Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực và những điều cần biết

Rate this post

Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực rất khó để có thể kiểm soát cảm xúc, lời nói, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Do đó, bạn cần phải trang bị những thông tin hữu ích để có thể sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực một cách dễ dàng. 

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Để sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực, bạn cần trang bị cho mình những lời khuyên hữu ích

Lời khuyên để có thể sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm) là một dạng rối loạn khí sắc có nguy cơ cao tiến triển mãn tính và một số bệnh nhân có thể phải sống chung với bệnh lý này trong suốt cả cuộc đời. Khác với trầm cảm đơn thuần, người mắc chứng bệnh này có tâm trạng bất ổn, thay đổi từ trầm cảm đến hưng cảm. Dù ở giai đoạn nào, bệnh cũng đều gây ra ảnh hưởng nhất định đối với cuộc sống và sức khỏe.

Người bị rối loạn lưỡng cực không nhận thấy sự bất thường trong tâm trạng của bản thân hoặc có thể nhận ra nhưng không thể nào kiểm soát. Do cảm xúc bị rối loạn và chi phối nên người bệnh khó có thể điều chỉnh được hành vi, suy nghĩ và nhận thức. Chính vì vậy, người mắc chứng bệnh này cần phải sống cùng với gia đình để được chăm sóc và hỗ trợ trong quá trình điều trị.

Một vấn đề lớn khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực là người thân hoàn toàn không thể hiểu được cảm xúc, tâm trạng và hành vi của người bệnh. Tình trạng này dẫn đến những phản ứng không phù hợp như la mắng, than trách, phê bình,… khiến người bệnh bị tổn thương sâu sắc và dễ hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát.

Do đó để sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực, bạn có thể sẽ cần đến những lời khuyên hữu ích sau:

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

1. Hiểu rõ cảm xúc, hành vi của người bệnh là dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực

Khác với những vấn đề thể chất, sự hiểu biết của cộng đồng về các bệnh lý tâm thần nói chung và rối loạn lưỡng cực còn nhiều hạn chế. Do đó, nhiều người cho rằng, cảm xúc và hành vi của người bệnh là một phần của tính cách, hoàn toàn không nhận ra đây là dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực. Để có sự đồng cảm và thấu hiểu, bạn cần tìm hiểu về chứng bệnh này.

Ngoài việc tự tìm hiểu qua sách báo, bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ tâm lý để hiểu rõ hơn về triệu chứng của bệnh. Qua đó thấu hiểu được cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Khi nhận thấy người bệnh có những biểu hiện khác thường, nên trò chuyện nhẹ nhàng để người bệnh thể hiện cảm xúc chân thực và bộc lộ suy nghĩ. Tránh tình trạng tra hỏi một cách gượng ép dẫn đến thái độ chống đối và cáu gắt.

2. Khuyến khích, hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị

Những người bị rối loạn cảm xúc nói chung và rối loạn lưỡng cực nói riêng có thể không nhận thấy sự khác thường của bản thân. Thậm chí trong các cơn hưng cảm, bệnh nhân cho rằng họ đang ở trạng thái tinh thần tốt nhất, luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và vui vẻ, lạc quan.

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Cần đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng để người bệnh chấp nhận thăm khám và điều trị

Lúc này, bạn và người thân trong gia đình cần đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng để bệnh nhân chấp nhận thăm khám và điều trị. Mặc dù mất khá nhiều thời gian để bệnh nhân chấp nhận nhưng với sự chân thành, người bệnh sẽ dần thấu hiểu và quyết định can thiệp điều trị.

Điều trị rối loạn lưỡng cực mất rất nhiều thời gian và mức độ cải thiện tương đối chậm. Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng cần phải được điều trị tâm lý để ổn định cảm xúc và học cách kiểm soát tâm trạng. Vì quá trình điều trị kéo dài nên bạn và những người xung quanh cần động viên, hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình trị liệu.

Trong trường hợp bệnh nhân có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát, gia đình cần phải dùng các biện pháp cưỡng chế để bệnh nhân chấp nhận trị liệu. Tuy nhiên, việc ép buộc chỉ nên thực hiện khi cần thiết bởi điều này có thể gây ra tâm lý sợ hãi và ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người bệnh. Về lâu dài, sự tin tưởng của người bệnh đối với bạn sẽ giảm đi đáng kể.

3. Tham gia trị liệu tâm lý cùng với người bệnh

Tâm lý trị liệu là một trong những phương pháp chính trong điều trị rối loạn lưỡng cực. Ngoài trị liệu cá nhân, bệnh nhân cũng có thể tham gia trị liệu gia đình cùng với người thân và bạn bè thân thiết. Trong phương pháp này, nhà trị liệu sẽ giúp những người xung quanh hiểu rõ hơn bệnh tình, phản ứng, cảm xúc, nhận thức và hành vi của người bệnh. Từ đó tạo sự đồng cảm sâu sắc và giúp những người xung quanh dễ dàng hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình trị liệu.

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Nếu có thể, gia đình nên tham gia trị liệu cùng với bệnh nhân để có thể thấu thiểu sâu sắc cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh

Trị liệu tâm lý gia đình có ý nghĩa lâu dài trong kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực. Do đó nếu có thể, bạn nên tham gia trị liệu tâm lý cùng với người bệnh. Khi có sự đồng hành của người thân và bạn bè thân thiết, bệnh nhân sẽ giảm cảm giác mặc cảm, từ đó có động lực hơn khi điều trị để vượt qua chứng bệnh này.

4. Giám sát mức độ tuân thủ của người bệnh khi điều trị

Khác với trầm cảm đơn thuần, rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi sự thay đổi liên tục của cảm xúc. Do đó khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể thay đổi cảm xúc từ trầm cảm đến hưng cảm. Nếu tiếp tục sử dụng các loại thuốc cũ, tình trạng hưng cảm có thể chuyển biến xấu và để lại những ảnh hưởng nặng nề do người bệnh tăng các hoạt động ngông cuồng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như đua xe, đánh bạc, quan hệ tình dục không an toàn, tham gia các trò chơi mạo hiểm,…

Do đó khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực, bạn cần giám sát để đảm bảo bệnh nhân tuân thủ điều trị và phát hiện sớm các tác dụng phụ của thuốc. Thực tế trước khi cho bệnh nhân dùng thuốc, bác sĩ đều sẽ tư vấn cho bệnh nhân và người thân về tác dụng phụ và các dấu hiệu nhận biết hưng cảm khi sử dụng thuốc điều trị trong giai đoạn trầm cảm.

Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo bệnh nhân đến trị liệu tâm lý theo đúng lịch hẹn. Nếu bệnh nhân tỏ ra khó chịu, có thể đề nghị một số giải pháp khác như trị liệu online hoặc dời lịch trị liệu sang một ngày khác. Tuyệt đối không để bệnh nhân bỏ ngang quá trình trị liệu. Tuy nhiên, bạn cần dùng thái độ và lời nói mềm mỏng, nhẹ nhàng thay vì quát mắng và ra lệnh.

5. Hỗ trợ bệnh nhân khắc phục tác dụng phụ của thuốc

Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đổ mồ hôi quá nhiều, tăng cân, rối loạn tiêu hóa, hay quên, buồn ngủ, nổi mẩn đỏ, khó chịu,… Những tác dụng phụ này thường xảy ra trong thời gian đầu dùng thuốc khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu và muốn ngưng sử dụng.

Để bệnh nhân chấp nhận điều trị, bạn cần hỗ trợ người bệnh khắc phục các tác dụng phụ của thuốc. Đầu tiên, cần trao đổi với người bệnh và ghi chép lại những tác dụng ngoại ý mà bệnh nhân gặp phải. Với những tác dụng phụ có mức độ nhẹ, bạn có thể hướng dẫn bệnh nhân thực hiện một số biện pháp đơn giản để khắc phục như:

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Nên điều chỉnh chế độ ăn của bệnh nhân để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa và tăng cân do sử dụng thuốc điều trị
  • Điều chỉnh chế độ ăn để giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Hướng dẫn bệnh nhân chọn các trang phục có chất liệu thoáng, thấm hút mồ hôi và uống nhiều nước để hạ thân nhiệt, tránh tình trạng đổ mồ hôi quá mức.
  • Có thể cho bệnh nhân dùng một số loại trà giúp duy trì sự tỉnh táo và tốt cho sức khỏe của não bộ, tim mạch như trà xanh, trà bạc hà, trà cam quế,…
  • Đối với những bệnh nhân bị tăng cân trong thời gian dùng thuốc, nên thiết lập chế độ ăn uống với thực đơn ăn uống giàu chất xơ, khoáng chất và sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay cho gạo trắng. Ngoài ra, nên tập thể dục cùng với người bệnh để duy trì vóc dáng cân đối và kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Trong trường hợp bệnh nhân gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn giảm liều hoặc thay đổi loại thuốc để tìm được loại thuốc phù hợp nhất với cơ địa của từng bệnh nhân.

6. Hỗ trợ người bệnh giảm những hậu quả, thiệt hại trong giai đoạn hưng cảm

Hưng cảm và hưng cảm nhẹ là giai đoạn xen kẽ với trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực. Hưng cảm đặc trưng bởi khí sắc tăng cao, bệnh nhân giảm nhu cầu ngủ nhưng luôn lạc quan và vui vẻ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, bệnh nhân tăng các hoạt động bản năng tiềm ẩn nhiều rủi ro như đánh bạc, đua xe, cá độ, đầu tư rủi ro và quan hệ tình dục không an toàn nên dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

Trong giai đoạn hưng cảm, bạn cũng có những biện pháp để giảm thiểu thiệt hại từ các hành vi ngông cuồng và mạo hiểm của người bệnh. Trước tiên, cần trao đổi với bệnh nhân về nguy cơ và hậu quả của những hành vi mạo hiểm, thiếu suy nghĩ như đánh bạc, mua sắm vô độ, đua xe, lái xe bất cẩn,…

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Cần trao đổi với bệnh nhân về nguy cơ và hậu quả của những hành vi thiếu suy nghĩ trong giai đoạn hưng cảm

Tuy nhiên khi đưa ra lời khuyên, bạn cần chú ý đến lời nói để tránh gây khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, nên cách ly trẻ nhỏ, người cao tuổi và người dễ tổn thương với bệnh nhân để tránh xung đột. Trong trường hợp cần thiết, cần trao đổi với bác sĩ nếu bệnh nhân có các hành vi đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

7. Giúp bệnh nhân kiểm soát các tác nhân khiến bệnh nghiêm trọng hơn

Triệu chứng của rối loạn lưỡng cực có thể nghiêm trọng hơn nếu có các tác nhân như stress, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện. Trong giai đoạn hưng cảm, các tác nhân này gia tăng những hành vi ngông cuồng và rủi ro. Trong khi đó ở các cơn trầm cảm, bệnh nhân có thể nung nấu ý định tự sát khi có tác động của những yếu tố kể trên.

Bên cạnh đó, lối sống thiếu khoa học và mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ cũng là nghiêm trọng mức độ rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân hưng – trầm cảm. Hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát những yếu tố này sẽ góp phần giảm nhẹ triệu chứng và giúp người bệnh chủ động hơn trong việc quản lý được cuộc sống của bản thân.

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Khuyên bệnh nhân không sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, caffeine, hút thuốc lá và chất gây nghiện

Cách hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát những tác nhân làm nghiêm trọng chứng rối loạn lưỡng cực:

  • Trước tiên, cần khuyên bệnh nhân tránh sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và chất kích thích. Nếu cần, có thể cho bệnh nhân điều trị cai nghiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp quản lý và kiểm soát rối loạn lưỡng cực bởi những lạm dụng chất gia tăng nguy cơ tự sát ở bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc nói chung và bệnh hưng – trầm cảm nói riêng.
  • Tuyệt đối không chỉ trích hay phê bình bệnh nhân. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị và tránh những tác động khiến bệnh chuyển biến nặng hơn.
  • Xây dựng cho bệnh nhân chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Khuyến khích bệnh nhân tập thể dục – đặc biệt là vào chiều muộn để cải thiện giấc ngủ, tránh tình trạng ngủ ít dẫn đến buồn ngủ và giảm mức độ tập trung vào ban ngày.
  • Đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân về những xung đột và mâu thuẫn trong cuộc sống. Trong trường hợp bệnh nhân không nhận lỗi, cố chấp và bảo thủ, bạn nên trao đổi với người có mâu thuẫn với bệnh nhân để giảm thiểu tối đa những tác nhân làm trầm trọng triệu chứng của rối loạn lưỡng cực.
  • Hướng dẫn bệnh nhân một số liệu pháp kiểm soát stress và căng thẳng như nghe nhạc, tắm nước ấm, nghỉ ngơi, yoga, thiền định, liệu pháp ánh sáng, chăm sóc thú cưng, trồng trọt và trang trí lại nhà cửa.

Những biện pháp này có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát căng thẳng ở bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực. Với sự hỗ trợ của bạn và người thân trong gia đình, người bệnh có thể giảm stress và hạn chế những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, bi quan hay tức giận, cáu kỉnh quá mức.

8. Lên kế hoạch, giải pháp cho những trường hợp khủng hoảng

Thực tế, bạn và những người thân trong gia đình không thể bên cạnh người bệnh 24/24. Người bệnh cũng cần tự mình học tập, làm việc và tham gia các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, cần lên kế hoạch cho những trường hợp khủng hoảng có thể phát sinh.

Bạn nên trao đổi vấn đề này với người bệnh khi họ ở trạng thái tỉnh táo. Đầu tiên, cần ghi số điện thoại người thân, địa chỉ nhà, bệnh viện và số điện thoại của bác sĩ trong sổ tay, đặt trong túi xách, ví tiền và lưu vào điện thoại. Trao đổi với bệnh nhân về việc gọi điện thoại cho người thân, bác sĩ nếu nhận thấy bản thân có ý nghĩ điên rồ nhưng không thể nào kiểm soát.

Thực tế, bệnh nhân rất khó để có thể nhớ ra điều này trong các cơn hoảng loạn. Do đó, bác sĩ sẽ kết hợp với tâm lý trị liệu để giáo dục bệnh nhân về cách xử lý khủng hoảng.

9. Luôn thể hiện sự đồng cảm và yêu thương đối với người bệnh

Như đã đề cập, sự chỉ trích của những người xung quanh được xem là “liều thuốc độc” đối với bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực. Trong các cơn trầm cảm, sự phê bình và soi mói của những người xung quanh khiến bệnh nhân cảm thấy cảm thân vô dụng, yếu kém, bi quan về tương lai và dễ nảy sinh ý nghĩ tự sát.

Ngược lại trong các cơn hưng cảm, hành động chỉ trích của người khác có thể khiến bệnh nhân tức giận, cáu kỉnh, thù hằn và có các hành vi ngông cuồng, gây hấn dẫn đến tổn thương thể chất của bản thân lẫn những người xung quanh.

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Điều quan trọng nhất khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực là sự đồng cảm và tình yêu thương

Chính vì vậy, điều quan trọng nhất khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực chính là sự đồng cảm, bao dung và giúp người bệnh cảm nhận sâu sắc tình cảm của gia đình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng cần tránh thái độ và hành vi phê bình, chỉ trích. Thay vào đó, cần lựa chọn lời nói phù hợp để không làm tổn thương người bệnh.

10. Tạo cho người bệnh tâm lý thoải mái, tránh kiểm soát quá mức

Ngoài việc thể hiện sự đồng cảm, bạn cũng cần tạo cho bệnh nhân tâm lý thoải mái. Tránh kiểm soát quá mức khiến người bệnh cảm thấy bản thân vô dụng, thiếu tự tin và bi quan trong cuộc sống. Thay vì đưa ra mệnh lệnh, bạn nên nói những câu mang tính khích lệ để người bệnh thay đổi hành vi theo ý muốn nhưng không gây tổn thương lòng tự trọng.

Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực rất nhạy cảm với lời nói của người khác. Do đó, bạn và người thân trong gia đình nên tham gia trị liệu tâm lý để hiểu rõ hơn về cảm nhận của bệnh nhân. Từ đó ứng xử và có những lời nói phù hợp để hạn chế làm tổn thương người bệnh.

Trên đây là một số lời khuyên giúp bạn có thể sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn.

Cách chăm sóc bản thân khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực

Việc sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực thật sự không dễ dàng. Vì phải chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị nên không ít người rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và thậm chí một số người còn có biểu hiện trầm cảm. Do đó song song với việc chăm sóc người bệnh, bạn cũng cần lưu tâm đến sức khỏe của bản thân.

1. Chú ý đến cảm xúc và sức khỏe của bản thân

Khi phải chăm sóc người bị rối loạn lưỡng cực, bạn có thể bị căng thẳng và tâm trạng trở nên bất ổn. Vì vậy ngoài việc chú ý đến người bệnh, bạn cũng nên chú ý những cảm xúc của bản thân. Nếu nhận thấy bản thân trở nên nhạy cảm và căng thẳng quá mức, cần phải học cách điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.

Đầu tiên, bạn cần phải hiểu rõ bạn chỉ hỗ trợ được phần nào quá trình điều trị của người bệnh. Hoàn toàn không thể kiểm soát hành vi và suy nghĩ của người bệnh. Do đó, hãy dành vừa đủ thời gian để chăm sóc bệnh nhân và có riêng một khoảng thời gian trong ngày cho bản thân. Ngoài ra, nên phân chia việc chăm sóc bệnh nhân với những thành viên khác trong gia đình.

Để tránh sao nhãng công việc, bạn nên ghi chép đầy đủ những việc cần làm trong ngày. Điều này giúp bạn hoàn thành tốt công việc, tránh sai sót và tiết kiệm được thời gian để chăm sóc người thân bị rối loạn lưỡng cực. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cùng người bệnh thực hiện các biện pháp thư giãn như thiền định, tập thể dục, nghe nhạc, viết lách, đọc sách, liệu pháp mùi hương,… để giải tỏa căng thẳng và phiền muộn.

2. Duy trì lối sống lành mạnh

Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày, dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ. Bên cạnh đó, nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Bên cạnh việc chăm sóc bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, bạn cũng cần dành thời gian để chăm sóc bản thân

Thực tế, việc chăm sóc bệnh nhân rối loạn lưỡng cực chiếm mất nhiều thời gian trong ngày của bạn. Vì vậy, hãy cố gắng sắp xếp để duy trì lối sống khoa học nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.

3. Cân nhắc tham vấn/ trị liệu tâm lý

Việc chăm sóc và chung sống với người bị rối loạn lưỡng cực khiến bạn dễ buồn chán, căng thẳng và thậm chí muốn buông xuôi tất cả. Nếu không thể tự mình điều chỉnh cảm xúc, bạn nên cân nhắc tham vấn và trị liệu tâm lý để tránh nguy cơ bị rối loạn lo âu và trầm cảm.

Ngoài việc giúp bạn điều chỉnh cảm xúc, các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích để bạn có thể dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bệnh nhân và bản thân. Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý có khả năng di truyền. Nguy cơ mắc chứng bệnh này tăng lên đáng kể nếu người thân đã được chẩn đoán mắc bệnh. Vì vậy, bạn cũng cần chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân có biểu hiện bất thường.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Hy vọng qua những lời khuyên trong bài viết, bạn có thể dễ dàng hơn khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể về kế hoạch chăm sóc bệnh nhân và bản thân hợp lý nhất.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *