Rối loạn lưỡng cực di truyền không? Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Đến nay nguyên nhân chính xác gây rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được xác định. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn về vấn đề “Rối loạn lưỡng cực có di truyền không? Ai có nguy cơ cao?”. Hiểu rõ những vấn đề này sẽ giúp bạn đọc chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Rối loạn lưỡng cực di truyền không
Rối loạn lưỡng cực có di truyền không?

Rối loạn lưỡng cực di truyền không?

Rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm) là một dạng rối loạn khí sắc mà bệnh nhân thay đổi cảm xúc từ trầm cảm đến hưng cảm. Các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm phát triển theo chu kỳ với cường độ khác nhau, trong đó đa phần trường hợp đều có trầm cảm chiếm ưu thế. Rối loạn lưỡng cực có nguy cơ cao tiến triển mạn tính và khoảng 4% bệnh nhân buộc phải sống chung với bệnh suốt cả cuộc đời.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực có xu hướng tăng lên và trẻ hóa. Mặc dù vậy, căn nguyên của bệnh còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên quá trình điều trị còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn. Hiện nay, điều trị chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, cuộc sống. Về cơ bản, rất ít bệnh nhân có thể điều trị dứt điểm chứng bệnh này hoàn toàn. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn về vấn đề “Rối loạn lưỡng cực có di truyền không?”.

Hiện nay, nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực có nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng nhận thấy có vai trò rõ rệt của yếu tố di truyền. Điều tra dịch tễ cho thấy, đa phần người mắc chứng bệnh này đều có bố mẹ, anh chị ruột cũng mắc bệnh hưng – trầm cảm.

Một số nghiên cứu được thực hiện đã phát triển một loại gen có khả năng gây rối loạn lưỡng cực và 4 bệnh tâm thần khác là tâm thần phân liệt, tự kỷ, trầm cảm nặng và rối loạn tăng động giảm chú ý. Nghiên cứu này được thực hiện bởi các tác giả thuộc Hiệp hội nghiên cứu gen các bệnh tâm thần (Cross-Disorder Group of the Psychiatric Genomics Consortium) cho thấy, nhân đơn tế bào đa dạng của gen CACNA 1 C và CACNB 2 có liên quan đến quá trình cân bằng canxi ở tế bào thần kinh ở não bộ.

Ngoài ra khi nghiên cứu nhóm người mắc 1 trong 5 bệnh lý tâm thần kể trên, các chuyên gia nhận thấy 4 vị trí gen có nguy cơ gây ra các chứng bệnh tâm thần nằm trên nhiễm sắc thể 3p21, SNPs, 10q24, CACNB 2, CACNA 1C,… Mặc dù vẫn chưa được nghiên cứu sâu nhưng đây là bằng chứng cho thấy yếu tố di truyền có tham gia trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn lưỡng cực và các bệnh tâm thần kể trên.

Thống kê cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tăng lên khoảng 10 – 25% nếu bố hoặc mẹ mắc chứng bệnh này. Trong khi đó, nếu cha và mẹ cùng mắc bệnh, tỷ lệ có thể lên đến 50%.

Tương tự, tỷ lệ mắc chứng rối loạn lưỡng cực ở các cặp sinh đôi dao động khoảng 40 – 70%. Điều này cho thấy, di truyền có vai trò quan trọng nhưng không hẳn là yếu tố chủ đạo trong cơ chế bệnh sinh. Bởi về cơ bản, các cặp sinh đôi giống nhau về mã gen nên nếu xảy ra hoàn toàn do di truyền, tỷ lệ sẽ gần như là 100%.

Các nhà khoa học cho rằng, có nhiều gen tham gia vào quá trình hình thành rối loạn lưỡng cực. Sự bất thường của các gen này tạo ra khiếm khuyết. Khi có các yếu tố tác động như giấc ngủ, thói quen sinh hoạt và căng thẳng, gen gây bệnh sẽ bị kích hoạt dẫn đến sự thay đổi cảm xúc từ trầm cảm đến hưng cảm.

Ngoài di truyền, bệnh rối loạn lưỡng cực cũng có liên quan đến một số yếu tố khác. Tuy nhiên, di truyền gen gây bệnh từ các thế hệ trước chính là yếu tố có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh. Cũng chính vì liên quan đến gen nên điều trị bệnh còn nhiều hạn chế, bệnh tiến triển phức tạp và dễ tiến triển mãn tính.

Ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực?

Rối loạn lưỡng cực khởi phát trong tuổi vị thành niên và đầu giai đoạn trưởng thành (khoảng 18 – 25 tuổi), một số trường hợp cũng có thể khởi phát sau 30 tuổi. Theo thống kê, khoảng 10 triệu người ở Mỹ mắc chứng bệnh này với tỷ lệ đồng đều ở nam và nữ.

Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính hay tầng lớp kinh tế – xã hội. Trong đó, các đối tượng có nguy cơ cao hơn bao gồm:

1. Tiền sử gia đình có người bị rối loạn lưỡng cực

Như đã đề cập, di truyền là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn lưỡng cực. Chính vì vậy, người có tiền sử gia đình mắc bệnh hưng – trầm cảm và những vấn đề tâm thần như tự kỷ, tâm thần phân liệt, rối loạn tăng động giảm chú ý và trầm cảm nặng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ngoài rối loạn lưỡng cực, đa số các vấn đề tâm thần đều có khả năng di truyền. Hiện nay, cơ chế bệnh sinh nói chung của các rối loạn tâm thần đều có liên quan đến di truyền nhưng loại gen gây bệnh và cách thức di truyền vẫn được nghiên cứu rõ. Tuy nhiên qua những nghiên cứu đã được thực hiện và điều tra dịch tễ, có thể khẳng định được vai trò của yếu tố này trong cơ chế bệnh sinh.

2. Người thường xuyên bị stress, căng thẳng

Ngoài di truyền, thường xuyên bị căng thẳng thần kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Sự căng thẳng của hệ thần kinh trung ương có thể kích thích gen gây bệnh hoạt động và dẫn đến những rối loạn về mặt cảm xúc.

Rối loạn lưỡng cực di truyền không
Stress, căng thẳng là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực

Những sự kiện gây căng thẳng có liên quan đến bệnh hưng – trầm cảm có thể bao gồm thay đổi môi trường sống, bắt đầu công việc mới, mâu thuẫn trong gia đình, hôn nhân,… Những sự kiện này không gây ra tổn thương tâm lý quá mạnh nhưng gây stress, căng thẳng kéo dài.

Với những người đã có sẵn gen gây bệnh, ngưỡng chịu đựng stress của cơ thể giảm đi đáng kể. Từ đó tạo điều kiện cho các vấn đề tâm lý và rối loạn tâm thần xuất hiện.

3. Người phải trải qua sang chấn tâm lý

Sang chấn tâm lý là phản ứng của cơ thể khi chứng kiến và trải nghiệm những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như mất người thân, tai nạn, những sự kiện khủng hoảng như khủng bố, bắt cóc, thiên tai,… Khi trải qua những sự kiện này, phản ứng chung của mỗi cá nhân là căng thẳng, kinh hoàng, bất lực, vô vọng và sợ hãi tột độ.

Với những người có sẵn gen gây bệnh, các sự kiện gây sang chấn có thể kích thích rối loạn lưỡng cực hình thành và khởi phát. Trên thực tế, sang chấn tâm lý có vai trò trong hầu hết các rối loạn tâm lý khởi phát trong tuổi vị thành niên và đầu giai đoạn trưởng thành.

4. Lối sống thiếu lành mạnh

Lối sống thiếu lành mạnh cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực. Đa phần những người mắc chứng bệnh này đều bị thiếu ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện.

Rối loạn lưỡng cực di truyền không
Lối sống thiếu khoa học cũng góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh hưng – trầm cảm

Ngoài ra, vì giờ giấc sinh hoạt không ổn định nên bệnh nhân thường làm việc, học tập kém hiệu quả, tâm trạng bất ổn, dễ xung đột và mâu thuẫn với những người xung quanh. Những sự kiện này cũng góp phần kích hoạt gen gây bệnh và dẫn đến sự thay đổi cảm xúc từ trầm cảm đến hưng cảm.

5. Mắc các bệnh tâm lý khác

Ngoài những yếu tố trên, rối loạn lưỡng cực cũng có liên quan đến các bệnh tâm lý khác. Cụ thể, người bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt,… thường có nguy cơ bị bệnh hưng trầm cảm cao hơn bình thường.

Phòng ngừa rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn tâm thần gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối cuộc sống và sức khỏe. Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, bệnh hưng – trầm cảm là kết quả giữa tác động của gen với căng thẳng, lối sống thiếu khoa học và nhiều yếu tố khác.

Rối loạn lưỡng cực di truyền không
Lối sống khoa học là “chìa khóa” giúp duy trì sức khỏe tâm thần và giảm nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực như:

  • Rối loạn lưỡng cực có liên quan đến stress và sang chấn tâm lý. Chính vì vậy, bạn nên học cách kiểm soát căng thẳng để giảm stress và ổn định tâm trạng. Nếu bị sang chấn tâm lý, nên trị liệu tâm lý sớm để phòng ngừa tình trạng phát triển thành các vấn đề tâm lý như bệnh hưng – trầm cảm, rối loạn lo âu, trầm cảm,…
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế tình trạng thức khuya, thiếu ngủ và tuyệt đối không sử dụng rượu bia, chất gây nghiện.
  • Dành thời gian để tập thể dục mỗi ngày. Hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe, bao gồm cả kiểm soát tâm trạng, tránh tình trạng cảm xúc nâng cao và hạ thấp quá mức.
  • Lên kế hoạch làm việc, học tập khoa học để giảm căng thẳng và hạn chế tối đa sai sót.
  • Học cách chia sẻ với những người xung quanh để được đồng cảm và thấu hiểu. Dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động mà bản thân yêu thích, tránh suy nghĩ quá nhiều và chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực.

Rối loạn lưỡng cực có khả năng di truyền cao nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất trong cơ chế bệnh sinh. Do đó, mỗi người cần có biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần hợp lý để giảm nguy cơ mắc bệnh – đặc biệt là với người có tiền sử gia đình mắc chứng bệnh này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *