Phụ thuộc trong tình yêu – Cách kiểm soát cảm xúc khi yêu

Rate this post

Phụ thuộc trong tình yêu là một liều thuốc độc giết chết mối tình của bạn. Mỗi người là một cá thể độc lập, thế nên bạn nên biết cách kiểm soát cảm xúc khi yêu để không lệ thuộc vào đối phương quá nhiều. Việc cho nhau không gian riêng sẽ giúp tình cảm của cả hai ngày càng nồng nàn và bền chặt. 

phụ thuộc trong tình yêu
Phụ thuộc quá mức vào nửa kia sẽ khiến cuộc tình của bạn trở nên nặng nề và không bền lâu.

Phụ thuộc trong tình yêu là như thế nào?

Trong tình yêu ai cũng thích cảm giác được dựa dẫm, phụ thuộc vào đối phương để tạo nên sự ràng buộc trong tình cảm cho hai người. Ở mức độ bình thường, nó là chất xúc tác cho tình yêu, khiến hai người cảm thấy gắn bó với nhau. Nhưng khi sự phụ thuộc này trở nên thái quá, nhất là chỉ đến từ một hướng, nó rất có thể trở thành nhân tố khiến bạn ngày một tiêu cực và mối quan hệ của hai bạn theo đó mà mất cân bằng.

Phụ thuộc là khi bạn bám chặt vào người ấy mà không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác xung quanh nữa. Bạn nghĩ về họ suốt 24 tiếng trong ngày và suốt 7 ngày trong tuần. Bạn không thiết tha công việc, không quan tâm đến gia đình bạn bè, bỏ mặc những mối quan hệ xã hội vì bạn dành hết thời gian và tâm trí của mình chỉ cho một người. Bạn không chấp nhận cuộc sống thiếu đi người ấy và luôn cảm thấy khủng hoảng vì lo sợ họ sẽ rời đi.

Phụ thuộc trong tình yêu rất nguy hiểm vì nó khiến bạn tin rằng nửa kia là điều duy nhất quan trọng trong cuộc sống của bạn. Nếu một ngày tình yêu không còn nữa, bạn sẽ nhanh chóng suy sụp vì nhận ra ngoài người ấy, bạn chẳng còn gì nữa. 

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của một người quá phụ thuộc trong tình yêu

Phụ thuộc trong tình yêu với mức độ vừa phải là một gia vị tuyệt vời cho mối tình thêm nồng thắm. Tuy nhiên, nếu sự phụ thuộc trở nên biến chất, điều đó chẳng khác nào rải độc dược vào tình yêu của hai người. 

Khi bạn có xu hướng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu bản thân, đó là dấu hiệu đầu tiên của sự phụ thuộc. Bạn buộc phải thích nghi với người kia bằng cách hạ thấp hoặc hy sinh những nhu cầu chính đáng của bản thân chỉ để làm họ hài lòng. Lâu dần, bạn sẽ không còn là chính mình nữa mà chỉ như một vật ký sinh trên người đối phương mà thôi.

Vậy làm sao để bạn nhận biết bản thân có đang quá phụ thuộc trong tình yêu hay không? Hãy tham khảo một số dấu hiệu dưới đây:

Luôn cần sự khẳng định của người ấy

Bạn thường thiếu tự tin về chính mình, ám ảnh với việc mình có phải là một người yêu hoàn hảo và liệu mình có mắc sai lầm gì trong mối tình này không. Bạn cần sự khẳng định từ người yêu rằng bạn đã làm tốt và bất cứ lời phàn nàn nào cũng khiến bạn căng thẳng.

cảm giác phụ thuộc trong tình yêu
Bạn tự ti đến mức cần đến sự khẳng định của nửa kia để thấy bản thân mình có giá trị.

Sự thiếu công nhận bản thân có thể khiến bạn trở thành con rối trong đối phương vì họ có thể ảnh hưởng đến mọi quyết định của bạn. Việc thay thế ý nghĩ của bạn bằng ý nghĩ của một ai đó đồng nghĩa với việc bạn đã dần mất đi chính mình. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ không còn nhận ra bản thân mình nữa. Bạn có nguy cơ trở thành cái bóng của người khác.

Không có cuộc sống riêng

Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều xoay quanh người ấy. Bạn mong chờ những tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi han hay những buổi hẹn hò đến mức không còn quan tâm bất cứ thứ gì khác nữa. Bạn bỏ ngoài tai những lời rủ rê gặp mặt của bạn bè, người thân mà chỉ tập trung vào việc ở bên người ấy 24/7. 

Đương nhiên việc dành thời gian bên cạnh người yêu là điều ai cũng mong muốn. Nhưng bạn không nên từ bỏ cuộc sống riêng và khiến người ấy nghẹt thở vì sự quan tâm quá mức của mình. Đừng mãi chìm đắm trong thế giới tình yêu. Bạn vẫn còn có những mối quan hệ xã hội cần duy trì, những công việc cần thực hiện và những mối quan tâm khác hằng ngày mà bạn đã bỏ qua. 

Hay nghi ngờ và ghen tuông vô cớ

Bạn hoảng sợ khi người ấy không lập tức trả lời tin nhắn và tự hỏi có phải mình đã làm gì sai. Bạn ghen tuông khi thấy những người phụ nữ/đàn ông khác bên cạnh người ấy. Bạn kiểm tra mọi tin nhắn, cuộc gọi trong máy đối phương để chắc rằng không có gì bất thường. Tất cả những hành động này chứng tỏ bạn không có cảm giác an toàn và quá bấu víu vào mối tình.

Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, bạn có nguy cơ đánh mất người ấy. Không ai có thể chịu được sự không tin tưởng liên tục, việc phải thường xuyên trấn an bạn và thuyết phục bạn về tình yêu của họ.Thay đổi dựa trên sở thích của người ấy

Chúng ta ai ai cũng muốn đẹp hơn trong mắt đối phương, vì thế mọi người có xu hướng ăn mặc, cư xử theo sở thích của nửa kia để làm vui lòng họ. Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng phải có giới hạn của nó. Một người yêu bạn là vì chính con người bạn, chứ không phải vỏ bọc do bạn tạo ra. 

Ví dụ bạn đã từng là người rất năng động, vui vẻ, thích thú với việc du lịch hay tham gia các buổi tụ tập đông người, nhưng giờ đây bạn buộc bản thân phải nghiêm túc, hiền dịu, sáng đi làm tối về nhà đúng giờ chỉ để phù hợp với hình mẫu lý tưởng của người yêu. Bạn đang biến người yêu thành trung tâm của vũ trụ và để mọi cảm xúc vui buồn hờn giận của bạn lệ thuộc vào người đó. 

phụ thuộc trong tình yêu là gì
Một ngày nào đó bạn sẽ chợt nhận ra, bạn không còn là chính mình nữa mà đã trở thành cái bóng của một ai đó.

Mong muốn làm hài lòng người mình thích không có gì xấu cả, nhưng nếu nhu cầu đó vượt lên mong muốn, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân thì bạn đang quá phụ thuộc trong tình yêu và đánh mất bản thân. Tình yêu đòi hỏi sự bình đẳng. Tại sao ta lại phải làm điều mà mình không muốn chỉ để vừa lòng một ai đó?

Không thể từ chối yêu cầu của đối phương

Bạn không thích những nơi ồn ào như bar club nhưng vì người ấy yêu cầu, bạn phải ngồi đó suốt mấy tiếng và ra về với cái đầu đau như búa bổ. 

Bạn thấy mệt mỏi và chỉ muốn ngủ nướng sau một tuần làm việc căng thẳng, thế nhưng chỉ vì một cú điện thoại của người ấy, bạn phải ra ngoài giữa trưa nắng gắt.

Bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những đụng chạm và gợi ý thân mật, nhưng vì người ấy yêu cầu, bạn chấp nhận trong sự miễn cưỡng và hoang mang.   

Bạn sẵn sàng thỏa hiệp với mọi yêu cầu của người ấy, dù nó có vô lý và khiến bạn khó chịu đi chăng nữa. Bạn không thể từ chối những lời mời đến những nơi không thú vị, những khoảng thời gian không thoải mái hay những đòi hỏi tình cảm dù chưa sẵn sàng. 

Bao biện cho người ấy và phớt lờ mọi dấu hiệu nguy hiểm

Dù người kia có thờ ơ hay làm bạn tổn thương, bạn vẫn tìm mọi lý do bao biện cho hành động đó. Bạn cố níu kéo mối quan hệ này và tạo cho người kia suy nghĩ rằng bạn không thể sống thiếu họ. Đây là một sự bất bình đẳng trong tình yêu. Người bạn yêu có thể có những hành động và lời nói ngày càng thái quá vì họ biết rằng, bạn sẽ luôn thông cảm và tha thứ. 

Ngoài ra, bạn cũng phớt lờ mọi biểu hiện lạ của người yêu. Bạn biết người ấy có vấn đề. Bạn cảm nhận được sự thay đổi trong tình cảm của hai người nhưng vẫn cố lờ đi và trấn an bản thân mọi chuyện đều ổn. Ngay cả khi thâm tâm bạn biết chia tay có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất thì bạn vẫn không thể làm vậy, vì bạn đã quá phụ thuộc vào người yêu mình.

Hy sinh mọi thứ vì lợi ích của đối phương

Trong một mối quan hệ lành mạnh, việc cho và nhận diễn ra đồng thời. Bạn cho đi và xứng đáng nhận lại những điều tốt đẹp. Điều này giúp quan hệ của cả hai trở nên thân mật, gần gũi hơn. Tuy nhiên nếu cứ mãi hy sinh bản thân bất chấp, bạn có thể sẽ phải cho đi nhiều hơn những gì bạn thực sự nhận được. Nếu bạn cứ bỏ qua cảm xúc và mong muốn cá nhân của mình để làm hài lòng đối phương thì một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy chán nản. 

Làm sao để kiểm soát bản thân không bị phụ thuộc trong tình yêu?

Bạn nên lý trí khi yêu để giữ cho mối tình đẹp và không biến nó thành một mối quan hệ độc hại. Trên thực tế, nếu bạn càng lệ thuộc vào ai thì người đó càng ít yêu bạn hơn. Cho nên để luôn có sức hấp dẫn, bạn đừng quá phụ thuộc trong tình yêu. Hãy cho mình và người ấy một không gian riêng, để cả hai vẫn còn hấp dẫn lẫn nhau. 

đừng phụ thuộc vào người khác
Hãy tôn trọng nhau bằng cách cho nhau một không gian riêng.

Đừng biến mình trở thành nô lệ của tình yêu. Hãy học cách kiểm soát bản thân để giữ cho mối tình của bạn lâu dài và bền chặt hơn. 

Tôn trọng chính bản thân mình

Việc tôn trọng bản thân giúp bạn không trở nên lệ thuộc vào ai đó, là nền móng cho một mối quan hệ bình đẳng, bền vững và lành mạnh. Để học được cách tôn trọng bản thân, bạn phải chấp nhận con người thật và tin tưởng vào khả năng chính mình. Bạn hãy tự tin làm những điều mình muốn, dũng cảm đưa ra quyết định, nhìn nhận những ưu điểm để tiếp tục phát huy và biết đâu là khuyết điểm để khắc phục. Sự lạc quan tích cực từ bên trong con người sẽ khiến bạn hạnh phúc. Nếu bạn không thể có được nền tảng đó, bạn rất khó để độc lập vững vàng và dễ bị lệ thuộc vào người khác.

Dành thời gian cho những mối quan hệ khác

Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều những mối quan hệ khác ngoài tình yêu. Đó là ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè, người quen,… Những mối quan hệ đó nâng đỡ ta rất nhiều trong cuộc sống, giúp chúng ta cân bằng cảm xúc và vượt qua những khó khăn trong đời. 

Chính vì vậy bạn đừng cắt đứt những mối quan hệ đã có trước đó mà dồn mọi sự quan tâm vào tình yêu. Hãy dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình, ví dụ như cùng mọi người đi ăn tối, dạo chơi nói chuyện hoặc đi du lịch. Việc phân bổ thời gian hợp lý cho những người xung quanh sẽ giúp bạn phân bổ cảm xúc của chính mình, càng có nhiều mối bận tâm thì bạn càng ít thời gian để nghĩ về chuyện tình cảm. Nếu muốn tâm sự với ai đó, bạn có thể gọi cho người nào đáng tin cậy để nói chuyện.

Đừng từ bỏ mọi thứ chỉ vì tình yêu vì cuộc sống của bạn sẽ trở nên đơn điệu, vô nghĩa và nếu chẳng may tình yêu tan vỡ, bạn sẽ chẳng còn lại gì cả.

Tự quyết định các vấn đề của bản thân

Bạn là một cá nhân độc lập vì thế, bạn phải tự quyết định những vấn đề của bản thân. Đừng nên quá dựa dẫm hay tin tưởng tuyệt đối vào ý kiến của một ai đó, dù có là nửa kia. Bạn Hãy nhớ rằng khi ai đó yêu bạn, họ yêu những cá tính độc đáo, những thứ khiến bạn khác biệt so với mọi người. Bạn càng giữ được những nét riêng của mình bao nhiêu thì người khác càng tôn trọng bạn bấy nhiêu. Thế nên đừng vì sợ làm người khác phật ý mà cái gì cũng phải theo ý họ, nếu không dần dần bạn sẽ thành một con rối được điều khiển bởi bàn tay người yêu.

Tập cách viết ra những điều bạn suy nghĩ

Con người luôn có những mặt trái cảm xúc cần giải tỏa nhưng không phải ai cũng có thể làm chuyện đó một cách dễ dàng. Thế nên hãy tự tìm cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của bản thân để tránh dựa dẫm quá mức vào người ấy, bởi vì không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội ở cạnh nửa kia để cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. 

Sống phụ thuộc vào cảm xúc người khác
Viết nhật ký là một cách hay để giải tỏa cảm xúc và học cách kiểm soát tâm trạng của bản thân.

Giống như việc cố nén nước mắt khi thấy buồn, bạn càng cố giữ sự tức giận hoặc cảm xúc tiêu cực trong lòng thì tâm trạng bạn càng trở nên tồi tệ. Nếu bạn muốn giải tỏa cảm xúc, hãy cứ viết chúng ra. Viết cảm xúc ra giấy có thể trở thành phương pháp để bạn độc lập kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình mà không cần đến bất kỳ điểm tựa nào khác. Viết ra những cảm xúc và suy nghĩ trên giấy hoặc trên máy tính sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Đừng từ bỏ những thú vui riêng

Nếu trước khi yêu bạn có một thú vui tiêu khiển riêng như khiêu vũ, bơi lội, mua sắm, xem phim,… mà người yêu của bạn không thích, cũng không việc gì phải từ bỏ những thú vui lành mạnh của mình. Tại sao bạn phải từ bỏ niềm đam mê xem phim kinh dị hay lượn lờ phố xá cùng hội bạn thân? Đây là một phần cuộc sống riêng của bạn và nếu đủ yêu thương, người ấy sẽ tôn trọng những thú vui riêng của bạn.

Ta không nên từ bỏ một đam mê vô hại chỉ vì tình yêu. Một người xứng đáng để bạn yêu sẽ không bao giờ bắt bạn phải từ bỏ những cái bạn thích.

Đừng liên lạc với nửa kia quá thường xuyên

Nếu bạn có thói quen gọi điện và nhắn tin cho người ấy mọi lúc mọi nơi thì có vẻ bạn đang phụ thuộc vào người ấy quá nhiều về mặt tình cảm. Những khi bạn muốn nói chuyện, muốn chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng cách gọi điện hay nhắn tin, bạn có thể tập trung làm những việc khác. Ví dụ, bạn có thể đọc một cuốn sách hoặc vẽ một cái gì đó. Thêm vào đó, bạn có thể chờ nửa kia của bạn rảnh rỗi và sau đó nói về những điều bạn suy nghĩ.

Mỗi người đều có cuộc sống riêng, thế nên việc làm phiền người ấy quá nhiều cũng có thể khiến đối phương cảm thấy chán nản, áp lực trong mối quan hệ. Hãy cho nhau không gian riêng để cả hai có thời gian làm những việc khác.

Đừng nhượng bộ vô điều kiện

Có những người luôn nhượng bộ người yêu vô điều kiện vì sợ người ấy không yêu mình nữa. Nhưng thực tế, nếu người ấy đã không còn tình cảm với bạn thì việc nhượng bộ cũng không thể níu kéo mối quan hệ của cả hai. Vì thế hãy học cách nói không trước những việc bạn không thích và những yêu cầu vô lý của người kia. 

Trong tình yêu, hai người luôn có những lúc bất đồng ý kiến. Bạn không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm với nửa kia của mình, đó là chuyện rất bình thường. Tuy vậy, khi đã nảy sinh những khác biệt thì cả hai cần thảo luận dựa trên tinh thần tôn trọng. Bạn và người ấy bình đẳng trong mối quan hệ này, vì thế đừng mãi là người chịu thiệt. Nếu cứ mãi nhượng bộ thì cuối cùng bạn sẽ trở thành nô lệ của tình yêu lúc nào không hay.

Khi yêu, ai cũng muốn làm mọi việc vì người yêu để nửa kia cảm thấy hạnh phúc và qua đó ta cũng tìm thấy hạnh phúc của mình. Nhưng yêu không có nghĩa là nhắm mắt làm theo mọi yêu cầu của người ấy, đến mức sống phụ thuộc hoàn toàn vào họ và không thể tồn tại được nếu bị họ bỏ rơi.

Học thêm những kỹ năng mới

Hãy thử đăng ký một lớp hội họa, khiêu vũ hay tham gia bất cứ hoạt động nào bạn thích để thả lỏng bản thân và tận hưởng khoảng thời gian riêng tư. Từ đó bạn sẽ phát hiện ra khả năng của bản thân, có cơ hội phát triển mạnh mẽ về mặt cảm xúc mà không cần phụ thuộc vào ai cả.

Tập thiền và đọc sách cũng có thể giúp bạn tránh bị phụ thuộc vào tình cảm của nửa kia. Cả hai hoạt động đều giúp bạn tập trung tâm trí, loại bỏ tạp niệm và thư giãn tâm hồn. Nó giúp bạn giữ cho bản thân bình tĩnh và kiên nhẫn, ngay cả trong những tình huống bất lợi. Chẳng hạn thiền giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng, thúc đẩy sức khỏe tinh thần và cải thiện tâm trạng. Tương tự, đọc sách giúp giảm stress và cho bạn cái nhìn thoáng hơn, đa chiều hơn về cuộc sống.

Tóm lại để tránh việc phụ thuộc trong tình yêu, bạn cần phải tôn trọng bản thân, giữ lấy chính kiến, không thỏa hiệp với mọi yêu cầu của nửa kia và nhất là cho nhau không gian riêng. Nếu bạn phụ thuộc quá nhiều vào ai đó, họ sẽ dần không còn thấy sức hấp dẫn nơi bạn, thay vào đó là gánh nặng và sự phiền toái. Hãy nhớ đừng bao giờ hy sinh tất cả mọi thứ vì người mình yêu, đến mức bạn không còn là chính mình nữa. Một người yêu bạn chân thành không bao giờ ép buộc bạn thay đổi mọi thứ theo ý thích của họ.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Hy vọng những chia sẻ của Tạp Chí Tâm Lý Học sẽ giúp bạn hiểu được thế nào là phụ thuộc trong tình yêu và cách để bản thân tránh rơi vào trường hợp tương tự. Hãy nhớ tình yêu muốn bền chặt cần sự tương tác từ hai phía, chứ không phải sự lệ thuộc của một bên.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *