16 cách giảm căng thẳng, hồi hộp khi đi phỏng vấn hiệu quả
Nhiều người thường có tâm lý lo lắng và hồi hộp quá mức khi phỏng vấn tìm việc làm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả, có thể khiến cho năng lực của bạn không được nhà tuyển dụng đánh giá đúng mức. Cần tìm hiểu và áp dụng các cách làm giảm căng thẳng khi phỏng vấn để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Vì sao nhiều người dễ bị căng thẳng khi phỏng vấn
Hầu hết tất cả mọi người đều từng trải qua một hay nhiều cuộc phỏng vấn tìm việc làm trong cuộc đời. Và tình trạng lo lắng, hồi hộp trước cũng như trong quá trình phỏng vấn luôn là vấn đề thường trực.
Tâm lý lo lắng và căng thẳng thường bắt nguồn từ việc thiếu tự tin và lo sợ thất bại. Ngoài ra, đặt kỳ vọng quá lớn cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng các áp lực cho bạn.
Ngoài ra, bạn còn có thể bị căng thẳng do một số nguyên nhân khác. Bao gồm:
- Không chuẩn bị kỹ lưỡng các câu hỏi và đáp án
- Chưa có đầy đủ các thông tin về công ty và nhà tuyển dụng
- Trang phục không phù hợp gây khó chịu
- Sức khỏe không tốt
- Tâm lý không vững vàng dù đã có chuẩn bị kỹ lưỡng
16 Cách làm giảm căng thẳng khi phỏng vấn rất đơn giản
Như đã đề cập, tinh thần căng thẳng và hồi hộp quá mức gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của buổi phỏng vấn. Bởi chúng có thể khiến bạn bị đè nén, không thể bộc lộ hết các khả năng và ưu điểm của bản thân trước nhà tuyển dụng. Từ đó dẫn tới đánh mất cơ hội kiếm được công việc mà mình mong muốn.
Dưới đây là một số cách giúp làm giảm căng thẳng để bạn có tâm lý vững vàng khi đi phỏng vấn:
1. Tìm hiểu thông tin về nhà tuyển dụng
Sự chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn chính là một trong những bí quyết giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả nhất. Trong đó các ứng viên luôn được khuyên là cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin quan trọng về công ty tuyển dụng.
Một số thông tin cần nắm bao gồm:
- Công ty có tên đầy đủ là gì?
- Có bao nhiêu chi nhánh?
- Trụ sở chính được đặt ở đâu?
- Lịch sử thành lập và phát triển
- Văn hóa công ty và đội ngũ nhân sự
- Các thành tích nổi bật
- Tôn chỉ và phương châm hoạt động
Đặc biệt, ứng viên cần nắm rõ thông tin về vị trí tuyển dụng. Nhất là những yêu cầu của công ty đối với ứng viên muốn ứng tuyển vào vị trí đó. Bao gồm cả trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng.
Trên thực tế, hầu hết các nhà tuyển dụng đều có ấn tượng mạnh với những ứng viên nắm rõ thông tin công ty cũng như vị trí tuyển dụng. Hơn nữa, việc chuẩn bị kỹ lưỡng còn giúp bạn tránh mắc phải một số sai lầm cơ bản nhất.
2. Tập trả lời phỏng vấn tại nhà
Ngoài việc tìm hiểu cặn kẽ về thông tin công ty cũng như vị trí ứng tuyển thì ban cần chuẩn bị câu hỏi và đáp án để tập trả lời phỏng vấn tại nhà. Bạn có thể thực hành trước gương và tưởng tượng trước mặt mình đang là nhà tuyển dụng.
Các câu hỏi nên chuẩn bị trước bao gồm:
- Bạn hãy giới thiệu về bản thân?
- Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?
- Ưu và nhược điểm của bạn?
- Bạn có thể mang đến lợi ích gì cho công ty?
- Khả năng chịu được áp lực công việc của bạn như thế nào?
- Kinh nghiệm tại các vị trí liên quan với vị trí ứng tuyển?
- Vì sao bạn rời bỏ công việc trước đây?
Bạn nên chuẩn bị cho mình tâm thế xoay xở tốt trong các trường hợp xấu. Thông qua mỗi lần tập dượt thì phong cách thể hiện cùng nội dung trả lời phỏng vấn sẽ có được sự tiến bộ rõ rệt. Ngoài ra, việc chuẩn bị còn giúp cho bạn tự tin hơn trước nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn thật.
