Rối loạn thần kinh chức năng: Triệu chứng & cách chữa trị

Rối loạn thần kinh chức năng xảy ra khi các chất sinh hóa não bị rối loạn và thường có liên quan đến sang chấn tâm lý hoặc căng thẳng chồng chất, kéo dài. Bệnh có biểu hiện khá đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thực thể.

rối loạn thần kinh chức năng
Rối loạn thần kinh chức năng xảy ra khi các chất sinh hóa não bị rối loạn và mất cân bằng

Rối loạn thần kinh chức năng là bệnh gì?

Rối loạn thần kinh chức năng là một dạng rối loạn thần kinh mà người bệnh có các biểu hiện bất thường về tâm lý – thần kinh nhưng hoàn toàn không có thương tổn thực thể. Người mắc chứng bệnh này ý thức được các triệu chứng mà bản thân gặp phải và vẫn có thể học tập, làm việc và duy trì các mối quan hệ. Đây là đặc điểm để phân liệt rối loạn thần kinh chức năng với các rối loạn tâm lý – thần kinh khác.

Nói một cách khác, rối loạn thần kinh chức năng là sự mất cân bằng giữa hệ phó giao cảm và hệ giao cảm dẫn đến hàng loạt các triệu chứng cơ thể và tâm lý. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh lý này cao hơn do hệ thần kinh nhạy cảm và bản thân phái nữ cũng có ngưỡng chịu đựng stress thấp hơn so với nam giới.

Theo các chuyên gia, rối loạn thần kinh chức năng thường xảy ra do não bộ bị ức chế, hưng phấn quá mức hoặc do thay đổi quá đột ngột giữa 2 trạng thái trên. Tình trạng này thường có liên quan đến căng thẳng do các sang chấn tâm lý như xung đột, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, tai nạn bất ngờ, mất người thân,… hoặc do căng thằng chồng chất trong một thời gian dài.

Rối loạn thần kinh chức năng có triệu chứng rất đa dạng và phần lớn đều có thể phục hồi hoàn toàn. Bệnh lý này được chia thành nhiều nhóm tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, trong đó thường gặp nhất là chứng cuồng loạn hysteria và suy nhược thần kinh.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh chức năng

Nhiều nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy, rối loạn thần kinh chức năng có liên quan đến sự bất thường của thụ thể GABA và mất cân bằng giữa các yếu tố nội sinh như adrenalin (catecholamin), serotonin,… Tuy nhiên, các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này.

Dù vậy, sự mất điều hòa của các chất dẫn truyền bên trong não bộ được xác định có liên quan đến căng thẳng chồng chất hoặc do các sự kiện có tính chất nghiêm trọng như mất người thân, tai nạn đột ngột, ly hôn, ly thân, gia đình vỡ nợ, mất con cái,…

Triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng

Rối loạn thần kinh chức năng ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thần kinh trung ương (hệ thần kinh động vật và hệ thần kinh thực vật). Khi bị rối loạn chức năng, hệ thần kinh thực vật thường là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất (bao gồm hệ giao cảm và hệ phó giao cảm).

Cơ quan này chi phối các hoạt động tự động của cơ thể như bài tiết, nội tiết, dinh dưỡng, tuần hoàn, tiêu hóa,… Chính vì vậy, khi bị rối loạn thần kinh chức năng, bệnh nhân sẽ gặp phải vô số các triệu chứng thể chất và đa phần đều do cường giao cảm (hệ giao cảm hoạt động mạnh hơn hệ phó giao cảm). Như đã đề cập, rối loạn thần kinh chức năng có biểu hiện vô cùng đa dạng. Trong đó, các triệu chứng liên quan đến tim mạch là phổ biến nhất và đây cũng là lý do bệnh nhân tìm đến phòng khám/ bệnh viện.

triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng
Bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng thường gặp phải tình trạng tim đập nhanh, bất an, hồi hộp, lo lắng,…

Các triệu chứng lâm sàng của rối loạn thần kinh chức năng:

  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực gây ra cảm giác hồi hộp và bất an. Đây được xem là triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng nên một số tài liệu còn gọi bệnh lý với tên “rối loạn thần kinh tim”.
  • Có cảm giác nghẹn ở cổ như có dị vật, thở nông, hay bị hụt hơi, đôi khi có cảm giác mệt mỏi và nặng khi thở.
  • Cầm nắm khó khăn (thường xuất hiện từng cơn và xảy ra chủ yếu vào buổi chiều)
  • Chân tay mỏi, rã rời.
  • Đổ nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân, mặt và một số vùng khác ở phần trên của cơ thể.
  • Đôi khi xuất hiện các cơn nóng bừng chạy dọc theo xương sống. Tuy nhiên, cũng có người có cảm giác lạnh toát cơ thể.
  • Chân ray run, cứng tay, khó cầm bút viết.
  • Các triệu chứng thể chất do rối loạn thần kinh chức năng khiến bệnh nhân khó ngủ, giấc ngủ đến muộn, ngủ chập chờn,…
  • Khó tập trung, hay lo lắng, bất an và suy nghĩ nhiều.
  • Tâm trạng bất ổn, khó kiểm soát, dễ cáu kỉnh và nổi nóng.
  • Nữ giới thường bị rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, vô kinh và khó đậu thai.
  • Nam giới giảm ham muốn và dễ gặp phải tình trạng xuất tinh sớm.

Các triệu chứng do rối loạn thần kinh chức năng gây ra rất dễ nhận biết. Phần lớn bệnh nhân thường nhầm lẫn bản thân mắc các bệnh lý về tim, phổi,… nên không thăm khám và tự dùng thuốc tại nhà để cải thiện. Tuy nhiên, căn nguyên của bệnh là sự mất cân bằng các yếu tố sinh hóa não nên cần phải điều chỉnh chất sinh hóa trở về trạng thái cân bằng. Việc dùng thuốc và các loại thực phẩm chức năng chỉ có thể cải thiện triệu chứng tạm thời.

Chẩn đoán rối loạn thần kinh chức năng

Rối loạn thần kinh chức năng có triệu chứng đa dạng và đôi khi bị nhầm lẫn với các bệnh thực thể, rối loạn tâm lý – tâm thần. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ sẽ dựa vào các kỹ thuật sau:

chẩn đoán rối loạn thần kinh chức năng
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và một số kỹ thuật cận lâm sàng
  • Khám lâm sàng, khai thác tiền sử cá nhân, gia đình và khai thác các yếu tố thuận lợi khiến bệnh bùng phát,
  • Xét nghiệm máu, sinh hóa nhưng không có biểu hiện bất thường.
  • Điện não độ nhận thấy tăng chỉ số nhịp beta và giảm chỉ số nhịp alpha (cho thấy não bộ đang ở trạng thái kích thích).

Rối loạn thần kinh chức năng được chẩn đoán khi bệnh nhân có các triệu chứng điển hình nhưng khi xét nghiệm cận lâm sàng không phát hiện ra thương tổn thực thể.

Các phương pháp điều trị rối loạn thần kinh chức năng

Rối loạn thần kinh chức năng xảy ra khi các yếu tố sinh hóa não bị rối loạn, từ đó làm tăng hệ thống giao cảm và ức chế hệ thống phó giao cảm. Điều trị được thực hiện nhằm điều chỉnh các chất sinh hóa não về trạng thái cân bằng, từ đó giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các phương pháp điều trị rối loạn thần kinh chức năng bao gồm:

1. Liệu pháp hóa dược

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn thần kinh chức năng. Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân thường có tác dụng điều chỉnh nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ và cải thiện cảm giác đau ở các cơ quan.

thuốc trị rối loạn thần kinh chức năng
Dùng thuốc có thể cải thiện triệu chứng và giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ

Một số loại thuốc điều trị rối loạn thần kinh chức năng được sử dụng phổ biến:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thường ưu tiên dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng vì thuốc có thể giảm đau do rối loạn cảm giác và cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc với liều thấp, sau đó tăng liều lượng cho đến khi đạt hiệu quả điều trị. Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng phổ biến bao gồm Amitriptyline, Desipramine, Nortriptyline,…
  • Thuốc chống co giật: Thuốc chống co giật được sử dụng để ức chế trạng thái kích thích của não bộ, qua đó giảm cảm giác đau buốt và nhói xảy ra ở một số cơ quan. Hai loại thuốc được dùng phổ biến nhất là Phenytoin và Carbamazepin. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng Gabapentin, Topiramate và Lamotrigine.
  • Các loại thuốc khác: Rối loạn thần kinh chức năng gây ra triệu chứng đa dạng. Ngoài hai nhóm thuốc trên, bệnh nhân có thể phải dùng thêm một số nhóm thuốc khác để kiểm soát triệu chứng.

Trừ thuốc chống trầm cảm, các loại thuốc khác đều chỉ được dùng trong thời gian ngắn để hạn chế tác dụng phụ. Bên cạnh tác dụng làm giảm triệu chứng, thuốc chống trầm cảm còn giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó giúp cải thiện hoàn toàn và ngăn ngừa các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng tái phát.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng thêm viên uống hoặc thực phẩm chức năng có tác dụng tái tạo, phục hồi tế bào thần kinh. Các viên uống hỗ trợ mang lại hiệu quả đáng kể đối với những người bị rối loạn thần kinh chức năng có liên quan đến stress mãn tính và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn thần kinh chức năng. Mục tiêu của liệu pháp này là giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc tiêu cực và biết cách kiểm soát stress. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý còn bao gồm kỹ thuật thở sâu và luyện tập thư giãn với tác dụng điều hòa hệ thần kinh thực vật.

Phần lớn bệnh nhân bị rối loạn thần kinh chức năng đều phải trải qua sang chấn hoặc liên tục đối mặt với các yếu tố gây stress. Do đó, liệu pháp tâm lý sẽ giúp điều chỉnh cảm xúc và tư duy của người bệnh. Liệu pháp tâm lý thường được thực hiện đồng thời với liệu pháp hóa dược để mang lại kết quả tốt nhất.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

3. Các biện pháp tự cải thiện

Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân cũng có thể tự cải thiện rối loạn thần kinh chức năng qua một số biện pháp sau:

  • Xoa bóp: Xoa bóp là liệu pháp thư giãn cải thiện chức năng hệ thần kinh hiệu quả. Liệu pháp này giúp thư giãn cơ, giảm cảm giác đau ở một số cơ quan và hỗ trợ điều hòa các yếu tố sinh hóa não. Khi xoa bóp, có thể kết hợp với tinh dầu có mùi thơm để gia tăng cảm giác thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Ăn uống hợp lý: Chế độ ăn điều độ giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe thể chất, điều này có vai trò đáng kể trong việc kiểm soát triệu chứng của rối loạn thần kinh tự chủ. Do đó, bệnh nhân cần lên kế hoạch ăn uống hợp lý, tránh xa rượu bia, chất gây nghiện, các món ăn chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ ăn cũng giúp cải thiện các triệu chứng thể chất do rối loạn thần kinh chức năng gây ra.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên có thể kiểm soát một số triệu chứng thể chất do rối loạn thần kinh chức năng gây ra. Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện, cơ thể cũng sẽ tăng sản sinh hormone endorphin giúp giải tỏa căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc. Vì vậy, bệnh nhân nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày và nên tập các bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng.
  • Giữ thái độ lạc quan: Bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng rất dễ bị ám thị. Tâm trạng chán nản, bi quan có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, giữ thái độ lạc quan, vui vẻ sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và đáp ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị.
chế độ ăn uống tốt cho hệ thần kinh
Bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để cải thiện sức khỏe thể chất và nâng đỡ tinh thần

Rối loạn thần kinh chức năng có thể dẫn đến nhiều vấn đề thể chất và tâm lý nếu không được điều trị sớm. Chính vì vậy, người bệnh cần chủ động trong việc thăm khám và điều trị. Đồng thời nên có những biện pháp tự cải thiện để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

XEM THÊM:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *