Các hội chứng tâm lý phổ biến trong tình yêu
Có rất nhiều hội chứng tâm lý trong tình yêu như rối loạn ám ảnh tình yêu, hoang tưởng ghen tuông, rối loạn hoang tưởng được yêu, hội chứng “ếch hóa tình yêu”… Các hội chứng này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng lại xảy ra rất phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân người mắc rối loạn tâm lý và mối quan hệ của họ.
8 Hội chứng tâm lý trong tình yêu thường gặp
Tình yêu là một phạm trù kỳ lạ với 3 yếu tố chính gồm sự mê đắm, sự gắn bó và sự cam kết. Tâm lý con người trong tình yêu rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều hành vi, cảm xúc và suy nghĩ. Thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố sinh học, yếu tố xã hội và yếu tố cá nhân. Những trải nghiệm trong quá khứ và các yếu tố sinh học, yếu tố môi trường, cuộc sống có thể gây ra những hội chứng bất thường trong tình yêu.
Khi bạn cảm thấy bản thân hành xử bất thường trong tình yêu, có nhiều biểu hiện kỳ lạ mà chính mình cũng không thể lý giải được được, rất có thể bạn đang mắc một hội chứng tâm lý nào đó trong tình yêu. Các hội chứng trong tình yêu phổ biến có thể kể đến như:
1. Hội chứng ám ảnh tình yêu (OLD)
Hội chứng ám ảnh tình yêu (Obsessive Love Disorder, OLD) là tình trạng một người luôn chìm đắm tình yêu và có xu hướng xem người yêu là vật sở hữu của mình. Đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần, mặc dù không được liệt kê trong DSM-5 nhưng loại rối loạn này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của một người và khiến mối quan hệ của họ trở nên bất ổn.
Rối loạn ám ảnh tình yêu có thể xảy ra ở người đang theo đuổi người khác hoặc khi cả hai đã xác nhận mối quan hệ. Tình trạng này phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Người mắc hội chứng này thường gặp nhiều vấn đề trong việc hành xử và kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Tình yêu được chia làm 3 thành phần gồm sự đam mê, sự gắn bó và sự cam kết. Những người mắc chứng ám ảnh tình yêu thường có sự đam mê quá mức. Họ có tính chiếm hữu cao, quá chú ý vào người yêu, ám ảnh đến mức phải luôn theo dõi, kiểm soát người kia và chỉ thấy an toàn khi có thể kiểm soát mọi hành động của đối phương như một món đồ vật thuộc sở hữu của họ.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn ám ảnh tình yêu:
- Luôn cố gắng kiểm soát người yêu một cách cực đoan
- Đe dọa nếu người kia cố gắng rời đi hoặc nói lời chia tay
- Bắt đối phương liên tục xác nhận rằng họ yêu bạn
- Luôn ám ảnh việc giữ liên lạc với người mà bạn yêu mến
- Ghen tuông tột độ với các mối quan hệ của người yêu
- Cảm thấy cần phải bảo vệ người yêu
- Cảm giác tự ti khi tình yêu không được đáp lại
- Từ chối các hoạt động không liên quan đối tượng mà bạn yêu
- Luôn lo lắng về mối quan hệ của bản thân
- Chỉ cảm thấy yên tâm khi người yêu trong tầm kiểm soát của
- Không chấp nhận các ranh giới mà người yêu tạo ra…
2. Hoang tưởng ghen tuông
Hoang tưởng ghen tuông hay ảo tưởng ghen tuông (Jealous delusion) là một rối loạn ảo tưởng, xảy ra khi một người có niềm tin sai lầm rằng đối tác (người yêu, vợ hoặc chồng) của mình không chung thủy, dù họ không có bằng chứng nào để xác nhận điều này.
Bản thân ảo tưởng ghen tuông không phải là một bệnh lý tâm thần mà là triệu chứng của một rối loạn tâm thần như rối loạn hoang tưởng hoặc tâm thần phân liệt. Hoang tưởng ghen tuông không quá phổ biến, chỉ chiếm 1.1% ở các bệnh nhân tâm thần.
Các triệu chứng của hoang tưởng ghen tuông:
- Luôn nghĩ rằng đối tác của mình không chung thủy
- Liên tục dò hỏi người yêu/vợ/chồng mình làm gì, đi với ai
- Không tin tưởng người yêu của mình
- Cấm người yêu/vợ/chồng sử dụng mạng xã hội khi không có mặt mình
- Liên tục kiểm tra điện thoại, tài khoản cá nhân của người yêu
- Tranh cãi, cáo buộc về các tương tác trên bài đăng trên mạng xã hội của đối phương
- Thương xuyên lục tung đồ đạc để tìm bằng chứng ngoại tình, phản bội
- Có mặt bất thường ở nơi làm việc chỉ để xác nhận họ thật sự không nói dối
- Liên tục đổ lỗi cho đối phương về mọi vấn đề trong mối quan hệ, từ chối thừa nhận sự ghen tuông của bản thân
- Rình rập, theo dõi, kiểm soát khi có các dấu hiệu ám ảnh…
3. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong mối quan hệ (ROCD)
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế về mối quan hệ (Relationship OCD – ROCD) là một hội chứng trong tình yêu phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi một người có những suy nghĩ ám ảnh gây ra các hành vi cưỡng chế liên quan đến mối quan hệ với người yêu.
Người mắc hội chứng này thường tỏ ra nghi ngờ, sợ hãi, không cảm thấy an tâm trong mối quan hệ của bản thân. Những suy nghĩ này lặp đi lặp lại khiến họ xuất hiện các hành vi cưỡng chế để tìm kiếm sự an toàn, xác nhận về mối quan hệ. Điều này gây ra sự căng thẳng cho người mắc ROCD và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ của họ.
Các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong mối quan hệ:
- Có suy nghĩ ám ảnh về mối quan hệ của bạn
- Luôn lo lắng không biết liệu đối phương có thật sự yêu bạn không
- Bận tâm việc mối quan hệ có kéo dài được không
- Quá bận tâm đến hạnh phúc hoặc sức khỏe của người kia
- Luôn bị ám ảnh và thường nghĩ đến khuyết điểm của người kia
- Tin rằng bạn có thể tìm được một người yêu, người bạn đời khác tốt hơn
- Liên tục yêu cầu đối phương xác nhận họ yêu bạn
- Luôn tìm kiếm sự đảm bảo từ đối phương
- Mất tập trung do những suy nghĩ tiêu cực về đối phương hoặc ám ảnh về mối quan hệ…
4. Rối loạn gắn bó (Attachment Disorder)
Rối loạn gắn bó (Attachment Disorder) thường xảy ra ở trẻ em, khi một đứa trẻ lớn lên mà không có mối liên kết tình cảm an toàn, trẻ sẽ trưởng thành với chứng rối loạn gắn bó. Đặc trưng của hội chứng này là cảm giác không an toàn, luôn lo lắng, sợ hãi việc sẽ bị người khác bỏ rơi hoặc có xu hướng né tránh các tình huống gần gũi, luôn giữ khoảng cách trong mối quan hệ.
Rối loạn gắn bó là một trong các hội chứng trong tình yêu phổ biến. Có 3 loại rối loạn gắn bó chính gồm gắn bó lo âu, gắn bó né tránh và gắn bó hỗn hợp (né tránh – lo âu). Có 2 thái cực trong rối loạn gắn bó, một là cố gắng làm hài lòng người khác, hai là cố gắng tránh né các mối quan hệ thân mật.
Triệu chứng rối loạn gắn bó trong tình yêu:
- Rối loạn gắn bó lo âu: Gặp khó khăn trong việc tin tưởng người yêu, luôn cảm thấy không an toàn, sợ bị lừa dối hoặc phản bội. Có nhu cầu kiểm soát quá mức, ghen tuông mù quáng khiến đối phương cảm thấy mất tự do. Luôn lo lắng sợ hãi việc sẽ bị bỏ rơi, thường xuyên hỏi người yêu có yêu mình không.
- Rối loạn gắn bó né tránh: Cố gắng né tránh các tình huống đòi hỏi sự thân mật tình cảm, luôn giữ khoảng cách với đối phương để tránh bị tổn thương. Khát khao yêu thương nhưng sợ gần gũi, hành vi mâu thuẫn, không thích sự ràng buộc trong mối quan hệ.
5. Hội chứng Erotomania
Hội chứng Erotomania còn gọi là hoang tưởng người khác cũng yêu mình hay hoang tưởng được yêu. Đây là một trong các hội chứng trong tình yêu thường gặp. Xảy ra khi một người luôn tin rằng một hoặc nhiều người khác đang yêu họ mãnh liệt. Những người mắc hội chứng này thường xuyên ngộ nhận rằng, có một người tài giỏi, nổi tiếng, giàu có, có địa vị xã hội cao đang si mê mình.
Hội chứng Erotomania được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1921 bởi một bác sĩ tâm thần người Pháp, tên là Gaetan Gatian de Clérambault. Do đó, hội chứng này còn được gọi là hội chứng de Clérambault, thường ít xảy ra đơn độc mà có liên quan đến các rối loạn sức khỏe tâm thầm như rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt.
Người mắc hội chứng Erotomamia có niềm tin mãnh liệt và có triệu chứng hoang tưởng, cho rằng người khác đang yêu họ. Các triệu chứng của hội chứng Erotomania:
- Ngụy tạo ra các bằng chứng nhằm chứng minh tình yêu của mình
- Sống với niềm tin về một người yêu hoàn mỹ (nhưng thực tế không phải vậy)
- Có biểu hiện cuồng yêu, liên tục kể, nói, cho rằng người kia yêu mình
- Cố gắng tạo ra sự gặp gỡ, giao tiếp với người kia
- Tìm cách thông báo cho truyền thông hoặc mạng xã hội về mối quan hệ của hai người (thực tế là không có mối quan hệ nào cả)
- Liên tục gọi điện, nhắn tin, gửi email, tặng quà cho đối tượng
- Nhắn tin mà không cần đáp lại
- Cho rằng người kia bí mật giao tiếp với mình thông qua mật mã, ánh mắt, cử chỉ
- Ngụy tạo bằng chứng giả và các tình huống sai lệch để thể hiện rằng người kia đang cố gắng liên lạc, theo đuổi họ
- Có hành vi quấy rối người khác nơi công cộng, cảm thấy ghen tị khi người kia tiếp xúc với người khác…
6. Hội chứng Lithromantic
Hội chứng Lithromantic là một hội chứng tâm lý tình yêu đặc biệt. Thực tế đây là một khuynh hướng cảm xúc khi một người cảm thấy bị thu hút, có tình cảm với người khác nhưng không muốn được đáp lại.
Người mắc hội chứng này chỉ muốn dành tình cảm cho đối phương một cách thầm kín, không có nhu cầu được thổ lộ. Tuy nhiên, nếu họ biết rằng đối phương cũng thích mình, họ sẽ trở nên không thoải mái, thờ ơ thậm chí sinh ra cảm xúc chán ghét.
Dấu hiệu của hội chứng Lithromantic:
- Thích một ai đó nhưng không có nhu cầu bày tỏ
- Cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi giấu kín tình cảm
- Thờ ơ, khó chịu khi đối phương đáp lại tình cảm
- Không cần có một mối quan hệ tình cảm chính thức…
7. Hội chứng “ếch hóa tình yêu”
Hội chứng “ếch hóa tình yêu” lần đầu được đề cập trong nghiên cứu của giáo sư Shinsuke Fujisawa tại hội nghị thường niên Hội tâm lý học Nhật Bản năm 2004. Hội chứng này là tình trạng một người cuồng nhiệt theo đuổi bỗng nhiên trở nên nguội lạnh, sợ hãi, thậm chí tránh xa đối phương khi được đáp lại.
Hội chứng “ếch hóa tình yêu” cũng được sử dụng để mô tả một người ban đầu có cảm giác mê đắm đối phương, nhưng sau đó, cảm xúc này dần mất đi và cảm thấy người kia không còn phù hợp nữa. Hội chứng này ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay, thường xảy ra ở người trẻ có cảm xúc mạnh mẽ, hay bị cảm xúc chi phối, dễ yêu thích ai đó vì một đặc điểm riêng lẻ.
Người mắc hội chứng này thường có tâm lý thích tán tỉnh nhưng sợ yêu. Họ thích cảm giác chinh phục và khi tán tỉnh được, họ lại cảm thấy người kia không còn thu hút, hấp dẫn nữa. Những người này thường được gọi là “trap boy”, “trap girl”.
8. Hội chứng sợ yêu Philophobia
Philophobia là một hội chứng phổ biến hiện nay. Đây là hội chứng sợ tình yêu hay sợ yêu, nỗi sợ mãnh liệt khiến một người gặp khó khăn trong việc yêu đương, thậm chí đôi khi không thể hình thành và duy trì mối quan hệ yêu đương với người khác.
Hội chứng Philophobia rất phổ biến, tại Mỹ, cứ 10 người lớn thì có 1 người mắc hội chứng này. Hội chứng sợ yêu ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ hiện nay. Người mắc hội chứng này thường có trải nghiệm đổ vỡ trong quá khứ, có gia đình không hạnh phúc, bị người khác nhồi nhét những suy nghĩ tiêu cực về tình yêu…
Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ yêu:
- Cảm thấy lo lắng khi ai đó thích mình
- Tránh né việc cho hoặc nhận tình cảm
- Có xu hướng không kết thân với người khác
- Cắt đứt liên hệ một cách đột ngột, không lý do khi nhận ra mình thích ai đó hoặc ai đó thích mình
- Sợ hãi, ám ảnh khi tưởng tượng mình đang ở trong một mối quan hệ yêu đương
- Lo lắng tột đột khi ở trong một mối quan hệ và sợ hãi việc mối quan hệ tình cảm đó sẽ kết thúc…
Nên làm gì khi có dấu hiệu mắc hội chứng tâm lý trong tình yêu?
Nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc người yêu có các biểu hiện bất thường, nghi ngờ mắc hội chứng tâm lý trong tình yêu. Bạn cần tự nhìn nhận vấn đề, phải nhận ra rằng bạn đang trải qua một hội chứng tâm lý, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chính bạn và mối quan hệ của cả hai.
Bạn nên tìm đến một chuyên gia tâm lý để được tư vấn, đánh giá và hỗ trợ. Chuyên gia sẽ giúp bạn xác định xem bạn có thực sự gặp phải vấn đề tâm lý hay không, hay đó đơn giản chỉ là những cảm xúc thường gặp trong tình yêu. Nếu vấn đề nghiêm trọng, bạn cần được tư vấn và trị liệu bằng các liệu pháp phù hợp. Học cách kiểm soát cảm xúc và các kỹ thuật để vượt qua các hội chứng trong tình yêu.
Đồng thời, hãy giao tiếp với người yêu một cách cởi mở, chân thực để cả hai bên hiểu rõ về cảm xúc và tình trạng của nhau. Sự trung thực trong tình yêu sẽ là chìa khóa giúp mối quan hệ tình cảm được vững vàng, sâu sắc hơn. Bạn cũng có thể tự giúp mình bằng cách:
- Xác định vấn đề của chính mình và khắc phục
- Học cách kiểm soát cảm xúc một cách lành mạnh
- Dành thời gian để chăm sóc bản thân bằng cách tập thể dục, nuôi dưỡng sở thích cá nhân
- Dành thời gian cho người thân, bạn bè để tránh phụ thuộc quá mức vào tình yêu
- Kiểm tra lại sự lành mạnh của mối quan hệ, xác định xem bạn có thật sự hạnh phúc hay đang tổn thương.
Các hội chứng trong tình yêu có thể gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của bạn. Nếu bạn nghi ngờ mình có biểu hiện bất thường, có dấu hiệu của một hội chứng tâm lý nào đó, tốt nhất bạn nên nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia thay vì bỏ mặc cảm xúc của bản thân.
Tham khảo thêm:
- Phụ thuộc trong tình yêu – Cách kiểm soát cảm xúc khi yêu
- Lý do con gái hay giận dỗi trong tình yêu và cách xử lý
- Bạo hành tinh thần trong tình yêu: Biểu hiện và cách ứng phó
Nguồn tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/319145#diagnosis
- https://psychologia.co/psychological-love-disorders/
- Báo Thanh Niên, VnExpress
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!