Hội chứng ám ảnh tình yêu – Khao khát tình yêu mù quáng

Hội chứng ám ảnh tình yêu được đặc trưng bằng việc người bệnh trở nên cuồng si quá mức, có thể làm tất cả mọi chuyện không tưởng để đạt được thứ mà họ gọi là “tình yêu” với một người nào đó. Người mắc chứng cuồng yêu thậm chí có thể đe dọa tự tử để “chứng minh tình yêu” khiến đối phương cực kỳ sợ hãi. 

Hội chứng ám ảnh tình yêu là gì?

Người ta thường nói rằng khi yêu ai cũng trở nên mù quáng. Một người khi yêu có thể chấp nhận bỏ qua hết mọi tật xấu của đối phương, sẵn sàng làm mọi thứ cho đối phương, thậm chí là chấp nhận hy sinh bản thân. Kể cả bị lừa dối nhiều người vẫn níu kéo, chỉ cần còn đối phương bên cạnh thì dù đau khổ như thế nào họ cũng sẵn sàng chấp nhận.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Hội chứng ám ảnh tình yêu khiến những người này trở nên cuồng si, luôn sống trong những nhận thức sai lệch về tình yêu

Tuy nhiên, sự mù quáng trong tình yêu sẽ đến một lúc nào đó người đó có thể nhận ra, chẳng hạn khi đối phương quá phũ phàng, khi sự chân thành của họ chỉ nhận lại những đau thương. Thế nhưng với người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu, họ dường như không thể nào thoát khỏi vòng xoáy tình yêu này. Dù làm mọi cách họ cũng luôn tin rằng đối phương yêu mình, cần mình và kiểm soát tình yêu này quá mức.

Hội chứng ám ảnh tình yêu không phải một dạng cảm xúc mà là một bệnh tâm thần có tên khoa học là Obsessive love disorder – OLD. Người mắc chứng này sẽ luôn tự mặc định trong đầu là đối phương yêu mình ( kể cả khi thực tế cả hai không phải mối quan hệ yêu đương hay không có bất cứ liên kết về mặt tình cảm).

Người mắc OLD hay chứng cuồng yêu thì trong đầu của họ sẽ chỉ tồn tại về tình yêu chứ không có bất cứ điều gì khác. Tất cả mọi thứ họ làm đều nhằm chứng minh tình yêu và kiểm soát đối phương. Dần dần đối phương cảm thấy sợ hãi bởi sự kiểm soát quá mức này nhưng dù làm cách nào cũng không thể làm thay đổi được suy nghĩ trong người đó.

Lịch sử về hội chứng ám ảnh tình yêu

Obsessive love disorder vốn được hình thành từ một câu chuyện có thật chính là chuyện tình đầy bi thảm của  Adele Hugo – con gái của đại thi hào nước Pháp Victor Hugo. Vốn là một tiểu thư danh giá, hiểu biết sâu rộng, được tiếp cận văn hóa từ sớm, được coi là  nghệ sĩ Paris đầy quyền lực thời bấy giờ, Adele Hugo  đã trở thành người trong mộng của biết bao chàng trai xung quanh.

Cô yêu Auguste Vacquerie vào năm 16 tuổi nhưng chưa thể cưới vì chưa đủ tuổi. Sau đó, cô đã gặp  thiếu tá Albert Andrew Pinson – một người đàn ông trưởng thành, hiểu biết, từng trải và những bi kịch của cuộc đời cô đã bắt đầu từ đây. Cả hai đã rơi vào lưới tình từ ngay những lần đầu gặp gỡ, tưởng chừng như đã là định mệnh của nhau không thể thay đổi.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Obsessive love disorder được đặt tên dựa theo câu chuyện tình yêu đầy bi kịch của nàng Adele Hugo

Thậm chí Albert Andrew Pinson đã nhanh chóng cầu hôn Adele vào năm 1855 (khi cô được 25 tuổi) nhưng cô đã từ chối vì sự kiêu kỳ của bản thân. Mặc cho gia đình Hugo đã ngăn cấm vì những cách biệt về tuổi tác, địa vị nhưng tình cảm của cả hai vẫn mặn nồng và ngày càng thêm sâu đậm.

Mọi chuyện bắt đầu xảy ra khi Albert Andrew Pinson nhận được lệnh chuyển công tác đến Bedfordshire vào năm 1856. Xa mặt cách lòng cùng sự ngăn cấm từ nhà Hugo khiến chàng thiếu tá dần thay đổi trong khi Adele lại chưa bao giờ vơi bớt tình cảm với anh, lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ đến tình yêu với Pinson tới mức sinh tâm bệnh.

Adele Hugo dành trọn tuổi xuân và thời gian chỉ để đi theo Albert Andrew Pinson ở khắp mọi nơi, không ngừng viết thư và tìm cách gặp anh, thậm chí còn tự thông báo với gia đình rằng đã kết hôn và hạnh phúc bên chàng thiếu tá. Albert Andrew Pinson chỉ trả lời thư của Adele một lần duy nhất và luôn tìm cách trốn tránh nhưng tất cả đều không thể khiến cô tỉnh ngộ, mà chỉ luôn chìm đắm trong thứ tình cảm một phía của bản thân.

Cô tiểu thư danh giá ngày càng trở nên điên cuồng và làm mọi cách để thể hiện tình yêu của bản thân, từ cắt tóc ngắn, giả trang để theo dõi hay làm những chuyện mất mặt nhất của người phụ nữ để níu giữ thứ tình yêu vô ích này.  Ngay cả khi Pinson đã kết hôn nhưng Adele vẫn không tỉnh ngộ và vẫn một mực tin vào tình yêu bất diệt của mình và đối phương.

Adele được tìm thấy trong trạng thái điên loạn với bộ trang phục rách rưới, nói cười không kiểm soát được, thiếu tỉnh táo, lang thang khắp nơi mặc cho những người xung quanh chỉ trỏ để có thể tìm thấy người yêu. Cô được một người phụ nữ tốt bụng đưa về nhà nhưng tất cả đã muộn màng khi cô thậm chí còn không nhận ra người thân.

Chuỗi cuộc đời sau đó Adele phải sống trong sự cô độc, tinh thần thiếu tỉnh táo, bỏ bê bản thân, không còn là cô tiểu thư xinh đẹp quyền quý đầy tài năng. Sức khỏe và tinh thần ngày một suy kiệt nhưng tình yêu bất diệt dành cho Pinson vẫn không nguôi ngày nào. Cuối cùng, cô đã ra đi tại nhà thương điên vào năm 85 tuổi, chấm dứt cuộc đời đầy bi kịch vì tình yêu.

Bắt nguồn từ câu chuyện này nên Hội chứng ám ảnh tình yêu còn được gọi là hội chứng Adele, hội chứng cuồng yêu. Và những người mắc hội chứng này ngoài thực tế vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên lại ít người được đưa đi khám bệnh hay chẩn đoán tâm lý dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc xuất hiện. Câu chuyện tình yêu của Adele Hugo còn được dựng thành phim với tên Câu Chuyện Của Adele H (1975) (The Story of Adele H | L’histoire d’Adèle H) và đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá ngay sau đó.

Biểu hiện hội chứng ám ảnh tình yêu

Các biểu hiện hội chứng ám ảnh tình yêu được bộc lộ một cách rõ rệt nhất với người được nhận tình yêu của người bệnh. Cần hiểu rằng trong hội chứng này, không nhất thiết cả hai phải có tình cảm với nhau mà đôi khi là do bản thân người bệnh tự lầm tưởng đó là tình yêu và cố chấp với những suy nghĩ của bản thân. Khi bị đối phương từ chối hay chấm dứt tình cảm thì sự kích động của người bệnh càng tăng lên cao.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Vì quá ám ảnh với tình yêu nên những người này luôn muốn kiểm soát tất cả mọi thứ, dành thời gian theo dõi, “bảo vệ” người mình yêu

Những người xung quanh khi thấy người bệnh biểu hiện tình cảm một cách quá mức thường cũng chỉ cho là do người đó quá yêu nên mới như thế chứ rất ít người cho rằng đó là biểu hiện của các bệnh tâm thần. Cụ thể, một số biểu hiện đặc trưng ở những người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu như

  •  Tâm trí lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đối phương, không thể tập trung làm bất cứ việc gì khác
  • Luôn khao khát muốn biết đối phương đang làm gì, đi với ăn, ăn gì, muốn biết được mọi hành vi, suy nghĩ của người mình yêu
  • Yêu nhanh chóng, cảm xúc yêu đương đến với họ rất nhanh, ngay cả khi đối phương hoàn toàn không có ý thể hiện tình cảm nhưng người bệnh hoàn toàn có thể mù quáng cho rằng các hành động đó đã bộc lộ tình cảm
  • Người mắc Obsessive love disorder luôn cảm thấy rằng mình cần phải bảo vệ người mình yêu cho dù thực tế không cần phải như vậy
  • Lo sợ, giảm lòng tự lòng, có thể chấp nhận bị “chà đạp” chỉ cần người đó sẽ bên mình, sẽ yêu mình
  • Hội chứng ám ảnh tình yêu khiến người bệnh luôn cảm thấy ghen tị, tức giận nếu thấy có một ai đó tiếp cận người mà họ yêu
  • Kiểm soát một cách quá mức, chẳng hạn không cho người yêu liên lạc hay gặp gỡ với ai, kể cả khi đó là người đồng giới hay người thân; luôn tra khảo mọi hoạt động của người yêu; luôn kiểm tra bất chợt, thậm chí nhiều người còn có xu hướng kiểm soát đến mức cài các thiết bị theo dõi với người yêu
  • Không thể làm việc gì khác, kể cả học tập hay làm việc kiếm tiền vì đã dành mọi thời gian, tâm sức để theo dõi và nghĩ về người yêu, điều này vừa làm họ lo sợ nhưng cũng cực kỳ hạnh phúc
  • Không muốn tôn trọng không gian riêng của đối phương và luôn muốn cuộc sống của họ nằm trong tầm kiểm soát của bản thân
  • Một số người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu được ví như một tên “biến thái” bởi họ luôn muốn thu thập và lưu trữ tất cả những thứ về người mình yêu, từ tóc, quần áo, đồ lót hay cả giấy vệ sinh
  • Mất ngủ, gặp các vấn đề về giấc ngủ hoặc không dám ngủ vì sợ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó liên quan đến người mình yêu
  • Luôn có niềm tin mãnh liệt rằng người đó rất yêu mình, kể cả khi bị đối phương từ chối tình cảm một cách phũ phàng và dứt khoát nhưng những người này thường cũng không tin rằng đó là sự thật. Khi họ đã ám ảnh tình yêu với một ai đó thì không điều gì có thể làm thay đổi niềm tin này
  • Phản ứng ghen tuông một cách mãnh liệt, thậm chí có thể tấn công và làm hại người nào đó đang tiếp cận “người yêu” của họ, hay có xu hướng tự hại bản thân để chứng minh tình cảm của mình với người mà họ yêu.

Các biểu hiện của hội chứng ám ảnh tình yêu thường khiến đối phương cảm thấy cực kỳ sợ hãi. Ban đầu họ có thể cảm thấy hạnh phúc vì cho rằng người ấy rất yêu mình nhưng càng về sau, tình yêu thay bằng sự kiểm soát và ám ảnh, khiến họ không còn tự do, luôn có cảm giác ngột ngạt, sợ hãi. Dần dần họ tìm cách trốn tránh, thậm chí chuyển nơi ở, nơi làm việc nhưng vẫn bị người kia tìm ra nên cực kỳ hoảng loạn.

Nguyên nhân hội chứng ám ảnh tình yêu

Nhiều người thường cho rằng bởi một người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu bởi vì họ yêu quá nhiều nên mới bị ám ảnh, mới dành trọn mọi thứ cho tình yêu. Tuy nhiên thực tế đây lại là một rối loạn tâm thần nguy hiểm, không phải chỉ là một vấn đề tâm lý thông thường nên tuyệt đối không được xem nhẹ.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Hội chứng ám ảnh tình yêu được cho là có liên quan đến các sự kiện tổn thương, ám ảnh từ quá khứ

Thực tế các nghiên cứu hiện vẫn chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây Obsessive love disorder, tuy nhiên các chuyên gia đã chỉ ra bệnh có thể có mối liên quan đến các vấn đề tâm lý – tâm thần khác. Cụ thể

  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive compulsive disorder- OCD): người mắc chứng OCD thường bị ám ảnh về mọi thứ phải thật hoàn chỉnh, hoàn hảo, các nghi thức cưỡng chế, điều này hoàn toàn có thể xuất hiện cả trong các mối quan hệ xoay quanh. Vì thế họ cũng hoàn toàn có thể bị ám ảnh bởi tình yêu, đòi hỏi những thứ chuẩn mực nhất trong mối quan hệ này.
  • Rối loạn gắn bó: hội chứng ám ảnh tình yêu được cho là có liên quan chứng tâm lý này và thường bắt nguồn từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khiến họ ám ảnh việc phải gắn kết quá mức với một người nào đó. Với những người xa lạ họ có thể cảm thấy xa cách, thiếu hòa đồng nhưng nếu đã trong một một quan hệ họ thường sợ bị bỏ lại nên có xu hướng muốn thao túng, kiểm soát tất cả mọi thứ hết mức có thể.
  • Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình Erotomania: người mắc chứng này luôn có niềm tin mãnh liệt rằng tất cả những người xung quanh đều yêu và si mê họ, bất kể đối phương có hành động gì đều được cho là đang thể hiện tình cảm. Sự ảo tưởng vô lý này đã dẫn tới việc họ tự cho mình quyền kiểm soát một trong số những người đang “yêu thầm” mình và thể hiện tình yêu đó một cách mất kiểm soát.
  • Rối loạn nhân cách giới (Borderline personality disorder- BPD): Theo các chuyên gia, người mắc chứng BDP luôn gặp khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ, hành vi của bản thân, các cảm xúc của họ có thể thay đổi đột ngột trong thời gian ngắn. Họ trở nên ám ảnh quá mức với mối quan hệ xung quanh và bộc phát cảm xúc tình yêu một quá cách quá mức. Ở người BPD họ có thể chuyển từ trạng thái yêu cực độ sang căm phẫn hay khinh bỉ cực độ.
  • Bệnh ghen tuông hoang tưởng Othello: người bệnh luôn có niềm tin mãnh liệt rằng bản thân đang bị lừa dối cho dù sự thật không phải như vậy. Tất cả mọi hành vi của đối phương đều được cho là đang ngoại tình kể cả khi người kia cố gắng giải thích nhưng vẫn không thể làm thay đổi suy nghĩ của người bệnh. hội chứng ám ảnh tình yêu bắt nguồn từ chứng này đã lý giải vì sao họ có xu hướng kiểm soát, theo dõi người yêu quá mức.
  • Ám ảnh ghen tuông: người bệnh luôn có chủ đích nghi ngờ người yêu đang lừa dối mình và dẫn tới các hành vi lặp đi lặp lại để kiểm chứng điều này là không đúng. Khác với ghen tuông hoang tưởng thì nếu được đối phương chứng minh họ không ngoại tình, người bệnh hoàn toàn có thể tin nhưng ngay ngày hôm sau những ám ảnh về ghen tuông sẽ lại quay trở lại.

Nói chung, hội chứng ám ảnh tình yêu có thể liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực từ quá khứ mà ở đó, họ có thể từng bị phản bội, lừa dối, bị bỏ rơi, bị mất đi người yêu. Những ám ảnh tồn tại trong thời gian dài sẽ trở thành một bóng đen tâm lý choán lấy toàn bộ tâm trí của một người. Và khi họ có một tình yêu mới hay có một đối tượng nào đó họ sẽ lo sợ quá khứ lặp lại nên mới có xu hướng kiểm soát, ám ảnh quá mức.

Hội chứng ám ảnh tình yêu có nguy hiểm không?

Nếu đọc báo bạn vẫn sẽ có thể thấy những bài báo về việc cô gái bị người yêu theo dõi, đe dọa, thậm chí là tấn công sau khi chia tay, đây là có chính là những biểu hiện và hệ lụy rõ ràng nhất từ hội chứng ám ảnh tình yêu. Khi yêu không còn là cảm xúc yêu thương, gắn bó, hạnh phúc mà thay thế bằng sự chiếm hữu và kiểm soát thì đó không thể coi là tình yêu.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Sự kiểm soát quá mức của người bệnh có thể khiến đối phương sợ hãi, muốn thoát khỏi người bệnh nhanh chóng

Khi mắc hội chứng ám ảnh tình yêu, những người này chấp nhận bỏ tất cả mọi thứ xung quanh để thể hiện toàn tâm toàn ý với tình yêu, kể cả công việc, học tập hay cuộc sống của mình. Lâu dần họ thậm chí có thể trở nên tách biệt với mọi người, phải sống trong lo âu rằng làm thế nào để người yêu luôn bên mình, thường cảm thấy căng thẳng, dễ kích động nên dễ mắc trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Đặc biệt với người mà người mà người bệnh cho là người yêu của mình sẽ có thể phải gặp rất nhiều ảnh hưởng bởi người bệnh sẽ không ngừng làm phiền, kiểm tra bất cứ lúc nào. Thời gian đầu, mức độ kiểm soát có thể không quá gắt gao nhưng càng về sau, ham muốn chiếm hữu sẽ càng tăng lên, chỉ cần quên hay chậm trả lời tin nhắn cũng có thể làm người bệnh rơi vào khủng hoảng, kích động.

Đặc biệt, việc từ chối hay nói lời chia tay với người mắc Obsessive love disorder sẽ rất khó khăn. Bởi người bệnh luôn có một niềm tin vô lý về tình yêu giữa cả hai, cho dù bị từ chối họ vẫn cho rằng đó không phải sự thật và không ngừng làm phiền, luôn tìm cách theo sát hay gây sự chú ý cho đối phương. Nếu là đối tượng của những người mắc bệnh này bạn thậm chí phải đổi nơi ở hay nhờ sự hỗ trợ của công an để bảo vệ chính mình.

Nói chung hội chứng ám ảnh tình yêu nếu không sớm có biện pháp kiểm soát sớm thì sẽ ngày càng gia tăng mức độ suy giảm nhận thức, tâm thần bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không có chuyên môn thì không có ai có thể làm thay đổi được suy nghĩ, nhận thức của người bệnh về tình yêu của họ.

Đồng thời người bệnh cũng có thể bộc phát các hành vi kích động, bốc đồng để “chứng minh tình yêu” nên có thể gây hại cho cả bản thân, người yêu và những người xung quanh, chẳng hạn như đòi tự tử, đe dọa tự tử để đòi gặp mặt người yêu. Các trường hợp này đã xảy ra rất nhiều và cũng trở thành một trong những lý do khiến người trong cuộc mãi không dám chấm dứt mối quan hệ với người bệnh.

Làm thế nào để điều trị hội chứng ám ảnh tình yêu

Dù được bàn luận nhiều nhưng thực chất Hội chứng ám ảnh tình yêu Obsessive love disorder  vẫn chưa được đưa vào Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần DSM. Tuy nhiên các bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý vẫn có thể thông qua các triệu chứng cơ bản để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị thích hợp nhất cho từng đối tượng.

Theo các chuyên gia, hội chứng ám ảnh tình yêu Adele hoàn toàn có thể điều trị được, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè để mang lại kết quả tốt nhất. Nếu không tham gia điều trị chắc chắn tình trạng bệnh sẽ không thuyên giảm hay tự hết bệnh mà sẽ chỉ càng trầm trọng hơn nên cần sớm tiến hành đưa người bệnh đến bệnh viện.

Điều trị y tế

Các bác sĩ cho biết hội chứng ám ảnh tình yêu nếu điều trị từ giai đoạn sớm có thể khỏi hoàn toàn thông qua việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu mức độ các triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể phải điều trị nội trú tại các bệnh viện tâm thần để kiểm soát được các hành vi, nhận thức bất thường, tránh nguy cơ bệnh nhân có thể tự làm hại bản thân hay những người xung quanh.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Việc dùng thuốc được đánh giá mang đến nhiều tiên lượng tốt cho người bệnh để kiểm soát tâm thần

Mục đích của việc dùng thuốc sẽ là phục hồi nhận thức bình thường, ổn định cảm xúc, hạn chế các hành vi bốc đồng của người bệnh. Phổ biến nhất là các  nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm (Prozac, Paxil hay Zoloft), thuốc chống lo âu (Valium và Xanax), thuốc chống loạn thần. Tùy mức độ và các triệu chứng khác mà việc dùng thuốc cũng được bổ sung phù hợp.

Việc dùng thuốc để điều trị hội chứng ám ảnh tình yêu cần đúng theo lộ trình chỉ định từ bác sĩ, thường có thể phải kéo dài đến 6 tháng để đảm bảo giải quyết các triệu chứng hoàn toàn. Người bệnh cần kiên trì dùng thuốc, tuyệt đối không được thay đổi liều dùng hay tự ý tăng/ giảm, ngưng dùng thuốc đột ngột vì đều có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.

Điều trị tâm lý

Thực tế thì chỉ dùng thuốc thôi sẽ không đảm bảo có thể khôi phục nhận thức hoàn toàn cho người bệnh mà cần tác động trực tiếp vào tâm lý dị dạng, sai lệch của họ. Do đó các biện pháp trị liệu tâm lý sẽ được chỉ định song song đồng thời với dùng thuốc nhằm đảm bảo mang đến tiến độ điều trị nhanh nhất, người bệnh nhân chóng phục hồi cả về mặt tâm lý và thể chất.

Các liệu pháp thường được chỉ định cho người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu như

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng
  • Chơi trị liệu
  • Liệu pháp trò chuyện.

Theo các chuyên gia, các vấn đề của người mắc Obsessive love disorder hầu hết đều có liên quan đến những ám ảnh từ thời thơ ấu. Do đó cần trò chuyện với người bệnh để tìm được các nguyên nhân gốc rễ khiến người đó có những sai lệch về mặt nhận thức. Chỉ khi loại bỏ được các bóng đen tâm lý này thì việc điều trị hay khôi phục nhận thức cho người bệnh mới thực sự có hiệu quả.

Trong trị liệu tâm lý cho người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu, quan trọng là người bệnh cần thực sự trung thực chia sẻ những suy nghĩ của bản thân với nhà trị liệu. Thông qua đó, nhà trị liệu mới tìm cách giúp người bệnh nhận thức rõ ràng bản thân đang có các tư tưởng sai lầm, không phù hợp với hiện thực và thay đổi bằng những nhận thức đúng đắn hơn.

Các liệu pháp tâm lý cũng giúp người bệnh học được cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, kìm chế được sự kích động trong tâm trí, tự xoa dịu được bản thân để tránh các hành vi bốc đồng trong suốt thời gian điều trị. Khi tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, học được cách thư giãn, lấy lại được tư tưởng nhận thức bình thường thì bản thân họ sẽ tự biết cách điều chỉnh được cảm xúc trong tình yêu của bản thân.

Sự hỗ trợ từ gia đình

Người bệnh rất cần có sự đồng hành từ gia đình và người thân để có thể kiểm soát được những hành vi, nhận thức sai lệch của bản thân bởi nếu họ ở một mình sẽ rất khó để tự kiềm chế được mình. Gia đình cần thực sự kiên trì bởi trong những giai đoạn đầu điều trị có thể gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong những thời điểm người bệnh kích động đòi liên lạc với “người yêu”.

Hội chứng ám ảnh tình yêu
Gia đình cần sự đồng cảm, thấu hiểu cho người bệnh thông qua việc trò chuyện, chia sẻ thường xuyên hơn

Một lối sống khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh xa căng thẳng và hướng bệnh nhân đến các hoạt động mang tính bận rộn cá nhân sẽ đem đến nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng ám ảnh tình yêu. Chẳng hạn

  • Tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, đặc biệt tham khảo thiền hay yoga vì các bộ môn này đều có thể giúp tinh thần thoải mái, xoa dịu tâm trí, gia tăng khả năng giữ bình tĩnh khi đứng trước các tình huống căng thẳng
  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh xa căng thẳng, áp lực
  • Tham gia các hoạt động cần sự kiên nhẫn nhưng có thể mang đến các thành quả tốt đẹp hoặc là các hoạt động yêu thích của bệnh nhân chẳng hạn như leo núi, nấu ăn, học đan móc, làm gốm hay học một kỹ thuật  mới nào đó..
  • Trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với người bệnh để hiểu được tâm tư, suy nghĩ của người bệnh, giải đáp các khúc mắc về chuyện tình cảm nếu có
  • Khuyến khích người bệnh ngủ đủ giấc mỗi ngày, hạn chế thức khuya, tốt nhất nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày
  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác
  • Hướng người bệnh tạo dựng các giá trị của bản thân thay vì chỉ tập trung và ám ảnh về tình yêu

Hội chứng ám ảnh tình yêu khiến một người có thể trở nên cuồng điên, bốc đồng và tự hủy hoại chính bản thân mình vì những nhận thức hoàn toàn lệch lạc. Tất nhiên khi yêu không ai là không từng mù quáng nhưng Obsessive love disorder là một bệnh tâm thần, không phải chỉ làm cảm xúc yêu đương thông thường nên cần tham gia điều trị càng sớm càng tốt.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *