Căng thẳng Stress có làm trễ kinh không? Làm sao có lại?
Căng thẳng Stress và cảm giác lo lắng là nguyên nhân gây trễ kinh rất phổ biến. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, căng thẳng không chỉ gây chậm kinh, vô kinh mà còn gia tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.
Căng thẳng stress có làm trễ kinh nguyệt không?
Căng thẳng (stress) ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài những cảm xúc tiêu cực, stress còn gây đau đầu, mất ngủ, đau mỏi vai gáy, giảm trí nhớ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt. Thực tế, stress và lo lắng quá mức là nguyên nhân gây trễ kinh thường gặp ở nữ giới.
Bên cạnh đó, stress cũng có mối quan hệ mật thiết đến sức khỏe sinh lý của phái nữ. Cụ thể, tình trạng này làm gián đoạn quá trình rụng trứng, thay đổi thời gian hành kinh, kinh nguyệt có màu sắc khác thường và gia tăng mức độ đau bụng kinh.
Tại sao stress, lo lắng lại gây chậm kinh/mất kinh?
Khi căng thẳng, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến nhiều tuyến nội tiết dẫn đến sự gia tăng của các hormone – đặc biệt là cortisol. Khi các hormone gây stress tăng lên quá mức sẽ ngăn cản nồng độ và hoạt động của hormone sinh sản (estrogen, progesterone, FSH, LH,…).
Sự thay đổi bất thường của các hormone sinh sản khiến quá trình rụng trứng bị gián đoạn, chậm kinh, kinh nguyệt ít, máu kinh có màu sắc khá thường, cơ thể mệt mỏi và thường bị đau bụng kinh nhiều hơn. Tình trạng này kết hợp với các triệu chứng thể chất và tâm lý do stress gây ra khiến nữ giới dễ bị suy nhược, mệt mỏi trong thời gian hành kinh.
Không chỉ là nguyên nhân gây chậm kinh, căng thẳng stress và lo lắng còn làm giảm khả năng thụ thai. Nguyên nhân là do stress khiến thời điểm rụng trứng bị thay đổi và chu kì kinh nguyệt không ổn định nên rất khó canh ngày để tăng khả năng thụ thai thành công.
Ngoài ra, việc sụt giảm hormone progesterone cũng là yếu tố khiến khả năng sinh sản giảm. Lý do là vì hormone này thường tăng mạnh ở giai đoạn hoàng thể nhằm tăng độ dày của niêm mạc tử cung, từ đó tạo điều kiện cho bào thai bám vào và làm tổ. Vì vậy, hiện tượng giảm progesterone do stress có thể khiến tỷ lệ thụ thai giảm và tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.
Stress có gây hiện tượng ra máu không?
Tất nhiên rồi. Phản ứng của cơ thể do stress không chỉ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, làm mất kinh hoặc bị trì hoãn vài ngày. Căng thẳng còn có thể gây ra hiện tượng chảy máu nhẹ, tức là khi bạn thấy có một chút máu (thường xuất hiện khi bạn đi vệ sinh hoặc lau khô), nhưng không đủ để được coi là một chu kỳ kinh nguyệt hoàn chỉnh. Điều này thường xảy ra giữa các chu kỳ, khiến bạn tự hỏi, “tại sao lại có hiện tượng này sớm hơn 10-15 ngày?”
Stress gây chậm kinh trong bao lâu?
Thực tế cho thấy, thời gian trễ kinh phụ thuộc vào mức độ stress và cơ địa của từng người.
Nếu chỉ bị stress nhẹ và kéo dài trong thời gian ngắn, tình trạng tắc kinh (bế kinh) sẽ diễn ra trong khoảng vài ngày đến một tuần. Ngược lại, stress nặng gây lo âu, mệt mỏi và suy nghĩ quá nhiều có thể gây ra tình trạng vô kinh trong nhiều tháng liền.
Trong trường hợp trễ kinh kéo dài khoảng 1 – 2 tuần, bạn nên sàng lọc các khả năng có thể xảy ra (mang thai, tác dụng phụ của thuốc và căng thẳng). Nếu cần thiết, có thể tìm gặp bác sĩ để thực hiện một số xét nghiệm nhằm xác định chính xác vấn đề bản thân đang gặp phải.
Có bình thường không nếu mất kinh nhưng không có thai?
Nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều, có thể bị trễ kinh hoặc mất kinh nhưng không có thai. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như do các yếu tố khác như căng thẳng, lo lắng, sử dụng thuốc tránh thai, mất cân bằng hormone, thay đổi cân nặng đột ngột, và các vấn đề sức khỏe khác.
Hoặc kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Hiện có khoảng 25% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gặp phải tình trạng này, vì vậy việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế là rất quan trọng để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Làm thế nào để có lại kinh nguyệt sau khi bị stress?
Nếu bạn cảm thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình bị xáo trộn vì quá căng thẳng hoặc lo lắng, thì cách tốt nhất để mọi thứ trở lại bình thường là tìm cách giảm thiểu căng thẳng.
Xác định và loại bỏ nguyên nhân: Nếu có thể, hãy cố gắng tìm ra những điều gì đang khiến bạn bị stress và thử cách loại bỏ chúng.
Tìm kiếm sự giúp đỡ: Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng, bạn có thể tìm đến các phương pháp như:
- Tâm lý trị liệu: Nói chuyện với chuyên gia để tìm hiểu cách quản lý cảm xúc tốt hơn.
- Các hoạt động thư giãn: Thử thiền, tập thể dục, nghe nhạc,… để giảm căng thẳng.
- Thuốc men: Nếu cần thiết, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc chống lo âu.
Chăm sóc bản thân: Ngoài ra, việc duy trì một lịch ngủ khoa học cũng rất quan trọng để giúp cơ thể bạn thư giãn và cân bằng lại hormone.
Tóm lại, để có lại chu kỳ kinh nguyệt như bình thường sau khi bị stress, bạn cần tập trung vào việc giảm căng thẳng bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng là tìm ra những phương pháp phù hợp nhất với bản thân và kiên trì thực hiện.
Cách cải thiện và phòng ngừa stress gây trễ kinh nguyệt
Trễ kinh, chậm kinh do căng thẳng (stress) là tình trạng rất phổ biến – đặc biệt là ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì và giai đoạn đầu tuổi trưởng thành. Bởi lúc này chu kỳ kinh nguyệt chưa thật sự ổn định và bản thân nữ giới cũng chưa có đủ kinh nghiệm sống để kiểm soát các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Chậm kinh nguyệt là dấu hiệu cho thấy hormone sinh sản đang bị rối loạn. Vì vậy ngay khi nhận thấy tình trạng này, bạn nên thực hiện các biện pháp cải thiện để điều hòa lại kinh nguyệt và ngăn ngừa tình trạng trễ kinh tái phát.
1. Thực hiện các biện pháp giảm stress
Có khá nhiều nguyên nhân gây chậm kinh nguyệt, trong đó stress là nguyên nhân khá phổ biến. Để điều hòa kinh nguyệt và cải thiện tình trạng chậm kinh, bạn nên thực hiện các biện pháp giảm stress để thư giãn và giải tỏa căng thẳng. Khi tâm trạng ổn định, các hormone căng thẳng sẽ giảm thấp, từ đó bình thường hóa quá trình sản xuất và hoạt động của hormone sinh sản.
Các biện pháp giảm stress bạn có thể áp dụng để điều hòa kinh nguyệt và cải thiện tình trạng chậm kinh:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là cách giảm stress đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Khi luyện tập, cơ thể sẽ sản sinh hormone endorphin tạo cảm giác thoải mái, thư giãn, đồng thời làm giảm các hormone gây stress như adrenaline và cortisol. Các nghiên cứu cũng cho thấy, tập thể dục 30 phút mỗi ngày có thể điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh đáng kể.
- Chia sẻ với bạn bè: Khi bị stress và lo lắng quá mức, bạn nên chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh để nhận được lời khuyên hữu ích. Ngoài ra khi bộc lộ hết những suy nghĩ của bản thân, các cảm xúc tiêu cực sẽ được giải phóng. Đây cũng là cách để bạn kiểm soát stress và ngăn ngừa tình trạng chậm kinh nguyệt do căng thẳng kéo dài.
- Viết nhật ký: Viết nhật ký là cách giải tỏa căng thẳng khá hiệu quả. Thay vì dồn nén cảm xúc tiêu cực, bạn nên bộc lộ hết cảm xúc, suy nghĩ của bản thân qua những dòng nhật ký. Viết nhật ký thường xuyên vừa giúp giải tỏa stress vừa có thể rèn kỹ năng viết và gia tăng vốn từ.
- Nghỉ ngơi: Cách đơn giản nhất để giảm stress là dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Nghỉ ngơi là “liều thuốc” tự nhiên giúp phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực. Sau một giấc ngủ ngon, bạn sẽ cảm nhận cơ thể đang sở hữu năng lượng tràn trề và gia tăng sự thích thú đối với công việc.
- Nghe nhạc, đọc sách: Các hoạt động lành mạnh như nghe nhạc, đọc sách cũng có thể giải tỏa căng thẳng, lo âu và giúp bạn ngừng suy nghĩ quá nhiều. Các hoạt động này giúp não bộ được nghỉ ngơi, thư giãn và kích thích sự tái tạo của các tế bào thần kinh. Ngoài ra, đọc sách và nghe nhạc vào buổi tối còn giúp cải thiện giấc ngủ.
Các biện pháp này có thể giảm stress, từ đó cải thiện và phòng ngừa được những vấn đề sức khỏe do căng thẳng gây ra như chậm kinh, đau bụng kinh, choáng đầu, mất ngủ, đau vai gáy,… Ngoài các biện pháp này, bạn cũng nên trau dồi kỹ năng sống và năng lực của bản thân để giảm thiểu những tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống.
2. Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe – đặc biệt là sức khỏe sinh lý nữ. Bên cạnh các biện pháp giảm stress trên, bạn cũng cần thiết lập lại lối sống để giải tỏa căng thẳng, nâng cao sức khỏe và điều hòa kinh nguyệt.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp cải thiện và phòng ngừa tình trạng trễ kinh nguyệt do stress:
- Nên tăng cường bổ sung rau củ, nấm và các loại trái cây tươi. Vitamin, khoáng chất cùng với chất chống oxy hóa từ nhóm thực phẩm này vừa có thể giảm căng thẳng vừa giúp điều hòa kinh nguyệt hiệu quả. Ngoài ra, rau củ tươi còn có tác dụng giảm mệt mỏi và suy nhược trong những ngày hành kinh.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn) để cải thiện hệ tiêu hóa và kích thích vị giác. Bên cạnh đó, lợi khuẩn cũng giúp cân bằng môi trường sinh lý của âm đạo và ngăn ngừa các bệnh lý phụ khoa do stress.
- Hạn chế dùng cà phê, trà chứa caffeine, rượu bia, thuốc lá, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng. Các loại đồ uống và món ăn này có thể làm nghiêm trọng tình trạng chậm kinh do stress. Hơn nữa, chất béo bão hòa và caffeine cũng đã được chứng minh có thể gia tăng mức độ lo lắng, căng thẳng.
- Nên ăn uống điều độ, đủ bữa, tránh tình trạng ăn uống quá mức hoặc chán ăn. Duy trì chế độ ăn hợp lý sẽ giúp nữ giới ổn định lại kinh nguyệt và giảm căng thẳng thần kinh hiệu quả.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và tránh làm việc quá 8 giờ đồng hồ/ ngày để giảm nồng độ các hormone gây stress và ổn định hoạt động của các tuyến nội tiết trong cơ thể. Bên cạnh đó, nên tăng cường tập thể dục để giải tỏa stress và điều hòa kinh nguyệt.
3. Dùng thảo dược điều hòa kinh nguyệt
Nếu đã gặp phải tình trạng chậm kinh do stress, bạn có thể sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng điều hòa kinh nguyệt để cải thiện. Các thảo dược này tương đối an toàn và mang lại hiệu quả khá rõ rệt khi sử dụng.
Các thảo dược có tác dụng cải thiện tình trạng chậm kinh do stress:
- Ngải cứu: Ngải cứu là vị thuốc quen thuộc trong Đông y thường được sử dụng để điều trị các rối loạn kinh nguyệt như chậm kinh, bế kinh, đau bụng kinh,… Thảo dược này có vị cay, đắng, tính ấm, tác dụng kháng viêm, ôn kinh và cầm máu. Để cải thiện hiện tượng chậm kinh do căng thẳng và lo lắng quá mức, bạn có thể trà ngải cứu hoặc các món ăn từ ngải cứu như trứng chiên ngải cứu, gà hầm ngải cứu và canh ngải cứu thịt bằm.
- Rau diếp cá: Căng thẳng quá mức thường gây ra chứng nóng trong khiến cho cơ thể luôn bức bội, hồi hộp và gây ra tình trạng tắc kinh. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng các món ăn từ rau diếp cá hoặc dùng trà diếp cá để làm mát cơ thể và ổn định kinh nguyệt. Ngoài tác dụng trị chậm kinh, lá diếp cá còn giúp cải thiện một số triệu chứng trong thời gian hành kinh như táo bón, đầy hơi, chướng bụng,…
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc có tác dụng kháng viêm, an thần và giảm căng thẳng. Do đó nếu gặp phải tình trạng mất kinh và trễ kinh do stress, bạn có thể dùng loại trà này để cải thiện. Ngoài ra, uống trà hoa cúc còn giúp giảm đau bụng kinh và cải thiện tình trạng mệt mỏi khi đến kỳ.
- Mướp đắng: Mướp đắng (khổ qua) có tính mát nên thích hợp với những người bị stress gây ra chứng nóng trong và bế kinh. Trong trường hợp này, dùng trà khổ qua hoặc các món ăn từ khổ qua có thể cải thiện tình trạng tắc kinh và giảm các triệu chứng nóng trong như táo bón, tâm trạng bức bối, ăn không ngon,…
Đa phần các loại thảo dược đều có dược tính khá yếu nên chỉ cho hiệu quả nếu sử dụng thường xuyên. Vì vậy, bạn nên kiên trì dùng trong khoảng 1 – 2 ngày tuần để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
4. Sử dụng viên uống và TPCN
Nếu không nhận thấy hiệu quả khi dùng thảo dược tự nhiên, bạn có thể dùng TPCN và viên uống giảm stress để cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh. Khi tâm trạng ổn định, chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ được điều hòa trở lại, từ đó có thể cải thiện tình trạng chậm kinh và vô kinh.
Ngoài ra, nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt cũng có thể dùng các sản phẩm chiết xuất từ cao ích mẫu, ngải cứu, vỏ quế, đảng sâm, bạch thược,… Các sản phẩm này có tác dụng điều hòa kinh nguyệt và cải thiện tình trạng trễ kinh khá hiệu quả. Tuy nhiên để ổn định kinh nguyệt và tâm trạng hoàn toàn, bạn nên kết hợp với lối sống khoa học và áp dụng đồng thời với các biện pháp giảm stress.
5. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Stress, lo lắng có thể kéo dài khiến cho tình trạng chậm kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng sức khỏe và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Đối với những trường hợp trễ kinh do stress, bác sĩ sẽ kết hợp điều trị cả hai vấn đề. Trong đó các phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là sử dụng thuốc, liệu pháp thư giãn, trị liệu tâm lý, thay đổi lối sống,…
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc đã hiểu rõ “Stress, lo lắng có làm trễ kinh không?” và nắm bắt được các biện pháp ngăn ngừa – cải thiện tình trạng chậm kinh do stress hiệu quả. Trên thực tế, stress kéo dài còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa và vô sinh – hiếm muộn. Chính vì vậy, mỗi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức hữu ích để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Tham khảo thêm:
- Bị căng thẳng stress sau sinh có ảnh hưởng đến sữa mẹ?
- Suy nghĩ quá nhiều gây mất ngủ mệt mỏi và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!