Misophonia (chứng ghét âm thanh, tiếng ồn) làm sao hết?
Misophonia hay chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn không giống với cảm giác khó chịu khi nghe thấy âm thanh với cường độ lớn. Những người mắc hội chứng Misophonia thường tức giận, ghê tởm, thậm chí hoảng loạn khi nghe thấy những âm thanh bình thường như tiếng hơi thở, tiếng chép miệng, tiếng gõ bàn phím,…
Misophonia (chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn) là gì?
Phần lớn mọi người đều không thích các tiếng ồn, đặc biệt là khi cần sự tập trung và thư giãn như đang làm việc, học tập và nghỉ ngơi. Tiếng ồn kích thích não bộ và gây ra sự khó chịu nhất định. Ngoài ra, việc sống trong một môi trường có quá nhiều tiếng ồn cũng có thể dẫn đến stress, rối loạn tiền đình và đau đầu mãn tính.
Cảm giác ghét tiếng ồn thông thường không giống với Misophonia (chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn). Thuật ngữ này còn được biết đến với tên gọi khác là hội chứng nhạy cảm với âm thanh có chọn lọc. Tức là người mắc chứng Misophonia chỉ nhạy cảm với một số âm thanh và thường gặp nhất là âm thanh khi nhai thức ăn, thở mạnh, tiếng bấm bút bi, tiếng gõ bàn phím, tiếng ngân nga,…
Khi nghe thấy những âm thanh này, người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng bức bối, khó chịu, ghê tởm, hoảng loạn, tức giận và thường đi kèm với các triệu chứng thể chất như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, khó thở, choáng váng,… Thậm chí, một số người trở nên giận dữ và gây hấn với người phát ra âm thanh gây khó chịu.
Thuật ngữ Misophonia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với nghĩa đen là “căm thù âm thanh”. Thuật ngữ này ra đời vào năm 2001 nhưng hiện tại vẫn chưa được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5).
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Psychology năm 2014 cho thấy, chứng Misophonia ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao nhưng phần lớn người bệnh đều không thăm khám, điều trị do sự hiểu biết hạn chế. Hội chứng ghét tiếng ồn gây cản trở nhiều đến cuộc sống và cần được điều trị để tránh những ảnh hưởng lâu dài.
Những âm thanh gây khó chịu cho người bị chứng Misophonia
Mọi người thường ghét những âm thanh lớn hoặc những tiếng động lặp đi lặp lại. Trong khi đó, người mắc hội chứng Misophonia thường ghê tởm và căm ghét những âm thanh tưởng chừng như rất bình thường như:
- Tiếng hơi thở (đặc biệt là tiếng thở dài) chiếm khoảng 64.3%
- Âm thanh được tạo ra từ bàn tay như tiếng ngón tay gõ xuống bàn hoặc tiếng gõ bàn phím chiếm 59.5%
- Âm thanh được tạo ra từ hoạt động ăn uống (tiếng rột rột khi dùng ống hút, tiếng nhai thức ăn, âm thanh phát ra khi uống nước,…) chiếm 81%
- Các âm thanh khác (tiếng chim hót, tiếng đóng cửa, tiếng đồng hồ, tiếng bấm bút, tiếng chép môi,…)
Cảm giác khó chịu đến mức phát điên trước những âm thanh này khiến người mắc chứng Misophonia dễ bị hiểu nhầm là người khó tính. Tiếng ồn gây ra sự nhạy cảm đa phần là các âm thanh quen thuộc. Vì vậy, nếu không được điều trị, người mắc hội chứng này sẽ phải đối mặt sự bức bối về tinh thần và căng thẳng cực độ.
Dấu hiệu nhận biết chứng Misophonia
Chứng ghét âm thanh (Misophonia) khác với cảm giác bực bội và khó chịu khi nghe những âm thanh lớn như tiếng còi xe, tiếng nhạc lớn, tiếng đổ vỡ,… Người mắc hội chứng này thường nhạy cảm quá mức với những âm thanh thông thường. Khi nghe thấy âm thanh “nhạy cảm”, người bệnh gần như không thể chịu đựng được.
Lý do phổ biến nhất khiến cho bệnh nhân chậm trễ trong việc điều trị là không có hiểu biết về hội chứng này. Để thăm khám và can thiệp trị liệu sớm, bệnh nhân có thể nhận biết chứng Misophonia thông qua một số dấu hiệu sau:
- Tai khó chịu khi nghe âm thanh và chỉ muốn dừng ngay âm thanh đó lại.
- Người bệnh thường chọn cách rời khỏi không gian có âm thanh “nhạy cảm” hoặc đeo tai nghe để không nghe thấy những âm thanh đó.
- Một số người cảm thấy mối nguy hiểm từ những âm thanh vô hại như tiếng đóng cửa, tiếng gõ máy tính, tiếng hơi thở,…
- Bệnh nhân có thể hoảng loạn, đau khổ, cảm thấy ghê tởm, thù hằn và sợ hãi quá mức khi nghe thấy những âm thanh như tiếng đánh máy, tiếng thở dài, chép miệng,… Những cảm giác khó chịu này khiến nhiều người mất bình tĩnh và la hét để đối phương dừng việc tạo ra các âm thanh “nhạy cảm”.
- Bệnh nhân có thể nảy sinh ý nghĩ tự tử hoặc tấn công người tạo ra tiếng ồn vì không thể chịu đựng được.
- Khi nghe thấy những âm thanh “nhạy cảm”, bệnh nhân có thể trở nên hoảng loạn và lo lắng cực độ. Một số người có thể bị mất kiểm soát, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, nóng bừng, đỏ mặt, run rẩy,…
Thống kê cho thấy, hơn 52% người mắc chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD). Dù không biết chính xác nguyên nhân vì sao nhưng điều này cho thấy, nhạy cảm quá mức với âm thanh có liên quan đến cấu trúc sinh học của não bộ.
Nguyên nhân gây ra Misophonia
Nguyên nhân gây ra chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn (Misophonia) chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy hội chứng này sẽ khởi phát chủ yếu trong giai đoạn từ 9 – 13 tuổi.
Hiện nay, một số yếu tố đã được xác định liên quan đến chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn (Misophonia) bao gồm:
- Bất thường trong cấu trúc não bộ: Khi thực hiện MRI não bộ của những người bị chứng Misophonia, các chuyên gia nhận thấy đa phần bệnh nhân có vùng não trước trán hoạt động quá mức. Cơ quan này có vai trò xử lý cảm xúc và cảm nhận âm thanh. Vùng não trước trán quá nhạy cảm sẽ khiến cho cơ thể khó chịu, tức giận và thậm chí là hoảng loạn khi nghe thấy một số âm thanh.
- Di truyền: Giống như các vấn đề tâm lý khác, chứng Misophonia có khả năng di truyền. Do đó, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh lý này, con cái sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này.
- Do ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý, tâm thần: Chứng Misophonia thường xảy ra ở người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), hội chứng Tourette, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn lo âu.
- Do chứng ù tai: Những người bị ù tai thường nhạy cảm quá mức với âm thanh, đặc biệt là những âm thanh có cường độ không quá lớn nhưng xảy ra đều đều và lặp đi lặp lại như tiếng gõ máy tính, tiếng thở, tiếng chép môi,…
Chứng Misophonia có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới, tuy nhiên phụ nữ thường gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ gặp phải nhiều cản trở trong cuộc sống và đôi khi phải sống cô lập vì không thể chịu được âm thanh phát ra từ người khác.
Misophonia có nguy hiểm không?
Chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, hội chứng này sẽ khiến cho người bệnh phát triển các rối loạn tâm lý, tâm thần khác và kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe thể chất.
Cảm giác khó chịu, bực bội, hoảng loạn và tức giận khi nghe thấy các âm thanh “nhạy cảm” sẽ khiến cho người bệnh luôn ở trong trạng thái khó chịu và căng thẳng. Hầu hết âm thanh mà người bệnh “nhạy cảm” đều là những âm thanh thường gặp như tiếng hơi thở, tiếng chép miệng, tiếng gõ bàn phím,… Vì vậy, người bệnh gần như phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực này trong suốt một ngày.
Chứng Misophonia có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp, gia tăng các vấn đề tim mạch, đau đầu, rối loạn tiền đình,… Thậm chí một số người có thể lên cơn đau tim khi nghe thấy những âm thanh “nhạy cảm”.
Người mắc chứng Misophonia thường rất khó hòa nhập bởi người bệnh thường khó chịu với âm thanh mà những người xung quanh phát ra. Khi làm việc, họ thường đeo tai nghe để không nghe thấy tiếng đánh máy hoặc tiếng xì xầm từ mọi người. Ngoài ra, vì quá nhạy cảm với âm thanh nên người bệnh sẽ né tránh gặp gỡ người khác, không đến nhà hàng, quán cà phê và những nơi công cộng.
Hội chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, hội chứng này cũng làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu xã hội. Người bệnh còn phải đối mặt với mâu thuẫn trong các mối quan hệ do phản ứng gay gắt khi người khác làm ồn.
Chẩn đoán Misophonia
Hội chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn chưa được công nhận trong DSM-5. Do đó, chẩn đoán sẽ được thực hiện bằng cách loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra. Đôi khi hội chứng này có thể bị chẩn đoán nhầm với rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lo âu lan tỏa.
Để chẩn đoán chứng Misophonia, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng, tìm hiểu về tiền sử cá nhân và gia đình. Ngoài ra, đo thính giác và MRI não bộ có thể được thực hiện để loại trừ những nguyên nhân khác.
Cách thoát khỏi Misophonia (chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn)
Hiện tại, không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm chứng Misophonia. Tuy nhiên, hội chứng này có thể được cải thiện sau khi can thiệp một số phương pháp. Ngoài việc giảm sự “nhạy cảm” đối với âm thanh, điều trị còn được thực hiện nhằm giúp người bệnh kiểm soát tốt cảm xúc và biết cách giải tỏa căng thẳng, lo lắng hữu hiệu.
Các phương pháp được áp dụng để kiểm soát chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn:
1. Liệu pháp kiểm soát ù tai (TRT)
Liệu pháp kiểm soát ù tai được áp dụng cho những trường hợp bị ù tai mãn tính và chứng Misophonia. Liệu pháp này sử dụng thiết bị hỗ trợ tạo ra những âm thanh dễ chịu nhằm giúp người bệnh bỏ qua những âm thanh “nhạy cảm”. Từ đó có thể giảm bớt cảm giác khó chịu, lo lắng, căng thẳng,…
Ngoài ra, những âm thanh dễ chịu này cũng sẽ giúp người bệnh có mối liên kết tích cực với âm thanh. Về lâu dài, bệnh nhân sẽ giảm bớt sự khó chịu, nhạy cảm với những âm thanh thường gặp như tiếng gõ bàn phím, tiếng đóng cửa, tiếng thở dài, âm thanh phát ra khi ăn uống,…
2. Liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) cũng được cân nhắc cho bệnh nhân bị chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn. CBT giúp người bệnh thay đổi những suy nghĩ tiêu cực về những âm thanh “nhạy cảm”. Thông qua việc thay đổi suy nghĩ, người bệnh sẽ giảm sự khó chịu, hoảng loạn, tức giận, căng thẳng khi nhe thấy những âm thanh này.
Bên cạnh đó, CBT còn giúp bệnh nhân điều chỉnh lối sống và xây dựng những thói quen tốt. Liệu pháp này vừa mang lại hiệu quả trong việc giảm phản ứng nhạy cảm với tiếng ồn, vừa giúp người bệnh học cách giảm căng thẳng và kiểm soát các cảm xúc tiêu cực.
Theo thống kê, khoảng 50% bệnh nhân có hiệu quả khi can thiệp liệu pháp này. Ngoài ra, liệu pháp nhận thức hành vi còn có hiệu quả với các vấn đề tâm lý đi kèm như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, trầm cảm,…
3. Sử dụng thuốc
Không có loại thuốc nào có thể làm giảm cảm giác khó chịu, lo lắng, hoảng loạn,… khi nghe thấy tiếng ồn. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu do hội chứng Misophonia có thể gây ra căng thẳng, trầm cảm và rối loạn lo âu. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc trong một số trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ phải dùng thuốc nếu chứng Misophonia có liên quan đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng Tourette, rối loạn tăng động giảm chú ý,… Trong những trường hợp này, sử dụng thuốc sẽ giúp kiểm soát các bệnh lý đi kèm và góp phần giảm mức độ nhạy cảm với âm thanh.
4. Các biện pháp hỗ trợ khác
Người mắc hội chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn phải sống chung với bệnh suốt đời. Hiện nay, các phương pháp điều trị còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Do đó, người bệnh nên thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ như:
- Chuẩn bị sẵn nút tai để sử dụng khi cần.
- Đeo tai nghe khi ra ngoài để tránh nghe thấy những âm thanh gây khó chịu.
- Nếu khó chịu với tiếng ồn từ mọi người, hãy chủ động chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân để được hỗ trợ. Cách này sẽ tốt hơn so với phản ứng gay gắt và gây hấn với những người xung quanh.
- Việc nghe thấy những âm thanh “nhạy cảm” là không thể tránh khỏi. Do đó, người bệnh nên trang bị cho mình những kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng. Những biện pháp như ngồi thiền, tắm nước ấm, nghe nhạc không lời, massage,… mang lại hiệu quả tốt trong việc giải tỏa căng thẳng cho bệnh nhân mắc chứng Misophonia.
- Các nghiên cứu cho thấy, những âm thanh tự nhiên như tiếng mưa rơi, tiếng suối chảy,… có hiệu quả trong việc giảm sự khó chịu. Chính vì vậy, người bệnh nên tìm ra âm thanh mang lại sự dễ chịu và lắng nghe khi cảm thấy bức bối, lo lắng.
- Lối sống lành mạnh cũng góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát chứng Misophonia. Do đó, người bệnh nên cố gắng nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, ăn uống và tập thể dục điều độ.
Misophonia (chứng ghét âm thanh, dị ứng tiếng ồn) là vấn đề tâm lý liên quan đến rối loạn thần kinh trung ương. Mặc dù không thể trị hết hoàn toàn nhưng hội chứng này có thể được kiểm soát thông qua một số liệu pháp và lối sống khoa học. Do đó, nếu nghi ngờ mắc chứng Misophonia, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ và chuyên gia tâm lý.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Cảm thấy trong người bồn chồn, lo lắng, khó ngủ là biểu hiện của bệnh gì?
- Hội chứng sợ bóng tối: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách khắc phục
- Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia): nỗi sợ đáng lo ngại
- Hội chứng khó học toán (Dyscalculia) gây ra khó khăn gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!