Tác dụng phụ của thuốc giảm stress bạn cần cảnh giác

Sử dụng thuốc giảm stress là một trong những giải pháp giúp kiểm soát căng thẳng thần kinh hiệu quả, nhất là đối với các trường hợp nặng. Tuy nhiên cần đặc biệt cẩn trọng với tác dụng phụ của thuốc giảm stress. Tốt nhất hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ và kết hợp với lối sống lành mạnh.

tác dụng phụ của thuốc giảm stress
Cần cẩn trọng với tác dụng phụ của các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát tình trạng stress

Khi nào cần dùng thuốc giảm stress?

Stress (căng thẳng) là tình trạng rất phổ biến ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Đây thường là hệ quả do sang chấn tâm lý, áp lực công việc/ học tập quá mức trong thời gian dài,…

Căng thẳng quá nhiều không được sớm được kiểm soát có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Nó thường khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải và không thể nào đối phó. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Các chuyên gia cho biết, stress kéo dài còn là một trong những nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ phát triển các dạng rối loạn tâm thần khác nhau. Phải kể đến như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,…

Trong hầu hết các trường hợp thì các giải pháp đơn giản tại nhà hoàn toàn có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, một số ít khác sẽ phải cần tới sự hỗ trợ y tế để điều trị.

Thuốc giảm stress có thể cần thiết đối với các trường hợp sau:

  • Stress tiếp tục kéo dài không đáp ứng với các giải pháp tại nhà
  • Các triệu chứng thực thể do stress gây ra ngày càng nghiêm trọng
  • Stress ảnh hưởng quá nhiều đến học tập, công việc và cuộc sống
  • Các vấn đề sức khỏe có sẵn trở nên tồi tệ hơn do stress

Biểu hiện của stress chính là kết quả của một loạt chuỗi phản ứng khác nhau diễn ra bên trong cơ thể. Bao gồm cả các triệu chứng tâm lý và triệu chứng thực thể. Do đó không có một loại thuốc cụ thể nào dùng chung cho tất cả các trường hợp bị căng thẳng.

Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc giảm stress khác nhau. Và trên thực tế, mỗi nhóm thuốc sẽ tiềm ẩn các tác dụng phụ riêng. Dưới đây là một số loại thuốc giúp làm giảm stress được dùng phổ biến và tác dụng phụ của chúng:

1. Thuốc chống trầm cảm

Trong nhiều trường hợp, thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để chữa trị các triệu chứng có liên quan đến stress. Hiện nay, nhóm chất ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRIs) như Prozac, Paxil và Lexapro là được kê toa phổ biến nhất cho mục đích chống stress.

SSRIs có khả năng ức chế sự tái hấp thu của Serotonin. Từ đó có tác dụng làm gia tăng nồng độ Serotonin trong não. Điều này có thể giúp làm giảm cảm giác căng thẳng, lo lắng và cải thiện tâm trạng.

tác dụng phụ của thuốc giảm stress là gì
Thuốc chống trầm cảm dùng điều trị stress tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là khi ngưng thuốc đột ngột

Các thuốc thuộc nhóm SSRIs không gây nghiện nhưng vẫn tiềm ẩn một số tác dụng phụ như:

  • Tăng thèm ăn và tăng cân
  • Giảm ham muốn và các rối loạn tình dục khác
  • Buồn nôn, khô miệng
  • Mệt mỏi và buồn ngủ
  • Cáu gắt, dễ kích động
  • Mờ mắt, chóng mặt
  • Lo lắng, e ngại
  • Tăng tiết mồ hôi

Đặc biệt, việc ngừng sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng cai nghiện. Trong khi đó, nếu ngừng thuốc một cách đột ngột thì còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn.

2. Thuốc an thần

Benzodiazepin được xác định là nhóm thuốc an thần được kê đơn phổ biến nhất cho những người bị stress. Bao gồm clonazepam (Klonopin), alprazolam (Xanax), lorazepam (Ativan), diazepam (Valium), temazepam (Restoril), triazolam (Halcion) và chlordiazepoxide (Librium).

Ngoài ra, nhóm thuốc barbiturat cũng là những chất an thần có thể được sử dụng. Cả benzodiazepin và barbiturat đều có tác dụng xoa dịu thần kinh bằng cách kích thích GABA. Đây là chất dẫn truyền thần kinh ức chế có khả năng làm chậm hoạt động của não bộ.

Những người sử dụng thuốc hoặc các chất an thần đều tiềm ẩn nguy cơ bị nghiện. Khi ngừng thuốc người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng cai nghiện như bồn chồn, mất ngủ nghiêm trọng hay thậm chí là tử vong. Ngoài ra, các thuốc an thần nếu uống cùng với rượu cũng có khả năng dẫn tới hôn mê hoặc tử vong.

3. Nhóm thuốc chẹn Beta

Thuốc chẹn Beta được dùng phổ biến để kiểm soát tình trạng huyết áp cao và điều trị một số vấn đề tim mạch. Đối với một số người thì các loại thuốc này có thể được dùng để phòng ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng căng thẳng.

Thuốc chẹn Beta như Tenormin (atenolol) và Inderal (propranolol) có thể ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh cũng như hormone norepinephrine trong động mạch và cơ tim. Từ đó làm cho động mạch mở rộng, giảm lực co và làm chậm hoạt động của tim. Thuốc chẹn Beta có thể giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến stress như nhịp tim nhanh và hồi hộp.

thuốc giảm stress có hại không?
Mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ,… là những tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Tenormin (atenolol) cho người bị stress

Tuy nhiên nhóm thuốc chẹn Beta giúp làm giảm stress cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ như:

  • Bàn tay, bàn chân lạnh
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Chóng mặt
  • Thở khò khè
  • Bất lực
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa
  • Phát ban da
  • Khô mắt

4. Thuốc kháng histamin

Một số loại thuốc kháng histamin có thể được bán mà không cần kê đơn của bác sĩ. Các thuốc thường được dùng phổ biến là alimemazin, diphenhydramin, pyrilamine, doxylamine, promethazin,…

Mặc dù thuốc kháng histamin thường được dùng với mục đích chống dị ứng, cảm cúm,… nhưng chúng có tác dụng an thần gây ngủ nên có thể sử dụng khi bị stress. Khi dùng các loại thuốc này, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ. Bao gồm:

  • Ngủ gà
  • Nhìn mờ
  • Tăng/ giảm huyết áp

5. Thuốc hướng thần kinh

Các loại thuốc hướng thần kinh có thể được dùng cho những người bị stress là idebenone, piracetam, pyritinol. Chúng có tác dụng tăng cường tiêu thụ glucose ở não và bảo vệ não khỏi tình trạng giảm oxy huyết đến não. Tuy nhiên bệnh nhân có vấn đề về gan hoặc thận tuyệt đối không được sử dụng.

Một số tác dụng phụ của thuốc hướng thần kinh bao gồm:

  • Bồn chồn
  • Bứt rứt, khó chịu
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn giấc ngủ

Lưu ý để hạn chế tác dụng phụ của thuốc giảm stress

Sử dụng các loại thuốc giảm stress là cách cải thiện tình trạng căng thẳng rất hiệu quả. Tuy nhiên cần đảm bảo sử dụng đúng cách để nhận được kết quả tốt và tránh các vấn đề rủi ro phát sinh.

lưu ý khi dùng thuốc giảm stress
Cần đảm bảo sử dụng đúng chỉ định để hạn chế gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc giảm stress

Dưới đây là một số lưu ý để hạn chế tác dụng phụ khi dùng các thuốc giảm stress:

  • Các thuốc giảm stress cần đảm bảo dùng đúng chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng, tăng/ giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột (đặc biệt là với nhóm thuốc chống trầm cảm).
  • Thông báo cho bác sĩ được biết khi sử dụng các loại thuốc khác hoặc đang có các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh tuyến giáp,…
  • Tuyệt đối tránh tình trạng tự ý phối hợp thuốc giảm stress với các loại viên uống TPCN khác. Tình trạng này có thể gây ra tương tác và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Trong nhiều trường hợp, chỉ sử dụng thuốc giảm stress là chưa đủ. Cùng với đó nên kết hợp các biện pháp thư giãn và chú ý điều chỉnh lối sống. Ngoài ra có thể áp dụng tâm lý trị liệu để hạn chế việc dùng thuốc kéo dài.
  • Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích. Các thói quen này có thể gây tương tác, làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị và khiến cho tình trạng căng thẳng nghiêm trọng hơn.

Cách làm giảm nguy cơ bị stress

Cùng với lối sống hiện đại ngày nay, tình trạng stress đang diễn ra ngày càng dễ dàng và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và làm giảm ảnh hưởng của stress. Từ đó hạn chế nguy cơ phải sử dụng thuốc và bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe.

giảm nguy cơ bị stress
Ngoài việc dùng thuốc đúng cách thì người bị stress cần chú ý duy trì lối sống lành mạnh

Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn giảm nguy cơ bị stress hiệu quả:

  • Lên kế hoạch để giải quyết tốt nhất các vấn đề trong học tập cũng như công việc.
  • Tuyệt đối không nên làm việc quá sức, hãy biết cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý.
  • Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong đó giấc ngủ ban đêm kéo dài ít nhất 6 tiếng.
  • Khi gặp phải các vấn đề lo lắng hay bận tâm trong cuộc sống thì nên chủ động chia sẻ với người thân và bạn bè.
  • Hãy học cách suy nghĩ tích cực, không nên quá cầu toàn.
  • Tránh trách móc hay cảm thấy tội lỗi về điểm yếu hoặc những lỗi lầm của bản thân.
  • Chú ý quản lý chi tiêu một cách khoa học, tốt nhất nên để dành một khoản tiền tiết kiệm cho bản thân.
  • Với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh nên biết cách chia sẻ việc chăm sóc con cái và công việc nhà với chồng hoặc người thân.
  • Cần duy trì lối sống lành lạnh, nên ăn uống khoa học, luôn dành thời gian cho hoạt động thể chất hằng ngày.

Trong rất nhiều trường hợp, tình trạng stress kéo dài và tiến triển nặng buộc bạn phải sử dụng thuốc để kiểm soát. Tuy nhiên hãy luôn thận trọng với các tác dụng phụ của thuốc giảm stress. Tốt nhất cần đảm bảo sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời kết hợp áp dụng các biện pháp phòng tránh stress để hỗ trợ thêm.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *