Tự luyến có nghĩa là gì? Dấu hiệu của một người tự luyến

Tình trạng tự luyến ngày càng trở nên phổ biến khi chúng ta chứng kiến nhiều người trong xã hội luôn muốn làm trung tâm của sự chú ý. Hành vi này có thể biểu hiện qua mong muốn khao khát được người khác thừa nhận. Nhưng làm thế nào để nhận ra một người có tính cách tự luyến?

Tự luyến là gì?

Tự luyến là trạng thái mà một người quá yêu thích và tập trung vào bản thân, đến mức coi mình quan trọng hơn tất cả. Nó khiến họ phớt lờ nhu cầu và cảm xúc của người khác. Đặc điểm của người tự luyến thường là sự đề cao bản thân, mong muốn được ngưỡng mộ và luôn muốn trở thành trung tâm của sự chú ý.

tự luyến là gì
Người tự luyến đề cao bản thân và luôn muốn được ngưỡng mộ

Thuật ngữ tự luyến trong tiếng Anh là “narcissism”, bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp – nơi nhân vật Narcissus mê mẩn chính hình ảnh của mình phản chiếu dưới nước. Mặc dù yêu bản thân là điều lành mạnh, nhưng khi vượt quá giới hạn tự luyến sẽ gây rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder – NPD).

Tình trạng tự luyến đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với sự phát triển của mạng xã hội. Người mắc phải luôn cho rằng mình hoàn hảo, bất chấp khiếm khuyết về tính cách. Khi họ quá tập trung vào bản thân sẽ khó quan tâm đến người khác, gây ra nhiều mâu thuẫn và cô lập trong cuộc sống.

Dấu hiệu nhận biết người tự luyến

Không phải lúc nào tự luyến cũng là điều tiêu cực bởi nếu biết điều chỉnh, nó có thể trở thành động lực giúp một người phát triển và đạt được thành công. Ngược lại, nếu tự luyến quá mức sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ và thậm chí dẫn đến rối loạn nhân cách. Dưới đây là những dấu hiệu để nhận biết tự luyến ở các mức độ khác nhau:

Dấu hiệu của người tự luyến lành mạnh

Người có đặc điểm tự luyến lành mạnh biết yêu thương bản thân đúng mực và giữ cân bằng việc quan tâm đến bản thân và mọi người xung quanh. Tự luyến lành mạnh giúp họ có động lực sống tích cực, theo đuổi ước mơ và đạt được mục tiêu mà vẫn giữ được mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

  • Tự tin vào bản thân nhưng không phô trương
  • Nhận thức rõ ràng về điểm mạnh và yếu của mình
  • Khen ngợi bản thân nhưng không cần sự công nhận từ người khác
  • Kiêu ngạo nhẹ khi được khen nhưng biết điều chỉnh nó
  • Ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần
  • Khó chịu với sự chỉ trích nhưng biết học hỏi
  • Yêu thương bản thân nhưng không bỏ qua cảm xúc của người khác
  • Duy trì sự đồng cảm và kết nối xã hội
dấu hiệu của người tự luyến
Tự luyến lành mạnh là cá nhân tự tin nhưng không phô trương hay phớt lờ cảm xúc người khác

Dấu hiệu của người tự luyến không lành mạnh

Ngược lại, người tự luyến không lành mạnh chỉ biết bản thân mình và luôn muốn được người khác ngưỡng mộ. Họ dễ bị mất kiểm soát khi không nhận được sự tôn trọng và thể hiện bản thân một cách phô trương. Những người này khó duy trì mối quan hệ và gây ra mâu thuẫn trong công việc, gia đình.

  • Phô trương sự giàu có, địa vị, ngoại hình
  • Tự cho mình là đặc biệt và vượt trội hơn người khác
  • Luôn cần được người khác khen ngợi, tôn vinh, ngưỡng mộ, tán dương
  • Khó đồng cảm với người khác
  • Thường xuyên khoe khoang thành tích
  • Dựa vào người khác để củng cố cái nhìn về bản thân
  • Ghen tị với sự thành công của người khác
  • Thích gây ấn tượng bằng lời nói và hành động lớn lao

Dấu hiệu của người rối loạn nhân cách ái kỷ

Khi tự luyến đạt đến mức độ nghiêm trọng nhất, người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ phóng đại về giá trị bản thân, không ngừng mong muốn nhận được sự ngưỡng mộ và bóp méo sự thật để đạt được mục tiêu cá nhân. Chúng khiến họ xa cách với người khác, làm giảm chất lượng sống. Dấu hiệu nhận biết có thể là:

  • Thích phóng đại thành tích, tài năng của mình
  • Mơ tưởng về thành công, quyền lực, sự giàu có
  • Tin rằng mình là người đặc biệt và độc nhất
  • Khao khát được ngưỡng mộ, mong đợi sự phục tùng
  • Tin rằng mình có quyền được đối xử đặc biệt
  • Thao túng và bóc lột người khác để đạt mục đích cá nhân
  • Thiếu sự đồng cảm, thậm chí vui khi thấy người khác khổ đau
  • Ghen tị và cho rằng người khác cũng ghen tị với mình
tự luyến là bệnh gì
Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ mong đợi người khác phục tùng mình

Nguyên nhân của hành vi tự luyến

Mặc dù chưa có câu trả lời chính xác cho tất cả các nguyên nhân, nhưng nhiều nghiên cứu và giả thuyết đã chỉ ra yếu tố có thể góp phần làm phát triển tính cách tự luyến:

  • Di truyền: Tính cách tự luyến được thừa hưởng từ những người thân trong gia đình. Nếu cha mẹ, người thân có xu hướng mắc phải thì con cái cũng có nguy cơ phát triển tính cách này.
  • Nuông chiều quá mức: Trẻ em được nuông chiều, luôn được đáp ứng mọi yêu cầu sẽ hình thành sự tự tin thái quá và cảm giác mình là trung tâm của mọi thứ.
  • Bị bỏ bê: Trẻ em bị bỏ mặc, không nhận được sự quan tâm cũng sẽ phát triển tính tự luyến như một cách để bảo vệ bản thân và khẳng định giá trị cá nhân.
  • Cơ chế phòng vệ tâm lý: Một số người sử dụng sự tự luyến như một lớp bảo vệ trước cảm giác tự ti, sợ hãi thất bại, che giấu cảm xúc yếu đuối bên trong.
  • Văn hóa cạnh tranh: Một số nền văn hóa đề cao sự cạnh tranh và thành công cá nhân đã khuyến khích sự hình thành tính tự luyến.
nguyên nhân gây tự luyến
Tính tự luyến phát triển khi trẻ em không được quan tâm đúng mực

Các yếu tố nguy cơ:

  • Giới tính: Nam giới có xu hướng tự luyến cao hơn nữ giới, một phần do áp lực xã hội và kỳ vọng về vai trò giới tính.
  • Tuổi tác: Tự luyến bộc phát ở giai đoạn thanh thiếu niên, khi bước vào tuổi trưởng thành, khi cá nhân bắt đầu tìm kiếm danh vọng, vị thế trong xã hội.
  • Nghề nghiệp: Những ngành nghề đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt, khẳng định bản thân như nghệ thuật, kinh doanh tạo điều kiện cho hành vi tự luyến phát triển.

Tác hại của thói tự luyến

Thói tự luyến không chỉ khiến người bệnh gặp phải nhiều rắc rối trong cuộc sống mà còn tạo ra khoảng cách với gia đình, bạn bè, xã hội và lạc lối với chính sự cô độc của mình:

  • Cảm giác cô đơn: Mặc dù luôn tìm kiếm sự chú ý từ người khác, người tự luyến vẫn thấy cô đơn, trống rỗng, khó xây dựng được mối quan hệ lâu dài.
  • Sợ thất bại: Quá quan trọng vẻ bề ngoài và hình ảnh của bản thân, người tự luyến rất sợ thất bại. Nên khi gặp khó khăn sẽ đổ lỗi cho người khác, tìm cách biện minh để bảo vệ cái tôi của mình.
  • Hạn chế phát triển: Người tự luyến không chấp nhận sự sai sót và nghĩ mình đã biết tất cả nên khó học hỏi và phát triển bản thân, dẫn đến bị giới hạn trong cuộc sống và sự nghiệp.
  • Gánh nặng tâm lý: Cảm giác bất an, lo âu và tự ti luôn đeo bám dù bên ngoài có vẻ tự tin. Chính điều này dẫn đến các vấn đề sức khỏe như trầm cảm và lo âu.
  • Thiếu đồng cảm: Người tự luyến khó đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, khiến bản thân không quan tâm đến cảm xúc mọi người và làm mối quan hệ thêm căng thẳng, đổ vỡ.
tác hại của tự luyến
Thói quen tự luyến dễ tạo ra xung đột khi người bệnh không quan tâm đến mọi người
  • Gây xung đột, mâu thuẫn: Việc luôn muốn là trung tâm và không chịu lắng nghe ý kiến của người khác khiến người tự luyến dễ dàng rơi vào các cuộc xung đột làm ảnh hưởng mối quan hệ xã hội.
  • Mất đi những người yêu thương: Người thân và bạn bè luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi phải đối phó với người tự luyến nên sẽ dần dần rời xa và để họ lại trong cô độc.
  • Mối quan hệ ngắn: Tính cách ích kỷ và thiếu tôn trọng người khác làm cho người tự luyến khó duy trì các mối quan hệ lâu dài.
  • Bị kẻ xấu lợi dụng: Do luôn tìm kiếm sự tán dương nên khi được khen ngợi, người tự luyến dễ bị những kẻ xấu lợi dụng gây ra tổn thất cả về tinh thần và vật chất.

Cách ứng xử với người tự luyến

Người tự luyến hay gây ấn tượng bởi vẻ ngoài cuốn hút và lời nói phô trương về bản thân nhưng khi tiếp xúc lâu dài, bạn sẽ dần nhận ra sự bất thường trong cách họ ứng xử. Tuy nhiên nếu bạn biết điều chỉnh cách ứng xử phù hợp sẽ tránh được xung đột không cần thiết và duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ.

cách ứng xử với người tự luyến
Góp ý khéo léo trong các cuộc trò chuyện là cách cư xử phù hợp với người tự luyến
  • Không tham gia vào những cuộc tranh luận với người tự luyến vì họ thường không lắng nghe ý kiến khác
  • Nếu tranh luận không kết thúc hiệu quả, hãy nhờ sự trợ giúp của một người có tiếng nói bên ngoài
  • Giữ vững quan điểm và giá trị cốt lõi của bản thân, không nên dễ dàng hưởng ứng theo người tự luyến
  • Cư xử khéo léo khi góp ý, tránh chỉ trích trực tiếp để giảm sự phòng vệ của người tự luyến
  • Luôn lắng nghe cẩn thận và thể hiện sự quan tâm chân thành để người tự luyến cảm thấy được công nhận
  • Khen ngợi chân thành khi thấy điểm tích cực, điều này sẽ giúp cải thiện môi trường giao tiếp
  • Tránh mâu thuẫn không cần thiết, cố gắng duy trì sự bình tĩnh và không để người tự luyến làm bạn mất cảnh giác
  • Khuyến khích người tự luyến tự phản hồi bằng cách hỏi về cảm xúc và trải nghiệm, đồng thời giúp họ tự nhận thức tốt hơn về bản thân.

Dù tự luyến thường gây ra nhiều mâu thuẫn trong các mối quan hệ nhưng nhận biết sớm dấu hiệu của tình trạng này sẽ giúp cá nhân điều chỉnh cách ứng xử với người có tính cách này, tránh được những tình huống căng thẳng không đáng có.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • psychologytoday.com/intl/basics/narcissism
  • https://www.verywellhealth.com/narcissistic-personality-disorder-types-5213256
  • iphd.vn
Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *