là cần thiết để trở thành một nhà tâm lý học.
3. Các kỹ năng cần thiết
Tùy vào lĩnh vực mà người muốn trở thành nhà tâm lý học sẽ phải học những kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên, có một số kỹ năng đặc biệt quan trọng cần phải nắm vững bao gồm:
- Có kiến thức tâm lý học lâm sàng: Sự hiểu biết rộng rãi, toàn diện về lĩnh vực, bao gồm kiến thức sâu sắc về lý thuyết lâm sàng hiện hành, các vấn đề về rối loạn sức khỏe tâm thần là điều kiện cần, không thể thiếu để được công nhận là một nhà tâm lý học.
- Kỹ năng giao tiếp: Nhà tâm lý học phải có kỹ năng giao tiếp tốt, biết các triển khai các phương pháp giao tiếp hiệu quả với bệnh nhân. Đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân không muốn chia sẻ hoặc các ca khó, nghiêm trọng.
- Sự thấu cảm: Cảm thông, thấu hiểu là điều không thể thiếu của nhà tâm lý học. Người mắc vấn đề tâm lý có cảm giác sợ hãi, cô lập, thường gặp các vấn đề về hành vi nghiêm trọng. Vì thế, sự thấu cảm có thể giúp người bệnh cảm thấy được an ủi, được hiểu và có thể tin tưởng vào phương pháp điều trị.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Nhà tâm lý học cần phải có kỹ năng giải quyết vấn đề, biết cách lên kế hoạch điều trị, đưa ra liệu pháp tâm lý. Chỉ khi giải quyết được nguồn gốc gây ra vấn đề tâm lý, có biện pháp trị liệu phù hợp với nhu cầu người bệnh thì mới có thể được đánh giá là nhà tâm lý học thực thụ.
4. Chứng chỉ và giấy phép hành nghề
Ngoài kiến thức, kỹ năng và bằng cấp, để trở thành một nhà tâm lý học cần phải có giấy phép hành nghề từ cơ quan quản lý tại quốc gia hoặc khu vực bạn làm việc. Yêu cầu để được cấp phép thường bao gồm bằng cấp, hoàn thành chương trình học cần thiết, hoàn thành thực hành có giám sát, vượt qua các kỳ thi cấp phép. Ngoài ra, một số lĩnh vực cũng yêu cầu các chứng chỉ bổ sung như chứng chỉ tư vấn tâm lý, chứng chỉ tâm lý học lâm sàng…
Tâm lý học là một lĩnh vực luôn thay đổi và phát triển, mặc dù đã trở thành nhà tâm lý học thì việc liên tục tham gia các khóa đào tạo, hội thảo nâng cao chuyên môn là vô cùng cần thiết. Các vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng, vì thế vai trò của các nhà tâm lý học hết sức quan trọng, cần được đề cao, xem trọng.
Có thể bạn quan tâm:
- Tâm lý học màu sắc và những ứng dụng tuyệt vời trong cuộc sống
- Các phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến hiện nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!