Nguyên nhân lo lắng, stress gây buồn nôn & cách khắc phục
Lo lắng, stress có thể gây ra cảm giác buồn nôn và nôn ói. Đây là hiện tượng thường gặp khi căng thẳng do sự gia tăng của một số hormone. Vì bắt nguồn từ yếu tố tâm lý nên cần phải kết hợp giải tỏa stress và thực hiện các biện pháp giảm buồn nôn.
Nguyên nhân lo lắng, stress gây buồn nôn
Stress (căng thẳng) đang trở thành vấn đề lớn đối với sức khỏe của con người. Trước đây, stress không phổ biến như hiện nay và chỉ ảnh hưởng đến một số đối tượng. Tuy nhiên, ngày nay stress trở thành một phần tất yếu và bất cứ ai cũng phải đối mặt với vấn đề này.
Stress không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như đau mỏi vai gáy, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ và buồn nôn.
Lo lắng, stress có thể gây buồn nôn và nôn mửa ở một số người. Cảm giác buồn nôn có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Trong khi đó, buồn nôn do mang thai và các vấn đề tiêu hóa thường xảy ra ở những thời điểm cụ thể.
Đến nay, nhiều người vẫn chưa ý thức được những tác hại của stress đối với sức khỏe. Theo các chuyên gia, lo lắng căng thẳng gây buồn nôn do cơ chế sau đây:
1. Stress gây co bóp dạ dày
Khi bị stress, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể nhằm tạo ra đáp ứng với stress. Trong đó, vỏ tuyến thượng thận sẽ tăng sản xuất hormone cortisol. Hormone này làm tăng trương lực và khiến cho dạ dày co bóp nhiều hơn bình thường.
Vì lý do này, khi bị căng thẳng, bạn sẽ có cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị, luôn có cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Với những người bị trào ngược dạ dày, stress có thể khiến cho bệnh tái phát trở lại do cơ chế gây co bóp dạ dày.
2. Lo lắng, stress gây tăng tiết dịch vị
Hormone cortisol không chỉ gây co bóp dạ dày mà còn kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị hơn bình thường. Dịch vị chứa HCl với khả năng tiêu hóa thức ăn. Khi dịch vị tăng tiết, HCl và men pepsin có thể kích thích niêm mạc dẫn đến cảm giác buồn nôn, khó chịu và đau dạ dày.
Nếu căng thẳng kéo dài, dạ dày có thể bị viêm loét do sự tấn công liên tục của HCl và men pepsin. Bên cạnh đó, cortisol cũng làm giảm quá trình sinh tổng hợp prostaglandin – chất bảo vệ niêm mạc dạ dày.
3. Stress gây tăng huyết áp dẫn đến buồn nôn
Ngoài cortisol, stress còn làm tăng hormone epinephrine. Hormone này làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và nhịp thở. Khi huyết áp tăng lên đột ngột, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, choáng váng, hoa mắt và bồn chồn.
Các triệu chứng này thường xảy ra ở những tình huống đặc biệt như các buổi phỏng vấn, thuyết trình quan trọng. Tuy nhiên, nếu bị stress trường diễn, cảm giác buồn nôn, đau đầu và những triệu chứng đi kèm có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Có thể thấy, đáp ứng của cơ thể với stress vô tình gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Ngoài ra, khi bị căng thẳng, bạn thường gặp phải tình trạng ăn uống kém, ăn không đúng bữa và thường xuyên dùng thức ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, stress cũng gây mất ngủ, suy nhược, gia tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá,… Những yếu tố này đều góp phần gây ra cảm giác buồn nôn khi bị căng thẳng.
Cách khắc phục buồn nôn do stress
Buồn nôn do stress là triệu chứng khá phổ biến. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng cảm giác này tương đối khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến quá trình ăn uống, sinh hoạt.
Nếu không khắc phục sớm, tình trạng buồn nôn có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian. Stress kéo dài cũng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, các vấn đề tim mạch,…
Khi gặp phải tình trạng lo lắng, stress gây buồn nôn, bạn có thể thử một số biện pháp sau đây:
1. Cách giảm buồn nôn tạm thời
Khi bị buồn nôn do stress, bạn có thể áp dụng một số cách cải thiện tạm thời. Những cách này giúp giảm cảm giác buồn nôn và tạo cảm giác dễ chịu, từ đó tránh tình trạng buồn nôn và nôn ói.
- Hít thở sâu: Cách đơn giản nhất để giảm tình trạng buồn nôn do stress là hít thở sâu. Nên hít vào mũi và thở ra bằng miệng, hít thở chậm và đều trong khoảng vài phút. Khi hít thở, cơ trơn dạ dày sẽ được điều hòa và giảm tình trạng co bóp quá mức nên cảm giác buồn nôn sẽ giảm đi đáng kể.
- Ngửi mùi hương yêu thích: Nếu thường xuyên bị buồn nôn, bạn nên chuẩn bị chai tinh dầu hoặc sáp thơm bên mình. Ngửi mùi hương yêu thích có thể giảm căng thẳng và cải thiện tình trạng buồn nôn hiệu quả. Theo các chuyên gia, những mùi hương nhẹ nhàng và thanh mát như hoa cúc, trà xanh, bạc hà, vỏ cam,… sẽ có tác dụng tốt trong việc giảm buồn nôn.
- Uống trà thảo mộc: Các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà gừng và trà mật ong có tác dụng giảm buồn nôn hiệu quả. Ngoài ra, các loại trà này còn giúp trung hòa dịch vị dạ dày, từ đó giảm cảm giác khó chịu và đau ở vùng thượng vị.
- Ngậm kẹo: Nếu không có thời gian chuẩn bị trà, bạn có thể ngậm kẹo bạc hà, kẹo trái cây,… để giảm cảm giác buồn nôn. Khi ngậm kẹo, bạn nên kết hợp hít thở sâu ở không gian yên tĩnh để giảm cảm giác khó chịu hiệu quả.
2. Thay đổi chế độ ăn giúp giảm buồn nôn do stress
Khi bị stress, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị và co bóp nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, hormone cortisol còn làm giảm màng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vì vậy, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn để bảo vệ cơ quan tiêu hóa và cải thiện tình trạng buồn nôn.
Chế độ ăn uống giúp cải thiện tình trạng buồn nôn do stress, lo lắng quá mức:
- Khi bị căng thẳng, bạn nên ăn uống đủ bữa và ăn đúng giờ để tránh bị đau dạ dày, buồn nôn và trào ngược. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn nhẹ sau bữa chính 2 giờ đồng hồ để tránh cảm giác khó chịu do cortisol gây tăng axit dạ dày.
- Nên uống nhiều nước và tăng cường rau xanh, củ, ngũ cốc trong chế độ ăn. Những nhóm thực phẩm này có tác dụng trung hòa dịch vị, giảm cảm giác buồn nôn và đau dạ dày rõ rệt.
- Hạn chế dùng các loại thức ăn, đồ uống làm tăng tiết dịch vị như món ăn chứa nhiều gia vị, món ăn lên men, thực phẩm có vị chua, rượu bia, cà phê, trà và nước ngọt có gas. Tăng tiết dịch vị khiến cho dạ dày bị kích thích dẫn đến buồn nôn và khó chịu ở vùng thượng vị.
- Khi bị căng thẳng, hệ vi sinh đường ruột cũng bị ảnh hưởng khiến cho tiêu hóa kém và thường xuyên bị đầy hơi. Do đó, để cải thiện các vấn đề tiêu hóa liên quan đến stress, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic).
- Nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho dạ dày như nghệ, đậu bắp, rau mồng tơi, atiso, hoa cúc,…
3. Thực hiện cách giải tỏa stress
Các biện pháp trên chỉ có thể giảm buồn nôn và các triệu chứng liên quan đến stress. Để giải quyết triệt để tình trạng này, bạn cần phải giải tỏa căng thẳng và ổn định tinh thần. Khi stress được kiểm soát, cảm giác buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng đi kèm sẽ thuyên giảm hoàn toàn.
Nếu đang đối mặt với tình trạng buồn nôn do stress, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giải tỏa sau để loại trừ nguyên nhân của vấn đề:
- Nên chia sẻ vấn đề bản thân đang gặp phải với người thân và bạn bè thay vì giữ trong lòng. Chia sẻ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, lời khuyên hữu ích từ những người xung quanh cũng sẽ giúp bạn có đánh giá khách quan và tìm ra giải pháp phù hợp.
- Cần xác định nguyên nhân gây stress để tìm cách khắc phục triệt để.
- Sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi. Thực tế, chỉ sau một giấc ngủ ngon, những cảm xúc tiêu cực sẽ thuyên giảm đáng kể, cơ thể trở nên tràn đầy năng lượng, sáng tạo và hứng khởi hơn.
- Tập thể dục mỗi ngày là cách giảm stress hữu hiệu. Tập luyện giúp bạn nâng cao sức khỏe và cải thiện các triệu chứng thể chất liên quan đến stress. Ngoài ra, hormone endorphin được giải phóng khi tập thể dục sẽ giúp giảm nồng độ cortisol, epinephrine và điều hòa các hormone khác. Nhờ đó, cảm giác căng thẳng, lo lắng và phiền muộn sẽ được giải tỏa.
- Bạn cũng có thể giải tỏa stress bằng các hoạt động mà bản thân yêu thích như uống trà thảo mộc, vẽ tranh, viết nhật ký, nấu ăn, chơi với thú cứng,… Dành thời gian cho những sở thích cá nhân sẽ giúp bạn quên đi phiền muộn và nạp lại năng lượng tích cực.
Các biện pháp trên đều là những kỹ năng sống cơ bản. Ngay cả khi không bị stress, bạn cũng nên thực hiện để chăm sóc sức khỏe tinh thần và luôn giữ cho mình tinh thần sống lạc quan, vui vẻ.
4. Tìm gặp bác sĩ
Nếu tình trạng buồn nôn do stress không có cải thiện khi áp dụng các biện pháp trên, bạn nên tìm gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe thể chất, tinh thần, sau đó tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những người bị stress nặng và stress kéo dài, cần điều trị song song các vấn đề thể chất kết hợp với can thiệp trị liệu tâm lý.
Trị liệu tâm lý giúp bạn học cách giải tỏa căng thẳng, gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực và ổn định tinh thần. Chuyên gia cũng sẽ xác định gốc rễ gây stress, từ đó giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận và tìm ra giải pháp khắc phục những yếu tố gây stress. Trị liệu tâm lý sẽ được linh hoạt áp dụng tùy theo tâm lý của từng khách hàng.
Lo lắng, stress gây buồn nôn là hiện tượng sinh lý của cơ thể do sự gia tăng của hormone cortisol và epinephrine. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần có biện pháp cải thiện sớm để tránh tình trạng chuyển biến xấu. Nếu buồn nôn kéo dài đi kèm với đau dạ dày, sụt cân, trào ngược,… nên thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Tham khảo thêm:
- Căng Thẳng Stress Ảnh Hưởng Đến Dạ Dày Bạn Như Thế Nào?
- Khắc Phục Chứng Thèm Ăn Khi Bị Căng Thẳng Stress
- Stress Lo Lắng Có Làm Trễ Kinh Nguyệt Không? Trễ Bao Lâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!