15 cách vượt qua áp lực trong cuộc sống, giải toả cảm xúc
Áp lực cuộc sống chồng chất có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Chính vì vậy, cá nhân mỗi người phải trang bị cho mình một số cách vượt qua những áp lực trong cuộc sống để kịp thời giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Áp lực cuộc sống là gì?
Áp lực cuộc sống là tình trạng căng thẳng, lo âu hoặc cảm giác quá tải mà một người có thể trải qua khi phải đối mặt với: Những yêu cầu, trách nhiệm hoặc thử thách từ công việc, gia đình, tài chính, các mối quan hệ cá nhân, và các khía cạnh khác trong cuộc sống.
Ngày nay, việc đối mặt với áp lực cuộc sống không còn là điều xa lạ. Trước đây, chỉ có người trưởng thành mới đối mặt với áp lực từ công việc, các mối quan hệ, tài chính,… Tuy nhiên với sự phát triển không ngừng, các em học sinh cũng phải đối mặt với áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình, nhà trường và những mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn bè.
Áp lực là điều khó tránh khỏi vì bất cứ ai cũng phải đối mặt với những vấn đề riêng. Về mặt tích cực, áp lực trong cuộc sống có ý nghĩa khơi gợi động lực để chúng ta nỗ lực và cố gắng hơn. Cuộc sống không có áp lực sẽ khiến mỗi cá nhân bị giới hạn về mọi mặt và không khám phá được năng lực tiềm ẩn của bản thân. Tuy nhiên, áp lực quá lớn có thể dẫn đến stress, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh,… nếu không biết cách giải tỏa.
Áp lực cuộc sống có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Công việc: Khối lượng công việc lớn, áp lực về thời gian, sự cạnh tranh hoặc các yêu cầu không ngừng nghỉ có thể dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống.
- Tài chính: Những lo lắng về việc chi tiêu, nợ nần, hoặc việc đảm bảo tài chính cho tương lai có thể tạo ra áp lực cuộc sống.
- Gia đình: Trách nhiệm chăm sóc gia đình, xung đột trong các mối quan hệ gia đình, hoặc kỳ vọng từ người thân có thể làm tăng áp lực.
- Xã hội: Áp lực từ xã hội, bao gồm việc so sánh bản thân với người khác, mong muốn đạt được các tiêu chuẩn xã hội, hoặc cảm giác bị cô lập, cũng là những nguồn gây áp lực.
- Sức khỏe: Các vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tinh thần cũng có thể là nguồn gốc của áp lực cuộc sống.
Áp lực cuộc sống nếu không được giải toả hiệu quả có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, và căng thẳng mạn tính. Điều quan trọng là nhận biết và tìm cách giảm bớt áp lực để duy trì cân bằng cuộc sống và sức khỏe tốt hơn.
15 cách giúp bạn vượt qua áp lực trong cuộc sống hiệu quả
Thực tế, rất nhiều người không biết cách giải tỏa áp lực cuộc sống. Về lâu dài, áp lực tạo ra những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Nếu đang phải đối mặt với áp lực cuộc sống, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giải tỏa như:
1. Chia sẻ với những người xung quanh
Trong cuộc sống, bạn khó có thể tránh khỏi những vấn đề nan giải, không tìm được hướng giải quyết. Lúc này, cách tốt nhất để giải tỏa áp lực cuộc sống là chia sẻ với những người xung quanh. Khi chia sẻ vấn đề của bản thân và những uẩn khuất trong lòng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, nếu kìm nén mọi thứ, cảm xúc tiêu cực sẽ chồng chất ngày qua ngày khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn.
Khi chia sẻ với bạn bè, người thân, bạn sẽ nhận lại được sự đồng cảm, thấu hiểu và đôi khi là những lời khuyên hữu ích. Vì là người trong cuộc nên bạn dễ có những ý nghĩ tiêu cực và khó tìm ra giải pháp. Tuy nhiên khi chia sẻ với mọi người, bạn bè và người thân sẽ có cách nhìn nhận khách quan hơn, từ đó giúp bạn tìm ra phương án để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Vào cuối tuần, bạn nên dành chút ít thời gian gặp bạn bè để trò chuyện và tán gẫu. Những câu chuyện bông đùa và sự quan tâm của những người xung quanh sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng, sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
2. Dành thời gian nghỉ ngơi
Vì áp lực kinh tế nên không ít người lao đầu vào công việc mà quên mất bản thân cũng cần được nghỉ ngơi. Làm việc quá sức trong một thời gian dài không chỉ tạo áp lực vô hình mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như suy nhược thần kinh, mất ngủ, rối loạn tiền đình, thiếu máu não,…
Khi cảm thấy bản thân quá áp lực với những vấn đề trong cuộc sống, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Đây là biện pháp đơn giản để có thể giải tỏa căng thẳng, phiền muộn và giúp bạn nạp lại nguồn năng lượng tích cực.
Dù công việc có bận rộn như thế nào, bạn cũng cần đảm bảo bản thân ngủ đủ 7 tiếng/ ngày và có từ 1 – 2 tiếng đồng hồ để thư giãn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dành ra 1 ngày vào cuối tuần để chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng.
3. Nỗ lực cải thiện bản thân
Nhiều vấn đề có thể lặp đi lặp lại khiến bạn bị stress – căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực. Trong trường hợp này, bạn nên nỗ lực để cải thiện bản thân nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Có như vậy, những vấn đề phiền toái và áp lực mới giảm dần theo thời gian.
Chẳng hạn bạn gặp phải khó khăn trong công việc do thiếu kỹ năng, chuyên môn, cần cố gắng học hỏi và lắng nghe lời khuyên từ đồng nghiệp. Nếu cần thiết, có thể học thêm vào buổi tối để nâng cao chuyên môn và kỹ năng. Khi năng lực được cải thiện, bạn có thể hoàn thành tốt công việc và tự tin hơn trong cuộc sống.
Ngoài ra, bạn cũng nên cải thiện kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý chi tiêu,… để giảm thiểu những phiền toái trong cuộc sống. Những kỹ năng này còn giúp bạn tự tin và chủ động hơn trong các mối quan hệ, công việc,… Vì vậy khi đối mặt với áp lực, đừng chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực mà nên nỗ lực cố gắng để hoàn thiện mình và cải thiện chất lượng cuộc sống.
4. Tránh xa những mối quan hệ độc hại
Với sự phát triển không ngừng của xã hội, các mối quan hệ không đơn thuần được xây dựng dựa trên tình cảm chân thành. Do đó, đôi khi bạn không thể tránh khỏi những mối quan hệ độc hại. Hiểu một cách nôm na, mối quan hệ độc hại là mối quan hệ được xây dựng có chủ đích (từ 1 hoặc cả 2 phía).
Nếu đối phương tiếp cận bạn vì mục đích, trong mối quan hệ này bạn sẽ là người cho đi tình cảm, sự chân thành và đôi khi cả vật chất. Trong khi đó, thứ duy nhất bạn nhận lại được là cảm xúc tiêu cực. Những mâu thuẫn trong mối quan hệ độc hại vô tình gia tăng áp lực cuộc sống. Thậm chí, một số đối tượng còn thực hiện những hành vi thao túng với chính bạn để đạt được mục đích.
Cách duy nhất để giải tỏa áp lực cuộc sống trong trường hợp này là tránh xa những mối quan hệ độc hại. Với những người có tính cách không phù hợp, bạn chỉ nên duy trì mối quan hệ xã giao để tránh những phiền toái về sau.
5. Thay đổi suy nghĩ
Thay đổi suy nghĩ cũng là cách giúp bạn giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Như đã đề cập, cuộc sống luôn có sự hiện diện của áp lực để thúc đẩy mỗi cá nhân nỗ lực hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy, việc chúng ta có thể làm là cố gắng vươn lên và thay đổi suy nghĩ. Thay vì chìm đắm trong những suy nghĩ bi quan, bạn nên nghĩ tích cực để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.
Thực tế, những người có suy nghĩ tiêu cực luôn có xu hướng nghiêm trọng hóa các vấn đề gặp phải trong cuộc sống và có thói quen suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, những thói quen này vô tình tạo ra áp lực nặng nề dẫn đến mệt mỏi, bi quan, căng thẳng và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Vì vậy để vượt qua những áp lực trong cuộc sống, bạn nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và tích cực.
Thay vì suy nghĩ bản thân xui xẻo, hãy nghĩ đến những thứ mà mình đang có và suy nghĩ về những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn. Cuộc sống đôi khi không thuận lợi như chúng ta vẫn mong muốn. Tuy nhiên, những ai cố gắng và nỗ lực chắc chắn sẽ có được “trái ngọt”.
6. Ăn uống điều độ
Sức khỏe thể chất và tinh thần có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tinh thần suy sụp ảnh hưởng đáng kể đến thể trạng và ngược lại. Khi phải đối mặt với áp lực cuộc sống, bạn nên ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe thể chất và nâng đỡ tinh thần để vượt qua.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, chế độ ăn đầy đủ chất có thể ngăn ngừa suy nhược thần kinh, giảm stress và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực. Theo các chuyên gia, người thường xuyên bị stress nên bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất, đạm, vitamin, Omega 3 và chất chống oxy hóa. Ngoài ra, nên ưu tiên dùng các loại ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp cho cơ thể các axit amin tốt cho tế bào thần kinh.
Bên cạnh đó, cần tránh dùng nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đồ uống chứa cồn, đường và caffeine. Thói quen ăn uống không lành mạnh đã được chứng minh có thể gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất và làm tăng mức độ lo lắng, căng thẳng. Chính vì vậy, bạn cần tránh các món ăn và thức uống này nếu muốn vượt qua áp lực cuộc sống.
Rất nhiều người trẻ hiện nay không ăn uống điều độ vì quá bận rộn với công việc. Tuy nhiên để tránh các vấn đề sức khỏe về lâu dài, bạn cần ăn uống đủ 3 bữa/ ngày và bữa ăn phải cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng. Khi có thể trạng tốt, ngưỡng chịu đựng với stress sẽ tăng lên đáng kể, từ đó có thể giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với vấn đề tâm lý do áp lực cuộc sống kéo dài.
7. Tập thiền định
Thiền định là bài tập luyện có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại. Bài tập này được thực hiện bằng cách ngồi xếp bằng, thả lỏng cơ thể và tập trung điều chỉnh hơi thở. Mục đích của thiền định là hợp nhất tinh thần và thể chất, đồng thời đưa tâm trí trở về trạng thái nguyên thủy.
Thông qua thiền định, những cảm xúc tiêu cực sẽ được gạt bỏ. Thay vào đó là cảm giác bình an, thoải mái và thư giãn. Nếu thiền định thường xuyên, bạn có thể giữ cho tâm trí trạng thái sáng suốt và minh mẫn. Đồng thời có thể tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực và biết cách vượt qua những áp lực trong cuộc sống.
Thiền định là bài tập nhìn khá đơn giản nên không dễ thực hiện. Trong thời gian đầu, rất khó để không suy nghĩ và bận tâm đến những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu kiên trì, bạn có thể đưa tâm trí trở về trạng thái cân bằng và hòa hợp với thể xác. Hiện nay, thiền định không chỉ là hình thức tu tập mà đã được chứng minh là liệu pháp hỗ trợ điều trị các vấn đề tâm lý như căng thẳng thần kinh (stress), rối loạn lo âu, trầm cảm, khủng hoảng tâm lý,…
8. Làm việc mình yêu thích
Một trong những cách giải tỏa áp lực cuộc sống đơn giản mà bạn có thể áp dụng là làm những việc mà mình yêu thích. Thay vì chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực, bạn nên dành thời gian rảnh rỗi để nghe nhạc, xem phim, đọc sách, bơi lội, nấu ăn hoặc làm bất cứ việc gì mà mình muốn.
Khi được làm việc mình yêu thích, bạn sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái, thư giãn và quên đi những áp lực trong cuộc sống. Nếu cảm thấy buồn chán khi làm một mình, bạn có thể rủ bạn bè và người thân cùng thực hiện. Những hoạt động này sẽ mang đến niềm vui và sự lạc quan bên cạnh áp lực trong công việc, cuộc sống.
9. Viết nhật ký
Một cách giải toả áp lực cuộc sống đơn giản mà hiệu quả. Đôi khi, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề khó nói và không thể chia sẻ với người khác. Nếu không sẵn sàng để chia sẻ với người thân và bạn bè, bạn có thể viết nhật ký. Viết nhật ký là cách giải tỏa áp lực cuộc sống và những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén như bi quan, buồn bã, căng thẳng, lo âu,…
Tương tự như việc chia sẻ bằng lời, viết nhật ký cũng giúp tinh thần trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp bạn nhìn nhận lại những sự việc đã xảy ra và đánh giá cảm xúc, tư duy của bản thân. Cũng chính vì vậy mà có rất nhiều người có thói quen đọc lại nhật ký để cải thiện những thiếu sót của bản thân.
Dù không phải là mục đích chính nhưng thói quen viết nhật ký cũng giúp bạn cải thiện khả năng hành văn và gia tăng vốn từ ngữ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, người có thói quen viết nhật ký có trí nhớ tốt, linh hoạt và nhạy bén hơn khi giao tiếp.
10. Học cách từ chối
Học cách từ chối cũng là một trong những cách để bạn vượt qua áp lực cuộc sống. Giúp đỡ người khác là tính cách tốt nhưng nếu quá ôm đồm, bạn sẽ khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi và quá tải. Chính vì vậy, chỉ giúp người khác khi bản thân có thể và cần đảm bảo có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Hơn nữa, luôn nhận lời giúp đỡ người khác cũng khiến cho những người xung quanh có thói quen nhờ vả bạn khi cần. Đây thực sự là vấn đề cần phải xem xét và chắc chắn sẽ gây ra nhiều phiền toái nếu bạn không thay đổi.
11. Hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử
Những công việc phải tiếp xúc thường xuyên với thiết bị điện tử sẽ có nguy cơ gây stress cao hơn so với các công việc khác. Nguyên nhân là do tác động của ánh sáng xanh và sóng điện từ. Người làm việc với máy tính và các thiết bị điện tử còn dễ gặp phải tình trạng suy giảm thị lực, đau lưng, đau cổ, rối loạn tiêu hóa, uể oải và mệt mỏi.
Sau những giờ làm việc căng thẳng, bạn nên hạn chế tiếp xúc tối đa với thiết bị điện tử để giữ cho não bộ được thư giãn. Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân là do các nền tảng này có thể là phương tiện của Cyberbullying, đồng thời gia tăng tỷ lệ tiếp cận với những thông tin sai lệch và tiêu cực.
12. Sử dụng trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc thường có mùi thơm tự nhiên cùng với hương vị thơm ngon, là giải pháp tuyệt vời để giải toả áp lực cuộc sống. Mùi hương từ trà sẽ kích thích khứu giác và thúc đẩy sản sinh hormone endorphin tạo cảm giác thư giãn, thoải mái.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn có thể dành một khoảng thời gian ngắn để đọc sách và thưởng thức trà. Nếu dùng vào buổi tối, nên lựa chọn các loại trà có tác dụng an thần, dưỡng tâm như trà mật ong, cam thảo, trà tim sen, trà hoa cúc, trà hoa nhài,… Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một số loại trà thảo mộc chứa một lượng nhỏ caffeine để tăng độ minh mẫn khi làm việc như trà đen, trà xanh, trà bạc hà.
13. Gần gũi với thiên nhiên
Cách giải toả nhanh áp lực cuộc sống được nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm giáo sư của Đại học Michigan – Mỹ được công bố vào 4/2019. Nó cho thấy, nếu bạn nhìn ngắm thiên nhiên từ 20 – 30 phút có thể giảm nồng độ hormone cortisol đáng kể. Tuy nhiên, kết quả này chỉ nhìn thấy ở những đối tượng không sử dụng điện thoại hay bất cứ thiết bị điện tử nào khác.
Hít thở không khí trong lành, nhìn ngắm cây, hoa cỏ, núi rừng, biển,… đều mang lại cảm giác rất thoải mái và dễ chịu. Để giải tỏa áp lực trong cuộc sống, bạn có thể dành thời gian rảnh rỗi để chăm sóc cây cối hay đi dạo trong công viên. Vào những ngày cuối tuần, có thể lên những chuyến đi ngắn để hòa mình vào thiên nhiên và quên đi những phiền muộn trong cuộc sống.
14. Liệu pháp mùi hương
Liệu pháp mùi hương là cách giảm stress bạn có thể áp dụng để giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Mùi hương yêu thích sẽ kích thích các tế bào thần kinh gián tiếp thông qua khứu giác, từ đó làm giảm hormone cortisol, adrenaline và gia tăng hàm lượng serotonin. Serotonin có tác dụng tạo tâm trạng vui vẻ, thư giãn, đồng thời là tiền chất để sản sinh hormone melatonin tạo cảm giác buồn ngủ và ngủ sâu giấc.
Liệu pháp mùi hương được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tùy theo sở thích, bạn có thể cho tinh dầu vào máy khuếch tán, thêm vào nước tắm, hòa với các loại dầu nền để chăm sóc tóc, da, móng hoặc massage cơ thể. Hiện nay, liệu pháp này đã được chứng minh có hiệu quả giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
15. Tích cực điều trị các vấn đề sức khỏe
Đôi khi áp lực cuộc sống bắt nguồn từ những vấn đề sức khỏe mà bạn phải đối mặt. Thực tế, có khá nhiều bệnh lý mà người bệnh phải sống chung trong một thời gian dài, thậm chí là cả cuộc đời như các bệnh dị ứng, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lưỡng cực,… Những bệnh lý này gây ra ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Trong chúng ta không ai muốn đối mặt với bệnh tật. Tuy nhiên, thay vì ủ rũ, bạn nên tích cực điều trị để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tật và có cơ hội trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn hơn. Bởi thực tế, cuộc sống chỉ ý nghĩa khi mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự hứng khởi,…
Hiện nay, khá nhiều bệnh lý vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên với sự tiến bộ của lĩnh vực y học, hầu hết các bệnh lý mãn tính đều có thể kiểm soát thông qua lối sống và các phương pháp y tế. Trong đó, việc giữ tinh thần thoải mái và lạc quan là liều thuốc quan trọng trong quá trình đẩy lùi bệnh tật.
Hy vọng qua những cách giải tỏa áp lực cuộc sống ở trên có thể giúp bạn sớm vượt qua và tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhất. Nếu nhận thấy bản thân chìm đắm trong áp lực và những cảm xúc tiêu cực, nên cân nhắc tham vấn và trị liệu tâm lý.
Tham khảo thêm:
- Cách giúp bạn vượt qua stress về tiền bạc
- 11 Loại tinh dầu giúp giảm stress căng thẳng thư giãn đầu óc
- Căng thẳng stress gây mất ngủ và cách khắc phục hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!