Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia): 3 cách vượt qua dễ dàng
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) được đặc trưng bởi nỗi lo lắng, ám ảnh phi lý với ánh sáng, bao gồm cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Tình trạng này kéo dài gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất cùng rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của mỗi người. Trị liệu tâm lý cùng một số loại thuốc có thể giúp ích cho bệnh nhân để vượt qua nỗi sợ hãi này.
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) là gì?
Con người có vô vàn những nỗi sợ, có người sợ gián, có người sợ bóng tối, có người sợ chó mèo và cũng có người sợ ánh sáng. Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) đề cập đến một nỗi ám ảnh sợ đặc hiệu, được biểu hiện một cách quá mức, phi lý, cố gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến khía cạnh tinh thần, sức khỏe và toàn bộ cuộc sống của mỗi người.
Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) được thể hiện đối với cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng từ đèn điện hay các thiết bị điện tử. Đây không chỉ đơn giản là sự nhạy cảm hay khó chịu mà được thể hiện một cách nghiêm trọng, xuất hiện trên cả mặt biểu cảm hay toàn bộ cơ thể, thậm chí có thể hoảng loạn đến mức bỏ chạy hay ngất xỉu khi họ phải tiếp xúc với ánh sáng.
Heliophobia được xếp thuộc nhóm rối loạn lo âu, gây ra những cảm xúc và nỗi sợ phi lý cho người bệnh. Bởi rõ ràng, ánh sáng là một yếu tố tự nhiên không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Người ta thường có xu hướng sợ bóng tối hơn sợ ánh sáng bởi trong bóng tối luôn có nhiều nguy hiểm rình rập mà chúng ta không thể nhìn thấy. Nỗi ám ảnh với ánh sáng khiến những người này hầu như luôn đắm chìm trong bóng tối và gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia hay hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Bản thân người mắc hội chứng sợ ánh sáng không cảm thấy nỗi sợ của họ là vô lý và họ cũng có thể chủ động tìm cách trốn tránh nỗi ám ảnh, sợ hãi của mình. Dù vậy vẫn có rất nhiều vấn đề phát sinh làm suy giảm trực tiếp đến sức khỏe hay làm cản trở đến các chức năng xã hội, công việc, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Biểu hiện của hội chứng sợ ánh sáng
Nỗi lo lắng, ám ảnh sợ hãi trong hội chứng sợ ánh sáng thường được biểu hiện một cách rõ ràng, xuất hiện trong mọi khía cạnh đời sống hằng ngày của người bệnh. Nỗi sợ này thường được kéo dài dai dẳng, gia tăng mức độ nghiêm trọng hơn từng ngày, thậm chí họ có thể nhập viện nếu rơi vào các tình huống gây căng thẳng đột độ.
Một số biểu hiện điển hình của những người mắc hội chứng sợ ánh sáng Heliophobia như
- Cảm giác khó chịu, lo lắng quá mức khi đã hoặc chuẩn bị phải tiếp xúc với ánh sáng
- Cố gắng tránh né việc tiếp xúc hay nhìn thấy ánh sáng bằng việc tránh ra ngoài vào ban ngày, trong nhà không có cửa sổ hoặc tìm cách bịt kín những nơi ánh sáng có thể lọt vào
- Nếu phải tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, người mắc Heliophobia có thể rơi vào trạng thái run rẩy, đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, đau thắt ngực, đau bụng, hụt hơi, tăng huyết áp, thậm chí có thể ngất xỉu.
- Trong trạng thái hoảng loạn, người mắc hội chứng sợ ánh sáng có thể la hét, không kiểm soát được hành vi hoặc có xu hướng cố gắng tìm cách bỏ chạy hay trốn đến nơi nào đó không có ánh sáng
- Luôn có cảm giác không an toàn ở những nơi có ánh sáng, chẳng hạn họ có thể lo lắng đến việc cháy da, ung thư da..
- Mất rất nhiều thời gian để trang bị khi phải ra ngoài vào ban ngày để có cảm giác an tâm hơn. Chẳng hạn như mặc rất nhiều lớp áo, bôi kem chống nắng.. Tuy nhiên điều này vẫn chỉ giúp cảm xúc của họ xoa dịu được phần nào chứ không phải toàn bộ
- Bản thân những người mắc hội chứng sợ ánh sáng thường không kiểm soát được nỗi sợ của bản thân cho dù họ luôn tự cố gắng động viên mình mỗi ngày
- Luôn có cảm giác cơ thể không khỏe, chẳng hạn như quá đau đầu, quá khô mắt, đau mắt, da bị bỏng
Heliophobia có thể dễ bị nhầm lẫn với sợ ánh sáng bệnh lý (Photophobia), có nguồn gốc liên quan đến những người mắc các bệnh lý cần phải hạn chế tiếp xúc với ánh sáng để tránh làm các triệu chứng tái phát hay nghiêm trọng hơn. Người mắc Photophobia sẽ có lý do chính xác để hình thành nỗi sợ, trong khi ở Heliophobia bản thân họ khó có thể lý giải được là vì sao. Tuy nhiên từ Photophobia kéo dài hoàn toàn có thể trở thành Heliophobia.
Nói chung các đặc điểm về biểu hiện của hội chứng sợ ánh sáng luôn được thể hiện một cách rõ ràng, không chỉ những người xung quanh mà chính họ cũng nhận ra được nỗi ám ảnh phi lý của mình. Dù vậy vẫn có rất nhiều người không nhìn nhận đây là một vấn đề tâm lý, tâm thần mà chỉ cho rằng người đó làm lố, làm thái quá vấn đề khiến cho tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn.
Hội chứng sợ ánh sáng xuất hiện do đâu?
Thực tế các nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chính xác đâu là căn nguyên gây ra hội chứng sợ ánh sáng. Ngay cả chính bản thân người bệnh đôi khi cũng không thể lý giải vì sao họ cảm thấy hoảng loạn đột độ như thế. Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra một vài yếu tố có thể liên quan đến nỗi ám ảnh lo sợ phi lý này.
Cụ thể, các yếu tố ảnh hưởng có thể làm hình thành hội chứng sợ ánh sáng bao gồm
- Di truyền: các nghiên cứu chỉ ra nếu trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ có tiền sử mắc các dạng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lo âu hay một dạng rối loạn đặc hiệu nào đó thì con cái sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do các khuynh hướng di truyền.
- Những ám ảnh từ quá khứ: chẳng hạn những người từng bị cháy nắng, bỏng da nặng do các liệu pháp trị liệu sử dụng ánh sáng hoàn toàn có thể trở thành một chấn thương tâm lý khiến họ cảm thấy trong ánh sáng tồn tại nhiều nguy hiểm. Đặc biệt nếu nỗi ám ảnh này xảy ra ở thời thơ ấu, ở phụ nữ hay ở những người có sự quan tâm quá mức về làn da sẽ rất dễ trở nên căng thẳng quá mức và mắc hội chứng sợ ánh sáng.
- Yếu tố bệnh lý: như đã nói ở những người mắc các bệnh lý nghiêm trọng phải tránh xa ánh sáng vì có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng, chẳng hạn mề đay do nhiệt, lupus ban đỏ, xơ cứng bì sẽ nhạy cảm hơn. Tuy nhiên khi tình trạng này diễn ra dài, hoặc vì sự cố nào đó khiến họ phải tiếp xúc với ánh sáng và làm tình trạng sức khỏe xấu đi sẽ khiến họ trở nên ám ảnh quá mức với việc phải tránh xa ánh sáng. Bao gồm cả khi tình trạng bệnh đã cải thiện hay đã khỏi hoàn toàn, những người này vẫn luôn tồn tại rằng ánh sáng có ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
- Các rối loạn ám ảnh khác: hội chứng sợ ánh sáng cũng có thể liên quan đến một số tình trạng rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn rối loạn lo âu sợ bệnh tật, trầm cảm.. Mắc đồng thời các bệnh lý này có thể khiến tình trạng sức khỏe thể chất hay tinh thần trầm trọng hơn nhiều lần.
- Thường xuyên tiếp xúc với các thông tin tiêu cực: chẳng hạn bạn là phụ nữ và có mối quan tâm lớn đến làm đẹp nhưng thường xuyên đọc các thông tin rằng ánh nắng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da, ánh sáng khiến da sạm đi, tiếp xúc với ánh sáng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.. thì tự nhiên bạn sẽ hình thành cơ chế phản ứng quá mức với ánh sáng. Hoặc một số trẻ có gia đình quá bảo bọc, cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con không được ra nắng, ánh nắng có hại cũng có thể hình thành tâm lý sợ hãi, căng thẳng với tác nhân này.
Hội chứng sợ ánh sáng và những hệ lụy
Mỗi ngày kéo dài 24h thì thời gian có ánh sáng, bắt đầu xuất hiện ánh nắng đã chiếm đến gần 3/4 khung thời gian. Khi màn đêm buông xuống, ánh mặt trời tắt thì con người cũng bắt đầu sử dụng ánh sáng nhân tạo từ đèn điện hay ánh sáng từ hàng loạt loại thiết bị khác để phục vụ cho các hoạt động đời sống. Có thể khẳng định ánh sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống mỗi ngày.
Những người mắc hội chứng sợ ánh sáng luôn tìm cách tránh né tối đa ánh sáng bằng cách chỉ trốn trong nhà, trong phòng. Tuy nhiên cuộc sống của mỗi người không chỉ có thể gói gọn trong phòng mà cần phải ra ngoài để học tập, để làm việc, để sinh hoạt vui chơi, để khám phá thiên nhiên tươi đẹp, để biết thế giới xung quanh đang có sự thay đổi như thế nào.
Tất nhiên ở một số người trưởng thành sẽ có xu hướng lựa chọn việc học tập hay làm việc trực tuyến tại nhà thay vì ra ngoài. Dù vậy Heliophobia vẫn ảnh hưởng lớn việc gia tăng các kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, hay kỹ năng ứng biến linh hoạt và giải quyết vấn đề trực tiếp. Càng kéo dài lâu, những người này càng cảm thấy khó khăn, hoảng sợ, bối rối khi đến những nơi đông người.
Mặt khác ánh sáng, đặc biệt là ánh nắng mặt trời cũng có vai trò rất quan trọng với cả thể chất và tinh thần mỗi người. Việc tắm nắng có thể giúp chúng ta ngủ ngon hơn, tinh thần tích cực vui vẻ hơn, khỏe khoắn hơn. Do đó những người mắc hội chứng sợ ánh sáng thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ, tính cách nóng nảy và bốc đồng hơn rất nhiều.
Bất cứ vấn đề bất thường nào về tâm lý, tinh thần cũng đều gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống, suy giảm các kỹ năng và các hoạt động xã hội. Những người này cũng có nguy cơ mắc đồng thời các rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm do phải sống trong căng thẳng kéo dài nên tuyệt đối không được chủ quan.
Hội chứng sợ ánh sáng và cách vượt qua
Thống kê cho thấy tỷ lệ người mắc hội chứng sợ ánh sáng trên thế giới hiện nay là khoảng 0.7 – 1%, thấp hơn so với các dạng rối loạn ám ảnh sợ khác. Việc chẩn đoán Heliophobia được thực hiện thông qua các bài test kiểm tra, trạng thái khi đối diện với ánh sáng đồng thời cần làm một số xét nghiệm chuyên môn để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
Để vượt qua nỗi ám ảnh phi lý với ánh sáng, cần phải áp dụng nhiều phương pháp, bao gồm thuốc, trị liệu tâm lý và một lối sống tích cực. Người bệnh được khuyến khích đến gặp gỡ bác sĩ, nhà trị liệu để thăm khám và có lộ trình điều trị chính xác, phù hợp nhất.
Trị liệu tâm lý
Với nỗi ám ảnh phi lý ở hội chứng sợ ánh sáng, trị liệu tâm lý là một trong những biện pháp được khuyến khích đầu tiên. Mục tiêu của liệu pháp này chính là giúp người bệnh nhìn nhận rõ ràng về nỗi sợ của bản thân là phi lý thế nào, đã ảnh hưởng đến họ ra sao từ đó thay thế các tư duy sai lệch bằng những cảm xúc tích cực, đúng đắn hơn để chiến thắng nỗi ám ảnh của chính mình.
Một số biện pháp chính được chỉ định cho những người mắc hội chứng sợ ánh sáng như
- Liệu pháp tự phơi nhiễm (Exposure Therapy – EP): được thực hiện bằng cách tạo ra các môi trường, hoàn cảnh để người bệnh tự tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ hãi, ám ảnh của bản thân điều này có thể giúp họ giảm dần nỗi căng thẳng sau mỗi giai đoạn. Ban đầu người bệnh có thể tiếp xúc với ánh sáng có cường độ nhẹ sau đó tăng dần cho tới khi đáp ứng được với các yếu tố như trong môi trường bình thường. Nhà trị liệu sẽ đồng hành, theo dõi, hướng dẫn người bệnh các biện pháp thư giãn trước các tình huống gây căng thẳng cũng như hỗ trợ trong các hoàn cảnh người bệnh bị kích động quá mức.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT): thông qua việc trò chuyện, nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh tự nhận thức được các cảm xúc, hành vi của bản thân là đúng đắn hay sai lầm, từ đó điều chỉnh các tư duy phù hợp hơn. CBT cũng giúp những người mắc hội chứng sợ ánh sáng học cách thư giãn, giải tỏa cảm xúc hay đối diện với căng thẳng có hiệu quả hơn.
- Liệu pháp thôi miên (Hypnotherapy): có thể giúp nhà trị liệu đi sâu vào tâm trí và hiểu rõ những chấn thương tâm lý từ quá khứ dẫn tới hội chứng sợ ánh sáng ở hiện tại. Thôi miên cũng mang đến hiệu quả đáng kể trong việc điều chỉnh suy nghĩ, mang đến cảm giác thoải mái, thả lỏng cho những người rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng sợ quá mức.
Người bệnh cần trung thực, đảm bảo chia sẻ hết suy nghĩ, cảm xúc của bản thân trong quá trình trò chuyện với nhà trị liệu để chuyên gia có thể nắm bắt và có hướng hỗ trợ phù hợp. Gia đình cũng nên trao đổi với các chuyên gia để biết cách chăm sóc người bệnh tại nhà đúng cách hơn.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc không thể loại bỏ hoàn toàn nỗi căng thẳng, lo âu hay ám ảnh của bất cứ ai. Tuy nhiên với những người mắc hội chứng sợ ánh sáng có các phản ứng quá mức gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, bác sĩ có thể chỉ định một vài nhóm thuốc để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng.
Các loại thuốc phổ biến nhất thường được chỉ định là nhóm thuốc an thần, Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) cùng nhóm Thuốc chẹn beta. Liệu trình dùng thuốc còn tùy thuộc vào tình trạng của từng người và điều chỉnh dần theo sự cải thiện các triệu chứng. Thuốc có thể gây ra vài phản ứng phụ không mong muốn nên người bệnh cần đảm bảo tuân thủ đúng theo đơn thuốc của bác sĩ chuyên môn.
Điều chỉnh chế độ sống lành mạnh
Một lối sống khoa học luôn giúp cho tất cả mọi người có chất lượng sức khỏe và tinh thần tốt hơn. Mặt khác trong quãng thời gian luôn phải sống trong căng thẳng, lo lắng vì Heliophobia khiến cho cuộc sống hằng ngày bị đảo lộn, do đó cần phải thực hành các biện pháp điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt phù hợp, tích cực hơn.
Một số biện pháp được khuyến khích có thể mang đến nhiều thay đổi hữu ích cho hội chứng sợ ánh sáng như
- Sinh hoạt theo đúng đồng giờ sinh học bình thường, bao gồm việc ngủ đủ giấc, làm việc vào ban ngày, ăn uống đúng bữa.. Hạn chế tối đa các hoạt động hay làm việc vào ban đêm như trước đây vì rất có hại cho cơ thể
- Duy trì thói quen vận động hằng ngày, có thể lựa chọn các bộ môn nhẹ nhàng, có thể luyện tập trong nhà, chẳng hạn như thiền hay yoga
- Bắt đầu tiếp xúc với ánh sáng, chẳng hạn ban đầu có thể ra ngoài lúc sáng sớm hay chiều tà – thời điểm có ánh sáng khá nhẹ nhàng, sau đó mới dần tiếp xúc với ánh sáng có cường độ mạnh hơn để quen dần
- Nếu vẫn không an tâm, hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ như kem chống nắng hay áo khoác để an tâm hơn, thực tế điều này cũng rất tốt cho da nên cũng không có gì quá đáng ngại
- Tìm hiểu kỹ về nỗi lo lắng của bản thân cũng là cách để vượt qua hội chứng sợ ánh sáng. Chẳng hạn nếu bạn lo lắng ánh nắng có thể làm ung thư da hãy tìm hiểu về da liễu để hiểu rõ thông tin này có chính xác hay không
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh trong việc chia sẻ cảm xúc hay đồng hành cùng bạn khi đối diện với nỗi sợ hãi. Việc có người ra ngoài cùng sẽ khiến bạn an tâm hơn là chỉ thực hiện một mình, đặc biệt ở giai đoạn đầu
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt tránh xa các thực phẩm giàu caffeine vì có thể gây ra những căng thẳng lo lắng nhiều hơn. Ưu tiên bổ sung rau xanh, trái cây, các nhóm thực phẩm tốt cho não bộ, giấc ngủ
- Tuyệt đối không nên lạm dụng bia rượu, thuốc lá hay các loại chất kích thích nếu đang trong giai đoạn căng thẳng, lo âu
Hội chứng sợ ánh sáng có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hay các hoạt động khác trong xã hội của người bệnh. Bất cứ ai cũng có thể có những nỗi sợ mơ hồ, chỉ cần bạn hiểu và nắm bắt được nguồn gốc của nó thì sẽ dễ dàng vượt qua hơn. Tuy nhiên nếu nỗi sợ ảnh hưởng quá mức đến cuộc sống, hãy sớm gặp gỡ nhà trị liệu được được giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia): có biểu hiện thế nào?
- Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia): Làm gì để vượt qua?
- Hội chứng sợ chuột (Musophobia) và Liệu pháp khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!