Phác đồ điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Với bản chất tái diễn và dai dẳng, rối loạn cảm xúc lưỡng cực gần như không thể điều trị dứt điểm. Phần lớn bệnh nhân đều phải sống chung với bệnh lý này trong suốt cả cuộc đời. Hiện tại, mục tiêu chính của phác đồ điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực là cải thiện triệu chứng, phục hồi chức năng xã hội và giúp bệnh nhân ổn định cuộc sống.
Khái niệm rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay rối loạn lưỡng cực, rối loạn phổ lưỡng cực và bệnh hưng – trầm cảm là một dạng rối loạn khí sắc mãn tính có liên quan đến các yếu tố nội sinh. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn trầm cảm điển hình với hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Giữa các giai đoạn bệnh là giai đoạn thuyên giảm, người bệnh phục hồi chức năng hoàn toàn hoặc một phần.
Từ thế kỷ 20 trở đi, bệnh đã được nghiên cứu sâu rộng hơn về sinh học thần kinh, di truyền học và hình ảnh thần kinh nhưng căn nguyên còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cơ chế bệnh sinh vẫn chỉ là giả thuyết và chưa có bất cứ khẳng định nào. Hiện nay, rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM hoặc ICD – 10.
Chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực được chẩn đoán chủ yếu thông qua biểu hiện lâm sàng. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể dùng tiêu chuẩn của ICD-10 hoặc DSM để đưa ra chẩn đoán xác định. Ngoài ra, các tiêu chuẩn này còn giúp bác sĩ xác định được giai đoạn và mức độ bệnh.
Thống kê cho thấy, khoảng 69% bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực bị chẩn đoán nhầm. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện đánh giá tâm thần và một số xét nghiệm cận lâm sàng để phân biệt với các chứng bệnh có liên quan như:
- Trầm cảm đơn cực (trầm cảm điển hình/ trầm cảm nặng)
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Các rối loạn tâm thần nặng như rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ), rối loạn nhân cách ranh giới, …
- Rối loạn khí sắc do chất gây nghiện
- Tình trạng chuyển từ trầm cảm sang hưng cảm do sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng tiết choline, thuốc đồng vận dopamin, corticosteroid, Cimetidine,…
- Rối loạn khí sắc do các bệnh nội khoa tổng quát như lupus ban đỏ, động kinh, xơ cứng, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), bệnh Basedow, bệnh Wilson, hội chứng Cushing,…
Ngoài khám lâm sàng, các kỹ thuật chuyên sâu có thể được thực hiện trong điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực bao gồm:
- Các xét nghiệm thường quy: Xét nhiệm vi sinh tìm HIV, viêm gan B, C, xét nghiệm nước tiểu tìm chất ma túy, xét nghiệm hormone tuyến giáp, xét nghiệm sinh hóa và huyết học.
- Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng: Siêu âm doppler xuyên sọ, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng, X quang tim phổi, đo điện não đồ, điện tim đồ, MRI sọ não, CT sọ não, đo đa ký giấc mơ, lưu huyết não,…
- Các trắc nghiệm tâm lý: Trắc nghiệm tâm lý chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực bao gồm thang đánh giá trầm cảm Hamiltion, Beck, trầm cảm trẻ em, trầm cảm người già (GDS), thang đánh giá trầm cảm cộng đồng (DHQ-9), thang đánh giá hưng cảm Young, thang đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI), thang đánh giá lo âu – trầm cảm – stress (DASS), thang đánh giá lo âu Zung, Hamilton, thang đánh giá nhân cách (MMPI),…
Ngoài các xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho công tác chẩn đoán, bệnh nhân cũng cần phải thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho việc điều trị và theo dõi điều trị như:
- Đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa do thuốc
- Theo dõi điện tim đồ, chức năng gan và thận 3 tháng/ lần
- Theo dõi tác dụng hạ bạch cầu bằng cách xét nghiệm công thức máu 1 tháng/ lần
- Xét nghiệm gen HLA-B-152 để tìm các đối tượng có nguy cơ dị ứng cao với thuốc chống động kinh (thuốc chống co giật)
Nguyên tắc và mục tiêu điều trị
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một trong những rối loạn tâm lý có triệu chứng tâm thần phức tạp. Sự thay đổi của tâm trạng trong các giai đoạn bệnh dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Mặc dù được nghiên cứu rộng rãi nhưng hiện nay, điều trị cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên tắc trong điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực:
- Nhập viện sớm cho những trường hợp có các giai đoạn rối loạn khí sắc nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh nhân có ý nghĩ và nỗ lực tự sát trong các cơn trầm cảm. Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình có thể điều trị ngoại trú.
- Phát hiện và điều trị sớm khi triệu chứng của rối loạn lưỡng cực còn nhẹ.
- Xác định rõ mức độ của bệnh và sự góp mặt của các triệu chứng loạn thần.
- Điều trị sớm bằng thuốc bao gồm thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc,… với liều lượng và loại thuốc phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.
- Song song với điều trị trong các giai đoạn cấp, bệnh nhân cần được điều trị dự phòng và chú ý đến phục hồi chức năng tâm lý xã hội sau khi điều trị.
- Điều trị duy trì trong ít nhất 6 tháng để phòng ngừa tái phát.
Mười mục tiêu quan trọng khi can thiệp điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực:
- Phải đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân và những người xung quanh.
- Tránh tình trạng chuyển cực, đảm bảo sự ổn định của âm trạng
- Giảm mức độ của các giai đoạn rối loạn cảm xúc cấp tính
- Điều trị biểu hiện loạn thần (nếu có)
- Ngăn ngừa tự sát
- Điều trị kết hợp với các triệu chứng dưới ngưỡng
- Tăng kiến thức về rối loạn lưỡng cực cho bệnh nhân, người chăm sóc và các thành viên trong gia đình
- Điều trị các vấn đề về nhận thức và những bệnh lý kèm theo
- Hỗ trợ bệnh nhân làm việc, học tập và sinh hoạt trong các giai đoạn bệnh
Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn khí sắc mãn tính và tái phát dai dẳng (chiếm 3/4 các trường hợp mắc bệnh. Dù khó điều trị dứt điểm nhưng về cơ bản, can thiệp điều trị sớm, đúng cách có thể ổn định cuộc sống của người bệnh và giúp bệnh nhân duy trì được các chức năng xã hội.
Xem thêm: Những hậu quả khó lường của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Phác đồ điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Phác đồ điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực bao gồm liệu pháp hóa dược và can thiệp tâm lý xã hội. Một số trường hợp nặng sẽ được cân nhắc sốc điện.
1. Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc là phương pháp chính và lâu dài trong điều trị rối loạn lưỡng cực. Loại thuốc và liều lượng sẽ được chỉ định tùy theo giai đoạn bệnh, độ tuổi và cơ địa của từng cá thể.
Giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ và giai đoạn cảm xúc hỗn hợp cấp tính
Thuốc chỉnh khí sắc (thuốc chống co giật):
- Topiramat 50 – 400mg/ ngày
- Lamotrigin 100 – 400mg/ ngày
- Carbamazepin 200 – 1600mg/ ngày
- Divalproex 750mg/ ngày (60mg/ kg/ ngày)
- Valproat 500 – 2000mg/ ngày
- Oxcarbazepin 600 – 2400mg/ ngày
- Gabapentin 300 – 1800mg/ ngày
Thuốc chống loạn thần:
- Thuốc chống loạn thần điển hình: Haloperidol 5 – 30mg/ ngày, Levopromazin 25 – 500mg/ ngày, Chlorpromazin 25 – 500mg/ ngày.
- Thuốc chống loạn thần không điển hình: Olanzapin 50 – 30mg/ ngày, Risperidon 1 – 10mg/ ngày, Quetiapin 200 – 800mg/ ngày, Aripiprazol 5 – 30mg/ ngày, Clozapin 300 – 900mg/ ngày
Thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepine:
- Diazepam 5 – 30mg/ ngày
- Clonzepam 1 – 8mg/ ngày
- Lorazepam 1 – 4mg/ ngày
- Bromazepam 3 – 6mg/ ngày
Trường hợp hưng cảm có mức độ nặng hoặc có đi kèm với các biểu hiện loạn thần thường được dùng phối hợp thuốc chống loạn thần với các loại thuốc chống co giật (thường dùng nhất là Carbamazepin hoặc Valproat).
Giai đoạn trầm cảm cấp tính
Trong giai đoạn trầm cảm cấp tính, bệnh nhân thường dùng các nhóm thuốc sau:
Thuốc chỉnh khí sắc:
- Topiramat 50 – 400mg/ ngày
- Gabapentin 300 – 1800mg/ ngày
- Oxcarbazepin 600 – 2400mg/ ngày
- Carbamazepin 200 – 1600mg/ ngày
- Valproat 500 – 1500mg/ ngày
- Divalproex 750mg/ ngày
- Lamotrigin 100 – 400mg/ ngày
Thuốc chống trầm cảm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): Sertralin 50 – 300mg/ ngày; Citalopram 20 – 60mg/ ngày, Fluoxetin 20 – 60mg/ ngày, Fluvoxamine 50 – 100mg/ ngày, Escitalopram 10 – 20mg/ ngày,…
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs): Clomipramin 50 – 100mg/ ngày, Amitriptilin 25 – 200mg/ ngày.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs): Duloxetin 40 – 120mg/ ngày, Venlafaxin 37.5 – 225mg/ ngày.
- Thuốc ức chế tái hấp thu dopamin và norepinephrine: Bupropion 75 – 450mg/ ngày.
- Thuốc tăng dẫn truyền noradrenalin và đặc hiệu trên serotonin (NaSSA): Mirtazapin 15 – 60mg/ ngày
Thuốc chống loạn thần:
- Thuốc chống loạn thần điển hình: Levopromazin 25 – 500mg/ ngày, Chlorpromazin 25 – 500mg/ ngày, Haloperidol 5 – 30mg/ ngày.
- Thuốc chống loạn thần không điển hình: Olanzapin 5 – 30mg/ ngày, Risperidon 1 – 10mg/ ngày, Quetiapin 50 – 800mg/ ngày, Aripiprazol 5 – 30mg/ ngày, Clozapin 25 – 900mg/ ngày,
Điều trị duy trì: Chọn các loại thuốc có đáp ứng trong giai đoạn cấp:
- Olanzapin 10mg/ ngày
- Risperidon 2mg/ ngày
- Carbamazepin 200 – 400mg/ ngày
- Valproat 200 – 500mg/ ngày
Các loại thuốc gây ngủ, giải lo âu:
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc kháng histamine
- Melatonin
- Eszopiclon
- Etifoxin
- Sedanxio
- Zopiclon
Các nhóm thuốc khác:
- Viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất
- Thuốc tăng cường tuần hoàn não và nuôi dưỡng tế bào thần kinh bao gồm Cinnarizin, Cholin alfoscerat, Vinpocetin, Ginkgo biloba, Citicholin, Piracetam,…
2. Sốc điện
Sốc điện (ECT) được cân nhắc trong những trường hợp sau:
- Hưng cảm không đáp ứng với thuốc hoặc có kích động dữ dội
- Trầm cảm nặng và có ý nghĩ, hành vi tự sát mãnh liệt hoặc những trường hợp trầm cảm không có đáp ứng với thuốc
Ngoài sốc điện, kích thích từ xuyên sọ (TMS) có thể được cân nhắc trong những trường hợp sau:
- Trầm cảm nhẹ và vừa
3. Can thiệp tâm lý xã hội
Bên cạnh liệu pháp hóa dược và sốc điện, bệnh nhân cần được can thiệp tâm lý xã hội kết hợp. Các liệu pháp thường được áp dụng bao gồm:
Giáo dục sức khỏe tâm thần
- Liệu pháp xã hội
- Liệu pháp gia đình
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT)
Tiên lượng và biến chứng
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một dạng rối loạn khí sắc mãn tính, có tính chất tái diễn và tiến triển dai dẳng. Thống kê cho thấy, hơn 75% bệnh nhân đều tái phát sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên so với tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực trở nên ổn định theo thời gian. Đa phần bệnh nhân tích cực điều trị và chăm sóc đều có thể ổn định được cuộc sống và phục hồi được các chức năng xã hội.
Tương tự như các vấn đề tâm thần khác, bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao do hành vi tự sát, tự hại, các bệnh cơ thể đi kèm và các hành vi ngông cuồng trong giai đoạn hưng cảm. Ngoài sự nỗ lực của người bệnh, người thân cũng cần phải trau dồi kiến thức về bệnh lý và tham gia trị liệu cùng để hỗ trợ bệnh nhân vượt qua hội chứng này.
Phác đồ điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực tập trung vào việc giảm triệu chứng lâm sàng, phục hồi các chức năng xã hội và cải thiện một số bệnh lý cơ thể đi kèm. Qua đó giúp bệnh nhân ổn định cuộc sống và hạn chế các biến chứng, ảnh hưởng nặng nề.
Tham khảo thêm:
- Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực và những điều cần biết
- Rối loạn lưỡng cực di truyền không? Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!