10 cách giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân, hết nhút nhát
Hiện nay, do nhiều lý do, nhất là sự bảo bọc quá mức của gia đình khiến cho nhiều trẻ nhỏ trở nên nhút nhát, tự ti và ngại giao tiếp, đặc biệt là nơi đông người. Vậy làm cách nào để giúp trẻ tự tin vào bản thân mình hơn, thoải mái thể hiện trước đám đông?
10 cách giúp con nhút nhát trở nên tự tin hơn vào bản thân
Theo nhận định từ các chuyên gia thì trẻ mạnh dạn, tự tin sẽ nắm được hơn 90% cơ hội thành công trong cuộc sống và trẻ có thể dễ dàng vượt qua được những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được sự tự tin để thoải mái thể hiện bản thân, nhất là ở những nơi đông người.
Để có được sự tự tin cần phải rèn luyện ngay từ nhỏ. Lúc này cha mẹ cũng nên giúp trẻ học cách giao tiếp, biết cách độc lập và một số kỹ năng sống cần thiết để trẻ có thể đủ mạnh dạn thể hiện những ưu điểm của mình. Nếu nhận thấy con trẻ đang có dấu hiệu nhút nhát, thiếu tự tin thì cha mẹ nên nhanh chóng áp dụng các cách sau đây để có thể giúp con trở nên mạnh dạn, tự tin, tỏa sáng hơn.
1. Trò chuyện cùng con
Thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với con là một trong những thói quen tích cực giúp con cải thiện tốt sự tự tin của mình. Thông thường những trẻ nhỏ nhút nhát, rụt rè ít khi biểu hiện ý kiến, không có tiếng nói riêng. Do đó, khi cùng con trò chuyện, cha mẹ nên dựa trên quan điểm cùng trao đổi, hãy để cho con được quyền đưa ra những suy nghĩ của bản thân, có quyền đóng góp ý kiến.
Cha mẹ cũng nên thường xuyên khuyến khích trẻ chủ động bày tỏ cảm xúc, quan điểm riêng của bản thân. Chẳng hạn như khi trò chuyện về một chủ đề nào đó, thay vì cứ chăm chăm nói về suy nghĩ của mình thì cha mẹ cũng nên hỏi thử xem con nghĩ gì về điều này và con có sáng kiến gì cho vấn đề đó hay không.
Bên cạnh đó, trong những cuộc trò chuyện bạn cũng có thể khéo léo đưa vào những câu hỏi mang tính thách đố để tạo thêm động lực cho con. Hãy khuyến khích con đưa ra những lập luận, lý lẻ để bảo vệ quan điểm của mình và dẫn chứng cụ thể để thuyết phục cha mẹ. Nếu có thể xây dựng tốt cho con thói quen này bạn sẽ dễ dàng thấy được con gia tăng sự tự tin mỗi ngày và có thể phản biện, mạnh dạn bảo vệ ý kiến của bản thân trước đám đông.
2. Tạo cơ hội để trẻ chơi và giao lưu với bạn bè
Cách tốt nhất để rèn sự tự tin cho trẻ khi giao tiếp là hãy tạo cho con nhiều cơ hội để giao lưu, vui chơi cùng với bạn bè. Việc có thể chơi với các bạn cùng trang lứa sẽ tạo cho trẻ nhỏ các giác thoải mái, an toàn. Nhờ đó mà trẻ sẽ không còn cảm thấy nhút nhát, lo lắng hay sợ sệt nữa.
Đồng thời, khi trẻ được chơi cùng với bạn bè, đặc biệt là những bạn có cùng sở thích thì trẻ sẽ tự tin để nói ra các ý kiến, suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Lúc này trẻ sẽ không còn cảm giác sợ hãi, không còn cảm thấy lo ngại về việc mình có nói sai khiến cha mẹ trách mắng hay không.
Để có thể dễ dàng gia tăng sự tự tin ở trẻ nhỏ, cha mẹ cũng nên ưu tiên cho trẻ chơi cùng các bạn có tính cách hoạt bát, năng động và có sự tự tin để trẻ có thể học hỏi và noi gương. Khi có thể tạo được thói quen cho trẻ, lâu ngày trẻ sẽ học được các cách đưa ra những quan điểm cá nhân của mình.
3. Quan tâm, chăm chút ngoại hình
Trẻ em cũng giống với người lớn, trẻ sẽ cảm thấy tự tin và dạn dĩ hơn nếu trẻ có được vẻ bề ngoài thu hút và hấp dẫn. Vì thế, cha mẹ hãy chú ý nhiều hơn về ngoại hình của trẻ, xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học và thật lành mạnh. Đồng thời giúp trẻ rèn luyện thói quen tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, cải thiện vóc dáng hiệu quả.
Bên cạnh đó, trang phục cũng là một yếu tố quan trọng làm trẻ tự tin hơn vào bản thân khi đứng trước đám đông hoặc bạn bè. Cha mẹ nên chú ý chọn lựa cho con những bộ quần áo phù hợp với những nơi con đến, phù hợp với những hoạt động mà con tham gia để con thoải mái làm những điều mà mình thích. Đồng thời, khi con diện những bộ trang phục phù hợp và được bạn bè, thầy cô, những người xung quanh khen ngợi sẽ giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tự tin hơn rất nhiều.
4. Dạy trẻ biết cách lắng nghe
Để trẻ trở thành một người tự tin thì trước tiên trẻ phải là người biết lắng nghe. Cha mẹ hãy dạy cho con cách bình tĩnh và kiên nhẫn khi nghe người khác nói chuyện, không được vội vàng cắt ngang hoặc chen vào câu chuyện mà người khác đang nói. Cần dạy trẻ cách tôn trọng lời nói của người khác, phải luôn biết cách lắng nghe một cách lịch sự nhất, luôn quan sát thái độ của những người xung quanh và chờ đợi đến lượt mình phát biểu, bày tỏ ý kiến.
Nhiều bậc phụ huynh khi nhắc đến việc dạy con cách lắng nghe thì lại cảm thấy e ngại và nghĩ rằng con còn quá nhỏ để biết được điều này. Tuy nhiên, nếu có thể kiên trì và tập cho con hàng ngày thì con hoàn toàn có thể rèn luyện tốt. Ví dụ như khi các con xảy ra mâu thuẫn và bắt đầu tranh nhau kể tội thì cha mẹ nên ngăn con lại và để từng trẻ nói, đứa trẻ này nói thì đứa trẻ kia phải chăm chú lắng nghe. Khi rèn luyện được thói quen này, trẻ sẽ bắt đầu biết cách kiểm soát lời nói của bản thân, trình bày rõ ràng và thuyết phục hơn.
5. Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân
Tạo nhiều cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân chính là một trong các cách giúp trẻ gia tăng sự tự tin. Chẳng hạn như cha mẹ có thể gợi ý cho con hướng dẫn các em nhỏ học bài hoặc giải một bài toán khó nào đó. Khi trẻ có thể làm được những điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn và tiếp tục làm nó cho những lần tiếp theo. Đồng thời, khi trẻ có thể giảng bài, giải thích cho em hiểu về một vấn đề, bài tập nào đó chứng tỏ trẻ đã có kỹ năng trình bày tốt, khả năng thuyết phục người khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho con bằng cách cho trẻ tham gia vào các lớp dạy kỹ năng phù hợp với sở thích và sở trường của trẻ, ví dụ như múa, hát, vẽ, kỹ năng sống,…Khi trẻ có thêm nhiều môi trường để thể hiện, được ca hát, nhảy múa và biểu diễn trước đám đông sẽ giúp trẻ trở nên mạnh dạn và tự tin hơn, nhờ đó mà cảm giác nhút nhát, e dè được cải thiện tốt hơn.
6. Dạy trẻ cách tự lập
Đây là cách rèn sự tự tin cho trẻ hiệu quả nhất, khi con tự làm được càng nhiều thứ thì độ tự tin của con cũng tăng lên theo chừng đó. Nhiều bậc phụ huynh vì thương con và cho rằng con còn quá nhỏ để có thể tự thực hiện được các công việc hàng ngày hoặc cả những việc vệ sinh cá nhân bình thường. Điều này vô tình khiến cho trẻ trở nên ỷ lại, nhút nhát và bị yếu kém về các kỹ năng sống. Trẻ cũng không có đủ tự tin khi bước ra cuộc sống bên ngoài bởi bản thân không thể tự làm được bất kì việc gì.
Vì thế, cách tốt nhất để giúp bé tự tin hơn đó chính là cần rèn luyện cho con tính tự lập. Tùy vào độ tuổi và khả năng của trẻ mà cha mẹ có thể để con tự thực hiện các công việc đơn giản như tự xếp quần áo, quét nhà, dọn dẹp phòng ngủ, giúp cha mẹ nấu ăn, rửa bát,….Đồng thời, hãy tập dần cho trẻ cách tự vệ sinh cá nhân, tự thay quần áo, chuẩn bị tập sách để đi học.
Khi trẻ đã bắt đầu có được những sở thích riêng thì cha mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến của con, cho con thoải mái lựa chọn các quần áo mà con yêu thích hoặc gợi ý cho trẻ các cách phối đồ phù hợp. Hoặc khi đi ra ngoài, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho con tự quyết định loại nước uống hoặc món ăn mà con muốn, để con tự xếp hàng mua vé tham quan,…Những việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại mang lại hiệu quả to lớn khi trẻ được tự do thể hiện bản thân và nói lên những mong muốn của mình.
7. Cùng trẻ chia sẻ thất bại
Trong thực tế, có những đứa trẻ vô cùng thoải mái, tự nhiên khi biểu diễn trước đám đông nhưng cũng có những đứa trẻ trở nên e dè, ngại ngùng. Trẻ có thể đã tập luyện rất tỉ mỉ, chu đáo trước đó nhưng khi bước vào biểu diễn lại trở nên vụng về, tay chân lóng ngón, nói chuyện lắp bắp. Những lúc này khiến trẻ càng trở nên bối rối, sợ hãi và vô cùng lo lắng.
Do đó, cha mẹ cần phải biết cách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với con để giúp con mau chóng vượt qua được những khó khăn, thử thách, thất bại. Có như thế trẻ mới không bị lo sợ và đủ tự tin để có thể mạnh dạn đứng trước đám đông thêm nhiều lần nữa và hạn chế tốt các thất bại của lần trước.
Cha mẹ hoặc những người thân bên cạnh hãy dành cho con nhiều lời động viên, chẳng hạn như “Mẹ thấy con mở màn rất ấn tượng nhưng có lẽ sau đó con có hơi run đúng không? Không sao cả, lúc bằng tuổi con mẹ cũng đã như vậy nhưng dần sau đó mẹ đã cải thiện tốt hơn”. Những lời nói thế này sẽ giúp trẻ cảm thấy bớt tội lỗi, nặng nề với những sai lầm của bản thân và thoải mái, cố gắng hơn cho những lần sau.
8. Phát triển nội lực bên trong
Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng không thể nói tốt được trước đám đông nếu chẳng biết nói gì. Do đó, nếu muốn trẻ trở nên tự tin và hoạt bát hơn thì cha mẹ cần phải chú ý cải thiện “giá trị bên trong” của trẻ. Nội lực chính là thứ cần phải được vun đắp từng ngày và là yếu tố quan trọng để tạo dựng nên sự tự tin của mỗi người.
Để phát triển và bồi dưỡng nội lực cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên kể cho con các câu chuyện có ý nghĩa, những kiến thức bổ ích hoặc hướng dẫn con cách tiếp thu qua các loại sách phù hợp với lứa tuổi. Hoặc hiện nay nhờ vào sự phát triển công nghệ mà trẻ nhỏ cũng sẽ dễ dàng học hỏi được từ nhiều thông tin hữu ích qua mạng, tuy nhiên cha mẹ cần phải biết cách chọn lọc nội dung phù hợp với con.
Các thông tin này sẽ được tích tụ lâu ngày và dẫn sẽ trở thành chất liệu quý giá giúp con có được một kho tàng kiến thức rộng lớn cùng những suy nghĩ độc lập. Khi trẻ sở hữu được càng nhiều các giá trị bên trong thì càng làm chúng tự tin hơn, dễ thuyết phục người khác khi bản thân đã có những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục.
9. Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất
Một cách giúp con nhút nhát trở nên tự tin hơn dễ dàng là cho chúng tham gia nhiều loại hoạt động thể chất. Hiệu quả nhất là chơi các môn thể thao đồng đội như đá banh, tập võ… Cha mẹ nào cũng lo sợ con gặp phải nguy hiểm, luôn muốn giữ con trong vòng an toàn để tránh khỏi các các tác động xấu từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự bảo bọc này lại vô tình khiến trẻ trở nên nhút nhát, rụt rè và e ngại mọi thứ xung quanh.
Do đó, để giúp con cải thiện sự tự tin và trở nên năng động hơn thì việc cho con tham gia vào nhiều hoạt động thể chất chính là lựa chọn hoàn hảo nhất. Việc có thể vui chơi, thư giãn bằng nhiều hoạt động khác nhau sẽ giúp trẻ gia tăng sức sáng tạo, cơ thể trở nên linh hoạt hơn. Đồng thời, trẻ nhỏ cũng có nhiều cơ hội để giao lưu, kết bạn, làm quen với những người bạn mới.
Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chia sẻ rằng, việc trẻ nhỏ thường xuyên được vui chơi, vận động không chỉ gia tăng sức đề kháng mà còn bảo vệ tốt sức khỏe tinh thần. Mặt khác khi trẻ được tự do hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ khám phá được nhiều điều thú vị trong cuộc sống, nhờ đó mà trẻ trở nên dạn dĩ, tự tin hơn.
10. Hãy động viên trẻ khi có thể
Động viên, khuyến khích con mỗi ngày cũng là một trong các cách giúp trẻ nhút nhát trở nên tự tin hơn vào bản thân. Khi trẻ hoàn thành tốt một nhiệm vụ nào đó, cha mẹ cũng nên dành cho trẻ những lời khen hoặc thưởng cho trẻ một món quà nho nhỏ nào đó để động viên tinh thần của trẻ. Tuy nhiên cũng nên tránh việc tâng bốc con quá mức sẽ khiến trẻ có cảm giác tự mãn, cho rằng mình hơn người.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tránh sử dụng các từ ngữ so sánh như “con nhìn bạn A xem”, “Sao bạn B được điểm 9 mà con lại chỉ được 7 điểm?”, “Phải chi con chỉ bằng một nửa của bạn C cũng đủ tốt rồi”. Những lời nói này không chỉ khiến cho trẻ cảm thấy bị buồn tủi, tổn thương mà còn khiến cho lòng tự tin của trẻ bị sụt giảm. Nhiều trẻ còn e ngại về khả năng của mình và dần thu mình lại.
Bài viết trên đây đã chia sẻ 10 cách giúp một đứa trẻ nhút nhát trở nên tự tin hơn vào bản thân. Gia đình chính là yếu tố quan trọng góp phần giúp trẻ cải thiện mức độ tự tin của chính mình. Do đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, tạo điều kiện đẻ con được phát triển, thể hiện bản thân.
Tham khảo thêm:
- Cách giúp trẻ tự tin mạnh dạn trước đám đông cha mẹ nên biết
- Bố mẹ cãi nhau trước mặt con và những ảnh hưởng khôn lường
- Những Hậu Quả Của Sang Chấn Tâm Lý Cần Cảnh Giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!