3. Ngủ sớm vào tối hôm trước
Đây là cách giúp làm giảm căng thẳng trước khi phỏng vấn hiệu quả mà mọi ứng viên nên áp dụng. Bởi giấc ngủ là yếu tố đặc biệt quan trọng với sức khỏe tinh thần. Ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ và dễ chịu hơn.
Thay vì cố nhồi nhét thông tin thì vào đêm trước khi buổi phỏng vấn diễn ra, bạn hãy đi ngủ sớm. Có thể áp dụng một số giải pháp thư giãn để chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ. Ví dụ như thiền định, nghe nhạc không lời, massage hay tắm nước ấm.
4. Ăn nhẹ giúp giảm căng thẳng khi phỏng vấn
Một số thực phẩm rất hữu ích với cảm xúc của bạn, giúp nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực. Điển hình như chuối, hạnh nhân, yến mạch hay sinh tố lựu có tác dụng điều hòa nhịp tim và kiểm soát huyết áp rất tốt. Từ đó giúp làm giảm sự hồi hộp và căng thẳng.
Trước buổi phỏng vấn bạn không nên ăn quá no hay tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống lạ. Hệ tiêu hóa không ổn định có thể kích hoạt các triệu chứng ngoài ý muốn. Đồng thời khiến bạn cảm thấy khó chịu, bí bách và không thể tập trung.
Ngoài ra, bạn cần hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống có chứa caffeine trong khoảng nửa ngày trước đó. Bởi caffeine chỉ làm tỉnh táo tức thì và dễ gây cảm giác hồi hộp, mệt mỏi, lo âu sau đó.
5. Tập thể dục buổi sáng
Tập thể dục luôn là liều thuốc tự nhiên giúp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần hiệu quả. Đặc biệt cần giữ thói quen này hằng ngày để nhận được nhiều lợi ích hơn.
Các chuyên gia còn cho biết, những người thường xuyên tập thể dục buổi sáng thường có phong thái bình tĩnh và tự tin hơn trước mọi tình huống. Bao gồm cả với các buổi phỏng vấn căng thẳng. Trong đó, tập work-out chính là gợi ý tuyệt vời được rất nhiều chuyên gia khuyến khích.
Việc tập thể dục buổi sáng giúp kích thích não bộ sản xuất nhiều hormone endorphin hơn. Đây là loại hormone giúp vực dậy tinh thần và hình thành các suy nghĩ tích cực. Nhờ đó bạn sẽ biết cách điều tiết cảm xúc của mình và có tâm lý thoải mái khi đi phỏng vấn.
Tập thể dục còn là liều thuốc đặc biệt hữu ích cho những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Điển hình như stress, trầm cảm hay rối loạn lo âu.
6. Tới sớm 15 – 30 phút
Đến địa điểm phỏng vấn sớm hơn giờ hẹn cũng là một cách giúp bạn giảm bớt đi sự căng thẳng. Việc đến sớm hơn một chút sẽ giúp bạn lựa chọn được chỗ ngồi chờ thoải mái và thư giãn.
Khi đến sớm, bạn có thể tranh thủ quan sát bầu không khí ở công ty mà đến phỏng vấn. Đồng thời chuẩn bị sẵn tâm lý, loại bỏ áp lực và trấn an bản thân để có tinh thần tốt nhất. Bạn có thể thực hiện một số bài tập thở tại chỗ để củng cố thêm tinh thần.
Để đến sớm trước giờ hẹn không phải là điều dễ dàng với nhiều người. Ngoài yếu tố chủ quan là cần dậy sớm để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi ở nhà thì bạn cần khảo sát các yếu tố khách quan.
Điển hình nhất là bạn cần khảo sát tình hình giao thông, chủ động căn đo thời gian để đi đến điểm phỏng vấn. Nếu chưa thực sự yên tâm thì bạn có thể khởi hành sớm hơn. Nhất là khi gần đây đoạn đường từ nhà bạn đến địa điểm phỏng vấn hay xảy ra ách tắc giao thông.
7. Hít thở sâu giúp giảm căng thẳng khi phỏng vấn
Hít thở sâu là một trong những cách tốt nhất để làm giảm căng thẳng và hồi hộp trong cơ thể của bạn. Khi hít thở sâu, não bộ sẽ nhận được một thông điệp giúp cho cơ thể bình tĩnh và thư giãn.
Việc hít thở sâu còn cung cấp một lượng lớn oxy cho não bộ và toàn bộ cơ thể. Đặc biệt là có thể làm giảm nhanh chóng các triệu chứng thở nhanh, nhịp tim nhanh hay huyết áp cao.
Có rất nhiều bài tập thở mà bạn có thể áp dụng để kiểm soát căng thẳng. Hãy bắt đầu với việc thở bằng bụng rất đơn giản và dễ thực hiện. Bạn có thể thực hiện nó trong thời gian chờ đợi bên ngoài phòng phỏng vấn. Chỉ cần vài ba phút hít thở sâu là đã giúp bạn thư giãn đầu óc và loại bỏ áp lực.
8. Tự động viên bản thân
Sự căng thẳng và hồi hộp dù liên quan đến bất cứ lý do gì cũng sẽ đều khiến cho bạn cảm thấy nhụt chí. Thay vì chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực thì bạn nên biết tự động viên và trấn an bản thân mình. Đây là cách hữu hiệu giúp làm giảm hiệu quả tình trạng căng thẳng khi phỏng vấn.
Trước khi đi phỏng vấn, bạn hãy luôn nghĩ đến những lý do khiến bạn xứng đáng có được công việc mà mình đang ứng tuyển. Bạn không chỉ có đầy đủ kỹ năng mà còn có kinh nghiệm, sự nhiệt huyết, chăm chỉ và có khả năng chịu đựng áp lực.
Tự động viên bản thân là chìa khóa giúp bạn trở nên lạc quan hơn. Từ đó giúp cho bạn ghi điểm tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Bởi buổi phỏng vấn chính là cơ hội để các ứng viên có thể gây ấn tượng bằng chính năng lực của bản thân.
9. Thừa nhận sự căng thẳng của bản thân
Thay vì cố gắng kìm nén và chôn vùi cảm giác hồi hộp thì bạn nên thừa nhận nó và tìm cách dung hòa cảm xúc tiêu cực. Nên nhớ rằng, bạn không phải là người duy nhất bị căng thẳng khi phỏng vấn. Dường như đây là tâm lý chung của tất cả mọi người chứ không riêng gì bạn.
Hãy nghĩ thoáng ra một chút, đôi khi căng thẳng cũng là động lực để giúp bạn hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể lựa thời điểm thích hợp để chia sẻ cảm giác hồi hộp của mình với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên đừng quên kèm theo một nụ cười thật tươi tắn trên môi.
Bạn phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rõ thông điệp, tôi có thể bị căng thẳng nhưng điều đó không phải là vấn đề đánh bại tôi. Trở ngại tâm lý sẽ không làm tôi mất đi sự tự tin để thể hiện tốt năng lực của mình.
10. Lựa chọn tư thế ngồi phù hợp
Tư thế ngồi ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bạn trong suốt buổi phỏng vấn. Bởi có những nhà tuyển dụng dành ra rất nhiều thời gian để trao đổi với mỗi ứng viên nhằm tuyển chọn các ứng viên sáng giá nhất.
Tốt nhất khi bước vào phòng, bạn cần nở nụ cười tươi tắn và thân thiện, cúi chào mọi người rồi mới ngồi xuống ghế. Tuyệt đối không mang balo hay túi xách lỉnh kỉnh vào phòng phỏng vấn. Nhẹ nhàng đặt túi hồ sơ xin việc (nếu có) xuống bàn, rồi mới kéo ghế ra và từ từ ngồi xuống.
Nên ngồi thẳng lưng với tư thế thật ngay ngắn, hơi nghiêng về phía trước. Tuyệt đối không rung đùi, chùn vai hay lắc mình liên tục. Nếu nghiêng người và dựa lưng quá nhiều về phía sau sẽ khiến cho giọng nói của bạn hơi nghẹn lại khi trò chuyện.
Tư thế ngồi vững chắc và chuyên nghiệp sẽ giúp củng cố sự tự tin ngay cả khi bạn đang hồi hộp. Đồng thời còn dễ dàng gây thiện cảm đối với nhà tuyển dụng.
12. Trả lời chậm và rõ ràng
Tâm lý lo lắng và căng thẳng có thể khiến cho bạn bị mất bình tĩnh trước các câu hỏi từ nhà tuyển dụng. Từ đó dẫn tới việc nói nhanh và không rõ ràng, âm lượng không chuẩn mực. Đôi khi câu trả lời của bạn trở nên dài dòng, lộn xộn và chứa nhiều khoảng lặng ậm ừ. Và đương nhiên, không một nhà tuyển dụng nào đánh giá cao những câu trả lời như thế.
Tốt nhất bạn nên điều hòa lại hơi thở và tiết chế giọng nói của mình. Cố gắng nói thật chậm rãi và rõ ràng với âm lượng vừa phải. Trước mỗi câu hỏi của nhà tuyển dụng, bạn cần khoảng 30 giây để suy nghĩ các ý chính trước khi đưa ra câu trả lời.
Trường hợp bạn không nghe rõ câu hỏi thì đừng ngần ngại việc yêu cầu nhà tuyển dụng nhắc lại. Điều này sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn cố gắng trả lời khi chưa thật sự nghe rõ và hiểu về câu hỏi của họ.
13. Có thái độ tích cực
Thái độ tích cực là yếu tố rất quan trọng giúp làm giảm bớt tâm lý căng thẳng và hồi hộp khi bạn đi phỏng vấn. Sự tự tin và tích cực sẽ được thể hiện rõ ràng thông qua nét mặt của bạn.
Các nhà tuyển dụng luôn có cái nhìn thiện cảm về những ứng viên lạc quan. Vì vậy, bạn nên nở nụ cười nhẹ nhàng và thể hiện tinh thần phấn chấn. Điều này đủ để cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn đang hào hứng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn này.
14. Giao tiếp bằng mắt giúp giảm căng thẳng khi phỏng vấn
Trong buổi phỏng vấn, nếu bạn liên tục nhìn xuống hay nhìn xung quanh sẽ khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn đang lo lắng hay giấu giếm điều gì đó. Tốt nhất bạn nên biết cách giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng.
Hãy nhìn người phỏng vấn một cách tự nhiên nhất và thể hiện sự chủ động, hăng hái của bản thân. Đây là một cách rất hữu hiệu giúp nhà tuyển dụng thấy rằng bạn rất tự tin vào năng lực của chính bản thân mình.
Thay vì nhìn chằm chằm vào mắt người đối diện thì bạn nên tập trung vào điểm nằm giữa 2 mắt của họ. Thỉnh thoảng có thể hướng mắt xuống CV của mình để tạo ra sự tự nhiên và thoải mái cho bản thân.
15. Thả lỏng cơ thể
Tâm lý căng thẳng và hồi hộp thường khiến cho cơ thể bị gồng cứng. Từ đó gây ra sự thiếu thoải mái, khúm núm và mất tự tin. Các vấn đề này cũng ảnh hưởng không ít đến buổi phỏng vấn của bạn.
Tốt nhất bạn nên thả lỏng cơ thể, thư giãn các khớp. Khi đang chờ phỏng vấn bên ngoài, nên thực hiện một số động tác mở rộng các khớp tay, chân và cổ vai gáy. Từ đó giúp cải thiện tuần hoàn máu và làm giảm bớt căng thẳng, stress khi phỏng vấn.
16. Bình tĩnh trước các câu hỏi khó
Một số nhà tuyển dụng có thể đưa ra các câu hỏi khó nhằm đánh giá khả năng thực thụ của ứng viên. Nếu bị nhà tuyển dụng “hỏi khó” thì bạn cần biết cách chế ngự nỗi sợ và giữ được bình tĩnh.
Nếu bị hỏi những câu nhạy cảm mà bản thân không muốn trả lời thì cũng đừng im lặng bỏ qua hay cười trừ. Tốt nhất nên chia sẻ thành thật và tô vẽ thêm một chút để có được câu trả lời hợp lý và logic.
Câu hỏi “Tại sao bạn lại từ bỏ công việc cũ?” dường như là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Bởi nó có thể gợi lại những điều không tốt về môi trường cũ. Từ đó khiến cảm giác căng thẳng và lo lắng ập tới.
Thay vì chê trách công ty hay đồng nghiệp cũ thì bạn nên chia sẻ những điều tích cực. Đồng thời nhấn mạnh bài học nhận ra từ công việc cũ và hướng đến sự thay đổi để làm mới bản thân hay có được sự thăng tiến hơn trong công việc.
Trên thực tế, có rất nhiều cách giúp làm giảm áp lực và căng thẳng khi phỏng vấn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng và suy nghĩ tích cực. Hãy xem phỏng vấn như một cuộc trò chuyện và chia sẻ để tâm lý được thoải mái. Đừng đặt nặng đến kết quả ngay khi buổi phỏng vấn còn chưa diễn ra.
Có thể bạn quan tâm:
- Căng Thẳng Stress Gây Khó Thở Và Cách Khắc Phục
- Bài Tập Hít Thở Giúp Giải Tỏa Stress Căng Thẳng Nhanh Chóng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!