Vượt qua cảm giác bị quê trước mặt bạn bè
Trong cuộc sống, đặc biệt là ở độ tuổi học sinh, sinh viên chắc hẳn ai cũng đã đôi lần phải đối mặt với những lời trêu ghẹo, chọc phá của bạn bè. Tuy nhiên, cảm giác bị quê trước bạn bè vô cùng khó chịu và không thú vị chút nào. Chính vì thế, để vượt qua cảm giác bị quê và xấu hổ trước mặt bạn bè, bạn cần bỏ túi ngay các bí quyết sau đây.
Cách giúp bạn vượt qua cảm giác bị quê trước mặt bạn bè
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được hàng ngày gặp gỡ bạn bè và cùng nhau vui đùa, học tập chính là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm và đáng nhớ nhất của mỗi người. Khi còn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên chúng ta không phải bận tâm và lo ngại quá nhiều về những trăn trở của cuộc sống. Có thể nói, đây là giai đoạn hồn nhiên, vui tươi và khiến cho nhiều người phải lưu luyến nhớ mãi.
Tuy nhiên, do đây là lứa tuổi phá phách, nhiều trò nên chắc hẳn không thể tránh khỏi những lúc trêu chọc, quậy phá lẫn nhau. Đôi khi bạn có cảm giác không muốn đến lớp học, không muốn gặp gỡ bạn bè vì đã vô tình rơi vào một tình huống xấu hổ nào đó và liên tục bị mọi người xung quanh trêu ghẹo.
Trong thực tế thì việc bạn bè chọc phá, trêu đùa nhau là chuyện rất bình thường. Trong suốt nhiều năm cùng học tập và sinh hoạt ở trường chắc hẳn bạn không thể tránh khỏi những lúc sai lầm, lỡ lời hoặc gặp phải các tình huống oái ăm. Tuy nhiên, nếu bạn chính là nạn nhân của cảm giác bị quê trước mặt bạn bè thì đôi khi bạn sẽ vô cùng ngại ngùng và không biết làm sao để vượt qua nó.
Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn có thể vượt qua được cảm giác bị quê trước mặt bạn bè. Hãy cùng tham khảo:
1. Hít thở thật sâu
Khi bị quê hoặc xấu hổ trước đám đông sẽ làm cho bạn trở nên lúng túng, không giữ được bình tĩnh, tim đập nhanh, các cử chỉ chân tay cũng mất kiểm soát và luống cuống, mặt đỏ lên và dường như bạn chỉ muốn chạy trốn khỏi nơi đó. Tuy nhiên, nếu sự việc khiến bạn cảm thấy quê diễn ra trong lớp học thì bạn hoàn toàn không thể nào rời khỏi đó nếu chưa có sự cho phép của thầy cô.
Vì thế, cách tốt nhất để bạn vượt qua cảm giác bị quê trước bạn bè đó chính là hít thở thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh. Khi hơi thở dần được ổn định sẽ giúp nhịp tim được cân bằng, các cảm giác sợ hãi, run rẩy cũng sẽ được kiểm soát tốt. Đồng thời, trong quá trình hít thở sẽ giúp cơ thể cung cấp được lượng oxy cần thiết, hỗ trợ thả lỏng các cơ, đầu óc thư giãn và giúp bạn dễ dàng ứng phó với tình huống đang xảy ra.
Một số tình huống có thể khiến bạn quê theo chiều hướng tích cực nhưng đôi khi nó cũng có thể khiến bạn trở nên tiêu cực và bi quan hơn. Một số người có tính cách nhút nhát, hay sợ sệt, tâm lý yếu có thể bật khóc, ngất xỉu khi cảm thấy xấu hổ trước mặt nhiều người. Chính vì thế mà việc hít thở sâu sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc giữ bình tĩnh, tránh được các tình huống tiêu cực có thể xảy ra.
2. Mỉm cười
Khi cảm thấy bị xấu hổ, bị quê trước mặt bạn bè nhưng vẫn chưa biết cách ứng phó thế nào thì một nụ cười chính là cách giúp bạn vượt qua được cảm giác ngại ngùng và dần trở nên thoải mái hơn. Đôi khi những tình huống xấu hổ lại là một việc gì đó tạo tiếng cười, niềm vui, giúp bầu không khí căng thẳng trở nên dễ chịu hơn.
Chính vì thế, thay vì trở nên bực tức, cáu gắt hoặc làm ầm ĩ mọi việc lên thì cách tốt nhất là bạn hãy vui vẻ và cười thật tươi để có thể hòa nhập vào không khí chung và phần nào giảm bớt cảm giác e ngại, thẹn thùng. Khi bạn trở nên vui vẻ để đón nhận các tình huống xấu hổ thì chắc chắn mọi người cũng sẽ không quá khắt khe về những thiếu sót và sai lầm của bạn, họ cũng sẽ mau chóng quên đi chuyện khiến bạn xấu hổ.
Nếu bạn là một người hài hước và thông minh thì chắc rằng bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc “chữa quê” trước mặt bạn bè. Đôi khi bạn nghĩ rằng đó là tình huống đáng xấu hổ nhưng đối với những người xung quanh đấy là việc bình thường. Do đó, cứ thoải mái và thể hiện nó một cách tự nhiên nhất.
Bằng cách này bạn sẽ dễ khiến cho bạn bè xung quanh cùng cười với bạn thay vì cười bạn. Nếu bạn có thể sẵn sàng cười vào bản thân mình thì đó cũng chính là điểm bắt đầu hoàn hảo cho những cuộc trò chuyện thú vị, dễ dàng kết giao thêm nhiều người bạn thân thiết. Hoặc nếu bạn biết cách tiếp cận tình huống theo một cách hài hước phù hợp thì cảm giác bị quên sẽ được giảm xuống và nó có thể trở thành một trò đùa nhất thời.
3. Thừa nhận thay vì lẩn trốn
Khi cảm thấy bị quê trước một tình huống nào đó thì cách tốt nhất là bạn nên chấp nhận nó thay vì cố gắng tìm cách trốn tránh. Bạn nên hiểu rằng bạn không có khả năng quay ngược thời gian và những điều làm bạn xấu hổ đã diễn ra, vậy bạn phủ nhận cũng không mang lại lợi ích gì.
Hãy tự thừa nhận với bản thân và những bạn bè xung quanh rằng bạn đang cảm thấy xấu hổ. Đây là một cách khá tuyệt để bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với ai đó và đặc biệt họ cũng có thể chia sẻ về những lần bị quê mà họ đã từng trải qua. Nhờ đó mà bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, giảm bớt được sự ngại ngùng, xấu hổ của mình.
Nếu bạn cứ cố gắng phủ nhận và chạy trốn khỏi các tình huống gây xấu hổ thì bạn sẽ càng trở thành tâm điểm của sự chú ý và dễ bị mọi người trêu chọc nhiều hơn. Bởi người ta chỉ thích thú và cảm thấy hào hứng khi chọc quê những người có phản ứng dữ dội. Vì thế, hãy cứ chấp nhận những khuyết điểm, thiếu sót của bản thân và cố gắng cải thiện chúng tốt hơn.
4. Suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực
Suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực cũng là một trong những cách hữu hiệu giúp bạn vượt qua được cảm giác bị quê trước mặt bạn bè. Cũng bởi mọi hành động của bạn đều sẽ bị ảnh hưởng bởi cách mà bạn suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề. Do đó, nếu bạn đánh giá sự việc đang xảy ra theo một cách đơn giản và vui vẻ thì bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý và vượt qua các cảm giác khó chịu.
Khi bị bạn bè trêu chọc, thay vì tỏ ra bực tức, cáu gắt thì bạn hãy học cách suy nghĩ đơn giản vì đó đôi khi chỉ là những lời nói mang tính chất vui nhộn, hài hước. Và khi bạn có thể làm được điều này thì bạn cũng sẽ dễ dàng hòa nhập hơn vào cuộc vui của các bạn xung quanh, đôi khi bạn lại có thể xây dựng thêm nhiều mối quan hệ thú vị.
5. Thư giãn tinh thần, giải tỏa cảm xúc
Cảm giác bị quê, xấu hổ không chỉ tồn tại ở thời điểm xảy ra sự việc hoặc bị bạn bè trêu chọc mà ngay cả khi bạn suy nghĩ và nhớ lại câu chuyện đó. Đôi khi ngay tại thời điểm đó bạn cảm thấy mọi việc diễn ra một cách bình thường nhưng sau khi suy nghĩ lại cảm thấy vô cùng xấu hổ và không thể đối mặt với nó. Chính vì thế, hãy học cách thư giãn, giải tỏa cảm xúc của bản thân.
Trong thực tế, có không ít các học sinh chia sẻ với cha mẹ rằng bản thân không muốn đến lớp bì hôm trước đã vô tình làm rách quần, bị té vào vũng nước, bị điểm kém, bị thầy cô trách phạt trước mặt các bạn học. Để có thể mau chóng vượt qua được cảm giác bị quê trước mặt bạn bè thì cách tốt nhất là hãy giải tỏa cảm xúc một cách tự nhiên, nếu muốn khóc hãy cứ khóc.
Sau đó bạn có thể di chuyển sự chú ý của bản thân vào những việc khác thay vì cứ chăm chú vào những việc đã xảy ra. Hãy thử tìm kiếm một hoạt động giúp bạn trở nên thư giãn và vui vẻ. Bạn có thể đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tập thể dục, chăm sóc cây cảnh, phụ gia đình nấu ăn,…để cải thấy tinh thần được sảng khoái hơn.
6. Cảm ơn hoặc xin lỗi để vượt qua cảm giác bị quê
Một lời cảm ơn hoặc xin lỗi đúng lúc sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua được cảm giác bị quê trước mặt bạn bè. Chẳng hạn khi bạn bị giáo viên gọi lên trả bài nhưng hôm đó bạn lại không thuộc bài hoặc đã học nhưng vẫn trả lời sai câu hỏi thì đầu tiên hãy gửi lời xin lỗi với giáo viên, chắc chắn rằng bạn sẽ được giải vây khỏi những lời trêu chọc của bạn bè.
Hoặc nếu các tình huống khiến bạn cảm thấy xấu hổ trước các bạn là xuất phát từ những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân thì hãy nhanh chóng xin lỗi hoặc cảm ơn những người đã giúp đỡ bạn. Nếu bạn vô tình bị trượt ngã trước mặt nhiều người và ai đó đã đến đỡ bạn đứng dậy thì đừng tiếc một lời cảm ơn chân thành dành cho họ.
7. Giải thích nguyên nhân khiến bạn cảm thấy quê
Đôi khi bạn có thể hiểu và giải thích được cho những tình huống gây xấu hổ. Chẳng hạn như bạn liên tục gọi sai tên một người nào đó trong suốt buổi học và lý do khiến bạn trở nên như thế là vì bạn đã dành thời gian suy nghĩ quá nhiều về một người nào đó. Lúc này bạn có thể dành lời xin lỗi và giải thích cụ thể về sự việc “Xin lỗi vì mình đang suy nghĩ về một người thân hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn nên mình bị phân tâm đôi chút”.
Với những lời giải thích cụ thể và chân thành thì chắc hẳn mọi người xung quanh sẽ thông cảm và thấu hiểu cho bạn. Nhờ đó mà họ cũng sẽ ngừng việc trách móc hoặc cười nhạo bạn. Hơn thế, đôi khi các vấn đề mà bạn đang gặp phải cũng sẽ được bạn bè san sẻ và động viên, nhờ đó mà bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn.
8. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè
Có thể tình huống khiến bạn cảm thấy xấu hổ đó chính là việc bị trượt chân và làm rơi một chồng sách khi đang đi cầu thang. Bạn có thể nhờ bạn bè xung quanh nhặt giúp các vật dụng đã làm rơi. Hành động nhờ giúp đỡ này một phần đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người vào tình huống khiến bạn cảm thấy quê, một phần giúp bạn tránh khỏi những cảm giác lúng túng khi tình huống xảy ra.
9. Hạn chế thu hút sự chú ý của người khác
Phản ứng tệ nhất khi bạn rơi vào cảm giác bị quê trước mặt bạn bè đó chính là làm quá mọi chuyện lên. Khi tình huống xấu hổ xảy ra, bạn nên tránh việc la hét, thể hiện sự bực tức hoặc chạy đi với gương mặt đầm đìa nước mắt, khóc lóc thảm thiết. Khi bạn càng làm to mọi chuyện thì tình huống đó sẽ càng in sâu vào tâm trí của những người xung quanh và bạn sẽ mãi trở thành tâm điểm của những lời trêu chọc trong khoảng thời gian dài.
Chính vì thế, hãy cố gắng đánh lạc hướng và phản ứng một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh khi các tình huống xấu hổ xảy ra. Bạn cần hiểu rằng, khoảnh khắc này sẽ sớm qua đi và mọi người cũng sẽ quên chúng. Nếu bạn tỏ ra bình thường thì mọi người cũng sẽ nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản và chúng sẽ thôi không bị lặp lại nữa.
10. Nghiêm túc và phản kháng khi cần thiết
Đôi khi những sự trêu chọc của bạn bè về một tình huống “quê xệ” của bạn sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Việc liên tục nhắc về câu chuyện đó sẽ khiến bạn không được thoải mái, lúc đó mọi chuyện sẽ không còn mang tính chất vui vẻ, hài hước.
Chính vì thế, bạn cần phải nghiêm túc và phản kháng lại khi cần thiết. Bạn nên cho mọi người hiểu rằng mọi chuyện chỉ nên có mức độ vừa phải và bạn cũng sẽ nóng giận khi cứ liên tục bị đem ra trêu ghẹo. Chẳng hạn khi việc bạn bị điểm kém cứ bị bạn bè nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến bạn cảm thấy không vui thì bạn có thể nói rằng mình hoàn toàn không thích việc đó và nghiêm túc nói ra cảm xúc của bản thân để bạn bè ngừng ngay việc trêu chọc.
Bài viết trên đây đã gợi ý cho bạn một vài cách để vượt qua cảm giác bị quê trước mặt bạn bè. Hãy luôn nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng vui vẻ và tích cực để có thể lưu giữ lại những kỉ niệm đẹp thời học sinh, giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ.
Tham khảo thêm:
- Đặc Điểm Tâm Lý Trẻ Khi Sống Xa Cha Mẹ
- Lười biếng xã hội (Social Loafing) là gì? Ảnh hưởng thế nào?
- 5 Lý Do Hình Thành Tâm Lý Ỷ Lại Của Giới Trẻ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!