Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không? Chữa khỏi được không?
Bên cạnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực cũng là vấn đề tâm lý có tỷ lệ người mắc tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Chính vì vậy, các vấn đề như Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không? trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
Rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm) là một trong những vấn đề tâm thần khá phổ biến hiện nay. Bệnh lý này là một dạng rối loạn khí sắc mạn tính, đặc trưng bởi sự xen kẽ và lặp đi lặp lại của các giai đoạn hưng cảm/ hưng cảm nhẹ với trầm cảm điển hình. Ngoài ra, bệnh còn bao gồm giai đoạn hỗn hợp và giai đoạn thuyên giảm.
Hiện nay, rối loạn lưỡng cực được xếp vào nhóm rối loạn cảm xúc bên cạnh trầm cảm và các rối loạn khí sắc khác. So với các rối loạn cảm xúc thông thường, bệnh hưng – trầm cảm có cơ chế bệnh sinh và tiến triển phức tạp hơn. Theo số liệu thống kê, khoảng 1 – 3% dân số thế giới có các biểu hiện rối loạn lưỡng cực. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn về vấn đề “Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?”.
Rối loạn lưỡng cực có đặc điểm là sự thay đổi liên tục của tâm trạng, từ hưng cảm đến trầm cảm và ngược lại. Ngoại trừ giai đoạn thuyên giảm, các giai đoạn phát triển của bệnh đều gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân.
Nếu không được điều trị và chăm sóc, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực gần như không thể học tập và làm việc, thậm chí trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Tìm hiểu về ảnh hưởng và biến chứng của rối loạn lưỡng cực sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này:
1. Ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân
Rối loạn lưỡng cực gây ra sự bất ổn của cảm xúc nên ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người bệnh. Đa phần những người mắc bệnh lý này rất khó để duy trì các mối quan hệ cá nhân do cảm xúc thất thường và bất ổn. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ ly hôn ở người bị rối loạn lưỡng cực cao hơn gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.
Nếu không được điều trị, bệnh nhân gần như không thể duy trì các mối quan hệ thân thiết nào ngoại trừ gia đình. Bởi tâm trạng bất ổn cộng với các hành vi ngông cuồng trong cơn hưng cảm khiến nhiều người tỏ ra e dè khi kết bạn. Ngoài ra, sự thiểu hiểu biết của cộng đồng về các rối loạn tâm thần cũng khiến bệnh nhân bị cô lập và gần như không thể hòa nhập với xã hội.
2. Gặp nhiều khó khăn trong nghề nghiệp
Trong các cơn hưng cảm, bệnh nhân tăng trí nhớ và sự sáng tạo nhưng khả năng tập trung giảm, dễ bị phân tán nên đa phần đều không hoàn thành công việc một cách chỉn chu. Trong khi đó ở các cơn trầm cảm, bệnh nhân suy nghĩ chậm chạp, nghèo ý tưởng, trí nhớ giảm, uể oải, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung. Hơn nữa trong cơn trầm cảm, bệnh nhân luôn có cảm giác chán nản với cuộc sống, công việc và các mối quan hệ tình cảm.
Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp của người bệnh. Đa phần bệnh nhân đều gặp khó khăn trong công việc do thường xuyên mắc phải sai sót, không hoàn thành công việc, thiếu trách nhiệm và không có thái độ lắng nghe (đặc biệt trong cơn hưng cảm). Ở các đợt trầm cảm, một số bệnh nhân có thể chủ động nghỉ việc do không có mục tiêu sống, mơ hồ, tương lai bi quan và đen tối.
Đa số người bị rối loạn lưỡng cực đều gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm và rất khó có thể ổn định hiệu suất lao động. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập cá nhân và gia đình.
3. Tăng áp lực tài chính cho bản thân và gia đình
Rối loạn lưỡng cực cần phải được thăm khám và điều trị chuyên sâu bởi các bác sĩ Tâm thần. Chi phí điều trị tương đối cao và cần phải can thiệp điều trị lâu dài để kiểm soát bệnh hiệu quả. Do đó, chứng bệnh này cũng gây ra áp lực tài chính đối với bản thân người bệnh và gia đình.
Ngoài ra, sự chểnh mảng và chán chường trong công việc cũng khiến người bệnh có thu nhập thấp và không ổn định. Áp lực tài chính cộng với những khó khăn trong công việc làm gia tăng sự chán nản, người bệnh dần rơi vào trạng thái buồn bã sâu sắc, không lối thoát.
Nếu không được quan tâm và hỗ trợ, nhiều bệnh nhân lựa chọn lối sống thiếu lành mạnh để giải phóng cảm xúc của bản thân. Trong giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân thường tự nhốt mình trong phòng, uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện.
Còn trong các cơn hưng cảm, người bệnh có xu hướng tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật như gây hấn ở nơi công cộng, đua xe, mua sắm không suy nghĩ, đầu tư rủi ro, quan hệ tình dục, có các hành vi lỗ mãng và yêu thích việc khiêu khích ham muốn tình dục của những người xung quanh. Đặc biệt, trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân có xu hướng quan hệ tình dục không an toàn.
Tất cả những hoạt động này đều gia tăng áp lực tài chính đối với cá nhân người bệnh và gia đình. Hiện tại, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã xếp rối loạn lưỡng cực vào 20 vấn đề sức khỏe gây ra sự tốn kém nhất cho xã hội. Điều này càng khẳng định được áp lực tài chính do hội chứng hưng – trầm cảm gây ra.
4. Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Trong các đợt bùng phát của rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân thường có các triệu chứng thể chất bên cạnh biểu hiện tâm thần. Nếu không được điều trị và chăm sóc, người mắc chứng bệnh này có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính khác như:
- Rối loạn giấc ngủ
- Đau nửa đầu
- Đau vai gáy
- Thiếu máu não
- Rối loạn tiền đình
- Rối loạn tiêu hóa (thường gặp nhất là hội chứng ruột kích thích)
- Các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, bệnh động mạch vành, xơ vữa mạch máu, suy tim và thậm chí nhồi máu cơ tim
- Tiểu đường
- Các vấn đề tiết niệu
Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể do sự mất cân bằng của các tuyến nội tiết chính. Sự xuất hiện hàng loạt các vấn đề sức khỏe kể trên lại làm tăng mức độ trầm cảm ở người mắc chứng bệnh này. Bên cạnh đó, một số bệnh lý như thiếu máu não, rối loạn giấc ngủ và rối loạn tiền đình có thể cộng hưởng khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng hơn.
Ngoài các vấn đề thể chất, rối loạn lưỡng cực cũng gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như:
- Lạm dụng chất gây nghiện (chiếm 56%)
- Rối loạn lo âu (71% bệnh nhân)
- Rối loạn nhân cách (36%)
Những trường hợp rối loạn lưỡng cực đi kèm với các vấn đề tâm lý đều có tiên lượng xấu, hầu như không thể điều trị, bệnh tiến triển dai dẳng và phức tạp.
5. Những hậu quả không thể khắc phục do các cơn hưng cảm
Trong các cơn hưng cảm, bệnh nhân gia tăng các hoạt động bản năng như suồng sã, khiêu dâm, tăng ham muốn tình dục, mua sắm không tính toán, đầu tư rủi ro, đua xe, gây hấn và phá hoại tài sản công cộng. Các hoạt động này gây ra khủng hoảng tài chính đối với cá nhân người bệnh, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể phải đối mặt với những hậu quả không thể khắc phục như:
- Mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như viêm gan B, C, HIV,… do quan hệ tình dục không an toàn
- Phá sản do đầu tư rủi ro, mua sắm quá mức, không tính toán,…
- Tật nguyền do tai nạn
Đối với những hậu quả không thể khắc phục, bệnh nhân buộc phải sống chung trong suốt cả cuộc đời. Những hậu quả này càng làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia tăng cảm giác tội lỗi, bi quan trong các cơn trầm cảm. Đồng thời khiêu khích các hành động bản năng có tính chất nghiêm trọng hơn trong giai đoạn hưng cảm.
6. Làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có
Ngoài việc làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, rối loạn lưỡng cực cũng làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có – đặc biệt là cao huyết áp, đau nửa đầu, mất ngủ, tiểu đường và các bệnh nội tiết. Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc điều trị cũng là yếu tố làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe ở người bị rối loạn lưỡng cực.
7. Giảm tuổi thọ đáng kể
Người bị rối loạn lưỡng cực có tuổi thọ thấp hơn 2 lần so với người bình thường. Ngoại trừ nguyên nhân do tự sát và tự hại, giảm tuổi thọ thường có liên quan đến hậu quả do các hoạt động ngông cuồng trong giai đoạn hưng cảm, các vấn đề sức khỏe mãn tính – đặc biệt là cao huyết áp và bệnh động mạch vành.
8. Tự gây hại và tự sát
Rối loạn lưỡng cực là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tự sát bên cạnh trầm cảm và rối loạn lo âu. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những bệnh nhân có giai đoạn đầu tiên là trầm cảm và cảm xúc hỗn hợp sẽ có nguy cơ tự sát cao hơn so với bệnh nhân khởi phát giai đoạn đầu là hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ.
Trung bình, cứ 2 người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ có 1 người nỗ lực thực hiện hành vi tự sát ít nhất 1 lần trong đời. Thống kê cho thấy, có khoảng 0.4% bệnh nhân tự tử mỗi năm với tỷ lệ gấp 10 – 20 lần so với người bình thường. Ngoài ý nghĩ và hành vi tự sát, bệnh nhân cũng có thể tự thực hiện các hoạt động gây hại cho bản thân.
Tự hại và tự sát là biến chứng nặng nề nhất của rối loạn lưỡng cực. Nguy cơ tự sát tăng lên đáng kể khi có những yếu tố như giai đoạn đầu tiên của rối loạn lưỡng cực là trầm cảm hoặc cảm xúc hỗn hợp, tuổi tác cao, đồng diễn với rối loạn lo âu, trầm cảm/ hưng cảm đi kèm với các triệu chứng loạn thần, gặp xung đột, mâu thuẫn sâu sắc với người khác, bị xã hội cô lập, người thân qua đời đột ngột,…
Bệnh rối loạn lưỡng cực có chữa được không?
Có thể thấy, rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, vấn đề “Bệnh rối loạn lưỡng cực có chữa được không?’ là mối bận tâm của rất nhiều người.
Bệnh hưng – trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính có liên quan di truyền và các yếu tố nội sinh. Bệnh xen kẽ giữa các giai đoạn trầm cảm, hưng cảm/ hưng cảm nhẹ, giai đoạn hỗn hợp và giai đoạn thuyên giảm. Một số bệnh nhân còn có giai đoạn không biệt định với triệu chứng rõ ràng nhưng không đủ tiêu chuẩn để xác định thuộc nhóm rối loạn lưỡng cực I hay II.
Rối loạn lưỡng cực là bệnh dễ tái phát và rất khó để điều trị dứt điểm. Hầu hết đều kéo dài suốt đời với các giai đoạn hồi phục hoàn toàn hoặc một phần xen kẽ với các giai đoạn phát triển của bệnh. Tuy nhiên về cơ bản, can thiệp điều trị và có biện pháp chăm sóc hợp lý có thể giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh và ngăn ngừa những biến chứng nặng nề.
Tiên lượng của rối loạn lưỡng cực có sự khác biệt rõ rệt ở từng trường hợp. Cụ thể như sau:
- Tuổi phát bệnh sớm có tiên lượng xấu hơn so với người phát bệnh muộn.
- Các thể rối loạn lưỡng cực có chu kỳ nhanh (> 4 pha/ năm) cũng có tiên lượng xấu hơn so với các trường hợp khác.
- Những trường hợp rối loạn lưỡng cực có đi kèm biểu hiện loạn thần và không có đáp ứng với Lithium trong điều trị cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh.
- Ngoài ra, việc thăm khám muộn hoặc chẩn đoán, điều trị sai cũng là yếu tố khiến tiến triển của bệnh xấu đi.
Ngược lại, những trường hợp khởi phát bệnh sau 20 tuổi và thăm khám, can thiệp sớm thường có tiên lượng tốt với triệu chứng ít nghiêm trọng và đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên, rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính và có xu hướng tái phát trong suốt cả cuộc đời. Do đó bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cũng cần có chế độ chăm sóc hợp lý để vượt qua chứng bệnh này.
Rối loạn lưỡng cực là một trong những vấn đề tâm lý có mức độ nguy hiểm, dễ phát sinh ảnh hưởng và biến chứng nặng nề. Hy vọng qua bài viết, người bệnh có thể hiểu rõ “Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?”, từ đó chủ động tìm gặp bác sĩ và nỗ lực trong suốt quá trình điều trị.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn lưỡng cực di truyền không? Ai có nguy cơ mắc bệnh?
- Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực và những điều cần biết
- Khám rối loạn lưỡng cực ở đâu tại Hà Nội?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!