Tự luyến trong tình yêu là gì mà ai cũng sợ?
Có lúc nào bạn cảm thấy mình bị bỏ quên trong mối quan hệ vì đối phương luôn đặt bản thân lên trước? Đó chính là dấu hiệu của tự luyến trong tình yêu khi mà một người chỉ quan tâm đến cảm xúc cá nhân, quên mất sự tồn tại của đối phương và tình yêu dần mất đi sự tôn trọng lẫn nhau.
Tự luyến trong tình yêu là gì?
Tự luyến trong tình yêu là trạng thái khi một người luôn đặt nhu cầu cá nhân lên hàng đầu và thiếu quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Họ mong muốn được ngưỡng mộ, kiểm soát mọi tình huống mà không cùng nhau chia sẻ. Điều này dẫn đến mất cân bằng và gây khó khăn trong mối quan hệ.
Dấu hiệu nhận biết người tự luyến trong tình yêu
Trong tình yêu, người tự luyến thường đặt bản thân lên trước hết, không quan tâm đến cảm xúc của người yêu cùng các biểu hiện khiến mối quan hệ rơi vào căng thẳng như sau:
- Tự cao tự đại: Người tự luyến luôn tin rằng mình đặc biệt hơn người khác, nhất là với người yêu. Trong mối quan hệ lại muốn được ngưỡng mộ, khao khát sự chú ý và tự coi mình là trung tâm. Chúng làm họ không tôn trọng người đối diện và gây ra bất bình đẳng trong tình cảm.
- Thiếu sự đồng cảm: Khó đặt mình vào vị trí của người khác, ít khi quan tâm đến suy nghĩ của đối phương, chỉ tập trung vào lợi ích của mình. Điều này khiến người kia cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn và mối quan hệ dần mất đi sự kết nối.
- Kiểm soát và thao túng: Muốn kiểm soát mọi khía cạnh trong mối quan hệ nên dùng lời nói, hành động để thao túng và thậm chí đe dọa đối phương nếu không đạt được ý muốn. Những hành vi này khiến mối quan hệ trở nên ngột ngạt, mất đi sự tự do và niềm tin ban đầu.
- Ghen tuông thái quá: Thường xuyên thể hiện sự ghen tuông vô lý. Để đảm bảo cảm giác an toàn cho bản thân, họ còn kiểm tra điện thoại, giới hạn giao tiếp của đối phương và áp đặt nhiều quy tắc khắt khe. Sự ghen tuông vô cớ này làm đối phương cảm thấy khó chịu, mất đi không gian cá nhân.
- Thay đổi tâm trạng thất thường: Người tự luyến hay thay đổi cảm xúc từ yêu thương, dịu dàng sang lạnh nhạt, xa cách. Những biến đổi tâm trạng bất ngờ này gây bất an, làm cho mối quan hệ trở nên bất ổn, khiến đối phương rơi vào lo lắng, không chắc chắn về vị trí của mình trong lòng người yêu.
- Thiếu trách nhiệm: Ít khi chấp nhận trách nhiệm về hành động của mình mà đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác. Khi xảy ra bất cứ vấn đề gì sẽ hiếm khi xin lỗi nên thái độ này làm cho mối quan hệ dễ rạn nứt vì thiếu sự tôn trọng và thấu hiểu.
- Tự ái cao độ: Lòng tự trọng dễ bị tổn thương, rất nhạy cảm với những lời chỉ trích và dễ nổi giận khi cảm thấy bị đụng chạm. Đồng thời khó chấp nhận ý kiến khác biệt, hay xem mình là đúng, ít khi lắng nghe người khác khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt, khó giao tiếp và chia sẻ.
Các giai đoạn của tự luyến trong tình yêu
Mỗi giai đoạn trong mối quan hệ với người tự luyến không ngừng tạo ra áp lực và gây mệt mỏi cho cả hai bên. Họ không thực sự đầu tư vào mối quan hệ mà chỉ xem đối phương như một công cụ thỏa mãn bản thân, sẵn sàng rời bỏ khi không còn hứng thú. Những giai đoạn sau đây sẽ giúp làm rõ “bức tranh” phức tạp của một mối quan hệ tự luyến.
Lý tưởng hóa
Ban đầu, người tự luyến dùng sự quyến rũ để gây ấn tượng với đối phương. Họ cùng bị thu hút bởi người có thể làm tăng giá trị hình ảnh của mình gồm ai đó thành đạt, tài năng hoặc đơn giản là hấp dẫn. Ở giai đoạn này, họ dùng lời nói cùng hành động quan tâm để chinh phục. Thậm chí hé lộ chuyện cá nhân, khuyết điểm để khơi dậy sự cảm thông nhưng mục tiêu chính vẫn là kiểm soát và đánh giá mức độ sẵn lòng của người kia đối với mình.
Sự quyến rũ và lãng mạn ở giai đoạn đầu này như một công cụ để thu hút đối phương vào. Người tự luyến có thể tặng quà, tổ chức các bữa tiệc xa hoa, đưa ra những lời hứa ngọt ngào để tạo nên cảm giác người kia thật đặc biệt. Dù có vẻ lãng mạn, nhưng trong tâm trí họ, tất cả chỉ là trò chơi kiểm soát và định hướng cảm xúc theo cách họ muốn.
Hạ thấp giá trị đối phương
Tin rằng đã nắm giữ trái tim của đối phương, người tự luyến bắt đầu chuyển sang thái độ đòi hỏi, chỉ trích. Không còn quan tâm và lãng mạn, họ chuyển sang tìm lỗi trong hành vi hoặc thói quen của bạn, đòi hỏi phải tuân theo tiêu chuẩn mà mình đưa ra. Họ sẽ buộc nửa kia làm theo yêu cầu vô lý từ cách ăn mặc đến cách giao tiếp và nếu không làm hài lòng họ, thì mọi lỗi lầm đều đổ dồn về phía bạn.
Ở giai đoạn này, mục đích của người tự luyến là duy trì kiểm soát và gây phụ thuộc về tình cảm. Họ dùng sự chỉ trích để khiến đối phương cảm thấy bất an và hạ thấp giá trị bản thân để qua đó họ chiếm được thế thượng phong. Đây là lúc bạn nhận thấy lý tưởng ban đầu dần tan biến và mối quan hệ trở nên đầy căng thẳng.
Lạm dụng việc hạ thấp
Nếu bạn không rời đi, không thể đặt ranh giới rõ ràng thì người tự luyến sẽ tiếp tục đẩy mức độ lạm dụng cao hơn. Họ sử dụng lời lẽ lăng mạ, chê bai người yêu trước mặt người khác, bịa đặt hoặc thờ ơ với nhu cầu của đối phương. Những hành động này làm suy yếu lòng tự trọng khiến người kia thấy mình không xứng đáng và hoàn toàn phụ thuộc vào họ.
Cuộc sống với một người tự luyến ở giai đoạn này trở nên cực kỳ căng thẳng. Họ có thể ngăn cản đối phương tiếp xúc với bạn bè, gia đình và kiểm soát mọi hoạt động cá nhân để rồi gây ra tổn thương về mặt tinh thần lẫn thể chất. Sự tức giận, thịnh nộ của họ dần chiếm lấy mối quan hệ khiến mọi cảm giác yêu thương đều trở nên xa vời.
Thay thế, rời bỏ
Nếu không còn thấy hài lòng trong mối quan hệ, người tự luyến sẽ bắt đầu tìm kiếm nguồn cung cấp tự luyến mới ở nơi khác. Đối phương không còn đáp ứng nhu cầu thì họ bắt đầu có mối quan hệ ngoài luồng, tìm cách duy trì cuộc sống riêng biệt mà không cần thiết phải tách ra về mặt hình thức. Điều này giúp họ vừa có được địa vị và sự tiện nghi từ mối quan hệ hiện tại, vừa có cảm giác mới từ mối quan hệ khác.
Trong nhiều trường hợp, người tự luyến không thực sự muốn ly hôn hoặc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ vì vẫn cần đối phương nhằm duy trì sự ổn định tài chính, địa vị xã hội,…. Họ không ngại đổ lỗi cho đối phương nếu mối quan hệ gặp trục trặc và luôn đóng vai nạn nhân để tiếp tục kiểm soát cảm xúc của người kia.
Hậu quả sau khi chia tay
Ngay cả khi mối quan hệ kết thúc, người tự luyến không buông bỏ dễ dàng mà quay lại để hứa hẹn, năn nỉ hoặc sử dụng lời lẽ đổ lỗi nhằm lấy lại sự chú ý của đối phương. Trong nhiều trường hợp nếu việc níu kéo không thành công, họ sẽ đe dọa gây áp lực tâm lý nhằm duy trì cảm giác kiểm soát cuối cùng.
Sau khi rời khỏi mối quan hệ tự luyến, người kia thường bị mắc kẹt trong cảm xúc rối loạn và tổn thương. Một số người tự luyến không ngần ngại dùng các mối đe dọa, thậm chí lôi kéo con cái vào để duy trì quyền kiểm soát. Vì vậy, việc tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là về tinh thần, trở nên vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.
Có nên quen người hay tự luyến trong tình yêu?
Người tự luyến khi yêu không mấy khi quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Điều này có thể làm cho người còn lại thấy như mình chỉ là nhân vật phụ, luôn phải đáp ứng và phục vụ cho cái tôi của họ. Nhưng quan trọng là bạn cần hiểu rõ liệu mình có thực sự sẵn sàng đối mặt với thách thức sau đây trong mối quan hệ đầy bất công như vậy không.
- Mối quan hệ thường không cân bằng, bạn sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi
- Đối phương thiếu đồng cảm, không quan tâm đến cảm xúc của bạn
- Có thể xảy ra tình trạng kiểm soát và thao túng, khiến bạn mất tự do
- Ghen tuông vô lý và mong muốn bạn chỉ tập trung vào người kia
- Lòng tự trọng của bạn có thể bị tổn thương bởi những so sánh và phê phán
- Giao tiếp trở nên khó khăn khi đối phương ít khi lắng nghe
- Dễ có cảm giác cô đơn và mệt mỏi về tinh thần
Thay vì để bản thân bị cuốn theo cảm xúc của người tự luyến, bạn cần thiết lập ranh giới rõ ràng để mình không bị thiệt thòi trong mối quan hệ. Đồng thời áp dụng các cách sau đây để có được tình yêu lành mạnh:
- Đặt ra ranh giới rõ ràng để giữ vững sự cân bằng trong mối quan hệ
- Hạn chế dung túng cho những hành vi tiêu cực của người tự luyến
- Luôn ưu tiên cảm xúc và hạnh phúc của bản thân trước
- Chia sẻ tâm tư với người thân, bạn bè để nhận được hỗ trợ
- Không ngại nhờ tới chuyên gia tâm lý khi cảm thấy áp lực
- Đừng ngại kết thúc mối quan hệ nếu nó khiến bạn không hạnh phúc
Tự luyến trong tình yêu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều mối quan hệ. Để tình cảm phát triển lành mạnh, hãy để ý đến nhu cầu và cảm xúc của người khác, vì yêu thương đích thực luôn xuất phát từ sự sẻ chia và đồng cảm.
Có thể bạn quan tâm:
- Các hội chứng tâm lý phổ biến trong tình yêu
- Hội chứng ám ảnh tình yêu – Khao khát tình yêu mù quáng
- Có những người đàn ông chỉ biết yêu bản thân mình!
Nguồn tham khảo:
- https://www.psychologytoday.com/intl/blog/understanding-narcissism/202204/5-harsh-truths-about-narcissistic-love
- https://www.mindbodygreen.com/articles/narcissistic-relationship-pattern
- https://whatiscodependency.com/stages-of-narcissistic-relationships/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!