8 cách bước ra khỏi vùng an toàn giúp bản thân bứt phá
Vùng an toàn là nơi chúng ta cảm thấy bản thân thoải mái dễ chịu nhất, cuộc sống cứ yên bình diễn ra mỗi ngày. Thế nhưng để phát triển bản thân tốt hơn, muốn tiến đến thành công chúng ta không thể cứ mãi trốn sau lớp vỏ bọc an toàn được mà cần có những giai đoạn bứt phá mạnh mẽ. Vậy đâu là cách bước ra khỏi vùng an toàn giúp bản thân tốt hơn?
Vùng an toàn là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì vùng an toàn giống như một vòng tròn khép kín, nơi mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, tất cả mọi thứ đều quen thuộc, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Sống trong vùng an toàn, mọi rủi ro được giảm ở mức tối đa bởi tất cả đều nằm trong mức kiểm soát của bản thân. Dù vậy, nếu một cuộc sống chỉ lặp đi lặp lại trong một vòng trong thì chắc hẳn rất nhàm chán.
Tại sao ai cũng muốn ở trong vùng an toàn?
Khi đã quen ở trong vùng an toàn, nếu bước ra sẽ đối mặt với sự thay đổi, sự thất bại, sự phán xét hay những áp lực khác khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, chột dạ và lùi bước.
Giống như việc một người có nhà ở Bình Thạnh, học ở một ngôi trường ở Bình Thạnh, đi làm cũng ở Bình Thạnh, gặp gỡ bạn bè cũng ở Bình Thạnh. Họ có thể rành mọi con ngõ, mọi quán ăn ở Bình Thạnh thì đây chính là vùng an toàn của người đó. Nếu buộc phải đi đâu vượt ngoài khu vực này họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, xa lạ vì mình chẳng hiểu gì về những nơi khác.
Việc phải bước ra ngoài vùng an toàn với vô vàn thử thách, nỗi sợ vậy quanh khiến chúng ta cảm thấy không thể chống chọi được. Nỗi sợ khiến chúng ta co mình lại và tiếp tục chui vào vỏ ốc nhỏ bé của mình, tự kìm hãm sự phát triển của bản thân.
Thực tế có rất nhiều người có những ước mơ to lớn, chẳng hạn làm diễn viên, làm nhà thám hiểm, thậm chí họ có năng lực làm điều này. Thế nhưng vì nỗi sợ hãi, lo lắng rằng mình sẽ không làm được, sợ cảm giác thất vọng nên cuối cùng họ vẫn chỉ làm một nhân viên văn phòng bình thường. Một cuộc sống tẻ nhạt không làm họ hạnh phúc nhưng ít nhất cũng đủ làm họ hài lòng.
Một lý do nữa khiến chúng ta luôn tìm cách thoái lui việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân chính là do tính cách nhút nhát, thiếu tự tin về bản thân. Khi chúng ta không đủ tin tưởng vào năng lực của bản thân thì tự nhiên nỗi sợ hãi sẽ xuất hiện và lấn át tất cả. Chính bởi thế ngay cả khi có cơ hội phát triển hay thể hiện năng lực thì nhiều người cũng tìm cách từ chối chứ không dám đối diện.
Dù vậy, có rất người chấp nhận một cuộc sống được cho là “an phận”, tầm thường không phải bởi họ sợ hãi hay trốn tránh khỏi vùng an toàn mà bởi họ thực sự mong ước một cuộc sống nhẹ nhàng, yên bình, không xô bồ. Bản thân họ có thể chính là người đã lăn lộn trước muôn ngàn khó khăn, thử thách, cuối cùng mới chọn một chốn an yên để quyết định dừng chân.
Vì sao cần phải bước ra khỏi vùng an toàn?
Vùng an toàn khiến bạn thoải mái nhưng đồng thời cũng đầy rẫy những nỗi lo. Chẳng hạn lo rằng mọi người đang “chạy quá nhanh” trong khi bản thân chỉ thụt lùi, lo rằng mình sẽ bị lãng quên, lo lắng về tương lai vô định. Cảm giác yêu thích, ước mơ một điều gì đó nhưng lại không dám thực hiện khiến bạn cảm thấy vô cùng tiếc nuối.
Làm cách nào để bước ra khỏi vùng an toàn là câu hỏi của rất nhiều người, đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển, mỗi người trẻ ngày càng năng động hơn. Nếu bạn chỉ mãi mãi quanh quẩn trong vùng an toàn của mình thì chắc chắn không bao giờ bắt kịp mọi người. Bản thân bạn cũng mãi mãi chỉ đứng ở một vị trí chân núi trong khi người khác để leo lên tới đỉnh của ngọn núi.
Như đã nói, vùng an toàn có thể khiến bạn cảm thấy an toàn hơn nhưng không thể khiến bạn hạnh phúc. Điều này là rõ ràng bởi khi chúng ta có quá nhiều khao khát nhưng lại không thể thực hiện sẽ giống như một dòng suối bị chặn giữa dòng, và bạn là một chú cá nhỏ mãi chỉ quẩn quanh dòng suối này, không thể nào vượt ra khởi.
Khi không có cách để bước ra khỏi vùng an toàn cũng chính là bạn đang tự khiến bản thân trở nên thụt lùi, không phát triển được, tự đẩy cuộc sống của chính mình xuống dốc. Rất nhiều vấn đề xảy ra khi bạn chỉ mãi trốn trong một vòng tròn an toàn nhỏ bé của mình, chẳng hạn
- Kìm hãm sự phát triển, thăng tiến và thành công của bản thân. Không ai biết rằng ở con đường đó có món ngon hay không nếu không chịu khám phá thử mà chỉ loanh quanh mãi ở một con đường cũ kỹ, ăn những món ăn nhàm chán
- Không thể biết được giới hạn của bản thân ở đâu, không thể nhìn nhận được năng lực hay các điểm mạnh/ điểm yếu thực sự của bản thân, mãi mãi chỉ có một cái nhìn phiến diện về chính mình
- Trở thành một người an phận, không có chí hướng, không thể bứt phá, không thể thực hiện được các ước mơ, mong muốn của bản
- Không biết cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân sẽ khiến bạn có một cuộc sống tẻ nhạt bởi cữ mãi lặp đi lặp lại những điều quen thuộc mỗi ngày
- Cảm giác an toàn nhưng an phận, tẻ nhạt có thể khiến bạn không thể thực sự hạnh phúc bởi bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu một thứ gì đó
- Hạn chế các mối quan hệ bởi vùng an toàn cũng khiến bạn sợ hãi khi gặp gỡ những người mới
Việc bước ra khỏi cùng an toàn chính là cách đem đến cho bạn vô vàn những cơ hội, những con đường mới, trong đó sẽ đưa bạn đến với con đường thành công nhanh chóng. Khi biết nắm bắt những cơ hội sẽ đưa đến cho bạn vô vàn những thông tin hữu ích để phát triển và hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Không chỉ những người trẻ mà bất cứ ai cũng rất cần thực hiện điều này. Chỉ cần chúng ta dám làm, dám thực hiện, thì cho dù đôi lúc có thất bại cũng không khiến bản thân quá thất vọng. Cuộc sống của bạn thực sự sẽ ý nghĩa và tuyệt vời hơn rất nhiều khi bạn dám thử thách giới hạn của bản thân.
8 cách giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn để phát triển bản thân
Có vô vàn cách để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân nhưng đồng thời, khi bản thân chưa quyết tâm và sẵn sàng, chúng ta cũng có thể đưa ra vô vàn lý do để biện hộ cho chính mình. Chẳng hạn như tuổi tác, sợ người lạ, sợ không thể hòa hợp với môi trường mới, đợi thêm một thời gian nữa… Vô vàn lý do khiến bạn cứ mãi chần chừ, không dám vượt qua được vòng tròn an toàn, chỉ mãi lặp đi lặp lại những dự định mà chẳng biết bao giờ mới thực hiện.
Có một câu nói rất hay rằng ” Nếu muốn sẽ tìm cách, còn không muốn thì tìm lý do”. Khi bản thân bạn thực sự muốn thay đổi bản thân thì sẽ tự có cách điều chỉnh bản thân đổi mới sao cho phù hợp. Tuy nhiên với rất nhiều người, đây vẫn là một thử thách rất lớn, cần có định hướng rõ ràng thì sẽ đem lại cảm giác an tâm để vượt ra khỏi vòng tròn an toàn.
Vậy đâu là cách bước ra khỏi vùng an toàn giúp bản thân bứt phá, phát triển hơn?
1. Lên lộ trình thay đổi rõ ràng
Trong bất cứ vấn đề nào cũng vậy, thay đổi quá nhanh hay đến đâu tính đến đó chưa bao giờ là một cách hay. Hơn nữa khi không có một kế hoạch bạn sẽ cứ trì hoãn, dời từ ngày này sang ngày khác và cuối cùng sẽ chẳng thực hiện được dự định nào. Bởi thế thay vì cứ mãi suy nghĩ trong đầu rằng mình phải thay đổi thì hãy bắt đầu hiện thực hóa nó bằng một lộ trình rõ ràng để bước ra khỏi vùng an toàn.
Chẳng hạn nếu bạn muốn trở thành một diễn viên thì bước đầu chính là đăng ký đi học diễn xuất. Kể cả khi bạn không thực sự có tài năng nhưng việc đi học diễn xuất cũng giúp bạn hiểu thêm về nghề này. Tiến xa hơn thì có thể đăng ký vào các vai phụ, rồi vai quần chúng. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất để tiến đến những điều lớn lao hơn chính là cách để bạn bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Tuy nhiên, lộ trình của bạn nên có những bước đột phá hơn chứ đừng chỉ lên những nội dung quá quen thuộc, quá an toàn, chỉ khi đó bạn mới vượt lên được nỗi sợ của chính bản thân. Hoặc bạn có thể lên danh sách những dự định mà bản thân đang trì hoãn, từ đó bắt đầu thực hiện từ những việc nhỏ nhất để tạo động lực làm những việc to lớn hơn.
Một lưu ý nho nhỏ rằng, khi một mục tiêu đã được thực hiện thành công bạn hãy nâng dần tiêu chuẩn của mình lên để làm mục tiêu cho những giai đoạn tiếp theo. Chẳng hạn khi bạn đã bán được 10 bó đũa thì mục tiêu tiếp theo phải là 20 rồi 50 rồi lên tới 100 bó, không thể chỉ tăng lên 11 được.
2. Bắt đầu từ những thứ quen thuộc
Nếu hằng ngày bạn chỉ đi làm trên một con đường quen thuộc thì hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn đó bằng cách đổi qua một con đường khác, dù có thể xa hơn nhưng đôi khi có thể đem đến cho bạn những trải nghiệm thú vị, hoặc ít nhất nó cũng không quá nhàm chán như thường ngày. Biết đâu trên con đường mới đó bạn có thể tìm thấy cho mình một quán ăn ngon, một tiệm cà phê hợp gu hay một quán nhỏ bán những món đồ xinh.
Thậm chí bạn hoàn toàn có thể đổi nơi ở, đổi nơi đang làm việc nếu đã thực sự sẵn sàng, đặc biệt nếu định hướng tương lai thực sự khác với hiện tại mà bạn đang sở hữu. Nếu bạn đã nghĩ về điều đó trong đầu quá nhiều lần mà chưa dám thực hiện thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để bạn bắt đầu. Thay đổi những điều vốn nằm trong vùng an toàn chính là cách tốt nhất để bước ra khỏi vùng an toàn.
Tuy nhiên hãy hướng đến những thói quen lành mạnh nếu muốn vùng an toàn của bạn được mở rộng quy mô và tiến tới những điều mới lạ hơn. Chẳng hạn thay vì ngủ nướng mỗi sáng thì hãy thử dậy sớm tập thể dục, hay thay vì tập thể dục một mình bạn có thể đến phòng tập để gặp gỡ nhiều người hơn. Những thay đổi tích cực này sẽ giúp bản thân bạn cảm thấy thoải mái hơn và bạn cũng thấy an toàn hơn với quyết định của mình.
Mặt khác, đưa bản thân vào các môi trường mới là cách để bạn bước ra khỏi vùng an toàn bởi nó có thể giúp bạn thích nghi dần với sự thay đổi. Ở một nơi xa lạ, tự bạn cần phải học cách thích nghi nếu muốn tồn tại cũng như tiếp thu được nhiều kiến thức, văn hóa, cảm xúc mới. Dần dần điều này sẽ giúp ích cho bạn trong việc vượt ra khỏi giới hạn quen thuộc của chính mình.
3. Đổi mới hình ảnh bản thân
Có vô vàn những thứ đơn giản để bạn bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu cho một cuộc sống mới tràn đầy hy vọng, chẳng hạn thay đổi một chiếc ga giường, đặt một bình hoa trong phòng, đổi một kiểu tóc, đổi phong cách trang phục hằng ngày. Hãy thử làm tất cả mọi điều mà mình yêu thích, đừng quá giới hạn bản thân trong bất cứ vấn đề nào, sống đúng với đam mê của chính mình.
Việc đổi mới bản thân cũng giống như một cột mốc đánh dấu rằng bạn đã đang sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho những dự định sắp tới của bản thân. Cho dù mái tóc ngắn, các bộ váy dài không hợp với bản cũng chẳng sao. Bởi nếu bạn còn ái ngại, sợ hãi thì đến bao giờ mới thực sự bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân được, bạn sẽ chỉ mãi quanh quẩn trong những cách thức mơ hồ trong đầu mà thôi.
4. Học tập thêm các kỹ năng mới
Nếu bạn cứ hùng hổ bước vào “hang cọp” mà trên tay chẳng có thứ vũ khí nào, cứ đợi chờ vận may rằng sẽ chẳng có con cọp nào trong đó thì cuối cùng, người bị nguy hại chỉ có bản thân bạn mà thôi. Cũng giống như việc bạn quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân nhưng lại chưa trang bị mọi kiến thức cần thiết, nếu thất bại bạn sẽ rơi vào trạng thái hụt hẫng, ê chề và muốn từ bỏ tất cả để cuộn mình trong chăn như cũ.
Chính do đó, việc trang bị cho mình các kỹ năng cứng và mềm đều là điều cực kỳ cần thiết. Chẳng hạn nếu bạn có dự định chuyển từ một nhân viên văn phòng sang làm kế toán, bạn không thể cầm tấm lý lịch, năng lực không có chút liên quan nào đến kế toán để xin việc được bởi chắc chắn sẽ bị từ chối. Thay vì đó dành thời gian rảnh để học tập về nghiệp vụ kế toán sẽ đem đến cho bạn những kỹ năng cần thiết khi chuyển việc.
Thực tế có vô vàn các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống này, việc học tập và trau dồi chúng sẽ không bao giờ là thừa. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phản ứng nhanh, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng phản ứng với các tình huống bất ngờ… Trang bị những điều này không chỉ giúp bạn thêm kiến thức, thêm linh hoạt mà còn bổ trợ được các cách bước ra khỏi vùng an toàn khác.
5. Dũng cảm đối diện với nỗi sợ
Chúng ta thường có vô vàn nỗi sợ, không chỉ là nỗi sợ có chủ thể xác định như sợ chó, sợ mèo, sợ xe máy mà có rất nhiều nỗi sợ mơ hồ mà thậm chí chúng ta còn không thể hiểu được vì sao chúng ta lại sợ. Nỗi sợ chính là thứ khiến chúng ta trốn tránh mọi thứ, chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi ở trong vùng an toàn của bản thân mà thôi.
Để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, trước tiên bạn cần phải hiểu rõ, thực tại mình đang sợ hãi điều gì? Sợ thất bại? Sợ người khác cười chê? Sợ không phù hợp? hay còn một nỗi sợ nào khác? Nếu không sớm giải quyết, nỗi sợ sẽ giống như một con sâu, cứ gặm nhấm dần lòng dũng cảm, khiến trong lòng chúng ta có những lỗ hổng lớn không thể nào chắp vá được.
Rèn luyện lòng dũng cảm hay dám đối diện với nỗi sợ hãi cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng bởi không phải cứ nói ” dũng cảm lên” là chúng ta có thể dũng cảm được. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đơn giản như bắt chuyện với một người xa lạ, đứng lên phát biểu ở công ty… Những giá trị tốt đẹp mà bạn nhận được từ những hoạt động này chính là nền tảng giúp bạn dám dũng cảm thực hiện những điều lớn lao hơn.
6. Tìm niềm vui trong thử thách
Đôi khi vì muốn thay đổi bản thân, muốn thành công đến sớm hơn và muốn bước ra khỏi vùng an toàn nhanh hơn mà chúng ta thường ép buộc bản thân làm những điều mà mình không hề mong muốn, chẳng hề yêu thích. Thúc ép bản thân làm việc quá đà, không thành thật với cảm xúc của chính mình, bỏ bê sức khỏe để chạy theo danh tiếng.. Tất cả điều này có thể khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức ngay cả trước khi đạt được mục tiêu, hoặc dù đạt được bạn cũng chẳng hề thấy hạnh phúc như đã từng nghĩ.
Không chỉ trong hành trình trưởng thành và hoàn thiện bản thân mà bất cứ vấn đề nào cũng vậy, chỉ khi chúng ta cảm thấy được niềm vui, hạnh phúc thì dù làm gì cũng hứng thú. Việc cứ ép buộc bản thân phải thay đổi trong một tâm thế không thoải mái, không phải là mong muốn của bạn sẽ chỉ làm bạn thêm mệt mỏi.
Do đó, hãy cố gắng tìm kiếm niềm vui trong những việc mà bạn đã, đang và sắp thực hiện. Chỉ cần bạn thay đổi góc suy nghĩ, cách nhìn nhận của bản thân, luôn hướng đến những điều tốt đẹp thì tự nhiên bạn sẽ thấy vấn đề đó đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
7. Mở rộng mối quan hệ của bản thân
Hầu hết những người thường trốn tránh trong lớp vỏ bọc an toàn của chính mình thường bị hạn chế rất nhiều về các mối quan hệ. Họ dường như chỉ có một vài mối quan hệ nhưng cũng không quá gắn kết hay sâu sắc, đó có thể là một vài người đồng nghiệp, một vài người bạn cũ. Họ sợ hãi việc trò chuyện với những người xa lạ. Và đôi khi họ cũng cảm thấy khó khăn nếu cần tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vậy vì sao muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân chúng ta cần phải tạo dựng cho bản thân thêm nhiều mối quan hệ? Bởi con người chính là tiền đề của sự phát triển, khi bạn chỉ quen biết những người trong cùng một khuôn khổ cuộc sống, có cùng tần số với bạn sẽ bị bó buộc mãi trong những tầng suy nghĩ này. Và tất nhiên bạn cũng không bước ra được giới hạn của bản thân.
Bạn có thể chủ động gặp gỡ những người bạn mới thông qua các hội nhóm liên quan đến các vấn đề mà bạn quan tâm, trong các lớp kỹ năng mà bạn đang học, trong các chuyến du lịch. Hãy chủ động làm quen, bắt đầu từ những điểm chung của cả hai chẳng hạn.
Mỗi người bạn mới hoàn toàn có thể chính là người thầy của bạn trong con đường tương lai, những người truyền cảm hứng. Biết đâu bạn có thể tìm được cho mình những người đồng điệu về tâm hồn, những có thể giúp bạn định hướng hành trình bứt phá, hoặc chính là người cùng bạn vượt qua những khó khăn trong giai đoạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
8. Đừng quên chăm sóc cho bản thân
Bạn biết đấy, việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân khiến bạn cảm thấy hao tâm tổn sức rất nhiều, cũng có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, tự hỏi quyết định của mình liệu có thực sự đúng đắn. Bởi thế, dù làm cách nào để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân bạn cũng không được quên việc chăm sóc cho chính bản thân mình.
Thể chất và tinh thần luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau, khi có một cơ thể khỏe mạnh bạn sẽ cảm thấy tinh thần tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, làm gì cũng thấy tích cực. Tương tự, khi tinh thần vui vẻ bạn sẽ chẳng còn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày, làm việc gì cũng mau lẹ. Hơn hết để đối diện với những khó khăn, thử thách trước mắt thì việc có một tinh thần và thể chất khỏe mạnh là cực kỳ cần thiết.
Vậy làm thế nào để chăm sóc bản thân thật tốt để luôn sẵn sàng đối diện với những khó khăn trước mắt?
- Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày, tạo cho bản thân thói quen sinh hoạt lành mạnh
- Tập thể dục thể thao đều ăn, ngoài ra cũng có thể tham khảo các bộ môn như thiền hay yoga bởi vừa tốt cho tâm trí vừa tốt cho thể chất
- Ăn uống đầy đủ, lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây hay các nhóm chất tự nhiên khác; tránh xa đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến đi chế biến lại nhiều lần
- Tập thói quen uống đủ 2- 3,5 lít nước mỗi ngày
- Chăm sóc cơ thể, skin care mỗi ngày để bản thân ngày càng xinh đẹp rạng ngời hơn
- Yêu thương bản thân theo các riêng, hãy làm đẹp cho chăm sóc cho bản thân vì chính bạn chứ không bởi vì bất cứ một ai khác
Tất nhiên một điều bạn cần ghi nhớ rằng, trên hành trình thay đổi và hoàn thiện bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình đôi khi không thể tránh khỏi thất bại. Trong cuộc sống này, đôi lúc không phải cứ cố gắng là thành công mà cũng cần một chút may mắn, đặc biệt trên hành trình bắt đầu thay đổi thì việc chưa thành công cũng là điều dễ hiểu.
Dù có buồn cũng không sao nhưng quan trọng là sau thất bại bạn rút ra được bài học nào để sửa chữa sai lầm. Và hơn hết, khi đã thực sự cố gắng cho dù không thành công nhưng bạn cũng có thể nhận ra rằng, điểm mạnh điểm yếu của bản thân là gì và thay đổi một cách tốt hơn.
Tóm lại, nếu muốn bước ra khỏi vùng an toàn để phát triển bản thân, đột phá những thành công mới thì chỉ cần có sự quyết tâm, dũng cảm dám thay đổi, chấp nhận những thử thách thì chắc chắn không gì có thể làm khó được bạn. Để lại sau lưng những nỗi sợ hãi trong trí tưởng tượng, vượt lên chính mình. Tôi tin chắc, bạn sẽ làm được.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ tiếng ồn (Misophonia): khắc phục như thế nào?
- Rối loạn ác mộng là gì? Nên làm gì để lấy lại giấc ngủ ngon?
- Hiệu ứng hào quang là gì mà tác động được tâm lý con người?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!