Rối loạn hưng cảm là gì? Biểu hiện và cách điều trị
Rối loạn hưng cảm (Mania) là tình trạng tăng khí sắc, cơ thể luôn trong trạng thái hưng phấn, lạc quan, gia tăng các hoạt động bản năng và thường có các hành vi ngông cuồng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hội chứng này thường là triệu chứng của rối loạn lưỡng cực bên cạnh các giai đoạn trầm cảm.
Rối loạn hưng cảm là gì?
Rối loạn hưng cảm (Mania) hay còn gọi là hưng cảm, hội chứng hưng cảm và bệnh hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc thường gặp. Hưng cảm đặc trưng bởi tình trạng tăng khí sắc, hưng phấn, cơ thể luôn tràn đầy năng lượng, hành vi cường điệu và rất khó kiểm soát được sự nhiệt tình thái quá của bản thân.
Hưng cảm là triệu chứng điển hình ở người bị rối loạn lưỡng cực bên cạnh các giai đoạn trầm cảm. Các triệu chứng hưng cảm có thể xảy ra và kéo dài trong vòng 7 ngày hoặc hơn, sau đó chuyển sang giai đoạn trầm cảm với biểu hiện là tuyệt vọng, bi quan, buồn bã và giảm năng lượng.
Về cơ bản, hưng cảm ít nguy hiểm hơn so với trầm cảm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân hầu như không có ý nghĩ hay hành vi tự sát. Tuy nhiên, các hành vi thiếu suy nghĩ như tiêu xài hoang phí, tham gia các hoạt động mạo hiểm (đua xe, nhảy dù,…) có thể gia tăng tai nạn và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Biểu hiện của rối loạn hưng cảm
Hưng cảm phát triển từ cường độ nhẹ (hưng cảm nhẹ) cho đến khi xuất hiện các triệu chứng loạn thần. Các biểu hiện lâm sàng của giai đoạn hưng cảm có sự khác biệt tùy theo từng mức độ.
1. Hưng cảm nhẹ (Hypomania)
Hưng cảm nhẹ là tình trạng tăng khí sắc có mức độ nhẹ. Đây là một biến thể của rối loạn hưng cảm với mức độ ít nghiêm trọng hơn. Hưng cảm nhẹ thường xảy ra trên 4 ngày với hành vi khác thường và có đạt ít nhất 3 tiêu chuẩn của DSM.
Các triệu chứng có thể gặp phải trong giai đoạn hưng cảm nhẹ:
- Khí sắc tươi sáng (vui vẻ, lạc quan, nhiệt tình ở mức vừa phải)
- Vận động nhanh hơn bình thường
- Nhu cầu ngủ giảm nhưng vẫn tràn đầy năng lượng
- Tăng tính sáng tạo, cải thiện khả năng giao tiếp và tự tin
- Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng cảm xúc không ổn định, dễ cáu gắt trong giai đoạn hưng cảm nhẹ.
Hưng cảm nhẹ làm tăng khí sắc ở mức độ vừa phải, đồng thời gia tăng tính tự tin, linh hoạt và sáng tạo. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, khả năng làm việc, học tập và các mối quan hệ xã hội ít bị ảnh hưởng. Thậm chí nhiều người còn muốn duy trì rạng thái này lâu dài hơn.
2. Biểu hiện chính của hưng cảm
Giai đoạn hưng cảm điển hình được xác định khi tình trạng tăng khí sắc kéo dài ít nhất 1 tuần. Bệnh nhân dễ bị kích thích, tăng các hoạt động thể chất, năng lượng tràn trề và đi kèm với ít nhất 3 triệu chứng sau:
- Phóng đại về tài năng, giá trị của bản thân hoặc tăng tính tự trọng
- Tư duy dồn dập hoặc bị phân tán (biểu hiện là nói năng liến thoắng, không ngừng nghỉ, khó tập trung khi làm việc, học tập,…)
- Nói chuyện nhiều và nhanh hơn bình thường
- Tăng các hoạt động có mục đích, đặc biệt bệnh nhân hưng cảm thường hay xung phong tham gia các kế hoạch của công ty, trường học nhưng hầu như không thể hoàn thành do dễ bị phân tán tập trung.
- Có các hành vi rủi ro như mua sắm quá mức, đầu tư kinh doanh bất chấp, đánh bài bạc, đua xe, tham gia các hoạt động mạo hiểm,…
Bản thân người bị hưng cảm luôn tràn đầy năng lượng cho dù thời gian ngủ ít và tiêu tốn nhiều năng lượng cho các hoạt động thể chất. Sự gia tăng của khí sắc còn khiến bệnh nhân có một số triệu chứng khác như thích ăn mặc lòe loẹt dù trước đây không như vậy, dễ phân tâm, thay đổi chủ đề liên tục khi trò chuyện và người bệnh cho rằng họ đang ở trạng thái tinh thần tốt nhất.
Trong các giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân đề cao tính tự trọng và thiếu sự thấu hiểu nên có thể dẫn đến một số vấn đề như:
- Bất đồng, xung đột với người thân và đồng nghiệp
- Cảm thấy bản thân bị ngược đãi và phân biệt đối xử
Dù không dẫn đến ý nghĩ hay hành vi tự sát nhưng bệnh nhân bị hưng cảm có thể gây ra các hành vi mang tính rủi ro như đầu tư mạo hiểm, mua sắm quá mức,… Các hành vi này có thể để lại hậu quả không thể khắc phục, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh và gia đình. Ngoài ra, bệnh nhân còn tăng ham muốn tình dục và thậm chí là loạn dâm.
3. Hưng cảm loạn thần
Hưng cảm loạn thần là tình trạng hưng cảm nặng có đi kèm với các triệu chứng loạn thần. Chứng bệnh này có biểu hiện khá giống với tâm thần phân liệt nên rất dễ bị nhầm lẫn khi chẩn đoán.
Các biểu hiện của hưng cảm loạn thần:
- Có các biểu hiện tương tự như hưng cảm
- Ngoài ra, bệnh nhân còn có các hoang tưởng với những ý nghĩ phi thực tế như đang bị theo dõi bởi FBI hoặc các tổ chức đặc vụ ngầm, cho rằng mình là chúa Giêsu hoặc các vị thần linh đáng kính.
- Đôi khi có thể gặp phải ảo giác
- Bệnh nhân có mức tăng hoạt động nghiêm trọng hơn so với giai đoạn hưng cảm, thường xuyên hát hò, la hét, hay chửi thề, phóng xe nhanh và yêu thích các hoạt động mạo hiểm mà hoàn toàn không suy nghĩ đến rủi ro
- Mê sảng (giảm trí nhớ, không thể diễn đạt câu nói mạch lạc, giảm khả năng tập trung, bồn chồn, kích động, vận động chậm, sợ hãi, lo lắng,…)
Hưng cảm loạn thần có mức độ nặng hơn so với hưng cảm nhẹ và hưng cảm. Nếu nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện và hành vi khác thường, người thân và bạn bè cần phải liên hệ ngay với bác sĩ tâm thần để tránh những tình huống ngoài ý muốn.
Nguyên nhân gây rối loạn hưng cảm
Hưng cảm thường gặp ở người bị rối loạn lưỡng cực I. Đến nay, nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên tương tự các vấn đề tâm lý khác, rối loạn hưng cảm thường có liên quan đến di truyền, sang chấn tâm lý, rối loạn các yếu tố nội sinh và tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Một số nguyên nhân, yếu tố có thể gây rối loạn hưng cảm:
- Di truyền: Nhiều bằng chứng cho thấy, di truyền là yếu tố có tham gia vào cơ chế bệnh sinh của rối loạn hưng cảm. Hiện tại, loại gen và cơ chế di truyền chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, gen quy định hoạt động của các cơ quan kiểm soát cảm xúc ở não bộ. Do đó, trẻ có bố mẹ và anh chị em ruột mắc chứng bệnh lý này sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Bất thường của tuyến nội tiết: Khi nghiên cứu sâu về nội tiết, các chuyên gia nhận thấy sự bất thường của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận ở bệnh nhân rối loạn hưng cảm. Bất thường của các cơ quan này gây ra sự rối loạn về quá trình sản xuất hormone dẫn đến những bất thường về cảm xúc, nhận thức và hành vi.
- Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh: Tương tự như các rối loạn cảm xúc khác, rối loạn hưng cảm cũng có liên quan đến hiện tượng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Trong đó, có bằng chứng cho thấy sự rối loạn giữa serotonin, norephinephrine và dopamin.
- Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý được xem là yếu tố kích hoạt rối loạn hưng cảm. Nghiên cứu cho thấy, hầu hết bệnh nhân bị hưng cảm nhẹ và hưng cảm đều có những biến cố tiêu cực như chấn thương nặng, khủng hoảng tài chính, chia ly, mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân, mất người thân, bệnh tật,…
- Bất thường trong cấu tạo của não bộ: Dù chưa thể khẳng định nhưng các nghiên cứu về hình ảnh học thần kinh cho thấy, bệnh nhân hưng cảm có sự thiếu hụt về mật độ của tế bào đệm, tế bào thần kinh, tính toàn vẹn của tế bào thần kinh, mất điều hòa đồi thị, tăng hoạt động hạch hạnh nhân,…
- Một số yếu tố khác: Ngoài những yếu tố và nguyên nhân trên, rối loạn hưng cảm cũng có liên quan đến những yếu tố như sử dụng thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là thuốc ức chế MAOIs và thuốc chống trầm cảm 3 vòng), uống rượu bia và dùng thuốc cường giao cảm.
Hiện nay, các nghiên cứu tìm hiểu về căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của rối loạn hưng cảm vẫn đang được tiến hành. Vì vậy, những thông tin được đề cập trong bài viết có thể thay đổi khi các nghiên cứu mới được công bố.
Rối loạn hưng cảm có nguy hiểm không?
Trong rối loạn lưỡng cực, các chuyên gia quan tâm hơn đến các giai đoạn trầm cảm do cơ chế phức tạp, triệu chứng đa dạng và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, cuộc sống. Đối với hưng cảm, một số trường hợp chỉ gặp phải các phiền toái và ảnh hưởng nhẹ trong cuộc sống. Rất ít bệnh nhân có biểu hiện hưng cảm kết hợp với các triệu chứng loạn thần.
Trong các giai đoạn hưng cảm, điều trị được thực hiện với mục đích giảm các hành vi rủi ro của người bệnh như mua sắm quá độ, đua xe, đầu tư rủi ro, đánh bài bạc, cuồng dâm, quan hệ tình dục không an toàn,… Nhìn chung trong giai đoạn này, các hoạt động bản năng tăng lên đáng kể – đặc biệt là các hành vi tiềm ẩn rủi ro cao.
Rối loạn hưng cảm ít khi phát triển thành rối loạn lo âu nhưng có thể chuyển biến thành hưng cảm loạn thần, rối loạn hoang tưởng và rối loạn đa nhân cách. Đa phần các trường hợp đều phải điều trị dài hạn bởi bệnh lý này gần như không thể chữa khỏi. Tuy nhiên nếu có kế hoạch chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể ổn định và bình thường hóa cuộc sống.
Chẩn đoán bệnh hưng cảm
Hưng cảm được chẩn đoán chủ yếu qua biểu hiện lâm sàng. Hội chứng này được chẩn đoán khi bệnh nhân đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
- Có giai đoạn tăng khí sắc rõ rệt, dễ cáu gắt, tâm trạng thất thường và tính cách trở nên suồng sã.
- Đi kèm với ít nhất 3 triệu chứng như nói nhiều (tư duy dồn dập), đứng ngồi không yên hoặc tăng hoạt động có mục đích, tư duy phi tán hoặc thay đổi suy nghĩ nhanh chóng, giảm nhu cầu ngủ, không có khả năng kiểm soát hành vi của bản thân ở bất cứ hoàn cảnh nào, ý tưởng/ tư duy khuếch đại, tăng ham muốn và phô trương tình dục, xuất hiện các hành vi liều lĩnh, ngông cuồng,…
Các triệu chứng hưng cảm phải kéo dài ít nhất 1 tuần và phải gây ra sự suy giảm rõ rệt về các mối quan hệ xã hội, hoạt động nghề nghiệp, học tập,… Ngoài ra, hưng cảm chỉ được chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể có thể gây ra những triệu chứng kể trên (bệnh lý hoặc tác động của chất gây nghiện).
Nếu có triệu chứng loạn thần, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng để đưa ra chẩn đoán. Bên cạnh chẩn đoán lâm sàng, bệnh nhân cần phải thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm vi sinh và xét nghiệm hormone tuyến giáp. Sau đó, cần thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và làm trắc nghiệm tâm lý trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Các phương pháp điều trị rối loạn hưng cảm
Bệnh nhân rối loạn hưng cảm có thể phải điều trị nội trú nếu có các hành vi ngông cuồng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và người khác. Đối với chứng bệnh này, điều trị chính là sử dụng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.
Như đã đề cập, rối loạn hưng cảm thường là triệu chứng của rối loạn lưỡng cực – một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính. Do đó, đa phần bệnh nhân đều cần được điều trị và chăm sóc dài hạn để có thể kiểm soát triệu chứng hoàn toàn.
Các phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh hưng cảm:
1. Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc là lựa chọn ưu tiên khi điều trị rối loạn hưng cảm. Trong giai đoạn hưng cảm, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc an thần kinh và thuốc điều chỉnh khí sắc. Hoặc có thể kết hợp thêm với thuốc an thần nếu cần thiết. Một số bệnh nhân có thể phải thay đổi nhiều loại thuốc cho đến khi tìm được loại thuốc phù hợp nhất:
Dùng thuốc trong giai đoạn hưng cảm cấp:
- Thuốc chỉnh khí sắc: Thuốc chỉnh khí sắc là nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị rối loạn hưng cảm. Hiện tại, cơ chế của thuốc chưa được biết rõ nhưng nhận thấy nhóm thuốc này giúp khôi phục sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Các loại thuốc điều chỉnh khí sắc được sử dụng phổ biến bao gồm Divalproex, Lamotrigine, Gabapentin, Oxcarbazepine, Carbamazepin, Valproat,…
- Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần được sử dụng khi bệnh nhân có các triệu chứng loạn thần. Tùy theo tình trạng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống loạn thần điển hình (Chlorpromazine, Haloperidol, Levomepromazin) hoặc thuốc chống loạn thần không điển hình (Risperidone, Quetiapin, Aripiprazole, Olanzapine, Clozapine,…).
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepines: Thuốc an thần nhóm benzodiazepin có thể được dùng phối hợp với thuốc chống loạn thần và thuốc an thần kinh trong trường hợp cần thiết. Các loại thuốc được sử dụng thông dụng bao gồm Bromazepam, Clonazepam, Lorazepam và Diazepam. Thuốc mang lại tác dụng nhanh chóng nhưng dễ gây nghiện nên chủ yếu được dùng ngắn hạn.
Các loại thuốc được dùng trong giai đoạn duy trì:
- Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng tiếp các loại thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chỉnh khí sắc có đáp ứng trong giai đoạn cấp. Trong đó, thông dụng nhất là Valproat 200 – 500mg/ ngày, Risperidon 2mg/ ngày, Carbamazepin 200 – 400mg/ ngày, Olanzapin 10mg/ ngày, Quetiapin 100mg/ ngày.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được dùng thêm một số loại thuốc có tác dụng nuôi dưỡng tế bào thần kinh và tăng tuần hoàn não như vitamin, khoáng chất, Eszopiclone, Ginkgo Biloba, Citicoline, Piracetam, Cinnarizin,…
- Thuốc chẹn beta cũng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng thể chất do rối loạn hưng cảm gây ra.
2. Sốc điện (ECT)
Sốc điện (ECT) được cân nhắc trong trường hợp hưng cảm nặng, không có đáp ứng với thuốc hoặc hưng cảm gây ra các hành vi kích động dữ dội. Phương pháp này sử dụng dòng điện có kiểm soát cho đi qua não bộ nhằm thay đổi cách thức tế bào thần kinh hoạt động.
Cơ chế của phương pháp sốc điện là tạo ra các cơn co giật nhỏ, từ đó kích thích các tế bào thần kinh và ổn định các chất nội sinh bên trong não bộ. Sốc điện (ECT) tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Sau khi sốc điện, bệnh nhân có thể bị mất trí nhớ ngắn hạn và đau nhức đầu dữ dội trong khoảng vài ngày đến vài tuần.
3. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý thường được áp dụng song song với điều trị bằng thuốc. Liệu pháp này giúp bệnh nhân biết cách kiểm soát căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn giúp bệnh nhân xác định được nguồn gốc của cảm xúc, hành vi bất thường, từ đó chế ngự được những hành vi ngông cuồng và sự bất ổn của tâm trạng trong các giai đoạn cấp tính.
Đối với bệnh nhân hưng cảm, các phương pháp trị liệu tâm lý có thể được áp dụng bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Liệu pháp xã hội
- Liệu pháp gia đình
- Giáo dục sức khỏe tinh thần
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tham gia trị liệu nhóm để được chia sẻ, đồng cảm và có thêm kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.
4. Các biện pháp chăm sóc
Giai đoạn hưng cảm để lại nhiều hậu quả từ các hành vi ngông cuồng, thậm chí có thể gây ra một số bệnh tật như cao huyết áp, mất ngủ, loét dạ dày và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do quan hệ không an toàn. Do đó, bệnh nhân cần tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu các ảnh hưởng do bệnh lý này gây ra.
Bên cạnh đó, cũng nên có các biện pháp chăm sóc hợp lý để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần:
- Ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa, đặc biệt nên tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, cá, sữa và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Dành thời gian tập thể dục mỗi ngày để chế ngự sự hưng phấn và nhiệt tình thái quá. Ngoài ra, thói quen tập thể dục còn giúp bệnh nhân dễ ngủ, tránh tình trạng ngủ ít và phân tán mức độ tập trung khi học tập, làm việc.
- Nên thực hiện các hoạt động thư giãn như hít thở sâu, ngồi thiền, liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm,… để điều chỉnh tâm trạng và ngủ ngon giấc hơn.
- Dành thời gian rảnh rỗi để tham gia các hoạt động thiện nguyện, vệ sinh nhà cửa, chăm sóc thú cưng, học ngôn ngữ mới,… thay vì dành thời gian cho các hành vi rủi ro như quan hệ tình dục không an toàn, tham gia các mối quan hệ phức tạp, đầu tư rủi ro, đánh bạc, đua xe.
Phòng ngừa rối loạn hưng cảm tái phát
Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc rất dễ tái phát. Đa phần những trường hợp mắc chứng rối loạn lưỡng cực đều tiến triển mãn tính nên việc chữa trị dứt điểm hưng cảm gần như là rất khó. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể hạn chế nguy cơ bệnh tái phát bằng một số biện pháp:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ để được đánh giá tâm lý.
- Chủ động thông báo tình trạng sức khỏe với bạn bè, đồng nghiệp thân thiết để những người xung quanh có thể phát hiện sớm khi bản thân có các biểu hiện bất thường.
- Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia và dùng chất gây nghiện.
Rối loạn hưng cảm là một phần của rối loạn lưỡng cực bên cạnh các giai đoạn trầm cảm. Sự gia tăng quá mức của khí sắc có thể để lại nhiều hậu quả không thể khắc phục và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Do đó, bệnh nhân nên lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh và tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy bản thân có các biểu hiện bất thường.
Tham khảo thêm:
- Tâm trạng vui buồn thay đổi thất thường là dấu hiệu của bệnh gì?
- Chứng sợ khoảng rộng là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!