Tác hại của chứng rối loạn hành vi không nên xem thường

4.8/5 - (86 bình chọn)

Rối loạn hành vi là một căn bệnh nguy hiểm có thể để lại rất nhiều các tác hại khôn lường ảnh hưởng đến sức khỏe và các chức năng xã hội của trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong các tiền đề gây ra chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở những người trưởng thành.

Tác hại của chứng rối loạn hành vi
Chứng rối loạn hành vi là một căn bệnh nguy hiểm có thể để lại rất nhiều các tác hại khôn lường

Sơ lược về chứng rối loạn hành vi

Dựa vào số liệu thống kê từ 2013 nhận thấy hiện có khoảng từ 2 đến 8% trẻ em và những trẻ vị thành niên rơi vào tình trạng rối loạn hành vi. Tỉ lệ này cũng có sự chênh lệch giữa những tầng lớp xã hội khác nhau. Những người thuộc tầng lớp thấp, sinh sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, đói nghèo sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường. Đặc biệt, nguy cơ bị rối loạn hành vi ở nam giới sẽ cao gấp 4 đến 10 lần so với nữ giới, mức độ biểu hiện cũng nghiêm trọng hơn.

Rối loạn hành vi còn có tên khoa học là Conduct Disorder, viết tắt là CD. Đây là một chứng rối loạn tâm thần rất phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Những đối tượng mắc bệnh thường gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và điều chỉnh hành vi của bản thân, họ thường thực hiện các hành động xâm phạm nặng nề đến chính mình và những người xung quanh.

Các trẻ em bị rối loạn hành vi thường rất hung hăng, dễ kích động và có xu hướng muốn chống đối lại gia đình và xã hội. Tình trạng bệnh này được giới chuyên môn xem là tiền đề của sự méo mó, bất ổn trong quá trình hình thành và xây dựng tính cách của con người. Hầu hết những trẻ mắc phải chứng rối loạn này thường có nhiều khả năng bị rối loạn nhân cách khi trưởng thành nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh hay nhầm lẫn giữa các triệu chứng của rối loạn hành vi và tính cách ngang bướng, cứng đầu của trẻ nhỏ. Vì thế, rất nhiều các trường hợp không kịp thời thăm khám và tiến hành điều trị gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và làm gia tăng nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề tâm thần khi trưởng thành.

Một số biểu hiện thường gặp của người bệnh rối loạn hành vi như:

  • Thường xuyên muốn gây hấn, cố ý đánh nhau với người khác.
  • Có xu hướng muốn sử dụng bạo lực, vũ khí để gây tổn thương hoặc để tấn công đến người xung quanh.
  • Thường xuyên nói dối, thất hứa, trốn tránh trách nhiệm hoặc làm mọi cách để có được thứ mình muốn.
  • Có những hành động độc ác với thú cưng, động vật.
  • Trẻ vị thành niên, người trưởng thành có ý muốn ép buộc, cưỡng hiếm người khác quan hệ tình dục với mình.
  • Không có tình thương, không cảm thấy sợ hãi với những gì mà bản thân mình đã gây ra. Người bệnh hoàn toàn không có sự cảm thông và cũng không thấy hối hận trước tội lỗi của mình.
  • Có hành vi trộm cắp, cướp tài sản, phóng hỏa, phá hủy tài sản của người khác.

Các biểu hiện của bệnh rối loạn hành vi gây ảnh hưởng rất lớn đối với việc học tập và các chức năng xã hội của trẻ nhỏ. Khi những triệu chứng này kéo dài cho đến sau 18 tuổi thì sẽ được chẩn đoán là chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Tác hại của chứng rối loạn hành vi không nên xem thường

Rối loạn hành vi là một căn bệnh mang tính chất nguy hiểm. Các chuyên gia cho biết rằng đây chính là tiền đề gây ra chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở những người trưởng thành. Những trẻ em khi mắc phải chứng rối loạn này thường có xu hướng hung hăng, khiêu khích và chống đối lại các quy luật của cuộc sống. Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe, tài sản của người khác.

Bản thân những người bị rối loạn hành vi thường không cảm nhận được sự tội lỗi, họ không đồng cảm và hối hận trước những điều mà bản thân gây ra. Nếu tình trạng này không được can thiệp kịp thời sẽ khiến cho mức độ thực hiện hành vi sai trái càng gia tăng, những đối tượng trưởng thành còn có thể tự lên kế hoạch cho những điều mà mình muốn thực hiện.

Tùy vào mỗi thời điểm khác nhau mà các biểu hiện của rối loạn hành vi sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Các chuyên gia cho biết rằng, đối với những trường hợp khởi phát sớm trước 8 tuổi thì sẽ có tiên lượng xấu. Hơn một nửa các trường hợp xuất hiện những triệu chứng kéo dài liên tục, kèm theo đó là những vấn đề tâm lý nặng nề gây ảnh hưởng đến sự phát triển ở tuổi trưởng thành.

Tác hại của chứng rối loạn hành vi
Trẻ bị rối loạn hành vi có thể thực hiện cả hành vi đe dọa giết người

Còn đối với những tình trạng khởi phát bệnh rối loạn hành vi ở tuổi vị thành niên sẽ có kết quả đáp ứng tốt hơn với quá trình điều trị và các hành vi chống đối xã hội có thể hoàn toàn biến mất trước tuổi 20. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng gây ra tiên lượng xấu và khiến cho bệnh tình kéo dài dai dẳng hơn. Cụ thể như:

  • Chỉ số IQ thấp
  • Cha mẹ có tiền sử nghiện rượu bia, phạm tội
  • Mắc đồng thời cùng với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Sinh sống trong môi trường thiếu giáo dục, gia đình nghèo đói, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.
  • Gia đình có tiền sử chống đối xã hội ở mức nghiêm trọng

Khi tình trạng rối loạn hành vi không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phương pháp sẽ gây ra rất nhiều các tác hại nghiêm trọng như:

  • Thường xuyên tồn tại các mối quan hệ ngắn hạn như quan hệ tình dục không an toàn, tình một đêm, sống thử,…
  • Hầu như không thể xây dựng được các mối quan hệ bền chặt và thân thiết, kể cả với những người thân trong gia đình.
  • Nguy cơ tiến triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội hoặc nghiện ngập, sử dụng chất kích thích rất cao.
  • Đối tượng người trưởng thành bị rối loạn hành vi sẽ làm gia tăng khả năng mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự sát cao.
  • Có nhiều khả năng trở thành tội phạm với những hành vi nguy hiểm như trộm cắp, phóng hỏa, trấn lột, đe dọa giết người, lừa đảo, cố ý gây thương tích cho người khác,….
  • Người bệnh sẽ bị gián đoạn về việc học tập, trình độ cũng bị yếu kém, không có nhiều cơ hội việc làm.

Ngoài ra, khi người bệnh rối loạn hành vi kết hôn và sinh con, họ sẽ có giáo dục, dạy dỗ con cái sai lệch. Tình trạng này sẽ làm phát triển các rối loạn tâm thần ở trẻ nó và trở thành một vòng tròn luẩn quẩn không có hồi kết.

Cách điều trị chứng rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi được đánh giá là một dạng rối loạn tâm thần nguy hiểm và phức tạp. Vì thế, việc có thể phát hiện bệnh càng sớm sẽ góp phần quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh. Đa phần những đối tượng bị bệnh phải kiên trì kết hợp đồng thời nhiều biện pháp với nhau mới có thể điều chỉnh được các hành vi sai lệch và giúp cho người bệnh phát triển nhân cách tốt hơn.

Tác hại của chứng rối loạn hành vi
Cha mẹ nên nhanh chóng điều chỉnh môi trường sống để thuận tiện cho quá trình điều trị bệnh của trẻ bị CD

Một số biện pháp thường được áp dụng để kiểm soát và hạn chế các tác hại của chứng rối loạn hành vi:

1. Thay đổi môi trường sống

Môi trường sống cũng là một trong các yếu tố chủ yếu có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và nhận thức của mỗi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, việc có thể thay đổi và điều chỉnh được môi trường sống sẽ giúp cho người bệnh thuyên giảm và điều chỉnh tốt các hành vi chống đối và hung hăng của bản thân.

  • Đầu tiên bạn cần tạo cho trẻ một môi trường giáo dục tích cực và lành mạnh, tuyệt đối không có bạo hành. Đối với tình trạng trẻ bị rối loạn hành vi thì phụ huynh có thể đề nghị với nhà trường chú ý hơn về việc học tập, sinh hoạt tại trường hoặc nếu cần thiết thì chuyển trẻ đến môi trường giáo dục phù hợp hơn. Nếu các hành vi của trẻ biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng, cha mẹ cũng nên cân nhắc đưa trẻ đến giáo dục tại các trung tâm đặc biệt dành riêng cho những đối tượng bị rối loạn hành vi.
  • Đối với tình trạng trẻ bị rối loạn hành vi do thường xuyên phải sinh sống trong gia đình có nhiều mâu thuẫn, xung đột thì trước tiên cha mẹ cần phải tiến hành trị liệu để thay đổi cách cư xử, giáo dục của bản thân. Nhờ đó mà họ có thể thay đổi được cách dạy dỗ và hình thành lại thói quen của con cái.
  • Cha mẹ nên quan tâm và xây dựng mối quan hệ với trẻ. Đồng thời học cách chia sẻ, lắng nghe và đồng cảm thay vì liên tục chê bai, chỉ trích và đánh đập trẻ.
  • Nếu xung quanh chỗ ở có nhiều tệ nạn thì cha mẹ cũng nên cân nhắc đến việc tìm nơi ở phù hợp và an ninh hơn để thuận tiện cho quá trình điều trị bệnh.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu cũng là một trong các biện pháp được sử dụng nhiều trong quá trình điều trị rối loạn tâm thần, trong đó có rối loạn hành vi. Người bệnh sẽ được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia để chia sẻ và tâm sự về những vấn đề khó khăn mà bản thân đang gặp phải.

Thông qua các buổi trị liệu, người bệnh sẽ tự nhận ra được các hành vi sai trái của bản thân và dần thay đổi chúng theo chiều hướng tích cực, phù hợp hơn. Đồng thời nhờ vào tâm lý trị liệu mà bệnh nhân sẽ được điều trị tận gốc nguyên căn của bệnh để hạn chế tình trạng tái phát. Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn và phát triển các kỹ năng cần thiết để tái hòa nhập tốt với cuộc sống, dễ dàng đối mặt với những tình huống khó khăn trong tương lai.

3. Điều trị bằng thuốc

Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được công nhận về tác dụng điều trị chứng rối loạn hành vi. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp cần thiết thì các bác sĩ vẫn có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc để giúp kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân.

Một số loại thuốc thường được sử dụng như:

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Các loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu
  • Haloperidol 1.5 – 3mg/ ngày
  • Risperidon 1 – 4mg/ ngày
  • Clonidin 0.05 – 1mg/ ngày
  • Quetiapin 100 – 200mg/ ngày
  • Olanzapine 5 – 10mg/ ngày

Việc dùng thuốc cần được sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc về dùng để phòng tránh các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Quá trình điều trị bằng thuốc đối với người bệnh rối loạn hành vi có thể được kéo dài nên người bệnh cũng cần phải kiên trì và tuân thủ đúng theo phác đồ của chuyên gia.

Chứng rối loạn hành vi có thể gây ra rất nhiều các tác hại nghiêm trọng, tuy nhiên nếu có thể sớm phát hiện bệnh và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp thì bạn hoàn toàn có thể thay đổi được những hành vi sai lệch của mình. Hi vọng qua thông tin của bài biết trên đây bạn đọc sẽ biết thêm về căn bệnh nguy hiểm này và có cách khắc phục nó hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

4.8/5 - (86 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *