Lý do stress gây rụng tóc và cách khắc phục hiệu quả

Stress và rụng tóc là các tình trạng có mối liên quan đặc biệt với nhau. Stress có thể gây rụng tóc và ngược lại, rụng tóc quá nhiều sẽ khiến cho mức độ stress gia tăng. Do đó bạn cần chú ý tìm kiếm các mẹo kiểm soát stress và chăm sóc cho mái tóc chắc khỏe.

stress có thể gây rụng tóc
Stress có thể gây ra tình trạng rụng tóc nên bạn cần chú ý để có cách can thiệp phù hợp

Vì sao stress có thể gây rụng tóc?

Hầu hết tất cả mọi người đều trải qua tình trạng stress tại một số thời điểm nhất định trong cuộc sống. Đôi khi căng thẳng có thể gây ra các phản ứng hoặc triệu chứng thể chất. Bạn có thể gặp phải các đợt bùng phát của mụn trứng cá, bệnh chàm hoặc gàu. Rụng tóc được cho là một tác dụng phụ phổ biến khác của stress.

Đầu con người thường sẽ mất đi khoảng 50 – 100 nang tóc mỗi ngày. Con số này không nhiều bởi chúng ta có đến khoảng 100.000 nang tóc trên da đầu. Đây là lý do tại sao rụng tóc trung bình lại không đáng chú ý. Tuy nhiên rụng tóc do căng thẳng lại là một tình trạng đáng quan ngại.

Stress gây rụng tóc xảy ra khi cơ thể của bạn đang phải trải qua mức độ căng thẳng cao đến mức tóc rụng nhanh hơn so với mình thường. Trong một số trường hợp, bạn còn stress đến mức tự kéo tóc của mình ra. Đây được gọi là hội chứng nghiện giật tóc.

Khi tình trạng căng thẳng tiến triển mãn tính thì cơ thể sẽ bị dư thừa một số hormone như Cortisol, Adrenaline, Norepinephrine,… Chúng có thể gây ra tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của cơ thể và cũng có thể dẫn tới tình trạng rụng tóc.

Căng thẳng tinh thần đáng kể có thể dẫn tới rụng tóc. Tuy nhiên, việc bạn gặp phải tình huống căng thẳng không có nghĩa là nhất định tóc của bạn sẽ rụng. Một số sự kiện có thể gây stress đáng kể và rụng tóc tương ứng bao gồm: ly hôn, mất một người thân yêu, khủng hoảng sức khỏe cá nhân, đại dịch toàn cầu, sinh con, nợ nần, áp lực tại nơi làm việc hoặc trường học,…

Dấu hiệu đầu tiên bạn sẽ dễ dàng nhận thấy nếu đang bị rụng tóc liên quan tới căng thẳng là tóc rụng nhiều hơn trên lược hay bị đọng lại dưới vòi hoa sen. Một số dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Đường chân tóc rút xuống có thể nhìn thấy rõ hơn
  • Hói đầu phát triển chậm
  • Tóc đuôi ngựa mỏng hơn bình thường
  • Tóc gãy xung quanh trán
  • Mỏng hoặc loang lổ lông mày, lông mi hoặc lông mu

Các loại rụng tóc liên quan đến stress

Các chuyên gia cho biết, mức độ căng thẳng đặc biệt cao thường có liên quan tới ba loại rụng tóc khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Telogen effluvium

Các nang tóc sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển. Trong đó, anagen là giai đoạn tóc phát triển. Catagen là giai đoạn chuyển tiếp. Còn telogen là giai đoạn tóc nghỉ ngơi. Hầu hết các nang tóc đang ở trong giai đoạn anagen. Tuy nhiên, một cú sốc hoặc căng thẳng nghiêm trọng có thể sẽ di chuyển một số lượng lớn các nang tóc sang giai đoạn phát triển của tóc. Đây được gọi là Telogen effluvium.

Trong vòng ba tháng kể từ khi xảy ra sự kiện căng thẳng, các nang tóc bị ảnh hưởng sẽ rụng khi bạn chải, gội đầu và tạo kiểu. Chấn thương và căng thẳng khi sinh nở có thể gây ra Telogen effluvium ở khoảng 90% phụ nữ sau sinh. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm stress nghiêm trọng, sốt cao, phẫu thuật hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.

2. Trichotillomania

Trichotillomania là một chứng rối loạn kiểm soát xung động. Nó đề cập đến tình trạng bạn luôn có cảm giác muốn kéo tóc ra khỏi đầu, kéo lông mày, lông mi và các vùng cơ thể khác.

Rụng tóc do stress
Stress quá mức có thể thôi thúc cảm giác muốn giật tóc không thể cưỡng lại được

Một số yếu tố có thể kích hoạt hội chứng Trichotillomania. Chẳng hạn như cô đơn, buồn chán, thất vọng và căng thẳng. Trong trường hợp này, bạn không chỉ cảm thấy stress mà còn cảm thấy thôi thúc không thể cưỡng lại được việc nhổ tóc do quá căng thẳng.

3. Rụng tóc từng mảng

Rụng tóc từng mảng là một tình trạng tự miễn dịch. Trong đó, cơ thể của bạn sẽ tự tấn công vào các nang tóc. Với các rối loạn tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ không hoạt động như bình thường. Thay vào đó, cơ thể tự tấn công vào mô của mình, gây ra các triệu chứng cũng như bệnh lý khác nhau.

Những người mắc chứng rụng tóc từng mảng sẽ mất đi những mảng tóc có kích thước lớn khiến cho vùng da đầu đó nhẵn và hói. Các mảng này có xu hướng mọc lại sau khoảng 3 – 6 tháng mà không cần điều trị. Đôi khi tóc mọc lại sẽ có màu trắng.

Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc một bệnh tự miễn dịch như rụng tóc từng mảng. Ngoài ra, stress quá mức cũng có thể gây bùng phát một bệnh tự miễn dịch mà trước đây bạn đã từng mắc phải.

Stress gây rụng tóc – Hãy chủ động thăm khám bác sĩ

Stress có thể gây ra rụng tóc nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Nếu bạn đang bị rụng tóc đột ngột và liên tục thì nên chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng rụng tóc của bạn, xem xét tiền sử bệnh và có thể tiến hành các xét nghiệm để xác nhận rằng bạn đang bị rụng tóc. Bác sĩ cũng có thể muốn loại trừ các nguyên nhân khác trước khi đưa ra chẩn đoán bạn rụng tóc quá nhiều do căng thẳng.

Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ yêu cầu bao gồm:

– Thử nghiệm lực kéo:

Bác sĩ có thể giật nhẹ khoảng 40 sợi tóc của bạn nhằm kiểm tra xem tóc có bị rụng nhiều không. Có khả năng bạn bị rụng tóc nhiều nếu có từ 6 sợi tóc rụng trở lên trong quá trình thử nghiệm.

– Nghiệm pháp giật tóc:

Bác sĩ sẽ giữ một phần tóc cách ngọn tóc khoảng vài cm sau đó giật mạnh về phía ngọn tóc vài lần. Nếu có các đoạn tóc ngắn ở giữa dễ gãy thì chứng tỏ tóc của bạn được xếp vào nhóm tóc yếu, dễ gãy rụng.

khám rụng tóc
Khi bị rụng tóc quá nhiều thì bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán các nguyên nhân liên quan

– Sinh thiết da đầu:

Sinh thiết đề cập đến việc lấy một mẫu mô để kiểm tra nó dưới kính hiển vi. Quan sát kỹ da đầu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được loại rụng tóc mà bạn đang gặp phải.

– Đo mật độ:

Đối với xét nghiệm này thì bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị phóng đại cầm tay (máy đo mật độ) để xem xét tóc của bạn. Họ sẽ tìm kiếm sự thu nhỏ của sợi tóc.

– Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm:

Các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm sẽ giúp bác sĩ xác định xem liệu có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đang khiến bạn bị rụng tóc hay không. Rụng tóc có thể liên quan đến một tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như thiếu máu hoặc vấn đề tuyến giáp.

Cách giảm stress, ngăn ngừa rụng tóc

Nếu tình trạng rụng tóc của bạn thật sự là do stress thì bạn nên tập trung vào các phương pháp giúp làm giảm thiểu hoặc loại bỏ stress. Một khi sự căng thẳng được loại bỏ thì tóc của bạn cũng sẽ tự mọc trở lại mà không cần phải dùng thuốc hay áp dụng các phương pháp điều trị khác.

Dưới đây là một số mẹo giúp bạn kiểm soát stress tốt hơn, tránh gây rụng tóc:

1. Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ có thể góp phần gây ra căng thẳng thể chất và tinh thần. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn bị thiếu ngủ kéo dài. Nó có thể ảnh hưởng tới chế độ dinh dưỡng, năng suất làm việc/ học tập cũng như tâm trạng tổng thể. Từ đó có thể dẫn tới stress hoặc rối loạn lo âu gây rụng tóc.

Bạn có thể cải thiện giấc ngủ bằng cách hình thành thói quen ngủ đều đặn. Tức là hãy chủ động đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Cùng với đó, bạn nên cố gắng ngủ ít nhất 7 – 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm.

kiểm soát stress giúp giảm rụng tóc
Ngủ đủ giấc giúp cho tinh thần thoải mái, giảm thiểu căng thẳng để hạn chế bị rụng tóc

Tránh thực hiện bất cứ hành động nào quá kích thích trước khi đi ngủ. Bạn không nên xem phim hoặc các chương trình TV kinh dị. Ngoài ra cần tránh xa ánh sáng từ màn hình của các thiết bị điện tử, không tập thể dục hay ăn uống bất cứ thứ gì. Thay vào đó bạn có thể ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc đọc sách trước khi đi ngủ.

2. Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh đảm bảo cung cấp thêm nhiều năng lượng cho cơ thể. Điều này cho phép cơ thể bạn đối phó tốt hơn với stress. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng còn góp phần làm tăng sự chắc khỏe cho tóc và giảm thiểu tình trạng rụng tóc.

  • Cần ăn ít nhất ba bữa mỗi ngày và tuyệt đối không bao giờ được bỏ bữa sáng. Bởi bữa sáng sẽ thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể hoạt động. Hơn nữa còn giúp bạn tránh được tình trạng thèm ăn các loại đồ ăn vặt không lành mạnh trước giờ ăn trưa.
  • Tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, có chứa nhiều đường và acid béo cấu hình trans. Thay vào đó, bạn nên bổ sung nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả tươi, protein nạc cũng như các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn. Chẳng hạn như cá béo, quả oliu, đậu hạt, quả bơ,…
  • Tăng cường lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể. Chẳng hạn như vitamin A, B, C, E, kẽm, magie, selen,… Ngoài ra, acid béo Omega-3 cũng rất có lợi vì nó giúp cải thiện sức khỏe da đầu của bạn.

3. Hoạt động thể chất nhiều hơn

Tập thể dục là hoạt động cực kỳ có lợi đối với việc xoa dịu căng thẳng tinh thần. Khi bạn hoạt động thể chất thì cơ thể sẽ giải phóng endorphin – còn được biết đến với tên gọi là hormone hạnh phúc. Nó giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và thư giãn hơn.

Bạn có thể lựa chọn bất cứ bộ môn thể dục thể thao nào mà bạn thích. Khi bàn về vấn đề giải tỏa căng thẳng thì bạn cần ưu tiên hoạt động yêu thích. Cho dù là chạy bộ, đạp xe, chèo thuyền, leo núi hay khiêu vũ. Bạn có thể thực hiện bất cứ điều gì làm tăng nhịp tim và mang đến cho bạn niềm vui.

Ngoài ra, bạn cũng nên thêm thiền hoặc yoga vào thói quen hoạt động thể chất mỗi tuần. Vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng có khả năng làm giảm căng thẳng một cách hiệu quả.

tập yoga làm giảm stress
Tập yoga không chỉ giúp làm giảm stress mà còn có tác dụng điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể

Bạn có thể tập thiền tại nhà hoặc ngay tại nơi làm việc, bất cứ đâu mà bạn có thể tách biệt khỏi sự hối hả của thế giới trong một vài phút. Lúc này bạn chỉ phải tập trung vào việc làm cho tâm trí trống rỗng.

4. Cho phép cơ thể có thời gian phục hồi

Một số thay đổi quan trọng như phẫu thuật, bệnh tật, tai nạn xe hay sinh nở có thể khiến cho cơ thể bạn gặp phải tổn thương khá lớn. Ngay cả khi mà tinh thần của bạn hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao mọi người thường nhận thấy rằng họ bắt đầu bị rụng tóc sau khoảng 3 – 6 tháng kể từ khi có sự thay đổi về mặt sinh lý. Điều quan trọng bạn cần nhớ là mọi thứ đã diễn ra và bạn không thể nào thay đổi được chúng.

Do đó, giải pháp duy nhất chính là bạn phải cho phép cơ thể có thời gian để phục hồi. Tình trạng rụng tóc do stress liên quan đến những thay đổi sinh lý không phải là vĩnh viễn. Một khi cơ thể bạn đã hồi phục sau sự kiện căng thẳng thì tóc của bạn cũng sẽ bắt đầu mọc trở lại.

5. Kiểm tra các loại thuốc đang dùng

Nhiều loại thuốc có khả năng gây rụng tóc (tác dụng phụ của thuốc). Điều này khiến cho tình trạng rụng tóc có liên quan tới stress càng trở nên tồi tệ hơn.

Loại thuốc phổ biến nhất gây ra vấn đề này bao gồm:

  • Thuốc làm loãng máu
  • Thuốc huyết áp (thuốc ức chế beta)
  • Methotrexate (đối với tình trạng thấp khớp)
  • Lithium (dành cho bệnh rối loạn lưỡng cực)
  • Một vài loại thuốc kháng viêm không chứa steroid khác

Nếu bạn đang sử dụng bất cứ một loại thuốc nào trong số các loại thuốc kể trên và bạn nghi ngờ rằng chúng có thể ảnh hưởng xấu tới mái tóc thì nên trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều hoặc thay đổi sang loại thuốc khác để hạn chế tác dụng phụ cho bạn.

6. Tìm gặp chuyên gia tâm lý

Theo thời gian, tình trạng stress có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn kìm nén cảm xúc và lảng tránh khi phải bàn về nguồn gốc khiến bản thân căng thẳng. Do đó, đến gặp chuyên gia tâm lý trị liệu để trò chuyện về mối lo lắng của bạn sẽ là giải pháp hữu ích có thể giúp bạn giảm thiểu căng thẳng.

giảm thiếu stress để hạn chế bị rụng tóc
Nếu bị stress quá mức không thể tự kiểm soát thì có thể tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý

Ngay cả khi tham vấn/ tư vấn tâm lý không thể xoa dịu tình trạng căng thẳng thì nó cũng có thể giúp bạn thay đổi quan điểm và cung cấp cho bạn cái nhìn tích cực hơn. Trong các trường hợp cần thiết, chuyên gia có thể yêu cầu bạn áp dụng các liệu pháp chuyên sâu hơn để giải quyết vấn đề.

Nếu bạn thấy chưa cần thiết phải tìm gặp chuyên gia tâm lý thì ít nhất bạn cũng nên cởi mở với bạn bè và người thân. Chia sẻ với bạn bè và gia đình sẽ giúp bạn nhận thức được rằng bạn luôn có nguồn hỗ trợ mạnh mẽ xung quanh. Và bạn sẽ không cần phải một mình đối mặt với stress.

Cách giảm rụng tóc do stress hiệu quả

Nếu bạn gặp phải tình trạng stress gây rụng tóc thì điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn. Bởi chu kỳ tăng trưởng của tóc thường khá chậm. Bạn thường sẽ phải chờ đợi một vài tháng trước khi có thể nhận thấy được sự cải thiện đáng kể.

Ngoài việc kiểm soát căng thẳng và tin tưởng vào sự tái tạo tóc thì bạn cần chú ý chăm sóc mái tóc tốt hơn. Các giải pháp có thể giúp ích bao gồm:

1. Ăn nhiều protein

Mái tóc của con người được cấu tạo chủ yếu từ protein. Do đó, việc tăng cường lượng protein trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày là đặc biệt cần thiết cho một mái tóc khỏe mạnh. Nếu bạn không cung cấp đủ protein thì cơ thể sẽ ngừng cung cấp protein cho tóc để có thể tập trung protein vào các chức năng khác của cơ thể.

Khi mái tóc không có đủ lượng protein cần thiết thì nó sẽ ngừng phát triển. Và kết quả là sợi tóc hiện tại sẽ kết thúc chu kỳ tăng trưởng và rụng đi. Quá trình này được gọi là catagen, tóc của bạn trông sẽ ít hơn bình thường.

Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng. Một khi bạn cung cấp đủ lượng protein cơ thể cần thông qua chế độ ăn uống thì tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại. Mái tóc của bạn sẽ giảm rụng và nhanh chóng trở nên dày hơn.

Nguồn protein tốt nhất bao gồm:

  • Cá (cá hồi, cá ngừ và cá bơn)
  • Thịt gia cầm (thịt gà thông thường và thịt gà tây)
  • Trứng
  • Sản phẩm chế biến từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mát)
  • Đậu (đậu tây đỏ, đậu lima, đậu đen, đậu trắng)
  • Đậu phụ
  • Thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt lợn)

2. Tăng cường lượng vitamin B và giảm lượng vitamin A

Vitamin B là dưỡng chất khá cần thiết đối với sự tăng trưởng của một mái tóc khỏe mạnh. Do đó, nếu bạn không cung cấp đủ lượng vitamin B cần thiết thì mái tóc sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, quá nhiều vitamin A cũng có thể gây ra rụng tóc nên bạn cần giảm thiểu loại vitamin này.

Cách giảm rụng tóc do stress
Cá béo chứa nhiều dưỡng chất quan trọng rất hữu ích với những người bị rụng tóc do stress

Chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt vitamin B khá phổ biến nhưng nó có thể gây ra nhiều vấn đề cho một số người. Để tăng cường vitamin B cho cơ thể, bạn nên ăn nhiều cá và thịt nạc. Ngoài ra bổ sung rau có chứa tinh bột và các loại quả không thuộc họ cam quýt cũng rất hữu ích.

Để giảm lượng vitamin A thì bạn hãy hạn chế sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm bổ sung có chứa vitamin A. Bạn nên nhớ rằng, lượng vitamin A được khuyến cáo nên tiêu thụ mỗi ngày là 5000IU (đối với người trên 4 tuổi).

3. Tránh chế độ ăn kiêng có hàm lượng calo thấp

Chế độ ăn kiêng ít calo thường sẽ bị loại bỏ nhiều vitamin, khoáng chất và chất béo lành mạnh cần thiết đối với sự hoạt động của cơ thể cũng như duy trì sự phát triển lành mạnh của mái tóc.

Ngoài ra, giảm cân nhanh (kết quả của quá trình ăn kiêng ít calo) có thể gây căng thẳng nghiêm trọng về mặt thể chất và dẫn tới rụng tóc. Điều quan trọng là bạn cần ăn uống lành mạnh và cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần thiết.

Nếu bạn đang cố gắng giảm cân thì nên tiến hành bằng cách tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh và nhiều dưỡng chất hơn. Kết hợp với đó là dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày.

Hãy cố gắng giảm cân một cách từ từ và ổn định thay vì nhịn đói để giảm cân nhanh. Mục tiêu an toàn và dễ kiểm soát nhất đó là giảm khoảng 0.5 – 1kg mỗi tuần.

Nhiều loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và có hàm lượng calo cao nhưng lại rất tốt cho sức khỏe và cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết. Chẳng hạn như đậu hạt, cá béo, quả bơ,… Bạn nên thêm chúng vào chế độ ăn uống hằng ngày.

4. Chăm sóc tốt cho tóc

Chăm sóc tốt cho mái tóc sẽ góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể của tóc. Từ đó giúp cho tóc chắc khỏe và ít rụng hơn. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

chăm sóc mái tóc khi bị căng thẳng
Nên gội đầu sau mỗi 2 – 3 ngày bằng các loại dầu gội có bảng thành thần tự nhiên
  • Bắt đầu bằng việc lựa chọn các sản phẩm dầu gội và dầu xả phù hợp với mái tóc của bạn. Tóc khô sẽ cần các sản phẩm tăng cường độ ẩm. Trong khi đó, tóc dầu hoặc tóc mỏng thì nên dùng các sản phẩm dịu nhẹ hơn.
  • Tránh các sản phẩm chăm sóc tóc có chứa nhiều hương liệu và hóa chất. Bạn nên tránh dầu gội có chứa paraben và sunfat. Thay vào đó nên ưu tiên các sản phẩm có bảng thành phần thiên nhiên và hữu cơ.
  • Bạn không nên gội đầu quá thường xuyên, bởi hành động này có thể sẽ loại bỏ lượng dầu tự nhiên trên tóc. Từ đó khiến tóc bị khô, xơ và dễ gãy. Đối với hầu hết các loại tóc thì bạn chỉ nên gội đầu sau mỗi 2 – 3 ngày.
  • Nuôi dưỡng tóc nhiều hơn bằng cách tới tiệm làm tóc để thực hiện các biện pháp giúp cung cấp độ ẩm và sự bóng mượt cho tóc. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng mặt nạ cho tóc tự làm tại nhà. Các loại dầu như dầu argan, dầu dừa và dầu hạnh nhân có thể giúp cải thiện tình trạng tóc một cách tối ưu. Chúng giúp cho mái tóc của bạn trở nên mềm mượt và óng ả hơn.
  • Bạn có thể tỉa tóc mỗi 6 – 8 tuần nhằm duy trì vẻ đẹp cho tóc. Cách này sẽ giúp loại bỏ tình trạng chẻ ngọn hiệu quả. Đồng thời giúp mái tóc của bạn trông đẹp hơn.

5. Không nên tạo kiểu tóc quá nhiều

Khi tóc đang rụng nhiều do stress, việc thường xuyên tạo kiểu cho tóc sẽ khiến chúng trở nên yếu hơn. Ngoài ra, phụ nữ ngày nay thường thích sấy tóc, uốn tóc hay duỗi tóc bằng các dụng cụ tạo kiểu sử dụng nhiệt. Chúng sẽ tàn phá sức khỏe mái tóc của bạn.

  • Tốt nhất để giảm tóc gãy rụng khi bị stress, bạn nên hạn chế sử dụng các thiết bị tạo kiểu cho mái tóc. Bạn nên để tóc khô tự nhiên sau khi gội đầu. Ngoài ra có thể tạo kiểu bằng cách sử dụng một ít mousse hoặc dùng ống cuốn tóc.
  • Tránh nghịch tóc quá nhiều, ví dụ như kéo tóc, vặn tóc hay tách bỏ phần chẻ ngọn. Bạn cũng cần cẩn thận khi buộc tóc đuôi ngựa. Thực tế cho thấy, việc buộc tóc quá chặt có thể gây rụng tóc. Và bạn không buộc tóc thường xuyên sẽ càng tốt. Đồng thời cũng không nên chải tóc quá nhiều.
  • Cẩn thận khi dùng thuốc nhuộm tóc bởi chúng khiến tóc nhanh chóng bị khô và hư tổn. Mỗi lần nhuộm tóc nên cách nhau càng lâu càng tốt. Bạn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi nhuộm tóc theo phương pháp có liên quan tới việc tẩy tóc. Thay vào đó có thể xem xét dùng kỹ thuật nhuộm tóc tự nhiên.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn chặn căng thẳng xảy ra trong cuộc sống của mình. Và stress kéo dài có thể gây ra tình trạng rụng tóc. Để giảm thiểu được tình trạng này thì bạn cần chú ý áp dụng các mẹo kiểm soát căng thẳng và không quên việc nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *