Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì? 8 tác hại cần tránh

Nụ cười mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu một người cười nhiều và không thể kiểm soát, hãy cẩn thận, có thể đó là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến thần kinh hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cười nhiều có thể là dấu hiệu của những bệnh gì?

cười nhiều là dấu hiệu bệnh gì?
Cười nhiều, cười không thể kiểm soát thường là dấu hiệu của những căn bệnh liên quan đến tâm lý.

Tiếng cười và lợi ích của cười

Tiếng cười là tập hợp các cử chỉ và âm thanh, thể hiện phản ứng sinh học tự nhiên của con người đối với sự hài hước. Theo mô tả của Bách khoa Toàn thư Britannica, “tiếng cười là hành động nhịp nhàng, phát âm thở ra và có chủ đích”. Sự hài hước là một trong 24 điểm mạnh trong tính cách của con người, tác động tích cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và mang đến nhiều lợi ích xã hội.

Tiếng cười là dấu hiệu của hạnh phúc, tiếng cười có chủ đích có thể nâng cao tâm trạng, khiến chúng ta trở nên vui vẻ hơn. Tiếng cười vui vẻ, sảng khoái mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất, tinh thần và giúp bạn cải thiện các mối quan hệ xã hội. Tiếng cười là liều thuốc mạnh, mang năng lượng chữa lành và tái tạo mạnh mẽ.

Khi còn nhỏ, chúng ta thường cười hàng trăm lần một ngày. Tuy nhiên, khi trưởng thành, tiếng cười ít hơn, trung bình một người lớn cười khoảng 17 lần/ngày. Một tiếng cười sảng khoái, vui vẻ có thể đem đến nhiều lợi ích như:

  • Tăng cường về sức khỏe thể chất: Cười trong 10 – 15 phút có thể đốt cháy khoảng 40 calo, làm giảm hormone căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích giải phóng hormone hạnh phúc endorphin. Nụ cười có thể giúp giảm đau, làm thư giãn cơ bắp, ngăn ngừa bệnh tim và giúp bạn sống lâu hơn.
  • Cải thiện sức khỏe tâm thần: Cười nhiều giúp giảm lo âu, căng thẳng; tăng thêm niềm vui và sự thú vị cho cuộc sống, giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường khả năng hồi phục.
  • Thúc đẩy các mối quan hệ xã hội: Tăng cường các mối quan hệ, làm dịu xung đột, thúc đẩy sự gắn kết nhóm, thu hút nguồn năng lượng tích cực và tăng cường các mối quan hệ. Tiếng cười giúp bạn đến gần người khác và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi người.

Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?

Chúng ta thường cười vì những điều vui vẻ, hài hước. Tuy nhiên, đôi khi, tiếng cười có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng nào đó, có thể là triệu chứng y khoa. Tiếng cười không phù hợp là tiếng cười xuất hiện trong những tình huống không hài hước, không phù hợp với bối cảnh, tình huống xã hội. 

Cười nhiều, không có chủ đích, không có biểu hiện hạnh phúc cũng không liên quan đến sự vui vẻ, hài hước có thể là dấu hiệu của:

1. Hội chứng Angelman

Cười nhiều có thể là dấu hiệu của hội chứng Angelma. Hội chứng này còn được gọi là bệnh “cười” hoặc “hội chứng thiên thần”, đây là một dạng rối loạn chức năng thần kinh mà nguyên nhân chủ yếu là do đột biến gen.

Khi mắc bệnh này, phần gen có nguồn gốc từ người mẹ bị hỏng trong khi phần gen từ người cha thì vẫn hoạt động bình thường. Những biểu hiện dễ thấy nhất là người bệnh luôn có vẻ mặt hạnh phúc và mãn nguyện, họ luôn cảm thấy vui vẻ, cười liên tục, cười không rõ nguyên do…

cười nhiều là dấu hiệu bệnh gì?
Người mắc chứng Angelman thường luôn trong trạng thái hạnh phúc.

Sự kích thích quá mức của các nơron vận động lên các cơ mặt, làm cho gương mặt bệnh nhân có biểu hiện cười hoặc thậm chí là nhăn nhó. Tuy nhiên, phần lớn những gì người ta nhìn thấy là cảm giác vui sướng và những hành động thoải mái không gượng ép.

Bệnh nhân mắc hội chứng Angelman thường chậm phát triển hơn những đứa trẻ bình thường. Đa phần họ bị khiếm khuyết về trí tuệ và lời nói, lúc nào cũng trong trạng vui vẻ nhưng cũng rất dễ kích động.

Ngoại hình của những đứa trẻ này cũng rất khác biệt. Chúng có kích thước đầu nhỏ, phần đầu sau phẳng, mắt, da và tóc có màu nhạt hơn bình thường. Khuôn miệng rộng, có tật chảy nước bọt, lè lưỡi….

Ngoài ra, những đứa trẻ này rất dễ bị vẹo cột sống, dáng đi không tự nhiên, run giật tay chân, ngủ rất ít, dễ bị béo phì, trường hợp quá nặng có thể mất khả năng di chuyển do rối loạn vận động…

2. Hội chứng trầm cảm cười

Hội chứng trầm cảm cười (Smiling Depression) là một trong những căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Bệnh nhân thực chất là những người đang mắc chứng trầm cảm bên trong, họ luôn cảm thấy bi quan và chán nản đối với cuộc sống nhưng thường luôn thể hiện sự vui vẻ và mãn nguyện ra bên ngoài bằng nụ cười,

cười nhiều có phải dấu hiệu bệnh tâm thần
Những người mắc chứng trầm cảm cười luôn cảm thấy bi quan nhưng họ lại thể hiện sự tích cực ra bên ngoài.

Những người mắc hội chứng trầm cảm cười thường cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ, họ không cảm thấy hứng thú với bất cứ điều gì, vô vọng và bế tắc trong mọi vấn đề. Tuy nhiên, họ sẽ che giấu tất cả những cảm xúc tiêu cực vào trong lòng, chỉ thể hiện sự vui vẻ, năng động, dồi dào năng lượng ra bên ngoài dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chính vì vậy, những người khi tiếp xúc với họ thường chỉ thấy được những mặt tích cực mà không biết rằng họ đang che giấu một tâm hồn tổn thương. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy các nạn nhân có dấu hiệu cười rất vô cớ, miễn cưỡng và khá kỳ lạ.

3. Nhiễu loạn cảm xúc

Nhiễu loạn cảm xúc là một hội chứng khiến bệnh nhân có thể khóc, cười một cách đột ngột, cười không phù hợp với hoàn cảnh và không thể kiểm soát. Hội chứng này thường được chẩn đoán nhầm với rối loạn khí sắc.

Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì
Những người mắc chứng nhiễu loạn cảm xúc thường khóc, cười một cách đột ngột mà không rõ nguyên do.

Dấu hiệu của nhiễu loạn cảm xúc là những cơn khóc, cười bộc phát một cách thường xuyên, đột ngột và không tự chủ được. Biểu hiện cảm xúc thái quá dù không liên quan đến tâm trạng, cười xong chuyển ngay qua khóc và kéo dài trong vòng vài phút liền.

4. Động kinh thể cười

Động kinh là tình trạng xuất hiện những cơn co giật không thể kiểm soát được, đối tượng chủ yếu của căn bệnh này là trẻ em. Động kinh được chia thành nhiều loại khác nhau, dựa trên các triệu chứng lâm sàng kèm theo, trong đó có động kinh thể cười.

Cười nhiều có phải là dấu hiệu bệnh tâm thần?
Động kinh thể cười là một bệnh rất hiếm gặp thường xuất hiện ở các bé trai.

Động kinh thể cười là một bệnh tâm lý khá hiếm gặp, xuất hiện nhiều nhất ở các bé trai và thường bộc phát sớm trước năm 4 tuổi. Theo khảo sát, cứ khoảng 1000 trẻ bị động kinh thì sẽ có từ 1 đến 2 bị động kinh thể cười. 

Khi bị động kinh thể cười, bé sẽ xuất hiện những tràng cười lớn bất thường và kéo dài liên tục trong khoảng một phút rồi dừng lại đột ngột. Ngay sau đó, bé sẽ có dấu hiệu bị co giật kèm theo những hành vi bất thường như lầm bầm, chép môi, đảo mắt liên tục… Về lâu dài, tần suất co giật có thể xuất hiện dày đặc hơn, có khi lên đến 4-5 cơn/ 1 ngày.

5. Cảm xúc giả hành não (PBA)

Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh cảm xúc giả hành não hay rối loạn cười. Là tình trạng gây ra các cơn cười hoặc khóc không kiểm soát, không phù hợp với tình huống và vượt quá phản ứng mong đợi đối với cảm xúc.

Các triệu chứng cảm xúc như cười hoặc khóc vượt khỏi tầm kiểm soát của cá nhân, không thể dừng lại một cách có ý thức. Chẳng hạn, tiếng cười phát ra trong một tình huống đau buồn, không có gì đáng cười.

Nguyên nhân của cảm xúc giả hành vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên, thường có liên quan đến hoạt động của não bộ và hệ thần kinh. Các tình trạng thường liên quan đến PBA thường là đột quỵ, chấn thương sọ não, bệnh Alzheimer, rối loạn động kinh, Parkinson, co giật…

Các triệu chứng của PBA có thể kể đến như:

  • Đột nhiên có những cơn khóc hoặc cười không thể kiểm soát được
  • Biểu cảm khuôn mặt không phù hợp với cảm xúc
  • Có sự bùng nổ của sự thất vọng và tức giận
  • Khóc hoặc cười không phù hợp với tình huống…

6. Rối loạn phổ tự kỷ

Cười không phù hợp tình huống là hành vi phát ra tiếng cười ở những thời điểm, ngữ cảnh không thích hợp. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, trẻ tự kỷ thường biểu lộ cảm xúc không phù hợp tình huống, bao gồm cả tiếng cười. Trẻ có thể cười ở những tình huống người khác cảm thấy không đáng cười hoặc trẻ có thể cười một cách lo lắng.

Người tự kỷ gặp khó khăn trong việc hiểu tình huống xã hội nên không nhận ra tình huống không thích hợp để cười. Một số người tự kỷ có thể cười để tự điều chỉnh cảm xúc hoặc đối phó với cảm giác quá tải. Cười có thể là biểu hiện của sự bối rối, khi họ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, không biết xử lý tình huống thế nào.

8 Tác hại của cười nhiều quá mức

Cười là một phản ứng sinh học tự nhiên, mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, cười quá mức hoặc không kiểm soát có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tiếng cười không chỉ có lợi mà còn có mặt tiêu cực của nó mặc dù nguy cơ gây hại của tiếng cười khá thấp.

Cười lớn và quá nhiều có thể gây trật khớp hàm
Cười lớn và quá nhiều có thể gây trật khớp hàm

Một số tác hại của việc cười nhiều quá mức có thể kể đến như:

1. Cười nhiều gây căng thẳng cơ bụng

Cười nhiều, cười không kiểm soát gây ra sự co thắt ở cơ bụng và các cơ khác của cơ thể. Nếu bạn cười liên tục trong thời gian dài, bạn sẽ cảm thấy căng, đau vùng cơ bụng và vùng ngực.

Một nghiên cứu đăng trên Health Digest chỉ ra rằng, cười nhiều làm tăng áp lực trong lồng ngực, có thể khiến một người ngất xỉu ngay cả khi không có bệnh lý nền. Cười quá mức còn có thể gây áp lực cho các cơ quan nội tạng như dạ dày, ruột, bàng quang, gây khó chịu với một số người có vấn đề về tiêu hóa hoặc tiểu tiện.

2. Cười quá nhiều gây khó thở

Cười quá nhiều có thể gây khó thở, ngạt thở do thiếu oxy trong thời gian dài. Đây là nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp, thậm chí là xẹp phổi, ngạt thở. Một nghiên cứu được công bố trên tờ Taylor & Francis Online chỉ ra rằng, trong 105 bệnh nhân hen suyễn được nghiên cứu, có hơn 40% người bị hen suyễn do cười quá nhiều.

3. Gây chóng mặt hoặc ngất xỉu

Cười nhiều có thể làm trầm trọng tình trạng thoát vị nghẹt, túi thoát vị bị đè ép nghẽn lại ở cổ túi dẫn đến rối loạn tuần hoàn. Cười ngặt nghẽo, cười quá lâu cũng khiến lượng oxy cung cấp cho não bị gián đoạn tạm thời .

Ngất là tình trạng mất ý thức tạm thời do lượng máu lưu thông đến não bị gián đọan. Ngất có thể xảy ra do tình trạng cười nhiều và kéo dài gây thiếu oxy, khiến lượng oxy đến não bị giảm sút, dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu.

4. Tăng nguy cơ chấn thương vùng xương sườn

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Birmingham (Anh) chỉ ra rằng, cười quá nhiều hoặc quá lớn có thể gây đau đầu, loạn nhịp tim, trật khớp hàm, tăng nguy cơ chấn thương vùng xương sườn…

Cười mạnh và kéo dài gây áp lực lên vùng xương sườn và khung xương ngực. Đối với người cao tuổi hoặc người có xương yếu, cười nhiều quá mức làm tăng nguy cơ chấn thương vùng xương sườn.

5. Tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Cười quá nhiều, kéo dài còn có thể gây nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Một số trường hợp cười kéo dài từ 6 – 10 phút khiến cơ tim bị bóp chặt, làm hẹp van tim, khiến lượng máu từ tim lên não không đủ, nhẹ có thể gây đau đầu, đau gáy, nặng có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Cười nhiều trong thời gian dài có thể khiến bạn có nguy cơ loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim
Cười nhiều trong thời gian dài có thể khiến bạn có nguy cơ loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim

Cười nhiều còn gây tăng thông khí, đây là tình trạng nhịp thở tăng khiến biên độ thở tăng, dẫn đến nhiễm kiềm hô hấp. Khi kiểm tra thấy tình trạng pH tăng, PaCO2 giảm, dẫn đến co thắt mạch não, nghiêm trọng hơn còn có thể gây tử vong.

6. Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội

Cười không đúng lúc, không phù hợp với tình huống xã hội, đặc biệt là những tình huống đau buồn có thể gây hiểu lầm hoặc khiến người khác cảm giác không thoải mái, bực bội. Điều này làm căng thẳng các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến khả năng tương tác với người xung quanh của cá nhân.

7. Gây lo âu, căng thẳng

Cười không kiểm soát, cười trong tình huống không phù hợp có thể là dấu hiệu của một số rối loạn thần kinh như cảm xúc giả hành não (PBA), động kinh thể cười, nhiễm loạn cảm xúc… Người mắc các vấn đề này thường không thể kiểm soát cơn cười của mình, khiến họ có cảm giác căng thẳng, khó chịu và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

8. Cười quá nhiều gây tử vong

Tiến sĩ Sachet Dawar, Đại học Quốc tế Noida cho biết, cười quá nhiều hoặc quá mạnh có thể gây tử vong. Theo Only my health, vào năm 1975, một người đàn ông đã cười đến chết do xem phim “Kung Fu Kapers”, cháu gái của ông cũng bị đau tim do cười quá nhiều. Một người đàn ông khác tên Damnoen Saen-Um đã chết trong khi ngủ sau gần 2 phút cười điên loạn.

Chứng cười cuồng loạn có thể gây ra những thay đổi về áp suất khoang ngực, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tử vong. Một người phụ nữ mắc chứng thủng tim đã bị đột quỵ sau khi cười lớn liên tục trong ba phút.

Ngoài ra, việc cười lớn, liên tục còn có thể gây ra các vấn đề như:

  • Hít phải vật lạ khi cố gắng lấy hơi trong lúc cười
  • Trật khớp hàm do cười quá lớn
  • Ho, hắt hơi hoặc làm lây lan các bệnh truyền nhiễm…

Cách ứng phó với việc cười nhiều quá mức

Tiếng cười không phù hợp với tình huống sẽ khiến bạn gặp nhiều rắc rối. Việc bật cười trong khi không có gì hài hước hoặc khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân là vấn đề nghiêm trọng. Bạn cần có kỹ thuật đối phó, kiểm soát tình trạng cười nhiều và quá mức của mình.

Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn ứng phó với việc cười quá nhiều:

Hít sâu và thở chậm

Cười quá nhiều có thể khiến bạn mất kiểm soát hơi thở của bản thân. Khi bạn nhận thấy bản thân bắt đầu cười, một tiếng cười không phù hợp với hoàn cảnh sắp đến, bạn cần tập trung vào hơi thở của mình. Hãy khép môi lại, hít vào từ từ bằng mũi trong 2 – 3 giây, giữ hơi thở 4 – 5 giây rồi từ từ thở ra trong 5 giây.

Việc hít sâu thở chậm có thể giúp bạn ổn định cảm giác, ngăn cản tình trạng cười không đúng lúc
Việc hít sâu thở chậm có thể giúp bạn ổn định cảm giác, ngăn cản tình trạng cười không đúng lúc

Phương pháp này sẽ giúp bạn tập trung vào hơi thở, đánh lạc hướng suy nghĩ của bản thân. Nếu không muốn người khác chú ý, hãy làm điều này bằng cách giả vờ như đang buộc dây giày, giả vờ như đang trả lời tin nhắn. Khi bạn hít sâu thở chậm, nhịp tim sẽ giảm xuống, giúp bạn dễ dàng giữ bình tĩnh hơn.

Đánh lạc hướng cảm xúc của bản thân

Khi nhận thấy mình đang sắp cười ở một tình huống không phù hợp, bạn nên chuyển hướng cơn cười hoặc đánh lạc hướng suy nghĩ của bản thân. Có thể thực hiện bằng cách:

  • Tự nắm chặt ngón tay cái: Hãy kẹp ngón cái vào lòng bàn tay và bóp chặt để đánh lạc hướng cơ thể, làm căng cơ ngực, khiến bạn không bật ra tiếng cười.
  • Tự véo bản thân: Tự véo chính mình nghe có vẻ giống hành động tự ngược đãi bản thân nhưng đây là giải pháp tốt để bạn chuyển hướng cơn cười và giữ im lặng tốt hơn.
  • Tập trung vào thứ gì đó khác biệt: Nếu bạn sắp cười khi giao tiếp với người khác trong tình huống không phù hợp, bạn có thể thử nhìn sang hướng khác và tập trung vào vật gì đó để đánh lạc hướng suy nghĩ.

Thay đổi tư thế cơ thể và thả lỏng cơ mặt

Việc thay đổi tư thế tâm trạng có thể giúp bạn chuyển đổi cảm xúc, kiểm soát cơ thể đặc biệt là nụ cười tốt hơn. Bạn có thể đứng lên, đi lại hoặc đổi vị trí ngồi. Hoặc có thể thả lỏng cơ mặt, có gắng giữ cơ mặt thư giãn, không để môi co lại nhằm ngăn ngừa việc kéo khóe miệng và bật ra nụ cười.

Bạn cũng có thể ứng phó với việc cười quá nhiều bằng cách:

  • Uống nước hoặc ăn nhẹ để làm dịu hệ thần kinh
  • Thực hành thiền định, yoga để điều chỉnh cảm xúc
  • Xin phép ra ngoài, đi dạo để có thời gian bình tĩnh

Tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý

Cười quá nhiều, cười trong tình huống không phù hợp có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế nghiêm trọng. Chính vì vậy, hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để hiểu lý do tại sao mình lại cười không ngừng.

Tùy vào nguyên nhân, triệu chứng mà bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn có liệu pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc điều trị phù hợp để làm dịu cảm xúc và kiểm soát triệu chứng.

Bài viết đã làm rõ các vấn đề cười nhiều là dấu hiệu bệnh gì? có phải bệnh tâm thần không? Trên thực tế, cười nhiều và không thể kiểm soát là dấu hiệu bất thường cần sớm tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Việc can thiệp điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp cải thiện sớm để chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo:

  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/inappropriate-laughter
  • https://www.verywellmind.com/the-stress-management-and-health-benefits-of-laughter-3145084
  • https://science.howstuffworks.com/life/inside-the-mind/emotions/laughter-medical-symptom.htm
5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *