Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm) hiểm họa khó lường

5/5 - (1 bình chọn)

Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Hội chứng Self Harm) là tình trạng mà bệnh nhân có các hành vi tự gây tổn hại về thể chất và tinh thần như tự rạch tay, nhổ tóc, nhịn ăn, cào cấu,… Với người bệnh, những hành vi này hoàn toàn không gây đau đớn mà ngược lại nó mang đến cảm giác thoải mái, giảm đau khổ và căng thẳng.

hội chứng tự ngược đãi bản thân
Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Hội chứng Self-harm) gặp chủ yếu ở trẻ vị thành niên và người đầu độ tuổi trưởng thành

Hội chứng tự ngược đãi bản thân là gì?

Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Tiếng Anh: Self – harm) là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi các hành vi tự gây tổn hại về thể chất và tinh thần như dùng dao rạch tay, đốt, cào cấu, giật tóc, tự đánh/ tát bản thân,… nhưng thường không phải là hành vi tự sát. Các hành vi này là phản ứng tiêu cực nhằm đối phó với sự thất vọng, tức giận và nỗi đau tinh thần không thể giải tỏa.

Những hành vi làm đau bản thân mang lại cảm giác bình tĩnh, thoải mái và giảm phần nào trạng thái căng thẳng, thất vọng ở người bệnh. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ xảy ra tạm thời và thường kéo theo sau là cảm giác xấu hổ, tội lỗi, đau đớn. Vì không biết cách giải tỏa nỗi đau một cách lành mạnh, người mắc chứng Self Harm thường lặp đi lặp lại các hành vi làm đau bản thân nhằm giải tỏa tâm lý.

Bên cạnh các hành vi tự ngược đãi, người bệnh còn có biểu hiện rối loạn cảm xúc đi kèm với một số triệu chứng cơ thể. Mặc dù không có ý định tự sát nhưng các hành vi tự hại có thể tăng dần mức độ theo thời gian khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe và thậm chí là tử vong.

Hội chứng tự ngược đãi bản thân ảnh hưởng chủ yếu đến thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Đặc biệt là người có nhóm tính cách cầu toàn, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, tính cách lo âu hoặc có biểu hiện rối loạn nhân cách. Các hành vi tự làm đau, tổn hại đến bản thân thường khởi phát sau khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các triệu chứng nhận biết hội chứng tự ngược đãi bản thân

Hội chứng tự ngược đãi bản thân đặc trưng bởi các hành vi tự làm đau bản thân và một số hành vi gây tổn hại về mặt tinh thần. Các hành vi này có mức độ và tần suất khác biệt ở từng trường hợp. Ngoài ra, người mắc hội chứng này còn có một số triệu chứng cơ thể và trạng thái cảm xúc bị ức chế.

Dấu hiệu tự ngược đãi bản thân
Người mắc hội chứng Self Harm thường tự làm đau bản thân, tâm trạng buồn bã và chán nản không lý do

Các hành vi tự gây tổn hại cơ thể, tinh thần:

  • Tự dùng dao hoặc mảnh chai rạch, cắt cổ tay, nhát cắt không quá sâu nhưng có gây chảy máu. Những người xung quanh thường thấy cổ tay của người bệnh có các vết sẹo mờ, chằng chịt. Ngoài cổ tay, bệnh nhân cũng có thể dùng mảnh chai hoặc dao cứa ở những vị trí khác.
  • Nhịn ăn với mục đích bỏ đói bản thân
  • Dùng tay cào rách da và chảy máu
  • Tự nhổ tóc
  • Lao đầu vào tường, tự đánh và tát bản thân
  • Cơ thể xuất hiện các dấu vết của những hành vi tự hại như vết cắt, vết bầm tím, các vết sẹo và mài do máu đông lại.
  • Bệnh nhân có thể dùng tay chà xát mạnh lên da tạo ra các vết bỏng, phát ban
  • Dùng que diêm hoặc tàn thuốc lá ấn trực tiếp lên da tạo thành các vết phỏng.
  • Một số người có thể tự ngược đãi tinh thần bằng cách tưởng tượng bản thân rơi vào hoàn cảnh để chịu sự khổ sở.

Thông thường, người mắc hội chứng Self Harm gây thương tích chủ yếu ở cánh tay và chân, đôi khi là phần thân trên của cơ thể. Tùy theo từng trường hợp, hành vi có thể ở mức độ nhẹ và chỉ xảy ra vài lần nhưng cũng có thể là các hành vi nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.

Khác với người bình thường, các hành vi gây đau ở người mắc hội chứng này mang đến cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng và giải tỏa những uất ức bị đè nén. Đây cũng là lý do vì sao bệnh nhân có xu hướng lặp đi lặp lại hành động để giải tỏa sự ức chế, thất vọng và đau khổ tột độ.

Ngoài các hành vi tự hại, bệnh nhân cũng có các trạng thái cảm xúc ức chế như:

  • Dễ nổi nóng, cáu giận
  • Tâm trạng chán nản, buồn bã không lý do
  • Có thể đi kèm với cảm giác lo âu, căng thẳng
  • Có biểu hiện rối loạn giấc ngủ
  • Các trạng thái cảm xúc này hầu như chiếm hết thời gian trong ngày của bệnh nhân

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng gặp phải một số triệu chứng cơ thể như:

  • Cảm thấy khó thở, nhịp thở nông, tăng thông khí và có nỗi sợ bị chết ngạt
  • Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, không đều, tăng huyết áp và thường có cảm giác căng tức ở bầu ngực trái
  • Tiêu chảy, đau dạ dày, khó nuốt, buồn nôn và nghẹn ở họng
  • Rối loạn thần kinh thực vật (tay chân lạnh, đổ mồ hôi, hồi hộp, bồn chồn, bất an, tiểu nhiều lần,…)
  • Rối loạn thần kinh trung ương (nhìn khó, nhìn đôi, chóng mặt, mệt mỏi, cảm thấy người yếu ớt, mất ngủ, khả năng tập trung kém, đau đầu,…)

Phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân đều bị stress nặng hoặc stress với mức độ không nghiêm trọng nhưng kéo dài dai dẳng. Thay vì tìm cách giải tỏa stress, bệnh nhân thực hiện những hành vi gây tổn hại thể chất, tinh thần nhằm loại trừ bản thân. Một số chuyên gia cho rằng, các hành vi tự hại của người bệnh cũng có thể là muốn thu hút sự chú ý của những người xung quanh.

Nguyên nhân gây hội chứng tự ngược đãi bản thân

Hội chứng tự ngược đãi bản thân thường xảy ra do nhiều nguyên nhân tác động và đa phần đều có liên quan đến stress trường diễn. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển hội chứng này sẽ tăng lên đáng kể ở những người có kỹ năng sống kém, không được giáo dục trong môi trường lành mạnh và thiếu tình yêu thương. Tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu là ở trẻ vị thành niên và đầu độ tuổi trưởng thành nên sự thay đổi của nội tiết cũng được xem là yếu tố nguy cơ.

Nguyên nhân tự ngược đãi bản thân
Người có những hành vi tự ngược đãi bản thân thường phải chịu sự ức chế tâm lý trong thời gian dài

Các nguyên nhân, yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân:

  • Ức chế tâm lý kéo dài: Đa phần người mắc hội chứng Self Harm đều bị ức chế tâm lý kéo dài. Điều này có thể xảy ra do bị bắt nạt, bạo lực học đường, không đạt được kết quả học tập như kỳ vọng, môi trường giáo dục cứng nhắc khiến trẻ thường xuyên bị trách phạt, chỉ trích,… Ở lứa tuổi vị thành niên, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống còn khá hạn chế nên thay vì giải tỏa một cách lành mạnh, trẻ có xu hướng tự làm đau bản thân về cả tinh thần và thể chất.
  • Cách giáo dục của gia đình, nhà trường: Trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường có suy nghĩ khá lệch lạc, không thực tế và dễ bị quan, bế tắc khi gặp phải vấn đề. Nếu nhận được sự quan tâm, chia sẻ đúng mực từ gia đình, những vướng mắc này sẽ nhanh chóng được giải tỏa. Ngược lại, nếu gia đình, nhà trường thường xuyên dùng uy quyền để uốn nắn, giáo dục con trẻ theo ý muốn, trẻ có thể nảy sinh hành vi chống đối và ngược đãi bản thân.
  • Kỹ năng sống kém: Trẻ có kỹ năng sống kém có khả năng mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân cao hơn so với trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng. Kỹ năng sống kém khiến trẻ thường xuyên rơi vào những tình huống bế tắc, không biết cách giải quyết mâu thuẫn và khó có thể giãi bày được tâm tư, cảm xúc cá nhân. Đa phần trẻ kém về kỹ năng sống thường chọn cách tự giải quyết bằng các hành vi gây tổn hại thể chất thay vì chia sẻ với người khác.
  • Ảnh hưởng từ bạn bè: Nếu kết bạn với những người có hành vi tự hại để đối phó với nỗi đau tinh thần, trẻ cũng sẽ hình thành suy nghĩ và có các hành vi tương tự.
  • Thiếu sự quan tâm: Đa phần người mắc chứng tự ngược đãi bản thân đều không được gia đình quan tâm và chăm sóc. Do đó, các hành vi tự hủy hoại cũng là cách để thu hút sự quan tâm của gia đình và thầy cô. Đặc biệt là trong trường hợp trẻ sinh sống trong gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly thân hoặc quá bận rộn với công việc.
  • Có các vấn đề tâm lý: Cách giải tỏa nỗi đau ở người mắc hội chứng Self Harm thường có liên quan đến một số vấn đề tâm lý. Các chuyên gia nhận thấy, người có hành vi tự ngược đãi bản thân thường mắc một số rối loạn tâm thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Ngoài ra, sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt trong việc kiểm soát nỗi đau tinh thần cũng được cho là biểu hiện của rối loạn nhân cách.
  • Sang chấn tâm lý trong quá khứ: Một số người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân từng phải đối mặt sang chấn tâm lý trong quá khứ như bị lạm dụng thể chất, tình dục, bị bỏ rơi, ngược đãi hoặc bị cô lập. Khi phát triển đến tuổi vị thành niên, trẻ có xu hướng tự mình giải tỏa nỗi đau bằng cách tự hại thay vì chia sẻ với bạn bè hay người thân trong gia đình.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những nguyên nhân và yếu tố kể trên, hội chứng tự ngược đãi bản thân cũng có liên quan đến một số yếu tố như người có tâm trạng bất ổn, khó kiểm soát được cảm xúc, sử dụng rượu, chất gây nghiện, nhân cách nghệ sĩ yếu (là một dạng nhân cách có tính nghệ sĩ nửa vời, tâm trạng hay thay đổi, cảm xúc hời hợt), người cầu toàn, hay lo âu hoặc mắc các rối loạn nhân cách nhóm B.

Hội chứng tự ngược đãi bản thân có nguy hiểm không?

Hội chứng tự ngược đãi bản thân gây ra nhiều biến chứng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Về bản chất, các hành vi tự gây hại của bệnh nhân không với mục đích tự sát. Tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại của những hành vi này có thể làm trầm trọng các bệnh tâm thần sẵn có và gia tăng nguy cơ tự sát.

Người mắc hội chứng Self – harm thường không chú ý đến việc chăm sóc bản thân nên các vết rạch thường có nguy cơ bị nhiễm trùng, để lại sẹo và đôi khi gây biến dạng cơ thể. Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp tử vong do các thương tích nặng.

hội chứng Self - harm nguy hiểm không
Các vết cắt, rạch có thể để lại sẹo chằng chịt trên thân thể của người bệnh

Ngoài biến chứng do các hành vi tự hại, tâm lý bất ổn, căng thẳng và thường xuyên tức giận ở bệnh nhân cũng gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Hầu hết người mắc hội chứng này rất khó duy trì được các mối quan hệ, ngay cả với gia đình. Nếu có bạn bè thì thường là những trẻ có hành vi và nhận thức tương tự.

Hội chứng tự ngược đãi bản thân là tiền đề của nhiều vấn đề tâm lý khi trưởng thành như rối loạn nhân cách ranh giới, trầm cảm, rối loạn lo âu,… Ngoài ra, trẻ mắc hội chứng này cũng có nguy cơ lạm dụng chất, nghiện rượu và phạm tội cao hơn phần vì không biết cách giải tỏa tâm lý, phần vì muốn thu hút sự chú ý và quan tâm từ những người xung quanh.

Cách chẩn đoán, điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân

Hội chứng tự ngược đãi bản thân thường được chẩn đoán thông qua đánh giá thể chất và tâm lý. Không có bất cứ xét nghiệm nào có thể phát hiện ra hội chứng này. Thực tế cho thấy, rất ít bệnh nhân chủ động đến gặp bác sĩ mà đa phần được người thân đưa đến khi gia đình, bạn bè phát hiện các hành vi tự gây thương tích.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc hội chứng Self Harm khi đã loại trừ các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu,… Bởi trong nhiều trường hợp, hành vi tự hại là một phần của các rối loạn tâm thần bên cạnh rối loạn về cảm xúc, tư duy và hành vi.

Phương pháp chính đối với điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân là tâm lý trị liệu nhằm thay đổi hành vi tự hại, đồng thời phát triển kỹ năng sống và kỹ năng quản lý cảm xúc. Bệnh nhân cũng có thể phải sử dụng thuốc nếu có các triệu chứng lo âu, trầm cảm. Phần lớn bệnh nhân được điều trị ngoại trú, rất ít trường hợp phải nhập viện.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là lựa chọn hàng đầu trong điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân xác định được vấn đề của bản thân và quản lý những vấn đề này nhằm tránh các hành vi tự gây thương tích.

Bên cạnh đó, tâm lý trị liệu còn trang bị những kỹ năng để bệnh nhân học cách đối phó với nỗi đau tinh thần, biết cách điều tiết cảm xúc, tăng kỹ năng xã hội và cải thiện các mối quan hệ cá nhân. Với trẻ trong độ tuổi vị thành niên, trị liệu tâm lý thường sẽ được thực hiện cùng với gia đình để bố mẹ có thể thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của con cái. Từ đó thay đổi cách giáo dục mang tính kỷ luật và cứng nhắc.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Một số liệu pháp tâm lý được áp dụng cho hội chứng tự ngược đãi bản thân:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng rất phổ biến trong điều trị các rối loạn tâm thần. Liệu pháp này giúp bệnh nhân xác định được hành vi không lành mạnh, từ đó thay thế bằng cách hành vi phù hợp hơn. Chẳng hạn như thay vì rạch tay để giải tỏa, hãy tìm người tin cậy để được chia sẻ và lắng nghe.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng: Liệu pháp hành vi biện chứng giúp bệnh nhân có các kỹ năng quản lý, điều chỉnh tâm trạng và gia tăng mức độ chịu đựng nỗi đau. Ngoài ra, liệu pháp này còn trang bị cho người bệnh kỹ năng sống để hạn chế vấn đề trong cuộc sống và cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh.
  • Liệu pháp nhóm, gia đình: Liệu pháp nhóm, gia đình sẽ được thực hiện song song với trị liệu cá nhân. Liệu pháp gia đình giúp bố mẹ hiểu hơn về con cái, dành sự quan tâm đúng mực và thay đổi phương pháp giáo dục khoa học hơn. Với liệu pháp nhóm, trẻ sẽ tìm được nơi có thể giãi bày suy nghĩ, bộc lộ cảm xúc và có thêm kinh nghiệm trong quá trình điều trị.

Trị liệu tâm lý cũng giúp cải thiện những vấn đề tâm lý gặp ở trẻ vị thành niên và người mới bước vào tuổi trưởng thành. Tùy theo tình trạng cụ thể, nhà trị liệu sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp nhất.

2. Sử dụng thuốc

Hiện tại, chưa có loại thuốc mang lại hiệu quả trong điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân. Tuy nhiên, thuốc có thể được sử dụng nếu bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, stress,… Thực tế, đa phần người mắc hội chứng Self – harm đều có biểu hiện trầm cảm. Vì vậy, sử dụng thuốc chống trầm cảm sẽ giúp giảm các cảm xúc tiêu cực và cải thiện những hành vi tự hại.

3. Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Các hành vi làm đau bản thân (tự đánh, tát vào mặt,…) có thể xuất hiện khi phải đối mặt với cảm giác tội lỗi về những sai lầm có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số người có thể kiểm soát và quản lý những cảm xúc này trong một thời gian nhất định. Ngược lại, người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường lặp đi lặp lại các hành vi tự hại, tâm trạng tức giận, nóng nảy và căng thẳng kéo dài.

Bên cạnh những tổn thương về thể chất, tinh thần, hội chứng này còn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến việc học, nghề nghiệp, các mối quan hệ và những khía cạnh khác trong cuộc sống. Vì vậy ngoài các phương pháp chuyên sâu, bệnh nhân cũng cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để cải thiện triệu chứng bao gồm:

điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân
Ngồi thiền giúp giảm các cảm xúc tiêu cực và một số triệu chứng cơ thể ở bệnh nhân mắc hội chứng Self Harm
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và tuyệt đối không dùng chất kích thích.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học. Ngoài ra, nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục nhằm cải thiện sức khỏe thể chất, thư giãn cơ và giải tỏa căng thẳng. Tập thể dục còn giúp giảm thiểu các rối loạn giấc ngủ và cải thiện vị giác khi ăn uống.
  • Thiền định mỗi ngày để giải tỏa stress, điều chỉnh và quản lý cảm xúc. Ngồi thiền còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất như giảm mất ngủ, đau nhức, cải thiện các triệu chứng hô hấp, tim mạch ở bệnh nhân tự ngược đãi bản thân.
  • Học cách chia sẻ cảm xúc với bạn bè thân thiết và người thân trong gia đình. Ngoài ra, có thể chơi đùa và trò chuyện với thú cưng. Thực tế cho thấy, chăm sóc động vật có hiệu quả trong việc giải tỏa stress, căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.
  • Nếu bản thân tự dùng dao, mảnh chai cứa vào tay, chân, cần vô trùng và chăm sóc vết thương để tránh nhiễm trùng. Với những vết thương lớn hoặc đã có dấu hiệu viêm nhiễm, cần tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm hạn chế những tình huống đáng tiếc.

Ngoài các biện pháp tự chăm sóc, gia đình của người bệnh cũng cần quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con cái và dành thời gian chia sẻ, động viên thay vì dùng uy quyền để uốn nắn. Nếu nhận thấy môi trường giáo dục không phù hợp, nên chuyển trường để trẻ được học tập trong môi trường lành mạnh hơn.

Hội chứng tự ngược đãi bản thân là rối loạn tâm lý khá phổ biến ở trẻ vị thành niên và người ở đầu độ tuổi trưởng thành. Đa phần người mắc hội chứng này đều không được gia đình, nhà trường quan tâm và giáo dục đúng cách. Do đó, thay đổi cách giáo dục và quan tâm hơn đến cảm xúc, suy nghĩ của con cái chính là biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa và cải thiện bệnh hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *