Stress khi mang thai: Dấu hiệu và điều mẹ bầu cần biết

Stress (căng thẳng) khi mang thai là tình trạng rất thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là các trường hợp có thai lần đầu tiên hay mang thai khi còn quá trẻ. Nếu không biết cách phòng tránh và khắc phục phù hợp sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi. 

Stress khi mang thai là gì?

Stress khi mang thai hay còn được nhiều người gợi là tình trạng căng thẳng quá mức trước khi sinh. Đây là hiện tượng mà các mẹ bầu cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình mang thai và chờ đợi đến ngày sinh nở. Tình trạng này có thể khởi phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do sự thay đổi hormone bên trong cơ thể, những khó khăn trong quá trình mang thai, sự lo lắng về việc sinh con, vấn đề tài chính, mâu thuẫn trong gia đình,…Nếu mẹ bầu liên tục căng thẳng và không có cách khắc phục hiệu quả sẽ khiến cho hệ miễn dịch dần bị suy giảm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ và sự phát triển não bộ của thai nhi.

Dấu hiệu bà bầu bị stress

Trong suốt thời gian mang thai, người mẹ thường xuyên gặp phải rất nhiều sự thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài. Các mẹ bầu hay có triệu chứng thở nông, mất ngủ, huyết áp tăng cao, buồn nôn, mệt mỏi,….Tuy nhiên, nếu bà bầu có xuất hiện các dấu hiệu sau đây thì nhiều khả năng bạn đang chịu phải sự căng thẳng quá mức.

1. Thường xuyên khóc lóc

Trong thực tế, việc thay đổi hormone bên trong cơ thể cũng khiến cho các mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn. Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu thường xuyên khóc lóc ngay cả khi bản thân cảm thấy không buồn chán thì nhiều nguy cơ bạn đang bị ảnh hưởng bởi những tác nhân gây stress. Bởi khi căng thẳng quá mức sẽ khiến cho cơ thể không tự điều chỉnh cảm xúc theo đúng ý muốn, bạn sẽ cảm thấy buồn bã, chán nản hoặc đôi lúc khóc không rõ nguyên nhân.

2. Đau nhức và mệt mỏi

Đối với phụ nữ mang thai, hầu hết các bộ phận của cơ thể đều không thoải mái, gây ra các cảm giác khó chịu, mệt mỏi, nhất là trong khoảng 3 tháng đầu và cuối thai kỳ. Nếu bạn nằm trên giường thì những cơn khó chịu đó có thể sẽ được thuyên giảm. Tuy nhiên, khi các cơn đau nhức, mệt mỏi có liên quan đến stress thì nó sẽ xuất hiện nhất quán vào cùng một nơi. Tình trạng này sẽ khiến bạn liên tục mệt mỏi, đau nhức, uể oải, không có sức sống.

Dấu hiệu bà bầu bị stress khi mang thai
Mẹ bầu stress khi mang thai thường xuyên mệt mỏi, đau nhức, khó chịu toàn thân

3. Vô vọng, chán nản

Sau quá trình thăm khám thực tế, nhiều chị em chia sẻ rằng, khi mang thai họ thường có cảm giác suy sụp, chán nản, vô vọng. Họ luôn có những suy nghĩ tiêu cực, có xu hướng nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra và rất khó tự kiểm soát chúng. Các chuyên gia cho biết rằng, đây cũng chính là một trong các dấu hiệu thường gặp ở các mẹ bầu bị stress khi mang thai.

4. Thường xuyên nhiễm trùng

Trong thực tế, khi phụ nữ mang thai thì hệ miễn dịch đã thấp hơn so với bình thường, nhiều trường hợp rất dễ bị cảm lạnh, cảm cúm. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mẹ bầu bị stress khi mang thai thì hệ thống miễn dịch càng bị suy yếu trầm trọng hơn. Lúc này cơ thể không đủ khả năng chống lại các tác hân gây hại từ bên trong lẫn bên ngoài nên khiến cho các mẹ bầu thường xuyên bị đau bệnh. Đặc biệt, đối với các bà mẹ đã trải qua quá trình vỡ ối sớm hoặc vỡ ối non thì chúng càng trở nên đáng sợ hơn. Nguy cơ bị nhiễm trùng tăng cao, thậm chí có thể gây tử vong ở thai nhi.

5. Lượng đường trong cơ thể thay đổi

Thông thường, khi mang thai mẹ bầu sẽ được kiểm tra sức khỏe định kì và có chế độ tập luyện, ăn uống phù hợp. Nhưng nếu lượng đường vẫn nằm ngoài mức quy định thì có nhiều khả năng bạn đang mắc phải tình trạng stress khi mang thai. Đặc biệt, đối với các trường hợp mẹ bầu có nhiều nguy cơ hoặc được chẩn đoán mắc phải chứng bệnh tiểu đường thai kỳ thì cần phải kiểm soát nhanh tình trạng căng thẳng để hỗ trợ tốt cho kế hoạch điều trị.

6. Co thắt

Một trong các biểu hiện thường gặp khi mẹ bầu bị stress đó chính là tình trạng co thắt sớm. Cơ thể căng thẳng quá mức cũng là yếu tố liên quan đến việc chuyển dạ sinh non. Cũng bởi các cơn co thắt liên tục xuất hiện sẽ gây ra một số thay đổi nhất định ở cổ tử cung của người mẹ và làm gia tăng nguy cơ bị sinh non.

7. Thay đổi lối sống

Đây là dấu hiệu khá điển hình, khi mang thai bị stress lâu ngày, các mẹ bầu sẽ dần thay đổi lối sống. Họ thường xuyên cảm thấy chán ăn (hoặc ăn rất nhiều), mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Đồng thời trí nhớ cũng sẽ bị giảm sút, khả năng tập trung suy yếu, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định hàng ngày. Đặc biệt hơn, các mẹ bầu bị stress thường có xu hướng muốn thu mình lại và không muốn giao tiếp với những người xung quanh bởi họ nghĩ rằng không ai hiểu và cảm thông được cho mình. Đồng thời họ sẽ ít tham gia vào các hoạt động giải trí, vui chơi, hạn chế đến những nơi đông người.

Nguyên nhân bị stress khi mang thai

Phụ nữ khi mang thai thường có những thay đổi nhất định về thể chất lẫn tinh thần. Mẹ bầu sẽ trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt, nóng giận, khẩu vị cũng thay đổi bất thường hoặc có thể mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện vào khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, cũng bởi lúc này cơ thể người bệnh chưa thể thích ứng kịp với những sự thay đổi đột ngột.

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng cứ liên tục kéo dài và biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn thì có thể đó là do sự ảnh hưởng từ yếu tố stress. Nếu không thể phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Nguyên nhân bị stress khi mang thai
Sự thay đổi đột ngột của các hormone có thể là nguyên nhân gây stress cho phụ nữ đang mang thai

Tình trạng mẹ bầu stress khi mang thai có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc hiểu và biết rõ được lý do gây ra stress sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh của thai phụ. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể làm cho các mẹ bầu bị stress trong quá trình mang thai.

  • Sự thay đổi đột ngột của các hormone bên trong cơ thể.
  • Các áp lực đến từ tài chính, ví dụ như các trường hợp có con ngoài ý muốn, mẹ đơn thân.
  • Các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình hoặc đối với chồng.
  • Người mẹ có nỗi lo lắng quá lớn về sức khỏe của bản thân và thai nhi, quá nghiêm khắc hoặc thường xuyên cảm thấy bất an về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.
  • Thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc do một số triệu chứng hay gặp khi mang thai như tê bì chân tay, đau bụng, đau lưng,…
  • Sự lo lắng, tự ti về những thay đổi của ngoại hình, chẳng hạn như bị rạn da, tăng cân,…
  • Buồn nôn, ăn uống không ngon miệng hoặc phải kiêng cử nhiều món khiến tinh thần không được thoải mái.

Trong giai đoạn mang thai, bất kì vấn đề trở ngại hay những tác động tiêu cực nào từ bên ngoài cũng có thể khiến cho mẹ bầu cảm thấy khó chịu, bức bối. Nếu tình trạng này không được giải tỏa sớm sẽ khiến cho các mẹ cảm thấy căng thẳng và dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Mẹ bị stress khi mang thai có ảnh hưởng gì?

Stress khi mang thai không phải là một tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên nếu không biết cách kiểm soát và ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

1. Stress khi mang thai gây ảnh hưởng đến mẹ bầu

Những căng thẳng, lo lắng trong quá trình mang thai nếu không được giải quyết sớm sẽ gây nên nhiều tác động trực tiếp đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của người mẹ. Cụ thể như:

stress khi mang thai
Trầm cảm là hệ lụy nguy hiểm mà stress khi mang thai có thể gây ra

1.1 Tăng nguy cơ sinh non

Tình trạng căng thẳng kéo dài liên tục trong suốt quá trình mang thai sẽ khiến cho các mẹ bầu có nhiều nguy cơ sinh non. Thông thường các trường hợp mẹ bầu bị stress khi mang thai sẽ có khả năng sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sơ sinh khi sinh ra cũng có dấu hiệu nhẹ cân, phát triển không tốt như các trẻ khác hoặc có thể mắc phải một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

1.2 Dọa sảy thai hoặc sảy thai

Các chuyên gia cho biết rằng, nếu mẹ bầu bị căng thẳng ở những tuần thai đầu tiên thì nguy cơ bị dọa sảy thai rất cao, thậm chí là sảy thai thật. Cũng bởi stress sẽ làm cho cơ thể kích thích tiết ra một loại hormone bên trong máu khiến khả năng tăng sảy thai càng tăng cao. Trong thực tế đã có rất nhiều các trường hợp mẹ bầu bị sảy thai sớm do thường xuyên căng thẳng, lo lắng quá mức. Theo số liệu ước tính thì các khoảng từ 10 đến 20% các trường hợp sảy thai đều do ảnh hưởng từ tình trạng mẹ bầu stress khi mang thai.

1.3 Tiền sản giật

Nếu bị stress khi mang thai sẽ khiến cho huyết áp của thai phụ tăng cao đáng kể. Tình trạng này dễ khiến cho các sản phụ mắc phải chứng nhiễm độc thai, sản giật, tiền sản giật. Đây là một trong các hội chứng cực kì nguy hiểm cần được thăm khám và điều trị ngay để tránh các ảnh hưởng xấu đối với mẹ và thai nhi.

1.4 Nhịp tim tăng nhanh

Nhịp tim của phụ nữ mang thai sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn so với bình thường vào khoảng tuần thứ 10. Cho đến khoảng 3 tháng cuối thai kỳ thì nhịp tim sẽ gia tăng nhiều hơn trước khoảng 10 nhịp. Các chuyên gia cho biết rằng, nhịp tim bình thường của phụ nữ mang bầu sẽ ở mức 100 lần/ phút. Đặc biệt khi bị stress trong giai đoạn này, chị em sẽ dễ bị kích động, các cảm xúc dồn nén quá lâu đôi lúc khiến họ gặp phải nhiều khó khăn trong việc thở sâu.

1.5 Trầm cảm

Mệt mỏi, mất ngủ, lo lắng, stress, suy nghĩ tiêu cực kéo dài là các yếu tố có thể khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm. Đối với phụ nữ đang mang thai thì nguy cơ này lại càng tăng cao đáng kể. Khi căng thẳng, các mẹ bầu sẽ có xu hướng suy nghĩ về những điều tồi tệ, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, dễ khóc lóc, giận dữ. Lâu dài nếu cảm xúc không được giải tỏa sẽ làm gia tăng nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tự sát nếu biểu hiện ở mức độ nặng.

2. Mẹ bầu bị stress khi mang thai gây ảnh hưởng đến thai nhi

Ngoài những tác động đối với người mẹ thì tình trạng stress khi mang thai cũng gây ra một số cản trở đối với sự phát triển của thai nhi. Cụ thể:

stress khi mang thai
Trẻ sơ sinh dễ bị nhẹ cân nếu mẹ bị stress trong quá trình mang thai

2.1 Trẻ sinh ra bị nhẹ cân

Nếu trong quá trình mang thai tâm lý của người mẹ không được ổn định sẽ khiến cho chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện bị tác động. Bên cạnh đó, cơ thể căng thẳng quá mức sẽ không thể hấp thụ tốt được các chất dinh dưỡng cần thiết, điều này làm ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Một số trường hợp trẻ sinh ra chỉ nặng khoảng 2kg, cơ thể yếu ớt, sức đề kháng kém so với bình thường. Điều này cũng gây nên nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cho trẻ sau này.

2.2 Ảnh hưởng đến não bộ của trẻ

Các chuyên gia cho biết rằng, khi người mẹ bị stress liên tục sẽ làm cho cơ thể tiết ra nhiều hàm lượng hormone căng thẳng cùng rất nhiều các loại độc tố. Cũng không chỉ gây hại cho người mẹ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi, làm cho cấu trúc cơ bản của não bộ bị thay đổi đáng kể. Tình trạng này sẽ gây nên một số ảnh hưởng về nhận thức, sự phát triển sau này của trẻ.

2.3 Rối loạn hành vi

Trang báo nổi tiếng chuyên về mẹ và bé – MomJunction từng chia sẻ rằng, trẻ nhỏ sẽ có nhiều nguy cơ bị rối loạn hành vi nếu mẹ bầu thường xuyên bị căng thẳng trong suốt quá trình mang thai. Điều này sẽ làm cản trở và gây ra nhiều khó khăn đối với việc giao tiếp với mọi người khi trẻ lớn lên, thậm chí trẻ có thể mắc phải chứng tự kỷ.

2.4 Rối loạn giấc ngủ

Căng thẳng, stress thường xuyên sẽ là ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của các mẹ bầu. Tình trạng này cũng tác động đến giấc ngủ của thai nhi. Hơn thế, sau khi sinh ra nhiều trẻ còn có khả năng bị rối loạn giấc ngủ vào những năm đầu đời. Để giải thích cho tình trạng này các chuyên gia cũng cho biết rằng, khi bị stress cơ thể mẹ sẽ tiết ra hormone cortisol. Loại hormone này sẽ truyền qua nhau thai và tác động đến vùng não ổn định nhịp sinh học của trẻ. Nếu không thể điều trị tốt thì tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đối với trí thông minh và thể chất của trẻ nhỏ.

Cách phòng ngừa và vượt qua stress khi mang thai

Như đã chia sẻ ở trên, stress khi mang thai sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đối với mẹ bầu và thai nhi. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của stress bạn cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp thư giãn giúp giải tỏa hiệu quả. Đối với các trường hợp nặng thì cần phải chủ động thăm khám và điều trị cùng với bác sĩ chuyên khoa.

Thông thường, đối với các trường hợp mẹ bầu bị stress sẽ được khuyến khích áp dụng các biện pháp thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống tại nhà để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số trường hợp đặc biệt cần thiết mới được cân nhắc sử dụng các loại thuốc phù hợp.

Sau đây là một số cách giúp bạn có thể phòng tránh và nhanh chóng vượt qua được tình trạng stress khi mang thai.

1. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn

Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu cần phải được nghỉ ngơi và thư giãn, tránh làm việc quá sức sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt khi cảm thấy căng thẳng cần phải tìm một không gian yên tĩnh, thoáng đãng để nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc. Nếu cảm thấy sức khỏe không tốt bạn hãy nên tạm gác lại công việc để thả lỏng cơ thể, hỗ trợ massage để tinh thần được thoải mái hơn.

stress khi mang thai
Mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để tinh thần được thoải mái và vui vẻ

2. Tham gia các lớp tiền sản

Căng thẳng trong quá trình mang thai cũng có thể xuất phát từ việc mẹ bầu không thể nắm hết được các thông tin cần thiết để tự chăm sóc sức khỏe và lo lắng cho việc chăm con sau này. Nhất là các trường hợp mẹ mang thai khi còn quá trẻ hoặc lần đầu mang thai. Vì thế, nếu có thời gian và điều kiện bạn hãy đăng kí tham gia vào các lớp học tâm lý dành cho bà bầu.

Tại đây bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức để có được một tâm lý vững vàng nhằm nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe thai kỳ thật tốt. Đồng thời, khi được gặp gỡ nhiều mẹ bầu bạn cũng có thể những người bạn để tâm sự, chia sẻ về những lo lắng, khó khăn của mình. Việc kết bạn sẽ giúp cho tâm trạng trở nên vui vẻ, thoải mái và giảm bớt trạng thái căng thẳng quá mức khi mang thai.

Hiện nay, tại hầu hết các thành phố, địa phương đều có mở những lớp giảng dạy cho mẹ bầu. Bạn có thể tìm hiểu và đăng kí tham gia để học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích. Hoặc ở nơi bạn sống chưa có dịch vụ này thì bạn có thể tìm hiểu qua các trang báo, đọc sách, tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm hoặc tham gia vào các lớp học online.

3. Tập thể dục nâng cao sức khỏe

Tập thể dục mỗi ngày không chỉ giúp ích cho sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ cải thiện tốt tinh thần, giảm stress hiệu quả. Đối với phụ nữ đang mang thai việc tập thể dục sẽ giúp cho máu huyết lưu thông tốt hơn, hạn chế được tình trạng tê bì chân tay, cải thiện chất lượng giấc ngủ, nâng cao sức khỏe tâm thần.

stress khi mang thai
Thiền 15 phút mỗi ngày cũng là cách hữu hiệu giúp khắc phục và phòng tránh tình trạng stress khi mang thai

Mỗi ngày các mẹ bầu chỉ cần dành ra khoảng 15 đến 30 phút để tập luyện các bài tập đơn giản như đi bộ, tập yoga, thiền định cũng giúp tinh thần vui vẻ và thoải mái hơn. Khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy thử ngồi thiền hoặc tập các động tác yoga đơn giản cũng giúp cho bạn bình tĩnh và dễ chịu. Tốt nhất các mẹ nên tìm gặp chuyên gia để được hướng dẫn những bài tập phù hợp nhất, giúp cho sức khỏe được bảo vệ và nâng cao hiệu quả.

4. Chú ý đến giấc ngủ

Mất ngủ là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng căng thẳng ở phụ nữ đang mang thai. Khi cơ thể không được nghỉ ngơi và thư giãn sẽ không thể có đủ năng lượng để hoạt động, từ đó khiến cho các mẹ trở nên cáu gắt, suy nghĩ lung tung,…Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh và khắc phục tình trạng stress khi mang thai đó chính là chú ý nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Mỗi ngày các mẹ bầu nên ngủ đủ 7 đến 8 tiếng, rèn luyện thói quen ngủ sớm trước 11 giờ để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Chị em nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, không uống quá nhiều nước vào buổi tối để tránh tình trạng đi tiểu đêm gây gián đoạn giấc ngủ. Đồng thời vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, hạn chế tiếng ồn, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng phòng phù hợp để giấc ngủ được trọn vẹn hơn.

5. Tâm sự với chồng và người thân

Cảm xúc, tâm trạng của phụ nữ mang thai rất nhạy cảm, họ thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an về nhiều vấn đề xảy ra xung quanh, đặc biệt là tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi. Bên cạnh đó, các mối quan hệ chồng con, gia đình nhiều khi cũng khiến cho họ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Thay vì cứ cố gắng giữ trong lòng những muộn phiền, buồn tủi thì bạn nên chia sẻ và trò chuyện với người thân.

Cách phòng ngừa stress khi mang thai
Chồng nên tâm sự và quan tâm vợ bầu nhiều hơn để san sẻ những khó khăn, lo lắng trong quá trình mang thai

Nếu giữa vợ chồng có những mâu thuẫn, hiểu lầm thì nên nhanh chóng cùng nhau giải quyết. Hãy tâm sự với chồng nhiều hơn để cả hai thấu hiểu và san sẻ khó khăn với nhau. Bạn cũng có thể tìm những người thân thiết và tin tưởng để chia sẻ và nói ra những khúc mắc trong lòng. Khi những nỗi niềm được giải bày sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng cần phải chú ý quan tâm và chăm sóc cho mẹ bầu. Chỉ cần những lời động viên, sự quan tâm tinh tế cũng đủ khiến cho chị em cảm thấy vui vẻ và được an ủi phần nào. Hãy dành nhiều sự yêu thương cho các mẹ vào giai đoạn này, tránh gây ra mâu thuẫn hoặc sử dụng các lời nói nhạy cảm làm cho tâm trạng của thai phụ càng trở nên xấu đi. Gia đình hãy tạo không khí vui vẻ, thoải mái, tôn trọng để mẹ bầu cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc trong suốt thai kỳ.

6. Gặp chuyên gia tâm lý

Nếu mẹ bầu không thể giải tỏa tốt tình trạng stress của mình thì tốt nhất nên cân nhắc đến việc gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Thông qua các buổi trò chuyện, tâm sự trực tiếp các chuyên gia cũng tìm ra được nguyên nhân khiến các mẹ bầu bị căng thẳng và giúp họ giải tỏa tốt cảm xúc tiêu cực của mình. Bằng các kỹ thuật chuyên môn mà chuyên gia sẽ định hướng cho người bệnh dần thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, hành vi theo xu hướng tích cực và lành mạnh hơn.

Sau quá trình trao đổi và tư vấn, các mẹ bầu còn được hướng dẫn một số biện pháp thư giãn, kiểm soát cảm xúc và xử lý các khó khăn xảy ra trong quá trình mang thai để phòng tránh tình trạng stress tái phát. Quá trình tham vấn cũng cần có sự tham gia của người chồng hoặc những người thân thiết để có thể hiểu và đồng cảm hơn với mẹ bầu. Đồng thời, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn cho người thân cách chăm sóc và hỗ trợ thai phụ tốt hơn.

Tình trạng mẹ bầu bị stress khi mang thai nếu có thể sớm phát hiện và áp dụng tốt các biện pháp điều trị thì có thể dễ dàng cải thiện. Hãy luôn dành nhiều sự quan tâm và chia sẻ với các bà bầu để giúp họ có được đời sống tinh thần thật thoải mái, từ đó sẽ hạn chế tốt các vấn đề về tâm lý.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *