Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Rate this post

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ thường khởi phát trong giai đoạn từ 6 – 12 tuổi. Đây là một dạng rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi tình trạng bốc đồng, tăng động, hấp tấp và giảm chú ý/ tập trung. Bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với quá trình học tập, phát triển tư duy, nhận thức và các mối quan hệ trong cuộc sống.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em là rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm (từ 6 – 12 tuổi)

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm từ thời thơ ấu. Đa phần trẻ đều xuất hiện các triệu chứng trước khi vào lớp 1. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng giảm tập trung/ chú ý và tăng động, bốc đồng, hiếu động quá mức. Trẻ có thể gặp 1 trong 2 nhóm triệu chứng hoặc có thể có cả 2 dạng triệu chứng trên.

Ước tính, khoảng 9% trẻ nhỏ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, trong khi tỷ lệ ở người lớn chỉ dao động từ 2 – 5%. Điều này cho thấy các triệu chứng của ADHD giảm dần khi trưởng thành. Tương tự như các rối loạn hành vi khác, bệnh lý này gặp nhiều hơn ở bé trai với tỷ lệ gấp 2 – 5 lần so với bé gái.

Ở nước ta, khảo sát về tỷ lệ trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý đã được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long. Khảo sát vào năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc ADHD tại một trường cấp 1 rơi vào khoảng 6.5% và khảo sát vào năm 2009 tại một trường tiểu học ở tỉnh Vĩnh Long cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc bệnh lý này chiếm khoảng 7.7%.

Tương tự như các rối loạn khác, rối loạn tăng động giảm chú ý ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển những kỹ năng cá nhân, xã hội, quá trình học tập, phát triển tư duy và nhận thức. Ngoài ra, một thách thức lớn ở trẻ bị ADHD là thường đồng mắc với các rối loạn phát triển thần kinh khác bao gồm rối loạn học tập, chậm phát triển trí tuệ và bệnh tự kỷ.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Triệu chứng nhận biết tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường có 1 trong 3 nhóm triệu chứng là thể giảm chú ý chiếm ưu thế, thể bốc đồng/ tăng động chiếm ưu thế và dạng kết hợp. Các triệu chứng thường khởi phát trước 12 tuổi, xảy ra trong ít nhất 2 môi trường (nhà trường, môi trường gia đình) và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến việc học, kỹ năng cá nhân, chức năng xã hội,…

1. Nhóm biểu hiện giảm chú ý

Với nhóm biểu hiện giảm chú ý, các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ mắc đồng đều ở bé trai và bé gái. Trong khi dạng bốc đồng/ tăng động và dạng kết hợp gặp nhiều hơn ở bé trai. Các triệu chứng giảm chú ý ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp thu và học tập của trẻ.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thường lơ đễnh, không tập trung khi học tập và dễ bị phân tán bởi những kích thích bên ngoài

Các biểu hiện giảm chú ý thường gặp ở trẻ ADHD:

  • Lơ đễnh trong giờ học hoặc khi lắng nghe lời dặn dò của bố mẹ dẫn đến thường xuyên phạm lỗi. Trẻ mắc chứng ADHD thường không chú ý đến chi tiết trong lời nói nên đa phần đều làm sai dặn dò của thầy cô và người thân trong gia đình.
  • Rất khó có thể tập trung và duy trì sự tập trung khi học tập, vui chơi
  • Trẻ thường không chú ý vào lời nói của người khác, đặc biệt là khi nói chuyện trực tiếp
  • Thường xuyên làm mất đồ do lơ đễnh
  • Không hoàn thành một cách chỉn chu hoặc không thực hiện các nhiệm vụ được giao
  • Khó khăn khi lên kế hoạch học tập một cách khoa học, hệ thống
  • Trẻ thường xuyên quên mất các công việc phải thực hiện mỗi ngày
  • Dễ bị thu hút bởi những kích thích bên ngoài (những kích thích này thường không ảnh hưởng đến các trẻ khác như tiếng máy bay, gió, lá cây đung đưa,…)
  • Trẻ thường có phản ứng do dự, né tránh và có biểu hiện không thích thực hiện các hoạt động cần phải duy trì sự tập trung

2. Nhóm biểu hiện tăng động, bốc đồng

Bên cạnh giảm chú ý, trẻ mắc hội chứng ADHD còn các hành vi hiếu động quá mức, hấp tấp và bốc đồng. So với tình trạng giảm tập trung, nhóm biểu hiện này dễ nhận biết và rõ rệt hơn ở bé trai.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Trẻ mắc hội chứng ADHD thường có các hành vi hiếu động quá mức, bốc đồng, hấp tấp,…

Các biểu hiện bốc đồng, tăng động ở trẻ mắc hội chứng ADHD:

  • Hay cựa quậy và lắc tay chân, bồn chồn khi phải ngồi yên một chỗ
  • Trẻ thường đứng dậy rời khỏi chỗ nếu bị yêu cầu giữ yên lặng và không được cử động
  • Trẻ không thích các trò chơi tư duy, thay vào đó là yêu thích trò chơi thể chất và thường tạo ra âm thanh lớn khi chơi.
  • Thường chạy và leo cầu thang quá nhiều
  • Trẻ thường có biểu hiện lắc người như đang di chuyển trên xe và không lúc nào giữ cơ thể ở yên một chỗ
  • Nói quá nhiều gây phiền nhiễu đến những người xung quanh
  • Thường cắt ngang khi người khác chưa nói xong hoặc nói leo
  • Khó khăn khi phải chờ đến lượt mình nên trẻ thường bỏ đi hoặc giành chỗ của người khác
  • Đưa ra câu trả lời trước khi câu hỏi kết thúc

Ngoài những triệu chứng trên, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có một số biểu hiện khác nếu mắc đồng thời với rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối và các bệnh thực thể làm giảm khả năng chú ý.

Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các chuyên gia đều ủng hộ giả thuyết ADHD là kết quả giữa các yếu tố nội sinh và tác động từ môi trường. Khác với các rối loạn hành vi khác, ADHD hầu như không liên quan đến cách giáo dục nhưng có thể tăng mức độ triệu chứng nếu trẻ không nhận được sự quan tâm đúng mực.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Hội chứng ADHD ở trẻ em có liên quan đến gen di truyền, nhiễm độc chì và các biến chứng thai kỳ

Một số nguyên nhân, yếu tố được cho là có thể gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em:

  • Gen di truyền
  • Giải phẫu não bộ bất thường
  • Mẹ sử dụng rượu bia và thuốc lá trong thời gian mang thai hoặc tiền sử tiểu đường thai kỳ
  • Nhiễm độc chì và các kim loại nặng
  • Sống trong cảnh nghèo đói, cực khổ
  • Chấn thương vùng đầu
  • Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh
  • Sinh non
  • Mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh lý như rối loạn thách thức chống đối (ODD), rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc,… cũng có nguy cơ bị ADHD cao hơn.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ có ảnh hưởng gì không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý là vấn đề sức khỏe lớn, cần được quan tâm. Trước đây, không ít người nhầm lẫn các biểu hiện của ADHD là đặc trưng tính cách của trẻ ngang bướng, cứng đầu, lì lợm,… Vì không được thăm khám – điều trị cộng với thái độ chỉ trích, la mắng từ bố mẹ, hầu hết trẻ bị ADHD trước đây đều phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Trong những năm gần đây, rối loạn tăng động giảm chú ý đã được nghiên cứu và quan tâm nhiều hơn. Mặc dù căn nguyên có nhiều điểm chưa rõ và điều trị còn khá nhiều thách thức nhưng nhìn chung, trẻ được điều trị sớm và đúng cách có thể học tập và phát triển bình thường.

Tuy nhiên với những trẻ không được giáo dục trong môi trường phù hợp, trẻ có thể phải đối mặt với sự chỉ trích từ thầy cô, sự xa lánh và cô lập từ bạn bè. Tình trạng này khiến cho trẻ trở nên lầm lì, có hành vi chống đối, dễ phát triển chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Ngoài ra, trẻ mắc chứng ADHD không được điều trị có thể trở nên hung hăng, nảy sinh những hành vi tàn bạo, thiếu lương tâm, giảm trí thông minh, méo mó trong nhận thức và suy nghĩ.

Rối loạn tăng động giảm chú ý không được điều trị sớm sẽ gia tăng nguy cơ phạm tội khi đến tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành. Ước tính, khoảng 30 – 50% trẻ vẫn có các triệu chứng ADHD khi trưởng thành nhưng mức độ thường nhẹ hơn. Với những trường hợp này, điều trị và chăm sóc cần phải thực hiện dài hạn để hạn chế phiền toái và ổn định chất lượng cuộc sống lâu dài.

Chẩn đoán ADHD ở trẻ

Hội chứng ADHD ở trẻ được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng. Biểu hiện của trẻ ở phòng khám/ bệnh viện thường không phản ánh được 100% tình trạng bệnh. Do đó, bác sĩ sẽ kết hợp khai thác triệu chứng thông qua người thân, tìm hiểu các yếu tố và nguyên nhân gia tăng nguy cơ gây bệnh.

Hội chứng ADHD ở trẻ em
Hội chứng ADHD ở trẻ em được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5 và ICD-10 của Hội Tâm thần Hoa Kỳ

Bên cạnh đánh giá thông qua tiêu chuẩn DSM-5 và ICD-10, trẻ có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý cũng phải thực hiện thêm một số kỹ thuật để tránh nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán. Các kỹ thuật thường được áp dụng trong chẩn đoán ADHD ở trẻ:

  • Đo chỉ số thông minh (thường không bắt buộc)
  • Phiếu đánh giá được thực hiện bởi giáo viên và phụ huynh
  • Điện não đồ

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được chẩn đoán phân biệt với bệnh tự kỷ, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, chậm phát triển có rối loạn hành vi và các bệnh thực thể có thể gây ra tình trạng giảm chú ý.

Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Nguyên tắc chính khi điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý cho trẻ là sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và bác sĩ. Trước tiên, cần cải thiện mối quan hệ của trẻ với mọi người để giảm thiểu các hành vi chống đối, làm phiền người khác.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp nhằm cải thiện khả năng học tập, giảm thiểu các hành vi không phù hợp, tăng lòng tự trọng, tính tự lập,… Ngoài ra, điều trị còn được thực hiện với mục đích giảm thiểu tai nạn xảy ra đối với trẻ (trẻ ADHD thường có những hành vi hấp tấp dễ gây tai nạn như leo cầu thang quá nhanh, chạy nhảy, qua đường không quan sát,…).

Tương tự như các rối loạn khác thường gặp ở trẻ nhỏ, rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ được điều trị bằng liệu pháp hành vi và sử dụng thuốc:

1. Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi là phương pháp quan trọng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Liệu pháp này được thực hiện nhằm củng cố những hành vi tốt thông qua yêu cầu, hướng dẫn rõ ràng. Với các hành vi không mong đợi, chuyên gia/ bố mẹ nên phớt lờ hoặc có thể đưa ra hình phạt phù hợp tùy theo tâm lý cụ thể của từng trẻ.

Liệu pháp hành vi sẽ được thực hiện bởi nhà trị liệu với trẻ và gia đình. Quá trình trị liệu có thể kéo dài khoảng vài tuần đến vài tháng tùy theo diễn tiến tâm lý. Khi trị liệu, các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bố mẹ cách giáo dục phù hợp để tăng lòng tự trọng, hình thành tính trách nhiệm và khả năng chịu đựng của bé.

Phương pháp điều trị trẻ ADHD
Liệu pháp hành vi là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý

Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý rất nhạy cảm với lời phê bình, chỉ trích từ người khác. Do đó, gia đình cũng sẽ được trị liệu để đồng cảm, thấu hiểu với cảm xúc và hành vi của bé. Từ đó có phản ứng phù hợp nhằm xoa dịu cảm xúc và giúp trẻ hình thành những thói quen tốt.

Nhìn chung, liệu pháp hành vi mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Ngoài liệu pháp này, trẻ cũng được thực hiện một số liệu pháp hỗ trợ khác để rèn luyện kỹ năng cá nhân, xã hội và có thể phát triển tư duy một cách toàn diện.

2. Điều trị bằng thuốc

Đối với trẻ dưới 6 tuổi, trị liệu tâm lý đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên với trẻ từ 6 tuổi trở lên, dùng thuốc được xem là phương pháp chính. Trẻ cũng sẽ được trị liệu tâm lý để điều chỉnh hành vi và có thêm những kỹ năng cần thiết phục vụ cho cuộc sống.

nguyên nhân trẻ bị adhd
Sử dụng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị ADHD ở trẻ em:

  • Thuốc kích thích thần kinh: Thuốc kích thích thần kinh (Methylphenidate, Amphetamine) được sử dụng rộng rãi trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Thuốc được sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên và liều lượng được điều chỉnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, độ tuổi và khả năng đáp ứng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ khi dùng và có thể khiến trẻ chậm tăng trưởng nếu dùng quá 2 năm.
  • Thuốc không kích thích thần kinh: Nhóm thuốc này bao gồm 2 loại là thuốc ức chế tái hấp thu noradrenaline (Atomoxetine) và thuốc tác động lên thụ thể apha 2/ thuốc hạ huyết áp (Clonidine, Guanfacine). Thuốc không kích thích thần kinh mang lại hiệu quả khá cao nhưng có thể khiến trẻ bị kích động và nóng giận.
  • Một số loại thuốc khác: Trong trường hợp trẻ có biểu hiện lo âu, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc điều chỉnh khí sắc, một số loại thuốc tăng tuần hoàn não và bồi bổ thần kinh.

3. Sự hỗ trợ từ gia đình

Hiện nay, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý còn khá nhiều thách thức và một số trẻ vẫn còn các biểu hiện ADHD khi bước vào tuổi trưởng thành. Để kiểm soát các hành vi không phù hợp và giúp trẻ có thêm kỹ năng nhằm phục vụ cho cuộc sống, gia đình cũng cần có các biện pháp hỗ trợ.

nguyên nhân trẻ bị adhd
Tập yoga giúp trẻ cải thiện sức khỏe thể chất, rèn luyện tính kiên nhẫn, giảm tình trạng hấp tấp và bốc đồng

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em:

  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất đã được chứng minh mang lại hiệu quả nhất định trong điều trị ADHD ở trẻ em. Ngoài việc bổ sung các thực phẩm lành mạnh, cần cho trẻ kiêng cữ thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, giảm lượng muối và đường.
  • Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, để giảm sự hiếu động quá mức của bé, nên khuyến khích trẻ tập yoga. Bộ môn này giúp cải thiện độ dẻo dai, săn chắc, đồng thời có thể giảm tình trạng tăng động và hấp tấp của trẻ bị hội chứng ADHD.
  • Bố mẹ nên đưa ra những quy tắc để trẻ thực hiện theo. Tuy nhiên, những quy tắc này phải dễ hiểu, ngắn gọn và phù hợp để tránh tình trạng trẻ không chú ý và thực hiện không đúng.
  • Tăng lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm bằng cách nhờ trẻ thực hiện một số việc nhà đơn giản. Khi trẻ hoàn thành, cần đưa ra lời khen và động viên để khích lệ.
  • Gia đình nên dành thời gian trò chuyện và đọc sách với bé. Các hoạt động này giúp tăng khả năng tập trung, cải thiện tư duy và giảm thiểu những hành vi tăng động, hấp tấp và hiếu động quá mức.
  • Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường không có khả năng hệ thống và lên kế hoạch. Do đó, bố mẹ nên hỗ trợ trẻ lên kế hoạch các nhiệm vụ phải thực hiện trong ngày (nên bắt đầu với ít nhiệm vụ, sau đó tăng dần lên). Ban đầu, bố mẹ nên thực hiện cùng với trẻ để đảm bảo trẻ tập trung và hoàn thành tốt. Khi trẻ có biểu hiện tích cực, có thể để trẻ tự thực hiện.
  • Trẻ nhỏ dễ bị lệ thuộc quá mức vào gia đình hoặc chống đối, thách thức khi không nhận được sự quan tâm, chăm sóc. Do đó khi chăm sóc trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý, bố mẹ cần tạo ra các hành động yêu thương và quan tâm đúng mực.
  • Hướng dẫn trẻ một số quy tắc khi đến nơi công cộng để tránh các hành vi không mong đợi. Nếu trẻ ngoan ngoãn và thực hiện tốt, nên có phần thưởng để khuyến khích.
  • Tránh các game bạo lực, thay vào đó nên cho trẻ tham gia các trò chơi yêu cầu phải tập trung và tư duy như chơi rubik, ghép tranh, giải đố vui,… Trẻ mắc bệnh lý này rất ghét những hoạt động phải tập trung cao nên gia đình cần chơi cùng để tạo cảm giác hào hứng và vui vẻ.
  • Khi trẻ có hành vi xấu, nên đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng và phớt lờ trẻ. Tránh la mắng khiến trẻ phát sinh các hành vi tăng động, thách thức và chống đối người lớn.
  • Có thể cho trẻ tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật để rèn luyện tính kiên nhẫn, giảm tình trạng hấp tấp và bốc đồng.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ khiến quá trình học tập, phát triển tư duy và kỹ năng cá nhân, xã hội bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, gia đình cần quan tâm và cho trẻ thăm khám ngay khi nhận thấy các biểu hiện khác thường. Song song với các phương pháp chuyên sâu, cần lên kế hoạch chăm sóc phù hợp để giúp trẻ cải thiện hành vi và phát triển một cách bình thường.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *