Thiên kiến nhận thức: Hiểu rõ để không mắc phải sai lầm
Thiên kiến nhận thức được hiểu là những lỗi sai phạm diễn ra trong suy nghĩ, khi chúng ta tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra các lựa chọn, quyết định hay một đánh giá nào đó. Đây là một trong các tình trạng thường xuyên xảy ra đối với đời sống và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có khả năng mắc phải.
Thiên kiến nhận thức là gì?
Thiên kiến nhận thức hay còn được gọi với tên tiếng Anh là Cognitive bias, là một trong các thuật ngữ được sử dụng để chỉ những cách thức mà trong đó, cách diễn đạt và ngữ cảnh có sự tác động qua lại lẫn nhau một cách có hệ thống đối với những suy nghĩ, quyết định, phán xét của từng cá nhân. Đây là một trong các trạng thái xuất hiện phổ biến nhưng chúng ta ít khi có thể nhận ra được điều đó.
Đặc tính chung của thiên kiến nhận thức là sự lèo lái, nhận định sai lệch trong suy nghĩ của con người và khiến họ đưa ra những thông tin, hướng giải quyết không phù hợp, xa rời khỏi thực tế. Tình trạng này khiến cho nhiều người chỉ quan tâm và tập trung đến những thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân nên họ thường đưa ra những quyết định, lựa chọn rất nhanh chóng.
Theo nhận định của các chuyên gì thì thiên kiến nhận thức được xem như một thói quen tinh thần xấu làm cản trở đến suy nghĩ logic của con người. Cũng bởi họ chỉ đưa ra những ý kiến, lựa chọn dựa trên những kinh nghiệm, niềm tin của bản thân và có khi không chính xác, không phù hợp.
Khái niệm này cũng đã được mô tả bởi Positivepsychology.com: “Chúng ta thường gặp những tình huống trong cuộc sống khi chúng ta cần đưa ra quyết định với thông tin không hoàn hảo và chúng ta vô tình dựa vào những định kiến hoặc thiên kiến”. Đây được xem là một dạng suy nghĩ không tự nguyện tạo ra những nhận thức sai lệch, chưa đúng đắn về môi trường, sự vật, hiện tượng, con người,…
Biểu hiện của thiên kiến nhận thức
Có thể thấy rằng, thiên kiến nhận thức là một lối tắt dẫn đến suy nghĩ của con người. Và trong thực tế chúng ta cũng không đủ thời gian và khả năng để có thể xử lý, nhận định tất cả các thông tin được truyền đạt từ nhiều phía khác nhau nên chúng ta có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng và vội vã.
Tuy nhiên, mặc dù có thể hiểu được sự phụ thuộc của con người vào thiên kiến nhận thức nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận được những cản trở, ảnh hưởng mà nó gây ra đối với sự phát triển tư duy phản biện của mỗi người. Vì thế, chúng ta cũng cần nhận biết rõ các biểu hiện của thói quen tiêu cực này.
Bạn có thể đang rơi vào thiên kiến nhận thức nếu tồn tại các biểu hiện sau đây:
- Chỉ quan tâm đến những thông tin mang ý nghĩa với bản thân hoặc bạn cho rằng nó đúng đắn, phù hợp. Ví dụ, khi chứng kiến một mâu thuẫn nào đó xảy ra, bạn chỉ lắng nghe lời nói của người mà bạn cho là đúng đắn.
- Khi sự việc xảy ra không đúng như dự tính hoặc phạm phải sai lầm nào đó, bạn thường có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho rằng nó nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân.
- Bạn luôn cho rằng thành công của bản thân đến từ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nhưng lại nghĩ rằng những thành tựu mà người khác đạt được chỉ là do sự may mắn.
- Bạn cho rằng ai cũng có suy nghĩ giống với bạn.
- Bạn học hỏi rất nhanh và tự đánh giá bản thân là người có trí thông minh vượt trội, hơn người.
Như vậy, nếu bạn cho rằng, bản thân mình là người có tư duy logic tốt, luôn nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng khách quan, đánh giá và nhận định thông tin cụ thể và chính xác mà mọi người xung quanh hoàn toàn không có khả năng đó thì nhiều nguy cơ bạn đang bị ảnh hưởng bởi thiên kiến nhận thức.
Thiên kiến nhận thức bắt nguồn từ đâu?
Chúng ta thường hay cho rằng, suy nghĩ và nhận thức của mỗi người đều có thể kiểm soát và quản lý chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết rằng, bộ não của mỗi con người luôn hoạt động trong trạng thái vô thức đối với các phản ứng của thế giới xung quanh.
Khi tiếp nhận một thông tin, vấn đề nào đó sẽ khiến cho não bộ thực hiện quá trình suy nghĩ, đưa ra nhận định và lựa chọn. Tuy nhiên, trong quá trình đó, não bộ sẽ xử lý rất nhiều các thông tin khác nhau, đôi lúc vượt xa tầm kiểm soát của ý thức.
Để nói về nguyên nhân và cơ chế hoạt động của nhận thức con người, các nhà tâm lý học cũng đưa ra hai hệ thống cụ thể như:
- Cách suy nghĩ chậm: Đây là quá trình đòi hỏi nhiều sự cố gắng, nỗ lực để tiếp nhận, xử lý và phân tích các thông tin, đưa ra những giải pháp, lựa chọn phù hợp với từng vấn đề, tình huống khác nhau. Cách suy nghĩ này chỉ tồn tại khi ta thật sự quan tâm và dành sự tập trung vào một vấn đề cụ thể nào đó.
- Cách suy nghĩ nhanh: Cách tạo ra suy nghĩ này thường mang tính rập khuôn, tự động và phần lớn sẽ dựa trên cảm xúc của cá nhân. Nó thường sẽ được tạo ra khi chúng ta tiếp xúc lần đầu tiên với các sự kiện, tình huống, con người nào đó và đưa ra quyết định, đánh giá theo hướng chủ quan, nhanh chóng.
Một số dạng thiên kiến nhận thức thường gặp
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều thông tin và phải suy nghĩ, đưa ra những lựa chọn, quyết định, đánh giá khác nhau nên khó có thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của thiên kiến nhận thức mà đôi khi bản thân cũng không thể nhìn nhận được. Theo đó, thói quen xấu này có thể được tồn tại ở nhiều dạng khác nhau.
Dưới đây là một số dạng thiên kiến nhận thức thường gặp nhất:
1. Thiên kiến xác nhận – Confirmation bias
Loại thiên kiến này thường xuất hiện khi bạn luôn nghĩ rằng suy nghĩ, nhận định của bản thân là đúng đắn, phù hợp và luôn có xu hướng tìm kiếm, cập nhật thông tin, ghi nhớ dữ kiện nhằm giúp gia tăng niềm tin, quan điểm của chính mình.
Lấy một ví dụ cụ thể như việc bạn cho rằng những người có kích thước đầu to sẽ thông minh hơn so với bình thường. Điều này khiến bạn luôn có sự quan tâm nhất định đối với kích thước đầu của những người xung quanh và khi bắt gặp một người đầu to và có trí thông minh cao thì bạn càng có thêm niềm tin về suy nghĩ và nhận định của bản thân mà bỏ qua tất cả các yếu tố tác động khác.
2. Khung hướng lạc quan – Optimism bias
Khung hướng lạc quan là tình trạng một người có sự lạc quan, tích cực một cách thái quá. Họ thường có nhiều xu hướng đánh giá thấp khả năng có thể làm xuất hiện các tình huống ngoài dự định, ngược lại sẽ có sự tự tin quá mức về việc sẽ nhận được những kết quả khả quan, thuận lợi.
Điều này có thể khiến bạn trở nên chủ quan bởi sự vô tâm đối với những rủi ro, hệ quả có thể xảy ra. Ví dụ như, bạn thường sử dụng tiền một cách phung phí bởi bản thân cho rằng không cần phải chuẩn bị tiền cho bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào cả.
3. Ngụy biện trong lập luận – Logical fallacy
Đây là tình trạng luôn cố gắng đưa ra những lời ngụy biện, giải thích cho các hành vi, lời nói, cảm xúc của bản thân trong các buổi trao đổi, tranh luận, mặc dù nó không hoàn toàn đúng hoặc sai. Do tính hiếu thắng, luôn muốn được giành phần hơn nên bạn sẽ có nhiều xu hướng biến đúng thành sai, biến sai thành đúng.
Ngụy biện là một trong những lỗi giao tiếp thường gặp và rất khó để nhận biết. Một người có thể liên tục sử dụng những lời công kích, hạ thấp danh dự, nhân phẩm, giá trị của người khác nhầm giảm uy tín của họ trong cuộc đối thoại được xem là ngụy biện.
4. Khuynh hướng tiêu cực – Pessimism bias
Ngược lại với khuynh hướng lạc quan, dạng thiên kiến nhận thức theo khuynh hướng tiêu cực sẽ khiến cho bạn liên tục đánh giá cao khả năng làm xuất hiện các tình huống rủi ro, tồi tệ đối với bản thân. Chính những suy nghĩ này làm cản trở các cơ hội trải nghiệm trong cuộc sống, khiến nhiều người không dám đương đầu với những điều mới mẻ, thú vị vì lo sợ thất bại, sợ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ về việc bạn chuẩn bị bước vào một buổi thuyết trình trước đám đông. Dù cho bạn hoàn toàn có khả năng hoàn thành tốt buổi thuyết trình đó nhưng do tâm lý sợ hãi, khuynh hướng luôn nghĩ đến tiêu cực khiến bạn trở nên run sợ, tự ti, lắp bắp và tất nhiên kết quả của buổi thuyết trình sẽ không đạt được như mong muốn.
5. Hiệu ứng sai lệch thông tin – Misinformation effect
Tình trạng này thường xảy ra khi trí nhớ về một sự kiện, tình huống cụ thể nào đó bị can thiệp, tác động bởi các thông tin phía sau sự kiện đó. Nếu một câu hỏi được đưa ra không chính xác trong lúc gợi nhớ sự việc thì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và làm sai lệch thông tin ban đầu.
Chẳng hạn như, nếu bạn chứng kiến một vụ đánh nhau trên đường. Sau đó bạn nhận được một câu hỏi về việc có bao nhiêu người cùng chứng kiến thì thay vì tập trung ghi nhớ sự kiện ban đầu, não bộ của bạn lại bắt đầu liên kết để tìm lời giải đáp cho câu hỏi được đặt ra sau đó khiến cho dữ liệu được ghi nhớ bị sai lệch.
6. Khoảng cách thấu cảm – Empathy gap
Khoảng cách thấu cảm được xem là một trong các dạng thiên kiến nhận thức thường gặp nhất và có sự ảnh hưởng rộng rãi đối với hầu hết mọi chúng ta. Nó xảy ra khi bạn đang trong trạng thái tâm lý này và không thể hiểu được cảm xúc, mong muốn của người đang ở trạng thái tâm lý khác.
Do đó, chúng ta có nhiều xu hướng đưa ra những lời khuyên, lựa chọn dựa trên những cảm xúc riêng của bản thân thay vì là người đang cần hỗ trợ. Ví dụ, bạn là người lạc quan và mọi thứ trong cuộc sống đang diễn ra theo chiều hướng tích cực thì bạn sẽ khó có thể thấu hiểu được sự lo lắng, hoang mang và trăn trở của những người đang gặp khó khăn về tài chính, công việc, tình yêu và bạn cũng có xu hướng cho rằng họ đang cố tình làm quá mọi vấn đề.
7. Hiệu ứng đóng khung – Framing effect
Đôi khi các quyết định, lựa chọn của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các thông tin được trình bày, mặc dù cùng nội dung nhưng cách diễn đạt khác nhau sẽ có sự thu hút và tác động đến lựa chọn của nhiều người.
Lấy ví dụ cụ thể, với một ly nước ép trái cây chứa lượng đường nhất định, người bán có thể quảng bá với hai cách như:
- Cách 1: Nước ép chứa 20% đường
- Cách 2: Nước ép giảm 80% đường
Dù cách nói khác nhau nhưng xét về nội dung thì nó là như nhau. Tuy nhiên, người mua, đặc biệt là những người quan tâm đến sắc đẹp, vóc dáng sẽ có xu hướng bị hấp dẫn bởi cách truyền thông thứ 2 hơn.
8. Thành kiến về giới – Gender bias
Mặc dù xã hội hiện nay đã có sự bình đẳng hơn về giới tính nhưng chúng ta cũng khó có thể tránh khỏi những thiên kiến nhận thức có liên quan đến yếu tố này. Trong thực tế, khi đưa ra bất kỳ các tình huống, sự việc nào có liên quan đến hiệu suất thì nhiều người thường có thiên hướng dựa vào giới tính để nhận định, đánh giá.
Ví dụ, khi nói về bếp núc, nhiều người thường nghĩ ngay đến phụ nữ và cho rằng phụ nữ luôn có khả năng tốt hơn về lĩnh vực này. Ngược lại, khi nhắc đến tài năng lãnh đạo, người ta lại đánh giá cao năng lực của nam giới hơn so với nữ giới.
9. Khuynh hướng khuôn mẫu – Stereotyping
Đây là khuynh hướng đưa ra nhận định về một cá nhân, thành viên trong một tập thể, nhóm xã hội sẽ có đặc điểm nhất định. Nó có thể là khả năng, ngoại hình, tính cách, sở thích,…Ví dụ như, khi nhắc đến sinh viên của một trường đại học nào đó, bạn có thể mặc định rằng họ là những “rich kid” thực thụ.
10. Thiên lệch kẻ sống sót – Survivorship bias
Chúng ta có nhiều xu hướng đánh giá về một tình huống nào đó chỉ dựa trên thành công của một cá nhân mà bỏ qua các yếu tố, những nhóm người khác. Ví dụ khi nói về việc con đường đại học không phải là duy nhất và Bill Gates cũng đã từng bỏ học để đạt được thành công.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần ít và họ phải nỗ lực rất nhiều để có thể gặt hái được những thành công trong cuộc sống. Trong thực tế có không ít người rơi vào tình trạng khó khăn, khổ cực vì đã bỏ lỡ con đường học vấn.
11. Thiên kiến vị kỷ – Self-serving bias
Khi thi cử, nếu bạn đạt được điểm số cao thì bạn sẽ có xu hướng đánh giá tốt về năng lực của bản thân, cho rằng mình tài giỏi, thông minh và xứng đáng nhận được kết quả đó. Ngược lại, nếu điểm số không như mong muốn, bạn lại có xu hướng đổ lỗi, oán trách thầy cô ôn tập không đúng trọng điểm, quá khó khăn khi chấm bài,…
Đây chính là biểu hiện của thiên kiến vị kỷ, nó xảy ra khi một người luôn có xu hướng ghi nhận, đánh giá cao công sức của bản thân khi họ đạt được kết quả tốt và luôn đổ lỗi, oán trách người khác nếu sự việc xảy ra không đúng với mong muốn, kỳ vọng ban đầu.
12. Hiệu ứng hào quang – Halo effect
Chúng ta thường có xu hướng đánh giá mọi thứ thông qua cái nhìn đầu tiên, dựa vào những nét đẹp bên ngoài. Hiệu ứng hào quang muốn nói đến tình trạng luôn cho rằng cái đẹp là tốt. Khi bạn nhìn nhận một người ở khía cạnh này tốt thì bạn cũng có nhiều khả năng đánh giá tốt về hầu hết các khía cạnh khác của họ.
Hy vọng thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về thiên kiến nhận thức. Đây là một trong các thói quen xấu mà phần lớn chúng ta đều gặp phải và khó có thể hoàn toàn loại bỏ nó ra khỏi đời sống. Tuy nhiên, nếu có thể hiểu rõ về bản chất của nó thì bạn cũng phần nào biết cách đối mặt và hạn chế sự tác động tiêu cực mà nó gây ra.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia): 3 cách vượt qua dễ dàng
- Hội chứng Capgras: Rối loạn nhận diện với cả người thân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!