Hiệu ứng hào quang và sự tác động lên tâm lý con người
Hiệu ứng hào quang có thể mang đến cho bạn những giá trị tích cực lẫn tiêu cực, tùy theo cách mà bạn đón nhận và ứng dụng. Đặc biệt với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin, ngày càng có người sử dụng các chiêu trò xấu xí hay lợi dụng hiệu ứng này để tác động vào tâm lý những người khác. Con người ai cũng thích hào quang chiếu về bản thân nhưng nếu không ứng dụng nó đúng cách sẽ chỉ khiến xã hội đi xuống mà thôi.
Hiệu ứng hào quang là gì?
Trong khoa học, hào quang là một hiệu ứng ánh sáng được tạo ra khi mặt trời tương tác với các tinh thể băng lơ lửng trong bầu khí quyển. Hiện tượng này tạo ra một vầng sáng trên bầu trời khiến chúng ta dễ bị thu hút và chú ý đến. Một số người thậm chí còn coi đây là hiện tượng tâm linh, ai nhìn thấy có thể gặp được rất nhiều may mắn.
Trong khía cạnh tâm lý học, hiệu ứng hào quang còn được gọi là Halo effect hay hiệu ứng lan tỏa. Hiệu ứng này đề cập đến việc tâm lý con người dễ bị ảnh hưởng bởi những gì hào nhoáng, lung linh trước mắt. Điều này khiến tâm trí chúng ta bị lu mờ, không thể nhìn nhận, đánh giá được bản chất thật của vấn đề. Bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi Halo effect.
Để hình dung rõ hơn, chúng ta có thể lấy ví dụ là một cô ca sĩ A đang trên đà phát triển, được rất nhiều người yêu thích và bắt đầu giới thiệu, PR về một sản phẩm sữa rửa mặt nào đó. Những người hâm mộ sẽ đánh giá rằng đó là người nổi tiếng, người đó có da đẹp vậy chắc chắn sản phẩm đó phải rất tốt nên ai cũng mua sữa rửa mặt đó. Như vậy hiệu ứng hào quang của cô ca sĩ A đã tác động đến tâm lý mọi người.
Thực tế hiệu ứng lan tỏa ảnh hưởng và tác động lên rất nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề chứ không chỉ xoay quanh con người. Tùy theo cách chúng ta đón nhận nó mà những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực sẽ khác nhau nhưng không thể phủ nhận những tác động đến tâm lý liên quan đến vấn đề này là rất lớn.
Hiệu ứng hào quang còn được đánh giá là một dạng “thiên vị nhận thức”, bởi khi mà chúng ta đánh giá cao về một người, một vật, một sự kiện thì kéo theo tâm lý của chúng ta cũng tự động tăng cao vị thế của đối tượng đó, cho dù chúng ta không hề hiểu về bản chất của nó.
Lịch sử về hiệu ứng hào quang
Những khái niệm về hiệu ứng hào quang Halo effect được đưa ra bàn luận đầu tiên bởi nhà tâm lý học Edward Thorndike trong bài báo của ông vào năm 1920 với tiêu đề “The Constant Error in Psychological Ratings” ( dịch là “Sai lầm kinh điển về mặt tâm lý khi đánh giá”). Từ đó vấn đề này dần được các nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn.
Cụ thể, nhà tâm lý Thorndike đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó ông yêu cầu các cán bộ chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt các phẩm chất của cấp dưới, về các yếu tố như ngoại hình, sự thông minh nhanh nhạy, kỹ năng lãnh đạo, lòng trung thành cùng mức độ tin cậy. Kết quả cho thấy, khi người lính có 1 yếu tố được đánh giá cao thì các phẩm chất khác cũng được đánh giá cao, ngược lại khi một binh lính có phẩm chất nào đó không tốt thì những yếu tố khác cũng bị đánh giá tiêu cực theo.
Với kết quả khảo sát này, nhà tâm lý học người Mỹ đã đưa kết luận rằng có thể thấy rõ thứ hạng của những binh lính này bị ảnh hưởng rõ rệt từ cách mà người sếp cảm nhận về người đó, chẳng hạn như tốt, ổn hay tệ. Dựa vào những cảm nhận đó họ mới đưa ra những đánh giá về phẩm chất của một ai đó. Thuật ngữ “Halo Effect – hiệu ứng hào quang” chính thức được ra đời chính từ khảo sát này.
Việc chúng ta đánh giá một ai đó dựa vào cảm nhận của bản thân là một điều hiển nhiên và xảy ra một cách vô thức, ngay cả chúng ta cũng không nhận ra. Tức là khi chúng ta có ấn tượng tốt với điều gì đó thì não bộ chúng ta sẽ luôn nhìn nhận tích cực về điều đó, thậm chí tìm mọi cách để chứng minh rằng cảm quan của bản thân là đúng, đây chính là khía cạnh tác động đến tâm lý mạnh mẽ.
Đối lập với hiệu ứng hào quang chính là Devil Effect hoặc Horn Effect – Hiệu ứng ác quỷ, tức là khi chúng ta có ấn tượng xấu với một đối tượng, sự kiện nào đó thì cách chúng ta đánh giá vấn đề đó cũng dựa vào những cảm xúc tiêu cực này và theo chiều hướng xấu đi. Và tất nhiên, hiệu ứng này cũng tác động trực tiếp đến tâm lý, thay đổi nhận thức hay hành vi của một người trong mọi vấn đề.
Vì sao hiệu ứng hào quang tác động đến tâm lý con người?
Hiệu ứng hào quang có mối liên kết đến hiệu ứng đám đông và sức hấp dẫn. Việc chúng ta đưa nhìn nhận của bản thân để đánh giá tổng thể một vấn đề tổng thể theo hướng tiêu cực hay tích cực chính là do cảm xúc đã hoàn toàn lấn át lý trí. Đặc biệt khi đối tượng đó ( đối tượng sở hữu “hoà quang”) sở hữu các đặc điểm, yếu tố mà bản thân người đó không có.
Chẳng hạn một người có mái tóc “rễ tre”, tóc xù yếu khi nhìn thấy một người có mái tóc khỏe đẹp giới thiệu về các loại dầu gội giúp tóc thẳng và chắc khỏe hơn thì chắc chắn người đó sẽ muốn mua thử. Đặc biệt nếu người giới thiệu đó lại là người nổi tiếng, được nhiều người yêu thích thì mức độ tin cậy lại càng tăng lên.
Mặt khác rõ ràng, khi chúng ta có hảo cảm với một thứ gì đó hoặc một ai đó, chúng ta cũng vô thức ưu ái điều đó hơn. Lý trí thường giúp chúng ta phân biệt được đúng sai, nhìn nhận được bản chất của vấn đề trong khi cảm xúc lại làm chúng ta cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.
Hạch hạnh nhân (Amygdala) là cơ quan đóng vai trò trong việc kiểm soát cảm xúc, chính nó đã khiến cảm xúc lấn át lý trí khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang, nhìn nhận vấn đề thiếu quan tâm do bị tác động bởi ấn tượng ban đầu của mình. Thực vậy, hiệu ứng hào quang cũng dễ gặp ở những người sống theo cảm xúc hơn là người lý trí.
Mặt khác sức hấp dẫn của một đối tượng cũng chính là thứ khiến hiệu ứng hào quang ở người đó phát triển mạnh mẽ hơn. Sức hấp dẫn ở đây liên quan đến nhiều khía cạnh, chẳng hạn như ngoại hình hay đặc điểm tính cách của một người, một đối tượng nào đó. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sức hấp dẫn có tác động trực tiếp đến nhận thức của một người. Trong đó những người có ngoại hình xinh đẹp, tính cách thân thiện thường được đánh giá là dễ thành công hơn trong cuộc sống.
Biểu hiện của hiệu ứng hào quang trong cuộc sống
Không hề khó để bắt gặp các hình ảnh về hiệu ứng hào quang trong cuộc sống hằng này, được biểu hiện rõ ràng trên rất nhiều lĩnh vực. Bản thân bạn cũng có thể là người sở hữu “ánh hào quang” hay người bị tác động bởi yếu tố này.
Trong các mối quan hệ
Một điều hiển nhiên là chúng ta thường dễ có ấn tượng hay các nhìn thiện cảm đầu tiên với những người ăn mặc gọn gàng, xinh đẹp, thơm tho hơn, điều này khiến chúng ta có suy nghĩ rằng, một người có vẻ ngoài như thế này chắc chắn sẽ là người thú vị, người thông minh. Chưa cần biết người đó có tính cách thế nào, chỉ cần ấn tượng về vẻ bề ngoài đầu tiên cũng đủ làm bạn có cái nhìn tích cực về người đó.
Hay lướt trên mạng xã hội, khi thấy một scandal của một người nổi tiếng nào đó liên quan đến nhân cách hay tình cảm, chúng ta không khó để bắt gặp những bình luận như “vì đẹp nên được tha thứ”; ” thích giọng hát của bạn, nhân cách thế nào không quan tâm”. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu ứng hào quang có tác động đến tâm trí như thế nào.
Trong vấn đề công việc
Một nhân viên mới A làm việc nếu có ngoại hình xinh xắn, nhỏ nhắn, nụ cười dễ mến, hòa đồng, chủ động giúp đỡ mọi người chắc chắn thường gây được ấn tượng tốt hơn người có khuôn mặt và tính cách lạnh lùng B. Cho dù năng lực của A có thể không tốt bằng B, cũng hay làm sai nhưng bởi ấn tượng ban đầu quá tốt nên mọi người cũng dễ dàng chấp nhận bỏ qua vì ảnh hưởng từ hiệu ứng hào quang.
Hoặc khi bạn đã hoàn thành xong xuất sắc một dự án, đem về cho công ty một nguồn lợi nhuận hay các khách hàng lớn, thì mọi người, bao gồm cả sếp sẽ tự động thay đổi cái nhìn, trở nên yêu quý và tin tưởng vào bạn. Khi có các dự án khó và lớn khác, mọi người đều thống nhất tiến cử bạn thực hiện vì tin rằng sẽ có kết quả tốt như các dự án trước đó.
Hay khi phỏng vấn, dù chưa bàn đến năng lực nhưng việc bạn đến nơi phỏng vấn đúng giờ, ăn mặc chỉn chu, trả lời rành mạch, biết chờ đợi và xếp hàng cũng đủ để gây ấn tượng và có điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Bởi năng lực còn có thể đào tạo nhưng thái độ là bản chất sẽ khó thay đổi hơn nên việc tạo ra thiện cảm trong lần phỏng vấn là vô cùng quan trọng.
Hiệu ứng hào quang trong marketing
Có thể nói biểu hiện từ hiệu ứng hào quang được thể hiện cực kỳ rõ nét trong lĩnh vực marketing, đặc biệt nhờ sức mạnh của truyền thông như hiện nay. Rõ ràng nhất chính là việc các thương hiệu, nhãn hàng, hay kể cả những người kinh doanh cá nhân hiện nay đều có xu hướng hợp tác với những người có sức ảnh hưởng để quảng bá cho thương hiệu của mình.
Khi một người nổi tiếng giới thiệu về một sản phẩm nào đó chắc chắn những fan hâm mộ của họ sẽ tương tác, tìm hiểu hay mua sản phẩm này theo thần tượng. Ngay cả khi không mua thì việc tìm kiếm tăng tương tác với các bài đăng có tên thương hiệu ở đó cũng đủ giúp thương hiệu đó được quảng bá và biết đến rộng hơn, cơ hội tìm kiếm khách hàng tăng lên.
Hoặc đơn giản như một cửa hàng đồ ăn tập trung phát triển mạnh một món ăn nào đó, cả về hương vị hay quảng bá. Nếu đạt được các phản ứng tích cực, lượng khách đến thưởng thức món ăn này sẽ tăng lên và họ cũng hình thành suy nghĩ, nếu món này ngon vậy chắc chắn những món khác cũng ổn. Cho dù những món khác không xuất sắc nhưng chúng ta cũng có thể châm chước bỏ qua vì suy nghĩ rằng có thể thế mạnh chỉ là món ăn kia.
Hiệu ứng hào quang sau khi… mất đi
Nghe có vẻ hơi kỳ cục, tuy nhiên có một câu nói rằng ” khi bạn mất đi, cả thế giới bỗng chốc yêu thương bạn”. Có những người khi còn sống thường bị những người xung quanh chửi rửa, nói xấu, ghét bỏ nhưng khi họ mất đi, cảm xúc này bỗng chốc biến mất, thay vào đó là sự thương cảm, đau xót, tiếc thương, thậm chí tôn vinh những giá trị mà họ đã đạt được.
Minh chứng rõ nhất chính là các idol Kpop như Sulli (Fx) hay Goo Hara (Kara). Khi còn sống, họ luôn bị mọi người soi mói, chỉ trích vì vô vàn vấn đề, từ sở thích, chuyện hẹn hò, chuyện ăn mặc… Áp lực quá lớn khiến họ rơi vào trầm cảm và tử tự. Ngay sau khi họ mất đi, mọi người bỗng chốc thể hiện sự tiếc thương, chia sẻ về tài năng của họ, về sự xinh đẹp, về sự tử tế của họ. Đây cũng là một dạng điển hình của hiệu ứng hào quang.
Hiệu ứng hào quang tiêu cực hay tích cực
Bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống cũng có 2 mặt tiêu cực và tích cực, tùy theo các chúng ta nhìn nhận và ứng dụng nó. Đặc biệt với hiệu ứng hào quang, các ảnh hưởng của nó không chỉ lên từng cá nhân mà còn liên quan tới cả cộng đồng.
Tác động tích cực
Một người khi biết được thế mạnh của bản thân, hiệu về hiệu ứng hào quang này hoàn toàn có thể tận dụng nó để phát triển và làm giàu cho chính mình. Chẳng hạn khi sở hữu một vóc dáng cân đối, một làn da đẹp, khuôn mặt dễ nhìn thì hoàn toàn có thể thử làm KOL, làm mẫu ảnh, nhận pr quảng bá các sản phẩm phù hợp. Khi một người thấy bạn mặc đẹp mà họ có vóc dáng tương tự, bản thân họ cũng mặc định họ phù hợp, nếu sản phẩm đó thật sự chất lượng thì mức độ yêu quý bạn sẽ tăng lên.
Hay trong các chiến dịch kinh doanh ngày này cũng “lợi dụng” hiệu ứng hào quang này rất nhiều khi các nhãn hàng liên tục mời những người có sức ảnh hưởng để làm đại diện thương hiệu hay quảng bá sản phẩm. Chẳng hạn như thương hiệu thời trang Céline cao cấp của Pháp từ sau khi mời Lisa ( Blackpink) làm đại sứ toàn cầu thì các sản phẩm được cô nàng này sử dụng đã liên tục cháy hàng cho dù có mức giá vô cùng đắt đỏ. Mức độ tăng trưởng của họ cũng tăng vụt một cách chóng mặt chính là nhờ sự yêu mến từ người hâm mộ của Lisa đã luôn ủng hộ thần tượng của mình.
Sự trung thành cũng chính là một thế mạnh được tạo ra bởi hiệu ứng hào quang. Bởi khi bạn đã có niềm tin vào một điều gì đó thì bộ não của bạn sẽ có xu hướng biện hộ cho những sai lầm, thiếu sót nếu có xảy ra. Ví dụ Hoặc khi đến một quán ăn, nếu thấy quán sạch sẽ, có nhân viên nhiệt thì cho dù món ăn đó có không quá xuất sắc bạn cũng không quá khó chịu bởi sự thiện cảm ngay từ đầu này.
Thực tế Halo Effect – hiệu ứng hào quang vốn xuất phát điểm là một vấn đề tâm lý nhưng mức độ ảnh hưởng của nó lại liên quan rất nhiều đến cả khía cạnh kinh tế hay chính trị. Chẳng hạn trong một cuộc bầu cử, dù chúng ta không biết vị lãnh đạo A có thực sự giỏi, có phải người liêm chính hay không nhưng nếu ông ta thường xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí vì thường xuyên làm từ thiện, đứng về phía người dân thì mặc định đó là người đáng tin cậy và sẽ kêu gọi bỏ phiếu cho A.
Nói chung, bạn chỉ cần nhấn mạnh hoặc làm nổi bật nhất một ưu điểm của bản thân, của một đối tượng hay một vấn đề nào đó thì hiệu ứng hào quang sẽ làm nhiệm vụ còn lại, tức là kéo tất cả những yếu tố còn lại vượt lên trên mức thực tại của nó. Đây chính là ưu điểm lớn nhất mà bạn có thể nhận được nếu tận dụng hiệu ứng hào quang đúng cách.
Mặt tiêu cực
Việc chúng ta đánh giá tổng thể một đối tượng qua cái nhìn phiến diện của chính mình thường sẽ không nhìn nhận được bản chất của vấn đề nên dễ dẫn tới hụt hẫng. Chẳng hạn khi thấy thần tượng hay một người nào đó mà bạn yêu thích giới thiệu về loại mỹ phẩm A sẽ nhất mực tin tưởng và mua theo, cho dù sản phẩm đó vốn đã được đánh giá là kem trộn, là sản phẩm kém chất lượng.
Khi nhận thức được về hiệu ứng hào quang, một số người cũng cố tạo ra các chiêu trò để bản thân được chú ý đến, dù đó không phải những điều đúng đắn. Chẳng hạn một số người ăn mặc lố lăng, thiếu vải hoặc phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội. Sau khi có được 1 lượng người theo dõi và bênh vực, tự dưng họ trở thành người được gọi là ” có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội”.
Một cá nhân khi trở thành người sở hữu hiệu ứng hào quang có thể thay đổi bản chất của chính mình, họ dường như tự cao hơn, hống hách hơn, cho rằng mình vượt trội hơn tất cả mọi người. Họ đã quen với tiếng hò reo, sự tán thưởng và yêu thích của những người khác nên không thể chịu được nếu không còn ai quan tâm nên càng càng lố lăng, sa lầy vào vũng bùn mà bản thân tự tạo ra.
Ví dụ như Trịnh Sảng (Trung Quốc) vốn đã nổi tiếng với ngoại hình xinh đẹp, mảnh mai, tham gia rất nhiều bộ phim nổi tiếng. Cho dù cô ấy có diễn đơ, có hay phát ngôn bừa bãi, được coi là thiếu EQ thì vẫn có rất nhiều người bênh vực, cho rằng cô ấy “đẹp là được”; “đẹp nên được tha thứ”. Bản thân Trịnh Sảng cũng hoàn toàn bị chìm đắm trong hiệu ứng hào quang nên cho dù đã bị “phong sát” nhưng vẫn tìm cách gây chú ý trở lại.
Nói cách khác, mặt tiêu cực của hiệu ứng hào quang chính là khiến chúng ta – hay những người bị tác động trực tiếp bởi hiệu ứng này có những tư tưởng và nhận thức sai lệch, thậm chí trở nên mù quáng, cố chấp với những suy nghĩ của bản thân. Một người có nhận thức sai lệch có thể không đáng kể nhưng nếu hàng trăm, hàng nghìn người có tư tưởng này thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.
Ứng dụng hiệu ứng hào quang thế nào để đúng cách?
Như đã nói, hiệu ứng hào quang mang đến cả những tác động tiêu cực và tích cực, việc bạn ứng dụng nó như thế nào sẽ quyết định nó mang lại kết quả ra sao. Halo Effect sẽ không hề xấu nếu bạn nhìn nhận nó một cách đúng cách, cân bằng được cảm xúc lẫn lý trí.
Luôn nhìn nhận 2 mặt của vấn đề
Không thể phủ nhận rằng chúng ta dễ đánh giá vấn đề theo cảm quan, ấn tượng đầu tiên của bản thân, tự mình đánh lừa chính bản thân mình. Tuy nhiên khi đã hiểu về hiệu ứng hào quang, bạn cần học cách suy nghĩ chậm hơn, nhìn nhận mọi khía cạnh của vấn đề rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Bình tĩnh lại và suy nghĩ chậm hơn sẽ giúp bạn có thể đánh giá vấn đề một cách khách quan hơn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn phải quá dò xét, săm soi một vấn đề nào đó mà là theo dõi các chi tiết để đánh giá một cách tổng thể. Chẳng hạn nhân viên mới dù có ngoại hình xinh đẹp nhưng ngày nào cũng không hoàn thành xong công việc và cũng chẳng có cố gắng, luôn nhờ người này người kia hoàn thành việc dùm chứng tỏ người đó vừa có năng lực, vừa có thái độ không tốt.
Bất cứ vấn đề nào cũng cần có thời gian để bộc lộ bản chất, một đôi giày có chất lượng không thì phải qua thời gian sử dụng để đo độ bền chứ đừng bị đánh lừa bởi ngoại hình bắt mắt bên ngoài. Bạn có thể tìm hiểu điều này thông qua việc dành thời gian đọc những bài review đánh giá trên trang bán hàng đó. Tương tự, bạn cũng đừng để bị hiệu ứng hào quang đánh lừa mà hãy dành thời gian quan sát và suy ngẫm kỹ càng hơn.
Hoàn thiện về nhân cách
Ngoại hình là thứ gây ấn tượng tức thời nhưng nhân cách mới là thứ giúp bạn giữ được hiệu ứng hào quang mãi mãi. Một người dù xinh xắn đến đâu nhưng tính cách lúc nào cũng cáu gắt, không biết giúp đỡ người khác, thờ ơ với sự thống khổ, luôn ích kỷ sẽ không thể nào giữ mãi hình ảnh tốt đẹp trong mắt những người xung quanh được. giá trị này sẽ dần bị bạo mòn mà thôi.
Kể cả khi bạn không có ngoại hình quá xuất sắc hay tài năng cũng chẳng hơn người nhưng chỉ cần bạn sống một cách hết mình, chân thành với mọi người, luôn biết giúp đỡ mọi người, hài hước thì chắc chắn vẫn sẽ luôn được yêu quý, vẫn có thể thành công trong công việc. Giá trị bạn tạo ra lâu dài mới chính là hào quang vĩnh cửu.
Chăm sóc hơn về ngoại hình
Rõ ràng việc có ngoại hình là một lợi thế rất lớn trong mọi vấn đề, từ công việc, các mối quan hệ hay tình cảm cá nhân. Thậm chí một vài nghiên cứu còn chỉ ra, nhiều quan tòa hay những người làm về luật pháp thậm cho rằng những người có ngoại hình đẹp đẽ, sáng sủa ít là tội phạm hơn. Câu hỏi mà họ đặt ra chính là có ngoại hình như thế sao phải đi phạm tội, trong khi đó những người có ngoại hình kém hơn lại dễ bị nhìn nhận là xấu xa hơn.
Do đó, hãy luôn chuẩn bị cho bản thân một vẻ ngoài ấn tượng trong mọi tình huống, đặc biệt với những lần gặp đầu tiên. Không cần phải quá lộng lẫy, chỉ cần ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, tóc mượt mà, không luộm thuộm thì cũng đủ để tạo thiện cảm, tạo được hiệu ứng hào quang với đối phương rồi. Việc bạn ăn mặc áo phức tạp, lố lăng đôi khi còn tạo hiệu ứng trái ngược nên cực kỳ thận trọng.
Đừng quá lạm dụng hiệu ứng hào quang
Nếu bản thân bạn đang nhận được sự chú ý từ mọi người, đang là người sở hữu ánh hào quang thì có thể tận dụng nó để phát triển, tạo danh tiếng, đặc biệt là nguồn thu nhập rất lớn cho bản thân. Tuy nhiên quan trọng là cần phải biết ứng dụng vừa đủ, đúng cách, đừng quá lạm dụng bởi tự bạn có thể gây ra các phản ứng ngược lại với người hâm mộ.
Chẳng hạn, dù công việc của bạn là quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ đối tác nhưng không phải sản phẩm nào bạn cũng nhận nếu không xác định được chính xác chất lượng, nguồn gốc của nó. Việc bạn Pr tràn lan quá nhiều sản phẩm sẽ khiến mọi người nghi ngờ về độ uy tín của chính bạn. Rất nhiều người nổi tiếng vì không thể vượt qua được cám dỗ về tiền bạc mà đã nhận PR nhiều sản phẩm kém chất lượng, kết quả là bị chính fan của mình quay lưng.
Tương tự như các nhãn hàng tận dụng hiệu ứng hào quang từ những KOL, người nổi tiếng cũng nên tìm đến những gương mặt uy tín, phù hợp với sản phẩm của mình. Không nên quá lạm dụng seeding hay sử dụng những người nổi tiếng quá nhiều, lựa chọn các gương mặt tai tiếng thì không những không đem lại kết quả mà còn khiến sản phẩm của mình bị đánh giá xấu đi, không được công chúng đón nhận.
Hiệu ứng hào quang có thể đem lại nhiều phản ứng cả tiêu cực và tích cực, tùy theo cách chúng ta ứng dụng và tiếp nhận nó. Tuy nhiên nếu bạn đón nhận nó một cách tích cực thì hoàn toàn có thể đem đến cho bản thân rất nhiều giá trị, đặc biệt phát triển và hoàn thiện bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Chứng sợ con số (Arithmophobia) gây ra ảnh hưởng gì?
- 9 Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bạn yêu người ái kỷ
- Chứng ăn cắp vặt là một dạng bệnh lý hay chỉ là thói quen?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!