Rối loạn phân ly: Biểu hiện và hướng điều trị hiệu quả

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn phân ly (Hysteria) là một dạng rối loạn tâm căn với biểu hiện vô cùng đa dạng và thường khởi phát, kết thúc một cách đột ngột. Bệnh lý này gặp chủ yếu ở nữ giới (gấp 10 lần nam giới) với tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 0.3 – 0.5% dân số thế giới.

rối loạn phân ly là gì
Rối loạn phân ly là một dạng rối loạn tâm căn ít gặp và chủ yếu ảnh hưởng đến nữ giới từ 10 – 35 tuổi

Rối loạn phân ly là gì?

Rối loạn phân ly còn được gọi là bệnh rối loạn thần kinh chức năng và Hysteria. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn tâm căn đặc trưng bởi tình trạng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa ý thức, trí nhớ, đặc tính cá nhân với sự kiểm soát những vận động và cảm giác trực tiếp của cơ thể.

Rối loạn phân ly có thể gây ra triệu chứng ở một số cơ quan nhưng không tìm được nguyên nhân hay tổn thương thực thể thông qua chẩn đoán. Vì vậy, bệnh lý này còn được xếp vào nhóm rối loạn dạng cơ thể. Rối loạn phân ly đã xuất hiện từ thời Trung cổ nhưng với những hiểu biết ở thời điểm đó, các thầy thuốc không tìm ra được nguyên nhân và cũng không hiểu được đặc điểm bệnh.

Trước đây, người ta cho rằng rối loạn phân ly là bệnh của phụ nữ với nguyên nhân có liên quan đến tử cung do tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu ở nữ giới (gấp 10 lần nam giới). Bệnh thường khởi phát trong giai đoạn từ 10 – 35 tuổi với tỷ lệ thấp (chỉ 0.3 – 0.5% dân số thế giới).

Đến cuối thế kỷ 19, Nhà thần kinh học Jean-Martin Charcot người Pháp đã nhìn nhận rối loạn phân ly là một dạng bệnh tâm lý. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục dựa trên những khám phá của ông để đưa ra định nghĩa và tìm được bản chất của bệnh. Với sự phát triển của y học, hiện nay các bác sĩ đã phát hiện nguyên nhân gây bệnh là do sang chấn và tổn thương tâm lý. Lý do khiến cho tỷ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều hơn là do phái nữ thường có nhân cách yếu và khả năng chịu đựng kém.

Nguyên nhân gây rối loạn phân ly

Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, hiện tại các bác sĩ chưa thể xác định được nguyên nhân gây rối loạn phân ly. Tuy nhiên, đã có nhiều giả thuyết giải thích về bệnh sinh của các dạng rối loạn phân ly. Dưới đây là một số giả thuyết được ủng hộ:

triệu chứng của bệnh rối loạn phân ly
Rối loạn phân ly thường có liên quan đến sự rối loạn của hệ thần kinh trung ương
  • Sang chấn tâm lý: Những sang chấn tâm lý diễn ra đột ngột hoặc lặp đi lặp lại gây căng thẳng tích tụ là điều kiện thuận lợi để rối loạn phân ly khởi phát. Các sự kiện có thể gặp phải như mất người thân, áp lực học tập, cách giáo dục hà khắc từ gia đình, áp lực tài chính, ly hôn, mất con cái, người thân, mâu thuẫn trong gia đình,… Theo các chuyên gia, trong những trường hợp này, bản thân người bệnh khởi phát rối loạn phân ly như một cơ chế phòng vệ trước những cảm xúc tiêu cực.
  • Rối loạn thần kinh trung ương: Theo lý thuyết của Joseph Wolpe, các rối loạn phân ly thường có liên quan đến rối loạn thần kinh trung ương. Bởi ông phát hiện ra hệ thống tín hiệu thứ nhất chiếm ưu thế hơn hệ thống tín hiệu thứ hai. Những người này thường sống thiên về tình cảm hơn là lý trí. Do đó khi có sự kiện xảy ra đột ngột, người bệnh sẽ bị tổn thương tâm lý trầm trọng dẫn đến các triệu chứng của rối loạn phân ly.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên xem bệnh nhân bị rối loạn phân ly như người bị thôi miên ở mức độ nhẹ. Bởi vỏ não của bệnh nhân trở nên suy yếu nên những kích thích từ cuộc sống đều dẫn đến những bất thường về hành vi và cảm xúc.

Ngoài những giả thuyết trên, các chuyên gia cũng tìm ra những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn phân ly:

  • Nhân cách yếu: Nhân cách yếu là điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc rối loạn phân ly. Người có dạng nhân cách thường có những đặc điểm như muốn được chiều chuộng, thích phô trương, thiếu khả năng kiềm chế, tự chủ,… Người có nhân cách yếu có khả năng chịu đựng kém nên dễ bị rối loạn phân ly sau khi trải qua sang chấn tâm lý.
  • Môi trường: Môi trường là yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn phân ly. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ được giáo dục không phù hợp, gia đình quá hà khắc hoặc quá bao bọc đều dẫn đến nhân cách yếu. Ngoài ra, việc thay đổi môi trường sống liên tục cũng khiến cho hệ thần kinh bị kích thích. Vốn dĩ, trẻ có nhân cách yếu đã có khả năng chịu đựng kém nên việc thay đổi môi trường liên tục sẽ là điều kiện thuận lợi để các triệu chứng của rối loạn phân ly khởi phát.
  • Các yếu tố khác: Rối loạn phân ly có thể khởi phát khi có những yếu tố thuận lợi như sang chấn tâm lý, chấn thương sọ não, thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ảnh hưởng quá trình dậy thì,… Các yếu tố này gây ra rối loạn cơ năng cho hệ thống thần kinh và hậu quả là làm bùng phát rối loạn phân ly.

Hiện tại, các chuyên gia cũng đã tìm ra cơ chế bệnh sinh của rối loạn phân ly. Đặc điểm của bệnh lý này tăng tính ám thị và tăng cảm xúc.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Biểu hiện lâm sàng của rối loạn phân ly

Các triệu chứng của rối loạn phân ly thường khởi phát sau khi trải qua sang chấn tâm lý – trong đó thường gặp nhất là áp lực học tập, mâu thuẫn trong hôn nhân, ly hôn, ly thân,… Bệnh có triệu chứng kỳ dị, biểu hiện đa dạng và không tìm thấy tổn thương thực thể thông qua khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Với biểu hiện đa dạng, rối loạn phân ly được chia thành nhiều nhóm khác nhau:

1. Rối loạn phân ly biểu hiện từng cơn

Rối loạn phân ly từng cơn là dạng lâm sàng khá phổ biến đặc trưng bởi cơn co giật, cơn ngủ lịm, cơn kích động cảm xúc phân ly,…

  • Cơn co giật (giãy giụa phân ly): Cơn co giật thường kéo dài từ 15 – 20 phút và đa phần đều lên cơn lúc có người ở xung quanh. Người bệnh biết trước cơn co giật và thường chọn tư thế nằm/ ngã, biểu hiện là giãy giụa, vật vã là chủ yếu và ý thức không bị rối loạn nặng. Trong cơn co giật, người bệnh vẫn có thể cảm nhận được thái độ của những người xung quanh để thay đổi phản ứng. Sau cơn thường tỉnh táo nên nhiều người cho rằng bệnh nhân giả vờ.
  • Cơn kích động cảm xúc phân ly: Cơn kích động cảm xúc phân ly có biểu hiện là nói năng linh tinh, cảm xúc hỗn độn, vừa cười vừa khóc cùng với các hành động như gào, la hét, chạy và leo trèo, đôi khi có kèm theo co giật. Cơn kích động cảm xúc phân ly có thể kéo dài trong nhiều ngày nhưng ý thức không bị rối loạn nặng và vẫn có thể phản ứng trước lời nói, thái độ của những người xung quanh.
  • Cơn ngủ lịm: Bệnh nhân gặp phải dạng triệu chứng này thường có biểu hiện co giật nhẹ, sau đó nằm im và ngủ li bì trong nhiều ngày liền (thường là 1 – 2 ngày hoặc hơn). Khi ngủ, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như khóc lóc, thở dài, rên rỉ và thổn thức.
  • Cơn ngất lịm: Trong cơn ngất lịm, người bệnh cảm thấy chân tay mềm nhũn sau đó ngã ra và nằm thiếp đi, mắt chơm chớp. Cơn ngất lịm thường diễn ra trong ít nhất 15 phút và tối đa là 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, dạng triệu chứng này có thể xảy ra đối với tập thể – thường xảy ra khi phải đối mặt với những sự kiện sang chấn ảnh hưởng đến cả tập thể.

2. Rối loạn vận động

Rối loạn vận động là nhóm triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị rối loạn phân ly. Người mắc bệnh lý này có thể không kiểm soát được hoạt động của những cơ quan trong cơ thể. Tùy theo mức độ sang chấn tâm lý và kích thích thần kinh, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng nhẹ hoặc nghiêm trọng.

triệu chứng của bệnh rối loạn phân ly
Múa vờn, múa giật,… là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh rối loạn phân ly

Các triệu chứng rối loạn vận động gặp ở bệnh nhân rối loạn phân ly:

  • Run toàn thân hoặc run giật cục bộ một số bộ phận cụ thể. Khi người bệnh chú ý đến, mức độ run thường tăng lên.
  • Bệnh nhân có biểu hiện múa vờn, nháy mắt, gật đầu, múa giật, lắc đầu,…
  • Một số trường hợp gặp phải tình trạng liệt phân ly (bao gồm liệt cứng hoặc liệt mềm, liệt một chi, hai chi hoặc liệt cả tứ chi).
  • Có thể đi kèm với rối loạn phát âm như nói lắp bắp, khó nói, nói linh tinh hoặc không nói nên lời.

3. Rối loạn các giác quan

Rối loạn phân ly còn gây ra rối loạn các giác quan. Biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Mất vị giác
  • Khứu giác phân ly
  • Điếc phân ly
  • Mù phân ly

4. Rối loạn cảm giác

Rối loạn cảm giác là nhóm triệu chứng phổ biến ở người bị rối loạn phân ly. Thông thường, người bệnh và những người xung quanh thường nhầm lẫn rối loạn phân ly là các bệnh thực thể do xuất hiện cảm giác đau ở nhiều cơ quan.

Biểu hiện của rối loạn cảm giác ở bệnh nhân rối loạn phân ly:

  • Thường gặp nhất là cảm giác đau
  • Đau ở vùng bụng, đau trước tim, đau thần kinh hông dễ bị nhầm lẫn với đau thần kinh tọa, đau do giun chui ống mật, viêm ruột thừa,…

5. Các rối loạn thực vật – nội tạng phân ly

Ngoài rối loạn cảm giác, bệnh nhân rối loạn phân ly cũng có thể gặp phải các rối loạn thực vật và nội tạng phân ly. Biểu hiện khá đa dạng nhưng thường gặp nhất là:

  • Đau vùng ngực do co thắt thực quản và cơ hoành
  • Chóng mắt, nhức đầu
  • Đau bụng
  • Lạnh run hoặc nóng bừng
  • Co thắt môn vị dẫn đến cảm giác buồn nôn
  • Có cơn thắt từ ruột sau đó di chuyển đến thực quản

Các triệu chứng thể chất này không có tính đặc trưng nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về tim mạch và tiêu hóa. Tuy nhiên, nguyên nhân là do rối loạn chức năng thần kinh nên khi thăm khám không tìm thấy bất cứ dấu vết thực thể nào. Hoặc cũng có thể “vô tình” phát hiện ra các bệnh thể chất liên quan đến tim, tiêu hóa,… Những trường hợp này dễ bị chẩn đoán sai và thường chỉ được chẩn đoán rối loạn phân ly sau khi đã điều trị bệnh thể chất nhưng các triệu chứng vẫn không dứt.

6. Rối loạn tâm thần

Một số bệnh nhân cũng có thể gặp phải các rối loạn tâm thần với biểu hiện đa dạng như:

 7. Sững sờ phân ly

Sững sờ phân ly đặc trưng bởi tình trạng bệnh nhân ngồi hoặc nằm bất động trong một thời gian dài do khả năng vận động tự chủ giảm hoặc mất hoàn toàn. Nhận biết nhóm triệu chứng này thông qua các biểu hiện sau:

  • Ngồi hoặc nằm bất động trong một thời gian dài
  • Không cử động, không nói chuyện và không có phản ứng với ánh sáng, tiếng động hay hành động, thái độ của người khác.
  • Hai mắt mở hoặc nhắm nghiền nhưng không mất ý thức

8. Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập

Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập đặc trưng bởi tình trạng mất ý thức tạm thời và hành động như một cá nhân, vị thần hoặc có những hành vi như đang bị điều khiển. Biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Lời nói giới hạn, lặp đi lặp lại
  • Có các tư thế, động tác kỳ lạ và hay lặp lại
  • Các rối loạn này xảy ra giữa các hoạt động thông thường (đang làm việc, đang ăn uống,…) một cách không chủ đích và không mong muốn.

Những biểu hiện của rối loạn phân ly dễ khiến người bệnh bị cho là đang giả vờ bệnh hoặc bị “ma quỷ nhập”. Trước đây, phần lớn bệnh nhân đều không được điều trị và chăm sóc y tế kịp thời do sự thiếu hiểu biết của cộng đồng.

Rối loạn phân ly có nguy hiểm không?

Rối loạn phân ly khởi phát và kết thúc một cách đột ngột. Đa phần các trạng thái phân ly đều thuyên giảm trong khoảng vài tuần đến vài tháng – đặc biệt là những trường hợp khởi phát bệnh khi phải đối mặt với những sự kiện gây sang chấn. Những trường hợp khác có thể thuyên giảm chậm hơn nhất là khi vấn đề phải đối mặt không thể giải quyết được (mâu thuẫn giữa người với người như ly hôn, ly thân, đổ vỡ tình cảm,…).

triệu chứng của rối loạn phân ly
Rối loạn phân ly gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống – đặc biệt là công việc và các mối quan hệ

Nhìn chung, rối loạn phân ly không phải là dạng rối loạn tâm thần nặng. Các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều phiền toái. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đánh mất nhiều mối quan hệ vì những người xung quanh không muốn gần gũi với người có tâm lý bất thường. Bên cạnh đó, các triệu chứng của bệnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất lao động và học tập do khả năng tập trung kém và suy giảm trí nhớ.

Chẩn đoán rối loạn phân ly

Hầu hết những bệnh nhân đến thăm khám đều cho rằng bản thân mắc các bệnh lý thể chất do cảm giác đau xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau như đầu, bụng, vùng ngực, thực quản,… Tuy nhiên sau khi chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ không hề tìm thấy thương tổn thực thể. Sau đó, bác sĩ sẽ khai thác thêm triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải để xác định rối loạn phân ly.

Chẩn đoán rối loạn phân ly chủ yếu dựa vào đặc điểm triệu chứng, biểu hiện và các yếu tố thuận lợi. Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc bệnh lý này khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như sau:

triệu chứng của rối loạn phân ly
Chẩn đoán rối loạn phân ly chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và đánh giá yếu tố gây bệnh
  • Xuất hiện đơn độc không kèm theo bất cứ triệu chứng nào khác.
  • Các triệu chứng thần kinh mà bệnh nhân gặp phải không phù hợp với định khu giải phẫu và hoàn toàn không có thương tổn thực thể.
  • Nhân cách yếu.
  • Khởi phát sau các sang chấn tâm lý, xung đột trong gia đình, sau khi mắc các bệnh thể chất nặng, suy nhược do làm việc kiệt sức,…
  • Triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột ngay sau khi đối mặt với sang chấn và không có quá trình tiến triển. Triệu chứng bệnh đa dạng và không theo bất cứ quy luật nào.
  • Các triệu chứng thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng liệu pháp tâm lý.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như liệt do tổn thương não, hạ canxi máu, co giật do động kinh và các bệnh cơ thể gây ra tổn thương thần kinh.

Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn phân ly

Nhìn chung, rối loạn phân ly có đáp ứng tốt với điều trị và đa phần đều thuyên giảm chỉ sau vài tuần đến vài tháng. Phương pháp điều trị chính đối với bệnh lý này là liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp hỗ trợ và chăm sóc để cải thiện triệu chứng và nâng đỡ tinh thần người bệnh.

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn phân ly. Phương pháp này giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc bị dồn nén và lấy lại sự cân bằng về mặt tinh thần. Trong liệu pháp tâm lý, bác sĩ sẽ chú ý đến thái độ của bệnh nhân để có can thiệp phù hợp.

chẩn đoán rối loạn phân ly
Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị bệnh rối loạn phân ly

Một số điểm cần lưu ý khi can thiệp liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân rối loạn phân ly:

  • Cách ly người bệnh ra khỏi các nguồn sinh ra áp lực, sang chấn như mâu thuẫn trong gia đình, xung đột,…
  • Tuyệt đối không có thái độ và lời nói cho rằng bệnh nhân đang “giả vờ” mắc bệnh. Thay vào đó, cần thể hiện sự quan tâm và thấu cảm để bệnh nhân không có cảm giác bản thân bị bỏ rơi, hắt hủi.
  • Không thể hiện sự chăm sóc và chiều chuộng quá mức. Điều này vô tình ám thị khiến bệnh nhân khởi phát các triệu chứng nặng nề hơn. Ngược lại, nên quan tâm đúng mực và động viên để người bệnh lấy lại tinh thần và mong muốn quay trở lại sớm với cuộc sống.
  • Chú ý thái độ của người bệnh và thông báo ngay với chuyên gia tâm lý khi cần thiết.

Tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân, chuyên gia sẽ áp dụng liệu pháp tâm lý phù hợp. Đa phần bệnh nhân đều có đáp ứng với các liệu pháp như liệu pháp ám thị trong giấc ngủ, ám thị khi thức, liệu pháp thôi miên, liệu pháp thư giãn, liệu pháp thay đổi nhận thức,… Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn thêm cho người bệnh các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề và các bài tập thư giãn để nâng đỡ nhân cách.

2. Các phương pháp hỗ trợ

Ngoài liệu pháp tâm lý, bệnh nhân rối loạn phân ly cũng cần can thiệp thêm một số phương pháp điều trị để giảm nhẹ triệu chứng. Quá trình điều trị cần sự kiên nhẫn từ cả bác sĩ đến bệnh nhân và người nhà. Đặc biệt, người nhà nên tránh tỏ thái độ chán nản và mệt mỏi trước mặt người bệnh vì điều này vô tình khiến bệnh chuyển biến nặng và dai dẳng hơn.

chẩn đoán rối loạn phân ly
Bệnh nhân có thể dùng thuốc giải lo âu để giảm các cảm xúc tiêu cực do rối loạn phân ly gây ra

Các phương pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh rối loạn phân ly:

  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp bấm huyệt thích hợp với bệnh nhân gặp phải triệu chứng rối loạn cảm giác, rối loạn vận động,… Phương pháp này có thể giảm nhẹ triệu chứng đau, giúp thư giãn cơ và giúp phục hồi khả năng kiểm soát hoạt động của các cơ quan. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn có tác dụng giảm stress và tăng tuần hoàn máu lên não, từ đó thúc đẩy tốc độ phục hồi của hệ thần kinh và góp phần giảm nhẹ các triệu chứng do rối loạn phân ly gây ra.
  • Sử dụng thuốc: Các sang chấn tâm lý khiến cho bệnh nhân phải đối mặt với lo âu, buồn bã, bi quan và nhiều cảm xúc tiêu cực. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thuốc giải lo âu để làm dịu tổn thương về mặt tâm lý, từ đó gia tăng hiệu quả khi can thiệp trị liệu và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng hơn. Ngoài thuốc giải lo âu, người bệnh sẽ được dùng thêm viên uống chứa khoáng chất, vitamin và các loại thuốc bảo vệ tế bào não để nâng đỡ thể chất và tinh thần.
  • Các liệu pháp hỗ trợ khác: Ngoài xoa bóp bấm huyệt và sử dụng thuốc, bệnh nhân bị rối loạn phân ly có thể được áp dụng thêm một số liệu pháp hỗ trợ khác như thể thao, âm nhạc, tập yoga, vẽ tranh,… Các liệu pháp này góp phần nâng đỡ tinh thần và giúp điều chỉnh sự cân bằng của quá trình hưng phấn – ức chế ở vỏ não.

Đối với những trường hợp khởi phát bệnh tập thể, cần tách bệnh nhân ra để tránh sự lây truyền. Với những cá nhân khác trong tập thể, cần tiến hành nâng đỡ và trấn an tinh thần. Nếu trong môi trường học tập và làm việc, nên giảm áp lực trong thời gian này và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tạo không khí sôi nổi để truyền năng lượng tích cực.

Phòng ngừa bệnh rối loạn phân ly

Về cơ bản, rối loạn phân ly có thể phòng ngừa được bằng cách rèn luyện tính cách và sức chịu đựng từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường học tập và làm việc lành mạnh.

cách điều trị rối loạn phân ly
Có thể phòng ngừa bệnh rối loạn phân ly bằng cách giáo dục con trẻ đúng cách

Các biện pháp phòng ngừa bệnh rối loạn phân ly:

  • Cần giáo dục trẻ đúng cách để rèn cho trẻ tính chủ động, tự lập và biết cách đương đầu với khó khăn. Bên cạnh đó, cần quan tâm và chia sẻ đúng mực để con cái hình thành tình yêu thương và trách nhiệm với mọi người xung quanh.
  • Bên cạnh gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần tăng cường giáo dục và bồi dưỡng nhân cách của các em học sinh. Hướng các em đến lối sống lành mạnh, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, biết yêu thương, chia sẻ,… Ngoài ra, nên tổ chức các hoạt động vui chơi để giảm stress và giải tỏa áp lực học tập.
  • Rối loạn phân ly thường xảy ra khi cơ thể bị suy nhược và thiếu dinh dưỡng. Vì vậy bên cạnh việc bồi dưỡng nhân cách, cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.
  • Người trưởng thành nên tránh xa các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất gây nghiện,…
  • Chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm như kỹ năng giải tỏa căng thẳng, kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, xử lý tình huống,…
  • Nếu đối mặt với áp lực, cần tìm cách giải tỏa sớm và có thể tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Trường hợp giải tỏa kịp thời sẽ tránh gặp phải tình trạng căng thẳng chồng chất gây tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý.
  • Đối với tập thể, nên cân đối tỷ lệ nam – nữ để tránh tình trạng rối loạn phân ly tập thể.
  • Đặc biệt, cần nâng cao hiểu biết của cộng động về các rối loạn phân ly để mỗi người biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Đồng thời giúp bệnh nhân có cơ hội được thăm khám, điều trị khoa học thay cho các quan niệm lạc hậu như cúng thầy vì nghĩ người bệnh bị ma quỷ ám.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn phân ly là một dạng rối loạn tâm căn ít gặp với tỷ lệ mắc bệnh thấp và đối tượng chủ yếu là nữ giới. Việc trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa bệnh và kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường ở những người xung quanh.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *