Các giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực bạn nên chú ý
Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm/ hưng cảm nhẹ. Tuy nhiên ngoài 2 giai đoạn chính, bệnh lý này còn bao gồm 3 giai đoạn phụ khác. Tìm hiểu đặc điểm của các giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Tìm hiểu các giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực còn được biết đến với tên gọi là rối loạn lưỡng cực, rối loạn phổ lưỡng cực và bệnh hưng – trầm cảm. Bệnh lý này là một dạng rối loạn khí sắc mãn tính, đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn hưng cảm/ hưng cảm nhẹ với các giai đoạn trầm cảm điển hình. Thỉnh thoảng, người bệnh có khoảng thời gian hoàn toàn khỏe mạnh xen kẽ với các giai đoạn kể trên.
Đặc trưng của rối loạn lưỡng cực là sự thay đổi nhanh chóng của khí sắc (cảm xúc). Do đó, bệnh được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Hiện tại, bệnh lý này được chia thành 5 giai đoạn bao gồm giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm, giai đoạn hỗn hợp, giai đoạn thuyên giảm và giai đoạn không đặc hiệu.
Trong đó, 3 giai đoạn đầu được quan tâm hơn do có triệu chứng rõ rệt và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Các giai đoạn còn lại không có triệu chứng và triệu chứng mờ nhạt nên ít được chú ý hơn.
1. Giai đoạn hưng cảm
Hưng cảm là một trong những giai đoạn của rối loạn lưỡng cực, bao gồm hưng cảm điển hình, hưng cảm nhẹ và hưng cảm có kèm theo triệu chứng loạn thần. Trong đó, khoảng 10 – 20% bệnh nhân có giai đoạn hưng cảm điển hình. Giai đoạn này xuất hiện nhanh trong vài ngày và tồn tại khoảng vài tháng. Biểu hiện của hưng cảm có sự khác biệt giữa hưng cảm điển hình, hưng cảm nhẹ và hưng cảm kèm theo triệu chứng loạn thần.
– Hưng cảm điển hình:
Hưng cảm điển hình là tình trạng tăng khí sắc, đối lập hoàn toàn với chứng trầm cảm. Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân gia tăng cảm xúc và các hoạt động có mục đích. Giai đoạn này thường xảy ra ít nhất 1 tuần với các biểu hiện đặc trưng như:
Cảm xúc hưng phấn: Hưng cảm đặc trưng bởi sự gia tăng của khí sắc, người bệnh luôn trong trạng thái vui vẻ, lạc quan và có thể tăng cao đến khoái cảm, thích đùa giỡn, thậm chí trở nên hung hăng và dữ tợn.
- Thể hiện sự vui vẻ, lạc quan thái quá, kể cả ở những tình huống có tính chất nghiêm trọng như cuộc họp căng thẳng, thậm chí là khi đến đám tang và đám giỗ,…
- Tự cao, vui vẻ thái quá và không bao giờ có biểu hiện mệt mỏi. Hay đưa ra những lời khuyên cho người khác và thường có các phát biểu mang tính chất vĩ mô để khẳng định giá trị của bản thân.
- Thậm chí, bệnh nhân có các hành vi, lời nói thiếu đứng đắn, suồng sã và kích thích ham muốn tình dục của người khác. Khi không đạt được mục đích, bệnh nhân thường có phản ứng thích châm chọc, hung dữ và gây hấn.
- Thích đùa cợt, có những hành động không suy nghĩ và thường không nghĩ đến hậu quả từ hành vi của bản thân.
Tư duy hưng phấn: Ngoài cảm xúc, trong các cơn hưng cảm, tư duy của người bệnh trở nên hưng phấn với những biểu hiện như:
- Tư duy phi tán
- Thiếu sự tập trung, hay thay đổi sự chú ý
- Nói nhanh trong nhiều giờ
- Có nhiều sáng kiến
- Trí nhớ tăng
- Quá trình liên tưởng nhanh
- Hoang tưởng tự cao, có thể hoang tưởng bản thân mang dòng dõi cao quý và phát minh ra những thứ vĩ đại cho nhân loại
- Hay ca hát
- Nói theo vần điệu, thích chơi chữ
Vận động hưng phấn: Sự hưng phấn trong cảm xúc và tư duy cũng chi phối đến vận động của bệnh nhân. Do đó trong các cơn hưng cảm, bệnh nhân sẽ có những hành vi đặc trưng như:
- Đứng ngồi không yên
- Khuôn mặt rất biểu cảm
- Ăn uống ít
- Ngủ ít
- Hay liếc mắt với người khác
- Có những hành vi thân mật quá mức với người khác
- Dễ tiếp xúc, hòa đồng thái quá
- Không có cảm giác xấu hổ hay e thẹn
- Thường có hành động khiêu dâm, lỗ mãng với người khác
- Cách đi đứng cường điệu quá mức
- Chi tiêu, mua sắm vô độ, không tính toán
– Hưng cảm nhẹ:
Ngoài hưng cảm, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cũng có thể gặp phải các cơn hưng cảm nhẹ. Như tên gọi, tình trạng này là một dạng hưng cảm có mức độ nhẹ hơn với triệu chứng xảy ra trong ít nhất 4 ngày. Trong giai đoạn hưng cảm nhẹ, khí sắc, tư duy và hành vi của bệnh nhân chỉ tăng nhẹ nên các hoạt động xã hội, nghề nghiệp và học tập bị ảnh hưởng không đáng kể.
Các biểu hiện trong giai đoạn hưng cảm nhẹ:
- Nhu cầu ngủ giảm nhưng khí sắc tươi sáng, vui vẻ và lạc quan
- Bệnh nhân luôn tràn trề năng lượng, hoạt bát và dễ hòa nhập với các tình huống xã hội
- Tăng sự tự tin
- Tính sáng tạo tăng lên đáng kể
- Bệnh nhân thường không muốn rời khỏi giai đoạn này do hưng cảm nhẹ ít khi làm suy giảm chất lượng cuộc sống, ngược lại giúp người bệnh tăng khả năng sáng tạo khi làm việc và trở nên nổi bật hơn trong đám đông nhờ sự tự tin, giao tiếp khéo léo, luôn tràn đầy năng lượng,…
- Tuy nhiên, một số bệnh nhân có biểu hiện cáu gắt, khó chịu, khí sắc không ổn định và dễ phân tán trong giai đoạn hưng cảm nhẹ.
– Hưng cảm loạn thần:
Hưng cảm loạn thần là tình trạng tăng khí sắc đi kèm với các triệu chứng loạn thần. Bệnh nhân có triệu chứng hưng cảm điển hình đi kèm với các biểu hiện như:
- Thường có các hoang tưởng phóng đại và vô lý như bản thân là chúa Giêsu, thánh thần hoặc đang bị theo dõi bởi các tổ chức FBI.
- Đôi khi xuất hiện ảo giác
- Gia tăng các hoạt vi ngông cuồng và có tính chất nguy hiểm như phóng xe nhanh, lái xe không cẩn thận, mua sắm vô độ, chửi thề, la hét, thích gây hấn, đánh nhau với người khác,…
- Trong giai đoạn hưng cảm loạn thần, bệnh nhân dễ bị kích thích và cảm xúc thường không ổn định. Một số trường hợp còn có thể xuất hiện mê sảng với sự mất mát hoàn toàn của hành vi và nhận thức.
Ngoài rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hưng cảm còn xuất hiện trong rối loạn phân liệt cảm xúc. So với trầm cảm, hưng cảm xảy ra trong thời gian ngắn và dễ kiểm soát hơn. Nguyên tắc chính trong điều trị hưng cảm là ổn định cảm xúc và giảm thiểu tối đa các hoạt động ngông cuồng của người bệnh.
2. Giai đoạn trầm cảm
Trầm cảm điển hình là giai đoạn chính trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực bên cạnh hưng cảm/ hưng cảm nhẹ. Trong đó, đa phần các trường hợp đều khởi phát trầm cảm trước hưng cảm (chiếm khoảng 65%). Ngược lại với hưng cảm, trầm cảm là sự giảm thấp của tâm trạng (khí sắc) dẫn đến sự ức chế về mặt tư duy và hoạt động.
Đối với trầm cảm, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng trầm cảm điển hình và đôi khi có đi kèm với biểu hiện loạn thần.
– Trầm cảm điển hình:
Trầm cảm điển hình có biểu hiện đa dạng, bao gồm 4 nhóm triệu chứng chính:
Cảm xúc ức chế: Trầm cảm đặc trưng bởi sự giảm thấp của cảm xúc, trương lực cảm xúc giảm, bệnh nhân luôn chán nản, buồn bã, uể oải, giảm hoặc mất hứng thú trong công việc, sinh hoạt và thậm chí là hoạt động tình dục. Cảm xúc ức chế thường biểu hiện qua những dấu hiệu sau:
- Buồn bã, nỗi buồn sâu sắc dần theo thời gian
- Cảm thấy nặng nề, uể oải
- Chán nản
- Có cảm giác cuộc sống gia đình, xã hội và công việc trở nên nhàm chán
- Bi quan về tương lai
- Người bệnh có biểu cảm khuôn mặt luôn u uất và buồn bã
Tư duy ức chế: Ngược lại với hưng cảm, tư duy ở giai đoạn trầm cảm thường bị ức chế bởi những biểu hiện như:
- Khó tập trung tư tưởng
- Khó phát triển ý nghĩ và gặp khó khăn trong việc diễn đạt lời nói
- Ý tưởng nghèo nàn, giảm tính sáng tạo
- Khả năng suy nghĩ và quá trình liên tưởng trở nên chậm chạp, khó khăn. Biểu hiện là bệnh nhân trả lời câu hỏi chậm, âm lượng lời nói nhỏ, rời rạc và thậm chí nghe như đang than khóc
- Bệnh nhân có ý nghĩ bản thân là người vô dụng, đáng bị trừng phạt do mắc phải tội lỗi về những sự kiện đã xảy ra. Dần dần, người bệnh rơi vào trạng thái tuyệt vọng và có ý nghĩ tự sát để giải thoát bản thân.
Hoạt động ức chế: Cảm xúc và tư duy bị ức chế dẫn đến sự ức chế về vận động. Các hoạt động thường gặp ở bệnh nhân trong các cơn trầm cảm, bao gồm:
- Giọng nói trầm, đơn điệu và rời rạc
- Dáng đi lờ đờ, chậm chạp, thể hiện rõ sự trầm buồn và chán nản
- Khuôn mặt buồn bã, biểu hiện thiếu sinh động
- Bệnh nhân giảm các hoạt động thể chất, dành nhiều thời gian để nằm hoặc ngồi bất động
- Người bệnh trông già trước tuổi
- Bệnh nhân thường ở trong nhà, ít khi ra bên ngoài và hầu như không tham gia các hoạt động xã hội
- Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến bất động
Trong các cơn trầm cảm, bệnh nhân còn gặp phải một số triệu chứng khác như lo âu, căng thẳng và một số biểu hiện do rối loạn thần kinh thực vật như mất ngủ, suy nhược, chán ăn, tăng nhịp tim, hồi hộp, bất an, đau đầu, táo bón, khô miệng và chóng mặt.
– Trầm cảm kèm theo triệu chứng loạn thần:
Tương tự như hưng cảm, trong giai đoạn trầm cảm, một số bệnh nhân cũng có một số triệu chứng loạn thần. Các triệu chứng loạn thần xảy ra phổ biến hơn trong giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực hơn là trầm cảm đơn cực.
Ngoài các triệu chứng trên, trầm cảm loạn thần còn đi kèm với một số biểu hiện như:
- Xuất hiện ảo thanh với nội dung buộc tội bản thân, thậm chí nghe tiếng chửi rủa của những người xung quanh hoặc tiếng đám ma trong đám tang của chính mình.
- Hoang tưởng bản thân mắc bệnh dù không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào.
- Ảo thanh, ảo giác xuất hiện với cường độ tăng lên theo thời gian thôi thúc ý nghĩ và hành vi tự sát.
Bên cạnh các triệu chứng tâm thần, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng thể chất trong các cơn trầm cảm loạn thần như:
- Rối loạn tiểu tiện, tiểu khó
- Rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm, mất kinh, giảm ham muốn, khô hạn,…
- Nam giới bị rối loạn cương dương và không có hứng thú tình dục
- Rối loạn tiêu hóa
- Toàn thân giảm năng lượng, mệt mỏi, uể oải, suy nhược
- Có các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật như nghẹn thở, bất an, hồi hộp, đổ mồ trộm,…
3. Giai đoạn hỗn hợp
Giai đoạn hỗn hợp đề cập đến giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xuất hiện hơn 3 triệu chứng trầm cảm. Các triệu chứng này xảy ra trong hầu hết các ngày của giai đoạn dẫn đến sự thay đổi trạng thái liên tục. Giai đoạn hỗn hợp thường xuất hiện trong rối loạn lưỡng cực I.
Vì triệu chứng chồng chéo nên giai đoạn hỗn hợp khó chẩn đoán hơn so với hưng cảm và trầm cảm. Hơn nữa, tiên lượng cũng xấu hơn so với các cơn hưng cảm hay hưng cảm nhẹ. Nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi đột ngột của khí sắc trong giai đoạn hỗn hợp dẫn đến nguy cơ tự sát tăng cao.
Trong giai đoạn hỗn hợp, bệnh nhân có khí sắc tăng giảm thất thường. Đang vui vẻ, lạc quan có thể trở nên ủ rũ và chán chường chỉ trong một thời gian ngắn. Sự thay đổi nhanh chóng của khí sắc rất dễ nhận thấy bởi những người xung quanh.
4. Giai đoạn thuyên giảm
Giai đoạn thuyên giảm xuất hiện xen kẽ giữa các giai đoạn phát triển của bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân hầu như không có bất cứ biểu hiện nào khác thường. Cảm xúc, tư duy và hành vi đều trở lại gần như bình thường.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một dạng rối loạn khí sắc mãn tính nên rất khó điều trị dứt điểm. Hiện tại, mục tiêu của điều trị là kéo dài giai đoạn thuyên giảm của bệnh, đồng thời làm giảm thời gian và mức độ triệu chứng trong giai đoạn hưng cảm/ hưng cảm nhẹ và trầm cảm.
5. Giai đoạn không đặc hiệu
Ngoài những giai đoạn trên, một số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực còn có thể phát triển thêm giai đoạn không đặc hiệu. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn lưỡng cực rõ ràng nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực I hoặc II.
Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính có liên quan đến các yếu tố nội sinh. Do đó, bệnh thường tiến triển phức tạp, dai dẳng và rất khó để điều trị hoàn toàn. Việc nắm rõ các giai đoạn rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh tình và biết cách chăm sóc để có thể quản lý bệnh thành công.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn lưỡng cực di truyền không? Ai có nguy cơ mắc bệnh?
- Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực và những điều cần biết
- Phác đồ điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!