Rối loạn hành vi là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn hành vi là một dạng rối loạn tâm thần xảy ra ở trẻ em và trẻ vị thành niên, đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại, thường xuyên và dai dẳng về những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác. Chứng bệnh này gặp ở 3 – 8% dân số và nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nam giới, người thuộc tầng lớp thấp, phải sống trong cảnh nghèo đói, xung đột và bạo lực.

Rối loạn hành vi là gì
Rối loạn hành vi (Tiếng anh: Conduct Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần gặp ở trẻ em và trẻ vị thành niên

Rối loạn hành vi là gì?

Rối loạn hành vi (Conduct Disorder – CD) là một dạng rối loạn tâm thần gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Chứng bệnh này đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại và dai dẳng về những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến người khác. Trẻ mắc chứng bệnh này thường có các hành vi hung hăng, chống đối xã hội dẫn đến tình trạng tổn thương thể chất, tinh thần của người khác như gây hấn, đánh nhau, trộm cắp, phá hủy tài sản,…

Chứng rối loạn hành vi thường đi kèm với các vấn đề tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý và nhiều yếu tố tâm lý – xã hội. Bệnh lý này được xem là tiền đề dẫn đến sự bất thường, méo mó trong quá trình hình thành nhân cách. Đa phần trẻ bị rối loạn hành vi đều có nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Thống kê cho thấy, khoảng 2 – 8% trẻ em và trẻ vị thành niên mắc chứng rối loạn hành vi, ước tính khoảng 51.1 triệu người trên thế giới (số liệu vào năm 2013 được cung cấp bởi nghiên cứu về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu). Tỷ lệ mắc bệnh có sự chênh lệch rõ rệt giữa các tầng lớp xã hội. Trong đó, tỷ lệ cao nhất là người da đen gốc Phi, đặc biệt là người ở tầng lớp thấp, sống trong cảnh nghèo đói và bạo lực. Rối loạn hành vi gặp nhiều hơn ở nam giới (gấp 4 – 10 lần so với nữ giới) và mức độ cũng trầm trọng hơn.

Biểu hiện của người bị rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại và kéo dài về những hành vi xâm phạm quyền lợi của người khác. Trẻ có hành vi hung hăng gây tổn hại đến những người xung quanh, động vật và thường xuyên vi phạm các quy tắc trong nhà trường, gia đình. Nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn biểu hiện của rối loạn hành vi với tính cách cứng đầu, ngang bướng của trẻ. Do đó, rất nhiều trường hợp không kịp thời thăm khám – điều trị dẫn đến nhiều rối loạn tâm thần khi trưởng thành.

Rối loạn hành vi ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường có các biểu hiện sau:

Gây hấn với người khác và động vật:

rối loạn hành vi tiếng anh là gì
Rối loạn hành vi đặc trưng bởi các hành vi hung hãn, gây hấn với người khác nhằm đạt được mục đích của bản thân
  • Có thói quen hứa lèo hoặc nói dối nhằm mục đích được quan tâm đặc biệt hơn, trốn tránh nghĩa vụ hoặc có được đồ vật mà trẻ muốn.
  • Thường xuyên gây hấn và đánh nhau với người khác (không bao gồm các thành viên trong gia đình)
  • Trẻ có xu hướng dùng vũ khí (có thể là dao, mảnh chai, bút viết, gạch hoặc các vật nhọn) để tấn công và gây tổn thương thể chất của người khác.
  • Thậm chí, trẻ còn có những hành vi độc ác như cắt thịt, trói và thiêu cháy người khác
  • Có các hành vi độc ác với động vật về mặt thể chất.
  • Trẻ vị thành niên có thể ép người khác tham gia các hoạt động tình dục với bản thân.
  • Bản thân trẻ mắc chứng rối loạn hành vi gần như không có nỗi sợ hãi, không cảm thấy nỗi đau mà bản thân đã gây ra cho người khác. Do đó, trẻ hoàn toàn không biết cảm thông và hối hận với những gì mình đã gây ra.

Có các hành vi phá hoại tài sản:

  • Cố ý phóng hỏa với mục đích gây hư hại nghiêm trọng tài sản chung hoặc tài sản riêng của người khác
  • Có những hành vi phá hủy tài sản của người khác (các hành vi khác phóng hỏa)

Vi phạm nghiêm trọng các quy định/ quy tắc:

  • Thường xuyên trốn học (bắt đầu trước năm 13 tuổi)
  • Trốn nhà qua đêm ít nhất 2 lần hoặc bỏ đi 1 lần trong một thời gian dài
  • Đi ra ngoài vào ban đêm mặc dù không có sự cho phép của bố mẹ (bắt đầu trước năm 13 tuổi)
  • Thực hiện các hành vi phạm tội trước mặt người khác (thường là nạn nhân) như trấn lột, tống tiền, móc túi,…
  • Cưỡng ép, bắt buộc người khác thực hiện hành vi tình dục
  • Đột nhột vào tòa nhà, nhà riêng và sử dụng xe của người khác một cách trái phép
  • Có các hành vi bắt nạt người khác một cách thường xuyên như quấy nhiễu, có các hành vi làm đau người khác, đe dọa,…

Trộm cắp hoặc lừa dối:

  • Thường xuyên nói dối để đạt được mục đích
  • Đánh cắp các vật có giá trị nhưng không đối mặt với nạn nhân (thường là ăn cắp trong cửa hàng, siêu thị hoặc làm giả những đồ vật có giá trị và nhân cơ hội đánh tráo)

Những biểu hiện của rối loạn hành vi gây ảnh hưởng đáng kể đến việc học và chức năng xã hội của trẻ. Những triệu chứng này phát triển sau 18 tuổi sẽ được chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Nguyên nhân gây rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi là kết quả của sự tương tác qua lại giữa môi trường và các yếu tố sinh học. Cơ chế bệnh sinh của chứng bệnh này rất phức tạp nên hiện nay có nhiều điểm chưa rõ ràng. Tuy nhiên về cơ bản, các chuyên gia phần nào nhận thấy được nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến yếu tố sau:

1. Gen di truyền

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, rối loạn hành vi cũng có khả năng di truyền. Nhiều giả thuyết cho rằng, trẻ sinh ra bởi cha mẹ mắc chứng rối loạn hành vi/ rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ thừa hưởng một số gen đặc trưng. Những gen này quy định hành vi, cách suy nghĩ và nhận thức của trẻ về mọi thứ xung quanh. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi và một số vấn đề tâm lý có liên quan.

2. Biến chứng chu sinh

Các biến chứng xảy ra trong quá trình sinh nở cũng có thể gây ra những khiếm khuyết về mặt tâm lý, thần kinh. Giả thuyết này được đề cập từ năm 1993 và hiện tại có nhiều bằng chứng xác đáng cho thấy các biến chứng này liên quan đến sự rối loạn về hành vi của trẻ em và trẻ vị thành niên. Một số nghiên cứu còn cho thấy, hút thuốc lá và sử dụng rượu bia trong thời gian mang thai cũng gia tăng nguy cơ mắc các khiếm khuyết tâm lý, thần kinh ở trẻ.

3. Đặc điểm tính cách

Theo khái niệm nguyên bản, tính cách là một trong những yếu tố có tính chất di truyền mạnh. Dưới tác động của môi trường, tính cách của trẻ có thể thay đổi dần theo thời gian theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

rối loạn hành vi tiếng anh là gì
Trẻ nhỏ có tính cách ngang bướng, không nghe lời, cứng đầu,… có nguy cơ rối loạn hành vi cao hơn

Các chuyên gia nhận thấy, trẻ bị rối loạn hành vi thường có tính cách hung dữ, không nghe lời, thiếu thiện chí,… Nếu có các yếu tố nguy cơ từ môi trường – xã hội, nguy cơ phát triển chứng rối loạn hành vi sẽ cao hơn so với trẻ ngoan ngoãn, tính cách hiền lành, nhút nhát.

4. Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh

Tương tự như các bệnh tâm thần khác, rối loạn hành vi có liên quan đến tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, những nghiên cứu đã được thực hiện cho các kết quả không nhất quán nên chưa thể khẳng định chắc chắn. Nhìn chung, các nghiên cứu này đều nhận thấy sự bất thường về nồng độ chất dẫn truyền thần kinh ở bệnh nhân rối loạn hành vi.

Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy nồng độ epinephrine trong nước tiểu giảm đi đáng kể ở trẻ mắc chứng rối loạn hành vi. Trong khi đó, nồng độ serotonin tăng mạnh dẫn đến tính hung hăng và tàn bạo ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

5. Sự khác biệt về cấu tạo của não bộ

Ngoài sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh, các chuyên gia còn nhận thấy trẻ em và trẻ vị thành niên mắc chứng rối loạn hành vi còn có sự khác biệt về giải phẫu não. So với nhóm đối chứng bình thường, trẻ mắc chứng bệnh này có tình trạng giảm phản ứng ở các cơ quan trong não bộ chi phối hành vi như đường vân, vỏ não quỹ đạo, vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân.

Ngoài ra, trẻ vị thành niên mắc chứng rối loạn hành vi thường có hiện tượng giảm khối lượng chất xám bên trong hạch hạnh nhân. Hạch hạnh nhân là cơ quan kiểm soát và điều hòa sự sợ hãi. Cấu trúc bất thường ở cơ quan này chính là nguyên nhân vì sao trẻ mắc chứng rối loạn hành vi hầu như không sợ hãi trước những hành vi hung bạo và độc ác của bản thân.

6. Rối loạn chức năng điều hòa

Các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, chức năng điều hòa ở trẻ và thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi kém hơn đáng kể so với trẻ bình thường. Chức năng điều hòa là khả năng tạo ra và sử dụng các hành vi phù hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ/ mục tiêu. Thay vì sử dụng các hoạt động lành mạnh, trẻ mắc chứng bệnh này có những hành vi hung bạo, lừa dối để đạt được mục đích của bản thân.

7. Thiếu hụt ngôn ngữ lời nói

Trẻ em bị rối loạn hành vi và người lớn mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều có khiếm khuyết, thiếu hụt về ngôn ngữ lời nói. Các chuyên gia cho rằng, khả năng ngôn ngữ về lời nói kém ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của trẻ.

rối loạn hành vi tiếng anh là gì
Trẻ bị rối loạn hành vi có khiếm khuyết về khả năng ngôn ngữ lời nói nên thường có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn

Thông thường, trẻ có khả năng ngôn ngữ lời nói kém thường khó tranh luận thông qua giao tiếp và không thể diễn đạt hết ý nghĩ của bản thân. Do đó thay vì tranh luận một cách lành mạnh, trẻ sẽ phát sinh hành vi gây hấn để đạt được mục đích.

8. Ảnh hưởng của gia đình và bạn bè

Rối loạn hành vi là kết quả giữa sự tương tác qua lại của các yếu tố nội sinh và môi trường. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ nhỏ có khả năng phát triển chứng bệnh này nếu sống trong gia đình không hạnh phúc (bố mẹ ly thân, ly hôn, mẹ đơn thân,…), thu nhập thấp, gia đình luôn sống trong nghèo đói,…

Bên cạnh đó, sự tương tác giữa cha mẹ và con cái cũng có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành rối loạn hành vi. Đa phần trẻ mắc chứng bệnh này đều có cha mẹ không quan tâm đến con cái, không có cách giáo dục đúng đắn và không giám sát con cái trong các mối quan hệ với bạn bè, quá trình học tập,…

Ngoài gia đình, rối loạn hành vi ở trẻ cũng có liên quan đến bạn bè. Trẻ mắc chứng bệnh này thường bị cô lập từ thời thơ ấu, sau đó kết bạn với những người bạn có tính cách và suy nghĩ lệch lạc. Với tâm lý tổn thương vì không có bạn bè trước đây, trẻ dễ dàng kết thân và có những hành vi tương tự.

9. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân và yếu tố trên, một số yếu tố nguy cơ cũng có thể gia tăng khả năng mắc chứng rối loạn hành vi bao gồm:

  • Chứng kiến xung đột trong hôn nhân, bạo lực gia đình: Trẻ tiếp xúc với bạo lực gia đình và chứng kiến sự xung đột trong mối quan hệ hôn nhân của bố mẹ có khả năng trở nên hung hăng hơn. Tính cách hung hăng này cũng có thể do trẻ học theo hành vi của bố mẹ trong các cuộc xung đột, ẩu đả. Khi chứng kiến mâu thuẫn, trẻ sẽ cho rằng, những hành vi hung hăng là một phần của gia đình – xã hội, hoàn toàn được chấp nhận vì cha mẹ không hề bị xử phạt sau khi có các hành vi này.
  • Ngược đãi/ lạm dụng thể chất: Trẻ bị lạm dụng tình dục, thể chất và bị bố mẹ, người thân ngược đãi có khả năng phát triển chứng rối loạn hành vi cao hơn bình thường. Phản ứng chung của trẻ là các hành vi hung hăng nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân, bất chấp việc có thể gây tổn hại và đau khổ cho người khác.

Rối loạn hành vi là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em, trẻ vị thành niên với căn nguyên và cơ chế bệnh sinh rất phức tạp. Ngày nay đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng kết quả không nhất quán và thiếu bằng chứng nên chưa thể đưa ra bất cứ khẳng định nào. Tuy nhiên, có thể thấy vai trò rõ rệt của môi trường sống, gia đình và các yếu tố nội sinh trong cơ chế gây bệnh.

Rối loạn hành vi có nguy hiểm không?

Rối loạn hành vi là tiền đề phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở tuổi trưởng thành. Trẻ mắc chứng này thường có các hành vi hung hăng, đe dọa trực tiếp đến tài sản và thể chất của người khác. Vì bản thân trẻ không có sự đồng cảm, tội lỗi hay sợ hãi nên mức độ của các hành vi sẽ tăng dần theo thời nếu không được thăm khám và điều trị sớm.

Diễn tiến của rối loạn hành vi có sự khác biệt rõ rệt tùy vào thời điểm khởi phát bệnh. Cụ thể, trẻ khởi phát rối loạn hành vi trước 8 tuổi thường có tiên lượng xấu. Khoảng hơn 50% trường hợp có triệu chứng dai dẳng đi kèm với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng phát triển qua tuổi trưởng thành. Trong khi đó, trẻ khởi phát bệnh ở tuổi vị thành niên thường có đáp ứng tốt với điều trị và hoàn toàn ngưng các hành vi chống đối xã hội trước 20 tuổi (chiếm khoảng 85%).

Bên cạnh yếu tố khởi phát bệnh sớm, trẻ có chỉ số IQ thấp, mắc đồng thời với chứng tăng động giảm chú ý, cha mẹ nghiện rượu/ phạm tội, có các hành vi chống đối xã hội nghiêm trọng, biểu hiện đa dạng, thường xuyên, gia đình nghèo đói và được giáo dục thiếu khoa học (bố mẹ hay chỉ trích, thiếu sự gắn bó, cách giáo dục hà khắc nhưng không nhất quán và thiếu sự giám sát) thường có tiên lượng xấu, bệnh tiến triển dai dẳng và phát triển ngay cả khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

rối loạn hành vi là gì
Người bị rối loạn hành vi dễ trở thành tội phạm với các tội danh như trộm cắp, gây thương tích cho người khác, lừa đảo,…

Nếu không được thăm khám và điều trị sớm, rối loạn hành vi có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể như:

  • Trở thành tội phạm (trấn lột, trộm xe hơi, lừa đảo, ăn cắp, gây thương tích cho người khác, ngược đãi động vật,…)
  • Tăng nguy cơ phát triển nhân cách chống đối xã hội, lạm dụng chất gây nghiện, rượu bia,…
  • Người lớn bị rối loạn hành vi/ nhân cách chống đối xã hội thường có nguy cơ cao bị trầm cảm, rối loạn lo âu, phát sinh các hành vi tự hại hoặc tự sát
  • Gần như không có các mối quan hệ thân thiết – ngay cả với người thân
  • Việc học bị gián đoạn, trình độ kém, không có khả năng cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm,…
  • Thường có những mối quan hệ ngắn hạn (sống thử, quan hệ tình dục không an toàn,…)
  • Mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe và tuổi thọ giảm thấp do ảnh hưởng của các bệnh lý cơ thể

Người bị rối loạn hành vi/ nhân cách chống đối xã hội thường có cách giáo dục con cái lệch lạc. Điều này gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần ở trẻ và tạo thành một vòng luẩn quẩn. Nếu không được can thiệp sớm, gia đình và xã hội sẽ phải đối mặt với những gánh nặng do bệnh nhân rối loạn hành vi gây ra.

Chẩn đoán rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi chủ yếu được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sàng lọc một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh trước khi đưa ra chẩn đoán xác định. Các bác sĩ thường sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10 để chẩn đoán bệnh lý này.

Với người lớn có các biểu hiện tương tự sẽ được chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Các hành vi hung hăng, chống đối ở trẻ vị thành niên có thể là hệ quả do dùng chất gây nghiện và chất kích thích. Do đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt để trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các phương pháp điều trị rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi là một dạng rối loạn tâm thần phức tạp. Do đó, việc sử dụng thuốc đơn độc không đủ để kiểm soát triệu chứng và điều trị dứt điểm chứng bệnh này. Đa phần trẻ em và trẻ vị thành niên bị rối loạn hành vi phải can thiệp cùng lúc nhiều phương pháp để có thể thay đổi các hành vi không phù hợp với xã hội và giúp trẻ phát triển nhân cách một cách bình thường.

1. Thay đổi môi trường sống

Môi trường sống là yếu tố có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của trẻ. Việc thay đổi môi trường sống có thể giảm đi các hành vi hung hăng và chống đối. Môi trường sống của trẻ bao gồm cả gia đình, trường học và bạn bè. Do đó, việc này phải được thực hiện dựa trên sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường.

rối loạn hành vi là gì
Gia đình cần xây dựng cho trẻ môi trường sống lành mạnh để giảm các hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội
  • Trước tiên, cần đảm bảo trẻ được giáo dục trong môi trường lành mạnh, không có các hành vi bạo lực và gây hấn. Phụ huynh có thể chủ động đề cập với hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm hoặc chuyển trẻ đến môi trường giáo dục tốt hơn. Nếu cần thiết, có thể cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ bị rối loạn hành vi.
  • Trong trường hợp gia đình thường xuyên có mâu thuẫn và xung đột, bố mẹ cần phải tham gia trị liệu trước để điều chỉnh hành vi và thay đổi cách ứng xử sai lệch. Ngoài ra, gia đình cũng cần được giáo dục về cách dạy dỗ con cái để thay đồi dần hành vi và suy nghĩ méo mó ở con trẻ.
  • Bố mẹ cần xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, học cách đồng cảm, chia sẻ thay vì chỉ trích và đánh đập.
  • Nếu môi trường xung quanh có nhiều tệ nạn, gia đình nên cân nhắc thay đổi chỗ ở để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp được đánh giá cao trong điều trị các rối loạn hành vi ở trẻ em, trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ lựa chọn các phương pháp trị liệu như:

rối loạn hành vi là gì
Trị liệu tâm lý là phương pháp cho hiệu quả rõ rệt và lâu dài trong điều trị rối loạn hành vi
  • Liệu pháp gia đình chức năng: Liệu pháp này được thực hiện tại nhà với sự tham gia của nhà trị liệu, bệnh nhân và người nhà, mỗi buổi kéo dài 1 giờ và liệu trình bao gồm 8 – 12 buổi. Mục đích của liệu pháp gia đình chức năng là mong muốn phụ huynh kiên trì trong quá trình điều trị, sau đó tiến hành tạo ra các kích thích để hình thành những phẩm chất tích cực ở phụ huynh và trẻ nhỏ. Bước cuối cùng, chuyên gia sẽ tạo ra những tác động thích hợp nhằm thay đổi hành vi chống đối của trẻ và giúp bố mẹ có cách giáo dục phù hợp hơn.
  • Trị liệu đa hệ thống: Trị liệu đa hệ thống cũng được thực hiện trong điều trị rối loạn hành vi. Mục tiêu chính của liệu pháp này là thúc đẩy các hành vi có trách nhiệm của trẻ, giảm thiểu những hành vi gây hấn, hung hăng không phù hợp với xã hội. Hiện tại, trị liệu đa hệ thống đã được công nhận là phương pháp mang lại hiệu quả cao và lâu dài trong điều trị rối loạn hành vi ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

Ngoài các phương pháp trị liệu này, một số hình thức can thiệp khác cũng có thể được áp dụng trong điều trị rối loạn hành vi. Tuy nhiên các phương pháp khác chưa được công nhận về hiệu quả hoặc mang lại hiệu quả kém, không rõ rệt như trị liệu đa hệ thống và trị liệu gia đình chức năng.

3. Sử dụng thuốc

Thời điểm hiện tại chưa có loại thuốc nào được chấp thuận riêng cho rối loạn hành vi. Tuy nhiên, một số loại thuốc cũng có thể được sử dụng cho trẻ để giảm các hành vi hung hăng để lại hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng được cân nhắc khi trẻ mắc đồng thời với rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, rối loạn lo âu và trầm cảm.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn hành vi bao gồm:

  • Quetiapin 100 – 200mg/ ngày
  • Olanzapine 5 – 10mg/ ngày
  • Haloperidol 1.5 – 3mg/ ngày
  • Risperidon 1 – 4mg/ ngày
  • Clonidin 0.05 – 1mg/ nhày
  • Các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm,…

Ngoài ra, với trẻ có các bệnh lý thể chất, bác sĩ cũng sẽ chỉ định điều trị đồng thời để trẻ có thể học tập và phát triển các kỹ năng sống cân thiết phục vụ cho cuộc sống.

Rối loạn hành vi được xem là sự thiếu hụt xã hội hóa khiến trẻ phát sinh những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Do đó, sự quan tâm, giáo dục của gia đình và tác động từ môi trường sống có vai trò rõ rệt trong phục hồi chức năng tâm lý của trẻ. Mặc dù quá trình điều trị tương đối phức tạp, kéo dài nhưng nếu được chăm sóc và điều trị tích cực, đa phần trẻ đều có đáp ứng tốt và giảm thiểu đáng kể những hành vi chống đối xã hội.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn hành vi là một dạng rối loạn tâm thần gặp ở người dưới 18 tuổi do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Các biểu hiện của bệnh lý này dễ bị nhầm lẫn với đặc điểm tính cách và sự nổi loạn trong giai đoạn dậy thì. Do đó, gia đình cần có sự quan tâm và trang bị các biện pháp giáo dục phù hợp để giúp trẻ phát triển bình thường và tránh sự méo mó trong quá trình hình thành nhân cách.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *