Bệnh loạn thần: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Bệnh loạn thần là một dạng rối loạn thần kinh cực kì nguy hiểm với hai triệu chứng đặc trưng là hoang tưởng và ảo giác. Tình trạng rối loạn thần kinh xảy ra ở người bệnh có thể thúc đẩy họ thực hiện những hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc những người xung quanh.
Bệnh loạn thần là gì?
Loạn thần là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, loại bệnh này được xếp vào nhóm rối loạn thần kinh nghiêm trọng cần phải được điều trị theo đúng phác đồ và người bệnh cũng cần nhận được sự chăm sóc và quan tâm đặc biệt. Đây là tình trạng mà người bệnh không có khả năng tự kiểm soát suy nghĩ của chính mình, họ không thể tự suy nghĩ hay đưa ra phán đoán đối với việc bản thân đã và sắp thực hiện. Đồng thời bệnh nhân cũng sẽ không thể tự điều khiển và suy xét cảm xúc của mình như những người bình thường khác.
Dựa vào nhiều yếu tố như nguyên nhân, các biểu hiện của rối loạn thần kinh mà các chuyên gia đã phân bệnh loại thần thành các loại cụ thể như sau:
- Tâm thần phân liệt: Đây là dạng bệnh thường gặp nhất với những sự biến đổi về hành vi, người bệnh sẽ liên tục gặp phải các hoang tưởng, ảo giác. Những triệu chứng bệnh sẽ kéo dài tối thiểu 6 tháng và có tác động tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến học tập, công việc và cản trở nhiều đối với những mối quan hệ xung quanh của người bệnh.
- Rối loạn phân liệt cảm xúc: Những đối tượng mắc phải dạng bệnh này sẽ tồn tại các triệu chứng tương tự như chứng tâm thần phân liệt. Đồng thời bệnh nhân sẽ có thêm một số biểu hiện của lưỡng cực, rối loạn thần kinh và khí sắc nghiêm trọng.
- Rối loạn dạng phân liệt: Các triệu chứng của bệnh cũng sẽ tương tự như tình trạng tâm thần phân liệt, tuy nhiên thời gian tồn tại các triệu chứng sẽ được rút ngắn.
- Rối loạn loạn thần ngắn: Đối với dạng bệnh loạn thần này thì người bệnh sẽ có các hành vi loạn thần xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn. Nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh này đó chính là sự áp lực, stress về mặt tâm lý. Đối với dạng bệnh này thì thời gian kéo dài bệnh ngắn và nếu được can thiệp đúng cách sẽ hồi phục rất nhanh.
- Rối loạn hoang tưởng: Dạng bệnh này được đánh giá có mức độ nghiêm trọng nặng. Bệnh nhân sẽ bị rối loạn thần kinh, đồng thời sẽ không còn khả năng để phân biệt được những điều hoang tưởng và thực tế.
- Rối loạn loạn thần chia sẻ: Những đối tượng mắc phải chứng bệnh này sẽ bị hoang tưởng và có niềm tin mãnh liệt vào những điều mà những người xung quanh hoặc người bạn bị hoang tưởng chia sẻ.
- Rối loạn loạn thần do sử dụng các chất kích thích: Người mắc phải chứng bệnh này sẽ xuất hiện các ảo tưởng, hoang tưởng và những lời nói sex không rõ nội dung, khó hiểu. Nguyên nhân phổ biến có thể gây nên dạng bệnh này đó chính là việc sử dụng hoặc quá trình cai các loại thuốc gây ảo giác, cocain,…
- Rối loạn loạn thần thứ phát sau các bệnh khác: Sau khi các chức năng của não bộ bị tác động, ví dụ như bị chấn thương đầu, khối u não,…có thể làm xuất hiện tình trạng hoang tưởng, ảo tưởng hoặc những biểu hiện của bệnh loạn thần.
- Hoang tưởng paraphrenia: Đây là một dạng bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ có các triệu chứng chung của tâm thần phân liệt.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh loạn thần
Cũng giống như các bệnh rối loạn thần kinh khác, chứng loạn thần hiện nay vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và tìm hiểu thì các chuyên gia cũng tìm thấy một số yếu tố nguy cơ như sau:
- Do yếu tố di truyền: Các nhà khoa học cũng đã thực hiện một số nghiên cứu chuyên khoa và nhận thấy rằng bệnh loạn thần có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong thực tế những gia đình có người thân từng mắc phải chứng bệnh này hoặc các dạng bệnh tương tự thì khả năng các thành viên còn lại mắc bệnh sẽ cao hơn so với bình thường.
- Do hormone: Các chuyên gia cho biết rằng, phụ nữ sau khi sinh là đối tượng dễ mắc phải chứng loạn thần. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể khiến cho tỉ lệ phụ nữ sau sinh mắc bệnh vẫn chưa thể được xác định chính xác. Dù vậy, các nhà khoa học nhận thấy, sự biến đổi về nồng độ các hormone bên trong cơ thể của người mẹ và sự rối loạn giấc ngủ có thể là lý do làm khởi phát các triệu chứng bệnh loạn thần.
- Các thay đổi bên trong não bộ: Sự thay đổi bên trong cấu trúc của bộ não và một vài chất hóa học đã được tìm thấy ở những người bệnh loạn thần. Sau khi tiến hành chụp phim quét não nhận thấy lượng chất xám trong não của những người bệnh có tiền sử bị loạn thần có dấu hiệu giảm.
Bệnh loạn thần thường sẽ xảy ra ở cuối độ tuổi vị thành niên, trung bình từ khoảng 20 đến 30 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở nam và nữ như nhau.
Dấu hiệu nhận biết bệnh loạn thần
Những đối tượng mắc bệnh loạn thần sẽ bị rối loạn thần kinh, từ đó làm xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như hoang tưởng, ảo tưởng và các hành vi suy nghĩ sáo rỗng, không đúng thực tế. Cụ thể như sau:
1. Hoang tưởng
Hoang tưởng chính là sự ấn tượng hoặc một niềm tin sai lầm nào đó được người bệnh duy trì vững chắc cho dù nó có đi ngược lại với thực tế hoặc những điều mà người khác cho là đúng đắn. Hoang tưởng có thể được biểu hiện qua các chủ đề khác nhau như:
- Hoang tưởng liên hệ: Người bệnh khi xuất hiện triệu chứng hoang tưởng liên hệ sẽ có cảm giác dường như mọi thứ xung quanh đều có sự gắn kết, liên quan đến bản thân. Chẳng hạn như khi họ nhận được một tin nhắn nào đó, dù nội dung tin nhắn hết sức bình thường nhưng người bệnh vẫn có suy nghĩ rằng đối phương đang muốn gửi một thông điệp đặc biệt nào đó. Hoặc khi đi trên đường họ có cảm giác rằng mọi người đang nhìn mình, có người đang theo dõi và giám sát mọi hoạt động của mình nhưng trên thực tế điều đó hoàn toàn không có thực, hoặc thậm chí không có ai xung quanh họ.
- Hoang tưởng tự cao: Với chủ đề này thì người bệnh sẽ có một niềm tin vững vàng đối với một hoặc nhiều khả năng đặc biệt của mình. Họ tin rằng bản thân có một năng lực hoặc tài năng vượt trội nào đó mà người khác không thể nào sánh bằng.
- Hoang tưởng cơ thể: Dạng hoang tưởng này sẽ làm cho người bệnh luôn có suy nghĩ rằng bản thân đang mắc phải một chứng bệnh nan y nguy hiểm nào đó. Tuy nhiên, sau khi đã tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán thì nhận thấy cơ thể họ vẫn đang hoạt động bình thường, hoàn toàn không có bất kì dấu hiệu bất ổn nào (ngoại trừ tình trạng về sức khỏe tâm thần).
2. Ảo giác
Bên cạnh triệu chứng hoang tưởng thì những người mắc bệnh loạn thần còn xuất hiện rất nhiều ảo giác. Người bệnh sẽ xuất hiện các suy nghĩ ảo tưởng, tức là họ có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận hoặc ngửi được những điều vốn dĩ không có thật, không tồn tại trong thực tế. Một số loại ảo giác thường gặp ở người bệnh loạn thần như:
- Ảo thị: Bệnh nhân sẽ nhìn thấy các hình ảnh mơ hồ, không thực. Ví dụ như họ sẽ liên tục nói rằng bản thân nhìn thấy những người thân đã qua đời hoặc Phật Quan Âm, ma quỷ,…
- Ảo xúc: Loại ảo giác này sẽ thường gặp ở những người bệnh nghiện rượu nhưng đang trong giai đoạn cai. Họ sẽ có cảm giác như bị kim châm vào người, kiến bò lên da thịt.
- Ảo thanh: Những đối tượng gặp phải tình trạng ảo thanh sẽ liên tục nghe thấy những âm thanh kì lạ, chúng xuất hiện từ đơn giản cho đến phức tạp. Cụ thể như họ có thể nghe thấy tiếng nói của người hàng xóm, của tàu còi mặc dù xung quanh không có bất kì ai hoặc toa tàu nào. Thậm chí người bệnh có thể nghe thấy giọng nói rất xa lạ của một người chưa từng gặp mặt.
Khi mắc phải triệu chứng ảo giác, người bệnh sẽ có cảm giác rất chân thực về những điều mình nhìn, nghe và cảm nhận. Tuy nhiên trên thực tế những thứ đó hoàn toàn không có thực hoặc không tồn tại vào thời điểm đó.
Những ảnh hưởng của bệnh loạn thần
Như đã chia sẻ ở trên, loạn thần là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Nếu không kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp đúng đắn thì có thể gây nên rất nhiều sự ảnh hưởng đối với sức khỏe, đời sống hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân và những người thân bên cạnh. Một số ảnh hưởng mà chứng loạn thần có thể gây ra như:
- Rơi vào tình trạng nghiện ngập: Thông thường, khi liên tục đối mặt với những triệu chứng hoang tưởng, ảo tưởng thì người bệnh sẽ có nhiều xu hướng tìm đến bia rượu, các chất kích thích. Bệnh nhân sẽ lạm dụng các chất này nhằm kiểm soát tạm thời các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều các chất gây nghiện sẽ khiến cho chứng bệnh loạn thần càng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể làm khởi phát thêm các vấn đề sức khỏe nặng nề.
- Tự làm hại đến bản thân hoặc có ý định tự sát: Khi các triệu chứng bệnh không được khắc phục tốt sẽ khiến cho bệnh nhân trở nên mất kiểm soát, thực hiện các hành vi tự làm hại bản thân hoặc nhiều lần muốn tự sát. Do đó, sẽ dễ thấy trên cơ thể của những người bệnh loạn thần sẽ có nhiều vết bầm, vết bỏng, vết cắt trên chân, tay, cổ, ngực,…Đồng thời, họ cũng sẽ có xu hướng muốn che giấu những tổn thương đó và rất sợ người khác phát hiện.
- Gây hại đến những người xung quanh: Khi những niềm tin, những lời nói của họ không được người khác tin tưởng hoặc bị phản bác một cách tiêu cực sẽ khiến cho tâm trạng của họ trở nên bất loạn, nhiều khả năng sử dụng các hành vi, ngôn ngữ cực đoan, thô bạo với những người xung quanh, thậm chí có thể đe dọa giết người.
Cách chẩn đoán bệnh loạn thần
Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường thì người bệnh cần chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Để có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh loạn thần thì các bác sĩ sẽ tiến hành trò chuyện, trao đổi trực tiếp với bệnh nhân.
Sau đó tiến hành kiểm tra và tìm ra lý do gốc rễ gây ra bệnh. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh học não để có thể loại trừ tốt các bệnh thực thể hoặc những rối loạn có liên quan đến việc lạm dụng chất.
Nếu sau khi đã thực hiện hầu hết các xét nghiệm nhưng không tìm ra được các yếu tố thực thể để lý giải cho các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải thì bác sĩ có thể giới thiệu và hướng dẫn người bệnh tìm gặp bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý. Sau khi đến gặp các chuyên gia sức khỏe tâm thần thì bạn sẽ được yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra và áp dụng các công cụ đánh giá đặc biệt nhằm giúp cho việc chẩn đoán được chính xác hơn.
Chẩn đoán sớm
Nếu có thể phát hiện, chẩn đoán sớm tình trạng bệnh loạn thần sẽ giúp cho quá trình điều trị được hiệu quả và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể nhận biết được bệnh ngay từ các giai đoạn đầu tiên. Thông thường, bệnh loạn thần ở mức độ nhẹ dẫn đến tình trạng tâm thần phân liệt sẽ được điều trị trễ sau khoảng 2 năm. Còn đối với các trường hợp loạn thần mức độ nghiêm trọng có thể không tồn tại các triệu chứng ở những năm về trước cho đến khi được phát hiện và điều trị đặc hiệu.
Do đó, để có thể hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán bệnh càng sớm thì các nhà tâm thần học cũng đã xem xét kỹ lưỡng về các chẩn đoán loạn thần ở những đối tượng bệnh trẻ tuổi với những triệu chứng như:
- Tự tách rời và cô lập bản thân với xã hội, có xu hướng không muốn giao tiếp, gặp gỡ, trò chuyện với bất kì ai.
- Giảm hiệu quả và năng suất học tập, làm việc trong một khoảng thời gian kéo dài.
- Thay đổi cảm xúc một cách bất thường, dễ buồn, dễ khóc hoặc cũng rất dễ nóng giận, cáu gắt, kích động vô cớ.
Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì phương pháp xét nghiệm sinh học nào có khả năng chẩn đoán chính xác và cụ thể về chứng bệnh loạn thần. Thông thường các xét nghiệm được yêu cầu thực hiện chủ yếu để góp phần loại bỏ những vấn đề y khoa có khả năng gây ra những triệu chứng tương tự.
Nếu nghi ngờ một người mắc phải chứng loạn thần thì các chuyên gia sẽ tiến hành chẩn đoán dựa vào việc thăm khám và tìm hiểu cụ thể về tình trạng bệnh sử của bệnh nhân cũng như các người thân trong gia đình. Các bác sĩ tâm thần sẽ tiến hành việc kiểm tra và khai thác về các cảm xúc, suy nghĩ, biểu hiện, hành vi hàng ngày của người bệnh.
Khi những triệu chứng của bệnh loạn thần được xếp vào cùng nhóm với các rối loạn tâm thần thì sẽ có các tiêu chuẩn chẩn đoán cố định. Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM của Hội tâm thần học Hoa Kì để chẩn đoán chứng bệnh nguy hiểm này.
Điều trị bệnh loạn thần như thế nào?
Cũng tương tự như một số loại tâm thần khác, chứng loạn thần sau khi được chẩn đoán cũng sẽ được ưu tiên điều trị bằng hai biện pháp là trị liệu tâm lý và kết hợp sử dụng thuốc điều trị. Tùy vào từng tình trạng của người bệnh mà các chuyên gia sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là một trong các biện pháp thường được sử dụng để điều trị cho các chứng rối loạn tâm thần, trong đó có loạn thần. Các chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện trực tiếp với thân chủ để có thể hiểu rõ hơn về các cảm nhận, suy nghĩ, hành vi của họ. Từ đó, chuyên gia sẽ giúp cho thân chủ biết được những suy nghĩ, cảm nhận sai lệch của mình về thực tế, đồng thời hỗ trợ họ cách kiểm soát cảm xúc, lời nói theo hướng tích cực và đúng đắn hơn.
Tùy vào các triệu chứng, nguyên nhân và mức độ bệnh của mỗi người mà các chuyên gia cũng sẽ cân nhắc áp dụng các liệu pháp phù hợp khác nhau. Khách hàng có thể được trị liệu bằng nhiều cách như trị liệu cá nhân, trị liệu theo nhóm hoặc gia đình.
Thường thì những người bệnh loạn thần chỉ cần điều trị ngoại trú, họ không phải vào các trại nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nghiêm trọng, những triệu chứng bệnh biểu hiện ở mức nặng nề và đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người thì cần phải được cân nhắc nhập viện để tiện cho việc theo dõi và chữa trị.
2. Điều trị bằng thuốc
Thông thường các bệnh nhân loạn thần sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống loạn thần. Tuy rằng các loại thuốc này không có tác dụng điều trị triệt để những triệu chứng nguy hiểm của bệnh và hoàn toàn không thể trị dứt điểm nguyên nhân gây ra bệnh nhưng nó sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt các biểu hiện bất thường, điển hình là tình trạng xuất hiện ảo giác, hoang tưởng.
Tùy vào tình trạng và sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn thuốc điều trị phù hợp. Hiện nay, các loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới sẽ được ưu tiên sử dụng nhiều hơn bởi chúng ít gây ra tác dụng phụ, khi sử dụng cơ thể người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng có thể được chỉ định dùng thêm một số thuốc loại tiêm, mỗi tháng sẽ được tiêm từ 1 đến 2 lần để kiểm soát bệnh tình tốt hơn.
Tùy vào cơ địa của mỗi người mà việc đáp ứng thuốc cũng sẽ khác nhau, có người vài tuần đã thấy sự cải thiện của các triệu chứng nhưng cũng có trường hợp phải hơn vài tháng. Vì thế, người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn và liều trình dùng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngưng thuốc đột ngột.
Nhìn chung, bệnh loạn thần hiện vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa, tuy vậy nếu có thể sớm phát hiện và điều trị đúng phương pháp thì người bệnh hoàn toàn có thể phục hồi sức khỏe và quay về nhịp sống bình thường. Hi vọng những thông tin của bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về chứng bệnh loạn thần, từ đó có thể sớm phát hiện để ngăn chặn tốt các ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
- Rối Loạn Phân Ly Là Gì? Biểu Hiện Và Hướng Điều Trị
- Rối Loạn Phân Liệt Cảm Xúc (SZD): Biểu Hiện Và Cách Chữa Trị
- Rối Loạn Thần Kinh Chức Năng: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Chữa Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!