Tổng quan về chứng rối loạn chia ly ở trẻ

Rate this post

Rối loạn chia ly ở trẻ em đặc trưng bởi sự lo lắng, căng thẳng và sợ hãi quá mức về việc phải rời xa người thân/ người chăm sóc. Tình trạng này kéo dài ít nhất 4 tuần và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với việc học, hoạt động vui chơi, tương tác xã hội,… của trẻ.

rối loạn lo âu chia ly
Hội chứng rối loạn lo âu chia ly thường gặp ở trẻ nhỏ từ 8 – 24 tháng tuổi

Rối loạn chia ly ở trẻ em là bệnh gì?

Rối loạn chia ly hay còn gọi là rối loạn lo âu chia ly (Separation Anxiety Disorder). Đây là một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp ở trẻ nhỏ. Chứng rối loạn chia ly là tình trạng sợ hãi và lo lắng quá mức, tái diễn về việc phải rời xa những người thân trong gia đình (thường là người mẹ). Trước tình huống này, trẻ thường có phản ứng là đeo bám, la hét, cáu kỉnh và khóc lóc.

Trên thực tế, lo âu chia ly là cảm xúc thường gặp ở trẻ nhỏ từ 8 – 24 tháng tuổi. Mặc dù cường độ lo âu có sự khác biệt ở từng trẻ nhưng đa phần nỗi sợ này sẽ dần thuyên giảm khi lớn lên. Tuy nhiên, một số trẻ có thể trải qua sự lo lắng quá mức về chia ly trong thời gian dài (ít nhất 4 tuần), xảy ra liên tục dẫn đến cản trở hoạt động vui chơi và học tập. Những biểu hiện này chính là dấu hiệu cảnh báo rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em.

Theo số liệu thống kê, khoảng 4% trẻ em từ 6 – 12 tháng và 1.6% trẻ trong độ tuổi vị thành niên mắc phải chứng rối loạn lo âu chia ly. Ngoài ra, chứng bệnh này cũng có thể gặp ở người trưởng thành và cao tuổi nhưng tỷ lệ rất hiếm gặp. Hiện nay, căn nguyên bệnh còn nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng được xác định có liên quan đến di truyền và căng thẳng, sang chấn tâm lý.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của rối loạn lo âu chia ly

Như tên gọi, rối loạn lo âu chia ly là sự lo âu và sợ hãi quá mức về việc chia ly, tách rời khỏi gia đình và người chăm sóc (bảo mẫu). Tình trạng này phải kéo dài trong ít nhất 4 tuần và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với việc học, vui chơi, tương tác xã hội và các chức năng đời sống khác.

rối loạn lo âu chia ly
Trẻ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly thường từ chối việc đến trường học do lo sợ phải tách rời với người thân trong gia đình

Các biểu hiện thường thấy ở trẻ bị rối loạn lo âu chia ly:

  • Khi phải rời xa gia đình, trẻ thường có phản ứng khóc lóc, cầu xin, than thở, thậm chí là cáu kỉnh, la hét và đeo bám không chịu buông cha mẹ. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến trẻ có cảm giác đau khổ, căng thẳng và lo âu quá mức.
  • Trong thời gian tách rời với gia đình, trẻ thường lo âu về việc những người thân trong gia đình bị thương, mắc bệnh, gặp tai nạn và thậm chí đã qua đời.
  • Trẻ thường trực sự lo lắng quá mức về việc tai nạn, mắc bệnh, bị lạc, bị bắt cóc dẫn đến sự chia tách với gia đình hoặc người chăm sóc.
  • Có xu hướng từ chối việc rời khỏi nhà để đi học hoặc đến một nơi khác mà không có bố mẹ hoặc bảo mẫu đi cùng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể miễn cưỡng thực hiện.
  • Trẻ thường xuyên gặp phải ác mộng với nội dung chính là sự chia tách với gia đình và người chăm sóc.
  • Vì lo sợ bị chia tách nên trẻ từ chối việc ngủ một mình và thường yêu cầu ngủ với người thân hoặc người chăm sóc.
  • Trẻ hay than phiền về một số triệu chứng cơ thể như buồn nôn, đau đầu, đau đau dạ dày,… Các triệu chứng này thường xảy ra khi sắp phải đối diện với sự chia tách với gia đình.

Rối loạn chia ly ở trẻ có thể đi kèm với rối loạn hoảng sợ – một trong những dạng rối loạn lo âu khác. Trẻ mắc hội chứng này sẽ bùng phát các cơn lo âu cấp với sự lo lắng, sợ hãi tột độ kèm theo trạng thái hoảng loạn, kinh hoàng diễn ra trong khoảng vài phút.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

Tương tự như các rối loạn lo âu khác, nguyên nhân gây rối loạn lo âu chia ly chưa được xác định. Tuy nhiên qua các nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng bệnh lý này có liên quan đến những yếu tố như:

  • Di truyền: Trẻ có nguy cơ bị rối loạn lo âu chia ly cao hơn nếu có người thân mắc chứng bệnh này. Ngoài ra khi sinh sống với người bị rối loạn lo âu, trẻ cũng sẽ hình thành tâm lý lo âu quá mức về một số đối tượng, vấn đề và tình huống trong cuộc sống.
  • Các sự kiện gây căng thẳng, tổn thương tâm lý: Bên cạnh yếu tố di truyền, rối loạn lo âu chia ly ở trẻ cũng có thể khởi phát sau khi trải qua những sự kiện gây căng thẳng như thay đổi môi trường sống, bệnh tật, mất mát người thân, đối mặt với tai họa,… Những sự kiện này khiến trẻ lo lắng về việc bị chia tách với người thân trong gia đình.
  • Sự bao bọc quá mức của gia đình: Đa phần những trẻ mắc chứng bệnh này thường được gia đình bao bọc quá mức dẫn đến lo sợ khi phải chia tách và đối mặt với những tình huống xa lạ. Sự bao bọc quá mức cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội và các dạng rối loạn nhân cách.
  • Tính cách của trẻ: Nguy cơ mắc chứng rối loạn chia ly cao hơn ở trẻ có dạng tính cách hay lo lắng, căng thẳng, nhút nhát, tự ti, nhạy cảm và dễ tổn thương. Trong khi trẻ có tính cách hoạt bát, cởi mở và vui vẻ dễ dàng hòa nhập với môi trường mới nên tỷ lệ mắc chứng bệnh này cũng giảm đi đáng kể.

Trên thực tế, một số trẻ có đầy đủ các yếu tố nguy cơ nhưng không phát triển chứng rối loạn lo âu chia ly. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, chứng bệnh này chỉ hình thành ở những trẻ có sẵn những yếu tố nhạy cảm như mất cân bằng sinh hóa và sự bất thường trong hoạt động của các cơ quan bên trong bộ não.

Rối loạn chia ly ở trẻ em có nguy hiểm không?

Rối loạn chia ly là vấn đề tâm lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Sự lo lắng và căng thẳng về việc phải rời xa gia đình/ người chăm sóc ở trẻ nhỏ gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Trẻ thường xuyên muộn học do quấy khóc, van nài và đeo bám cha mẹ liên tục. Theo thời gian, mức độ lo âu và căng thẳng tăng lên khiến phản ứng của trẻ ngày một dữ dội hơn.

Trẻ mắc chứng bệnh này thường rơi vào trạng thái lo âu quá mức, đau khổ, buồn phiền và luôn có suy nghĩ về việc chia tách với gia đình, người chăm sóc. Sự phiền muộn quá mức khiến trẻ đeo bám lấy người thân hầu hết thời gian trong ngày, từ chối đến trường học và những nơi không có gia đình.

rối loạn lo âu chia ly
Sự lo âu quá mức về việc chia ly khiến trẻ đeo bám lấy người thân/ người chăm sóc

Nếu để kéo dài, chứng bệnh này sẽ khiến trẻ chậm phát triển về tư duy và hạn chế hiểu biết về thế giới xung quanh. Hơn nữa, lo âu và căng thẳng quá mức cũng dẫn đến tình trạng trẻ có xu hướng thu mình, cô lập, ít giao tiếp với những người xung quanh (ngoại trừ người chăm sóc hoặc người thân trong gia đình).

Các nghiên cứu cho thấy, rối loạn chia ly ở trẻ không được điều trị sớm có thể gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn hoảng sợ. Trường hợp mắc đồng thời nhiều bệnh lý khiến chức năng đời sống của trẻ suy giảm, trẻ gần như không thể học tập và vui chơi như bạn bè đồng trang lứa.

Chẩn đoán rối loạn chia ly ở trẻ em

Rối loạn chia ly ở trẻ được chẩn đoán chủ yếu qua biểu hiện lâm sàng. Bệnh lý này chỉ được chẩn đoán khi sự lo âu, căng thẳng quá mức về chia ly ở trẻ xảy ra liên tục trong ít nhất 4 tuần và gây ra những ảnh hưởng đáng kể (trẻ không thể học tập, tham gia các hoạt động xã hội, ít giao tiếp, vui chơi và luôn đeo bám người thân do lo sợ chia cách).

Tương tự như các rối loạn lo âu khác, bệnh lý này cũng được chẩn đoán qua tiêu chuẩn DSM-5. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử cá nhân và gia đình để xác định nguy cơ mắc bệnh. Một số trẻ có triệu chứng phức tạp cần thực hiện thêm một số xét nghiệm để phát hiện các rối loạn tâm thần đi kèm.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu chia ly

Đối với chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ nhỏ, phương pháp điều trị chính là trị liệu tâm lý. Trong một số trường hợp cần thiết, trẻ sẽ được cân nhắc dùng thuốc. Ngoài ra, gia đình cần có sự phối hợp với nhà trường để giúp trẻ vượt qua sự sợ hãi, lo âu và căng thẳng quá mức, từ đó dễ dàng hòa nhập với môi trường mới và bình thường hóa các chức năng cần thiết.

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu chia ly. Phương pháp này được thực hiện thông qua hình thức trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm và trị liệu gia đình. Với trẻ em, chuyên gia thường khuyến khích áp dụng cả 3 hình thức trên để đạt được kết quả tốt nhất.

Đối với trẻ mắc chứng rối loạn chia ly, phương pháp thường được áp dụng là liệu pháp hành vi nhận thức. Trong thời gian trị liệu, trẻ sẽ học cách đối mặt và kiểm soát sự căng thẳng, lo âu khi phải rời xa gia đình và người chăm sóc. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để kích thích tính độc lập ở trẻ sao cho phù hợp với độ tuổi.

rối loạn lo âu chia ly
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị hội chứng rối loạn lo âu chia ly

Ngoài ra, trị liệu tâm lý còn trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phát triển kỹ năng giao tiếp, tăng tương tác xã hội và dễ dàng hòa nhập hơn với cộng đồng. Đối với trị liệu nhóm, trẻ sẽ tìm được sự đồng cảm và thấu hiểu từ những trẻ khác cũng mắc chứng bệnh này. Nhờ vậy trẻ có thể giảm tình trạng lo âu và loại bỏ suy nghĩ về việc bản thân khác biệt so với những người xung quanh.

2. Sử dụng thuốc

Rối loạn lo âu chia ly thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi nên chỉ định dùng thuốc rất hạn chế. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ căng thẳng và lo âu quá mức, bác sĩ có thể xem xét dùng thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs) có chọn lọc. Nhóm thuốc này được đánh giá mang lại cải thiện rõ rệt và an toàn hơn so với các loại thuốc điều trị khác.

Thuốc thường được dùng song song với trị liệu tâm lý để nâng cảm xúc của trẻ, từ đó giúp trẻ hợp tác và đạt được hiệu quả cao trong quá trình trị liệu. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần chú ý đến biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện các tác dụng không mong muốn.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Nếu được điều trị tốt, tình trạng rối loạn chia ly ở trẻ có thể thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, bệnh lý này có xu hướng tái phát sau kỳ nghỉ. Chính vì vậy, phụ huynh cũng cần có biện pháp hỗ trợ để kiểm soát chứng bệnh này và phòng ngừa tình trạng tái phát.

rối loạn lo âu chia ly
Nhà trường cũng cần có sự quan tâm đến trẻ bị rối loạn lo âu chia ly để giúp trẻ vượt qua chứng bệnh này

Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hội chứng rối loạn chia ly ở trẻ em:

  • Trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ tết,… phụ huynh nên tạo ra sự tách biệt với trẻ như cho trẻ đến nhà bạn bè vui chơi, đến thăm nhà họ hàng trong khoảng vài ngày. Các kế hoạch cách ly này sẽ giúp trẻ hình thành sự độc lập và tránh tình trạng lo âu, căng thẳng quá mức khi phải rời xa người thân để quay lại trường học.
  • Trao đổi với giáo viên về tình trạng bệnh lý của bé để nhận được sự hỗ trợ. Với trẻ gặp phải vấn đề này, giáo viên cần có sự chăm sóc đặc biệt để trẻ giảm sự lo lắng, căng thẳng và dễ dàng hòa nhập với bạn bè. Ngoài ra, giáo viên cũng cần khuyến khích trẻ tự thực hiện một số hoạt động để rèn luyện tính tự lập và dạn dĩ hơn.
  • Gia đình cũng cần khuyến khích trẻ khám phá những điều mới trong cuộc sống và kết bạn. Điều này sẽ giúp trẻ mở rộng mối quan hệ và không gò bó trong sự gắn kết với những thành viên trong gia đình.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Nhìn chung, rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em có thể cải thiện sau khi được thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, gia đình cũng cần lên kế hoạch để trẻ quen với việc tách rời khỏi người thân/ người chăm sóc, đồng thời khích lệ tính tự lập và giúp trẻ dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Nếu không được điều trị, trẻ sẽ gặp rất nhiều phiền toái và giảm chức năng đời sống đáng kể khi trưởng thành.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *