Sang chấn tâm lý là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Sang chấn tâm lý là hệ quả của việc phải trải qua các sự kiện gây ám ảnh, đe dọa đến cuộc sống và tính mạng con người. Những trải nghiệm này có thể ảnh hưởng đến cách người bệnh cảm nhận và phản ứng với thế giới xung quanh. Việc không được hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề tinh thần, khiến cho việc hồi phục sức khỏe trở nên khó khăn hơn.
Sang chấn tâm lý là gì?
Sang chấn tâm lý hay còn được gọi với tên khác là rối loạn stress sau sang chấn. Sang chấn là từ được dịch bởi từ “trauma” có nguồn gốc từ chữ “traûma” có trong tiếng Hy Lạp cổ. Từ này thường được dùng để nói về sự thiệt hại, tổn thương từng xảy ra trong quá khứ. Hiểu đơn giản thì tình trạng này chính là những nỗi ám ảnh về những sự kiện, kí ức nặng nề và không thể thoát ra được.
Khi người bệnh phải đối diện với những yếu tố sang chấn sẽ trở nên hoảng sợ, lo lắng, bất an và có cảm giác như đang trở lại quá khứ. Chẳng hạn người đã từng bị tai nạn xe sẽ muốn tránh né khi gặp phải loại xe tương tự đã gây tai nạn cho mình. Mặt khác, người mắc phải tình trạng này không trải nghiệm thực tế mà chỉ là người chứng kiến tai nạn, chiến tranh, bạo lực,….
Sang chấn tâm lý có thể khởi phát và xảy ra đối với bất kì đối tượng và lứa tuổi nào. Tuy vậy theo số liệu thống kê, tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn đối với những người trưởng thành trẻ tuổi. Hiện nay, tình trạng này chiếm từ 1 – 3% dân số chung toàn thế giới.
Các loại sang chấn tâm lý thường gặp
Dựa vào sự phân loại của Elliot và Eisdorfer thì tình trạng sang chấn tâm lý sẽ được chia thành 5 loại như sau:
- Yếu tố sang chấn tự nhiên ngắn (brief naturalistic stressor): Có liên quan đến một số các thách thức, tác động tự nhiên một cách ngắn hạn như thi cử không thành công, rớt đại học,….
- Yếu tố sang chấn thời gian giới hạn cấp thời (acute time – limited stressor): Loại sang chấn này sẽ liên quan đến một số thực nghiệm như phát biểu, diễn thuyết, nói chuyện trước nơi đông người.
- Yếu tố sang chấn từ xa ( distant stressor): Thường xuất hiện sớm từ thời thơ ấu và duy trì mãi trong tâm trí cho đến lúc trưởng thành khiến cho nhận thức thay đổi, cảm xúc cũng bị tác động khi hồi tưởng. Chẳng hạn như từng bị lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình, đánh đập, bắt cóc,…
- Yếu tố sang chấn kéo dài (chronic stressor): Các trải nghiệm, sự kiện sang chấn như tai nạn xe, bị bệnh nằm liệt,…. khiến người bệnh phải dần thay đổi về đời sống, nhận thức và hình thành lại vị trí mới trong cuộc sống của mình. Ngoài ra, bản thân người bệnh cũng không thể xác định được cụ thể khi nào các thách thức đó sẽ biến mất.
- Chuỗi sự kiện sang chấn (stressful event sequence): Thường sẽ có vấn đề trọng tâm và kèm theo nhiều sự kiện có liên quan như thiên tai, lũ lụt, sạt lở khiến bệnh nhân bị mất người thân và tài sản, sống trong nghèo khó.
Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý
Sang chấn tâm lý thường sẽ xuất phát từ các sự kiện gây ám ảnh, stress kéo dài trong cuộc sống khiến người bệnh cảm thấy lo lắng và bất an. Tùy vào khả năng chịu đựng của mỗi người mà các sự kiện tác động có thể ở nhiều mức độ khác nhau.
- Những sự kiện liên tục xảy ra
- Sự kiện đã từng xuất hiện trong những năm thời thơ ấu
- Sự kiện xuất hiện một cách bất ngờ không thể đoán trước được
- Sự kiện có liên quan đến các hành vi tàn ác dữ dội
- Không có khả năng ngăn chặn các sự kiện xảy ra
Những sự kiện chấn thương tiềm tàng có thể ảnh hưởng và đe dọa đến cả tính mạng của con người, ngay cả người thân bên cạnh cũng bị tác động tiêu cực. Những tác động đó cũng liên quan đến sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như:
- Bạo lực, lạm dụng trẻ em, bị cưỡng hiếp, người thân tự sát
- Thiên tai như động đất, lũ lụt, sạt lở, hỏa hoạn, bão, lốc xoáy,….
- Các hành vi bạo lực như khủng bố, chiến tranh, cướp có vũ trang,…
- Các vụ tai nạn nghiêm trọng như tai nạn xe, tai nạn lao động,…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết rằng, hầu hết các chấn thương tâm lý đều xuất phát từ sự căng thẳng, stress kéo dài. Việc thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng sẽ khiến cho sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số yếu tố có thể làm tổn thương tâm lý tiềm ẩn như:
- Phẫu thuật
- Sự ra đi của những người thân yêu
- Tan vỡ trong tình yêu, hôn nhân, xảy ra mâu thuẫn, xung đột với những người thân thiết
- Bị chấn thương do hoạt động thể thao và không thể vận động tốt như bình thường
- Được chẩn đoán mắc phải các chứng bệnh nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng
Biểu hiện của sang chấn tâm lý
Những người bị sang chấn tâm lý dễ trở nên nhạy cảm với những thứ xung quanh, đặc biệt là các tình huống, sự vật, hình ảnh có liên quan đến các sự kiện ám ảnh trong quá khứ. Các biểu hiện thường gặp đối với những người bị sang chấn tâm lý gồm:
- Luôn trong trạng thái lo lắng, bất an và nghi ngờ mọi thứ xung quanh
- Tìm cách tránh né mọi thứ có liên quan hay gợi nhớ tình huống, hình ảnh gây chấn thương tâm lý
- Muốn sống tách biệt và xa lánh cuộc sống
- Thường xuyên khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, mơ gặp ác mộng cùng các kí ức xưa cũ
- Cơ thể luôn cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, tim đập không ổn định
- Nhạy cảm, rất dễ giật mình
- Giảm ham muốn tình dục, mất dần các hứng thú đối với những điều xung quanh
- Trở nên hoảng loạn, sợ hãi, tay chân run rẩy, ra nhiều mồ hôi khi gặp sự việc gây ám ảnh
- Giảm sự tập trung, có thể bị lú lẫn, hay quên
- Mất phương hướng, thường xuyên lú lẫn
- Có các hành vi cưỡng chế, ám ảnh
- Cảnh giác một cách cao độ, luôn luôn có sự đề phòng trước những sự kiện có nguy cơ tiềm ẩn
- Có xu hướng muốn tìm đến bia rượu, thuốc lá, các chất gây nghiện, chất kích thích để giải tỏa bớt những nỗi lo lắng, căng thẳng
- Nếu nguyên nhân gây ra có liên quan đến các sự việc không thể ngăn chặn thì người bệnh sẽ có cảm giác tội lỗi, luôn tự trách móc bản thân
- Trường hợp nặng, người bệnh có xu hướng muốn tìm đến cái chết.
Hậu quả sau sang chấn tâm lý
Tình trạng sang chấn tâm lý sẽ khiến cho các kí ức tiêu cực cứ liên tục trỗi dậy và xâm lấn đến toàn bộ tâm trí của người bệnh. Sau đó để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
- Khó tự kiểm soát bản thân: Người bệnh luôn trong trạng thái cảnh giác quá mức, luôn nghi ngờ, dè dặt và có những cảm xúc bộc phát không thể tự kiềm chế.
- Rối loạn cảm xúc: Sau các cơn sang chấn tâm lý, người bệnh muốn che giấu và trốn tránh cảm xúc cùng các sự kiện, hình ảnh gợi nhớ về quá khứ. Bệnh nhân luôn cố gắng tỏ ra bình thường nên thường phải sống với những cảm xúc không thật.
- Thụ động: Những đối tượng bị sang chấn tâm lý hầu như không muốn thực hiện bất kì công việc gì vì nghĩ rằng dù cho làm gì đi nữa cũng không thể chôn vùi được quá khứ và thay đổi được hiện tại.
- Ám ảnh quá khứ: Người bệnh sẽ luôn sống cùng với những kí ức xưa cũ mà không thể thoát ra được những ám ảnh và luôn tự giày vò bản thân.
- Tâm thế bi quan: Những suy nghĩ tiêu cực luôn xuất hiện trong tâm trí khiến người bệnh luôn cho rằng bản thân phải sống trong sự cam chịu và phải tự chịu đựng tất cả mọi thứ. Nhưng đôi lúc bệnh nhân còn xuất hiện tâm lý muốn phủ nhận mọi thứ, cảm thấy bản thân không thể vượt qua được tình trạng này.
Một vài nghiên cứu còn nhận thấy sang chấn tâm lý làm biến đổi hệ thống nội tiết tố, hệ thống thần kinh dựa vào các phản ứng tâm lý – thể lý. Chấn thương tâm lý sẽ tác động trực tiếp đối với vùng não giữa làm suy giảm khả năng chi phối cảm xúc, tư duy logic và ghi nhớ.
Việc thường xuyên phải sống với nỗi ám ảnh khiến cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Bệnh nhân sẽ khó cảm nhận trọn vẹn cảm giác hạnh phúc. Ngoài ra, người bệnh sẽ khó xây dựng và duy trì các mối quan hệ xung quanh mình. Và không dừng lại ở đó, sang chấn tâm lý còn gây tác động lớn đối với quá trình học tập, lựa chọn nghề nghiệp và vấn đề tình cảm.
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý
Để xác định cụ thể về tình trạng bệnh cũng như mức độ sang chấn thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số bài kiểm tra. Sau khi đã có được chẩn đoán chính xác thì mới bắt đầu đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng đối tượng bệnh khác nhau.
Thông thường đối với quá trình chữa trị sang chấn tâm lý thì người bệnh sẽ được khuyến khích áp dụng biện pháp trị liệu tâm lý. Đối với các trường hợp sang chấn nghiêm trọng khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ, mơ gặp ác mộng, cảm xúc bất ổn thì bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kèm theo.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là biện pháp được ưu tiên và đánh giá rất cao trong quá trình cải thiện các chứng bệnh tâm thần, trong đó có sang chấn tâm lý. Thông thường người bệnh muốn che giấu và cố gắng tránh né thứ gây tổn thương, ám ảnh khiến bản thân luôn từ chối việc điều trị nên tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng.
Vì thế, khi được áp dụng trị liệu tâm lý, bệnh nhân sẽ dần cởi mở để thoải mái chia sẻ về những vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Thông qua các buổi trao đổi và trò chuyện, người bệnh sẽ dần hiểu rõ bản thân cũng như biết được các triệu chứng của mình.
Việc có thể mạnh mẽ đối diện với những sự kiện gây sang chấn dần giúp người bệnh vượt qua được các nỗi sợ hãi để quay lại với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để áp dụng liệu pháp tâm lý riêng biệt phù hợp.
Ngoài ra, sau khi kết thúc quá trình trị liệu tâm lý, người bệnh còn được hướng dẫn cách kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Đồng thời, các nhà trị liệu còn dạy bệnh nhân cách đối mặt và xử lý vướng mắc cùng thách thức trong cuộc sống, qua đó nâng cao kỹ năng cần thiết để hòa nhập tốt.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Khi điều trị sang chấn tâm lý, phương pháp chính vẫn là trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, thuốc có thể được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị. Điều quan trọng là thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể điều trị dứt điểm sang chấn tâm lý.
Thuốc chống trầm cảm: Đây là nhóm thuốc thường được sử dụng để cải thiện cảm xúc buồn bã, lo âu và rối loạn giấc ngủ liên quan đến sang chấn tâm lý. Các loại thuốc chống trầm cảm bao gồm:
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs): Sertraline, Paroxetine, Fluoxetine và Fluvoxamine giúp tăng cường mức serotonin trong não để cải thiện tâm trạng và giảm lo âu.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Doxepin, Amitriptyline và Anafranil có tác dụng giảm lo âu và cải thiện giấc ngủ dù có thể gây nhiều tác dụng phụ.
- Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs): Phenelzine và Isocarboxazid ít được sử dụng do nguy cơ tương tác thuốc nhưng có thể giúp cải thiện tâm trạng.
Thuốc chống loạn thần: Được sử dụng để điều trị các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng và làm giảm kích động với Aripiprazole và Risperidone.
Thuốc an thần nhóm benzodiazepine: Cần lưu ý rằng nhóm thuốc này có nguy cơ gây nghiện nên chỉ được dùng ngắn hạn với Diazepam và Alprazolam.
Thuốc chẹn beta: Metoprolol và Atenolol có thể làm giảm triệu chứng thể chất như hồi hộp và tăng huyết áp.
Thuốc kháng histamine: Hydroxyzin được dùng để giảm lo âu, ngủ ngon và đây là lựa chọn khi không thể sử dụng thuốc an thần.
Thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh: Thuốc Ginkgo Biloba và Piracetam được sử dụng nhằm cải thiện chức năng não bộ và hỗ trợ phục hồi sau sang chấn.
Cách tự chăm sóc, cải thiện sang chấn tâm lý
Nếu bạn cứ cố gắng tránh né và không biết cách khống chế cảm xúc của bản thân thì các triệu chứng này sẽ ngày càng gia tăng và theo bạn đến suốt cuộc đời. Mặt khác, việc cố ép chính mình liên tục phải suy nghĩ, trải nghiệm lại các cảm giác đó cũng không phải là cách hiệu quả. Tốt nhất cần lên kế hoạch cụ thể cho quá trình kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của chính mình.
- Thư giãn nhiều hơn: Người bệnh phải thử nhiều biện pháp thư giãn thông qua dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập yoga, ngồi thiền, hít thở sâu. Cùng với đó là thực hiện các hoạt động thư giãn khác như nghe nhạc, đọc sách, chăm sóc cây cảnh, nấu ăn,….để tinh thần được thoải mái hơn.
- Trò chuyện với người thân, bạn bè: Nếu nhận thấy cảm xúc không được ổn định, bệnh nhân nên cởi mở tâm sự nhiều hơn với bạn bè, người thân để giải tỏa, tránh tình trạng cố gắng chịu đựng một mình. Đôi khi nó sẽ giúp người bệnh nhận được nhiều lời khuyên hữu ích và tích cực.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, chất lượng giấc ngủ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, duy trì các hoạt động tích cực và hạn chế việc sử dụng các chất gây nghiện.
- Ngừng đổ lỗi cho bản thân: Cần nhận thức rằng sự việc không phải lỗi do mình và không phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Hãy tập trung chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết để hồi phục.
- Hướng tới đời sống tích cực: Học cách suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra bất kì lời nhận xét, đánh giá, lựa chọn. Tìm kiếm niềm vui trong những hoạt động hàng ngày, thiết lập các mục tiêu nhỏ và khen thưởng bản thân khi đạt được.
Cách giúp đỡ người bị sang chấn tâm lý
Người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết nên dành nhiều thời gian để hỗ trợ người bệnh, cố gắng động viên và khích lệ để bệnh nhân có thể mau chóng thoát khỏi trạng thái ám ảnh do sang chấn tâm lý gây ra.
- Đừng so sánh cách hồi phục của người thân với chính mình hoặc bất kỳ ai khác
- Giúp đỡ công việc nhà để người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm hơn và dễ dàng trở lại với thói quen hàng ngày
- Không ép buộc người bệnh nói chuyện và cho biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe khi đối phương muốn chia sẻ
- Động viên người thân tham gia các hoạt động như tập thể dục, theo đuổi sở thích, ra ngoài gặp gỡ bạn bè để có thêm sự thư giãn và tìm lại niềm vui trong cuộc sống
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sang chấn tâm lý trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống cũng là lúc người bệnh cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy cá nhân nên tìm đến bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ cần thiết:
- Khó hoàn thành công việc ở nhà, nơi làm việc
- Không thể xây dựng các mối quan hệ thân thiết
- Cảm thấy sợ hãi, lo lắng, có triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng
- Thường xuyên trải qua những ký ức đáng sợ, cơn ác mộng
- Cảm thấy ngày càng muốn tránh xa bất cứ điều gì liên quan đến sang chấn
- Cảm thấy cảm xúc của mình bị tê liệt, mất kết nối với người khác
- Có xu hướng sử dụng rượu, ma túy để tâm trạng trở nên khá hơn
Sang chấn tâm lý có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, không phân biệt giới tính, độ tuổi, tầng lớp,… Để hạn chế tối đa được các hệ lụy nguy hiểm của tình trạng này bạn nên chủ động hơn trong việc thăm khám và điều trị ngay khi nhận thấy các triệu chứng nhận biết của bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn tâm lý là gì? Các dạng rối loạn tâm lý thường gặp
- Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình) là gì?
- Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là gì?
Nguồn tham khảo:
- https://www.helpguide.org/mental-health/ptsd-trauma/coping-with-emotional-and-psychological-trauma
- https://jedfoundation.org/resource/understanding-emotional-trauma/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!