Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm được áp dụng phổ biến

Rate this post

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến với hàng loạt sự thay đổi về cảm xúc, hành vi, suy nghĩ. Diễn biến của căn bệnh này rất phức tạp nên quá trình chẩn đoán cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các chuyên gia cũng đã nghiên cứu và đưa ra được các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm và đã được áp dụng phổ biến trong cộng đồng. 

Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm được áp dụng phổ biến

Tìm hiểu về căn bệnh trầm cảm

Hiện nay, trầm cảm được đánh giá là một trong các căn bệnh về cảm xúc, tâm thần phổ biến và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Những đối tượng mắc phải chứng bệnh này thường biểu hiện bởi khí sắc trầm cảm, buồn chán, tuyệt vọng, không còn năng lượng, sức sống và mất dần các hứng thú đối với những hoạt động bên ngoài.

Thông thường các triệu chứng ban đầu của bệnh biểu hiện khá mơ hồ, mờ nhạt, người bệnh đôi lúc không thể tự nhận biết được những sự thay đổi trong hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Do đó, hầu hết các trường hợp bệnh trầm cảm khi nhờ đến sự can thiệp của y khoa đều đã chuyển biến sang giai đoạn vừa và nặng, lúc này quá trình điều trị sẽ gặp nhiều cản trở hơn.

Về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên theo số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu khoa học nhận thấy có 3 yếu tố chính có thể làm khởi phát căn bệnh này, đó là yếu tố di truyền, các rối loạn về sự dẫn truyền thần kinh và những căng thẳng, áp lực kéo dài dai dẳng không thể giải quyết.

Cho dù trầm cảm xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào cũng cần được nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời. Cũng bởi nếu không can thiệp đúng cách sẽ làm cho sức khỏe con người bị tác động nghiêm trọng. Khi liên tục gặp phải các triệu chứng mệt mỏi, chán nản, mất tập trung, rối loạn ăn uống và giấc ngủ sẽ khiến cho con người dần bị suy kiệt, nguy cơ cao mắc phải các căn bệnh nghiêm trọng khác.

Bên cạnh đó, trầm cảm còn gây tác động tiêu cực rất lớn đối với kinh tế của bản thân và gia đình của người bệnh. Trong thực tế đã có rất nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế khi có người thân mắc phải chứng bệnh này. Đây cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng nguy cơ tự sát ở người bệnh. Khi rơi vào trạng thái bế tắc và không còn bất kì hi vọng nào về cuộc sống, họ thường suy nghĩ nhiều về cái chết và có ý định muốn tự sát để giải thoát cho bản thân và những người xung quanh.

Do đó, việc có thể sớm nhận biết và tiến hành thăm khám bệnh đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, các bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ thăm khám và khai thác các thông tin cần thiết để tiến hành chẩn đoán chính xác nhất. Sau khi nắm rõ được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi người.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm được áp dụng phổ biến

Hệ thống chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Mỹ (DSM-IV) và hệ thống chẩn đoán trong bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD-10) hiện là hai hệ thống chẩn đoán được áp dụng phổ biến trong việc chẩn đoán rối loạn tâm thần. Cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm theo ICD-10

Vào những năm gần đây, việc chẩn đoán rối loạn trầm cảm ở nước ta đã và đang áp dụng phổ biến các nguyên tắc chẩn đoán giai đoạn trầm cảm được mô tả cụ thể trong Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD-10). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố các tiêu chuẩn này vào năm 1992.

Chúng có giá trị lâm sàng đối với quá trình chẩn đoán bệnh trầm cảm ở nhiều mức độ, cụ thể là 3 mức độ nhẹ , vừa và nặng. Hiện nay, tiêu chuẩn này cũng đã được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng nhằm phục vụ tốt cho quá trình điều trị bệnh trầm cảm.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm theo ICD-10

Trong Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế ICD-1 thì căn bệnh trầm cảm sẽ được xếp vào mục F.32, nằm trong phần rối loạn khí sắc. Cụ thể trầm cảm sẽ bao gồm các triệu chứng phổ biến và đặc trưng như sau:

3 triệu chứng đặc trưng của trầm cảm

  • Khí sắc giảm, trầm buồn, chán nản.
  • Mất dần hứng thú đối với các hoạt động diễn ra xung quanh, ngay cả những điều mà bản thân đã từng rất yêu thích.
  • Năng lượng bị suy giảm, cơ thể luôn mệt mỏi và lười vận động, không muốn làm bất cứ việc gì.

7 triệu chứng phổ biến của trầm cảm

  • Mất tập trung, giảm sự chú ý, suy giảm trí nhớ, quên trước quên sau.
  • Giảm lòng tự trọng, không còn tự tin vào khả năng của chính mình.
  • Cho rằng bản thân không xứng đáng và luôn cảm thấy mình phạm tội lỗi.
  • Có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống và tương lai, thường xuyên bi quan, ảm đạm.
  • Giấc ngủ bị rối loạn, có thể mất ngủ, ngủ không ngon giấc, hay mơ gặp ác mộng, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm hoặc buồn ngủ mất kiểm soát.
  • Thay đổi khẩu vị ăn uống, thường sẽ chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thèm ăn và ăn quá nhiều.
  • Có suy nghĩ về cái chết, xuất hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc muốn tự sát.

Có thể chẩn đoán chứng rối loạn trầm cảm một cách chính xác nhất, các nhà khoa học đã chia căn bệnh này thành 3 mức độ khác nhau. Dựa vào ICD-10, các bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán được từng giai đoạn của bệnh. Cụ thể như:

Rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ (F32.0)

  • Người bệnh sẽ có 2/3 triệu chứng đặc trưng và có ít nhất 2/7 triệu chứng phổ biến. Chúng sẽ kéo dài tối thiểu 2 tuần.
  • Bệnh nhân khó có thể tiếp tục và hoàn thành tốt công việc hoặc những hoạt động xã hội bình thường (có hoặc không có kèm theo một số biểu hiện về cơ thể của chứng trầm cảm).

Rối loạn trầm cảm mức độ vừa (F32.1)

  • Người bệnh sẽ có 2/3 triệu chứng đặc trưng và có ít nhất 3/7 triệu chứng phổ biến. Các triệu chứng này cũng sẽ kéo dài tối thiểu 2 tuần.
  • Mức độ bệnh này sẽ gây cản trở nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, họ không thể tiếp tục công việc của mình (có hoặc không có kèm theo một số biểu hiện về cơ thể của chứng trầm cảm).

Rối loạn trầm cảm mức độ nặng (F32.2)

  • Người bệnh sẽ có cả 3 triệu chứng đặc trưng và ít nhất 4/7 triệu chứng phổ biến, chúng cũng sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần.
  • Lúc này, các triệu chứng cơ thể sẽ luôn luôn tồn tại. Bệnh nhân ít có khả năng tiếp tục các công việc xã hội, gia đình, nghề nghiệp.

Rối loạn trầm cảm mức độ nặng có chứng loạn thần (F32.3)

  • Người bệnh sẽ thỏa mãn tất cả các triệu chứng trong giai đoạn trầm cảm nặng đã được nêu trên.
  • Bên cạnh đó còn kèm theo các ảo giác, hoang tưởng hoặc sửng sờ rối loạn trầm cảm (bao gồm hoang tưởng, ảo giác có thể phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc).

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm nặng theo DSM-IV

Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm nặng theo DSM-IV để xác định một người đang mắc chứng bệnh trầm cảm thì người đó cần có ít nhất 5 triệu chứng trong các triệu chứng được nêu ra dưới đây. Các triệu chứng này sẽ xuất hiện cùng trong một giai đoạn kéo dài liên tục suốt 2 tuần và thể hiện sự biến đổi về chức năng trước đó.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm nặng theo DSM-IV

Những triệu chứng của trầm cảm như sau:

  • Khí sắc luôn trầm buồn, chán nản từ ngày này qua ngày khác. Họ luôn trong trạng thái chán nản, bi quan, u buồn.
  • Không còn hứng thú và quan tâm đối với các hoạt động xảy ra xung quanh, ngay cả những điều mà bản thân từng rất yêu thích trước đây.
  • Tăng hoặc giảm cảm giác ngon miệng, từ đó khiến cho cân nặng cũng bị biến đổi nhanh chóng.
  • Rối loạn giấc ngủ, có thể ngủ nhiều hoặc mất ngủ liên tục trong nhiều ngày, chất lượng giấc ngủ bị suy giảm.
  • Thiếu sức sống, di chuyển chậm chạp, lười vận động và có xu hướng chỉ muốn nằm hoặc ngồi yên một chỗ, đặc biệt là nơi có ít ánh sáng.
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, thừa thãi, tội lỗi và không thể giúp ích được cho gia đình, xã hội.
  • Mất tập trung, giảm sự chú ý, không thể đưa ra quyết định hay lựa chọn hàng ngày, dù là những điều nhỏ nhặt.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết, xuất hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân và có ý định muốn tự sát.

Đối với chứng trầm cảm nặng thì các triệu chứng này sẽ thường xuyên xuất hiện, hầu như là mỗi ngày. Người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần, suy giảm chất lượng sống và trở thành gánh nặng của những người bên cạnh.

Những thang đánh giá về bệnh trầm cảm

Hiện nay, các bác sĩ sức khỏe tâm thần thường sử dụng 3 loại thang đánh giá phổ biến như thang đánh giá Hamilton Depression, Thang đánh giá Beck Depression Inventory (BDI) và thang đánh giá CES-D (Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale) để đánh giá mức độ bệnh của trầm cảm.

1. Thang đánh giá Hamilton Depression (HAM-D)

Thang đánh giá Hamilton Depression (HAM-D) có tên tiếng anh đầy đủ là Hamilton Depression hoặc Hamilton Depression Rating Scale đã được công bố và áp dụng vào năm 1960. Đây chính là một trong các công cụ nhằm được áp dụng cho việc đo lượng mức độ bệnh trầm cảm và được sử dụng rất phổ biến hiện nay.

Thông thường, các bác sĩ tâm thần sẽ hướng dẫn thực hiện thang đo này. Trong công tác chẩn đoán bệnh trầm cảm thì HAM- D luôn được xem là các tiêu chuẩn vàng. Loại thang đo này sẽ bao gồm 17 đề mục khác nhau. Mỗi đề mục sẽ đại diện cho những triệu chứng riêng biệt của chứng rối loạn trầm cảm.

Các bệnh nhân trầm cảm thường chỉ mất khoảng từ 20 đến 30 phút để thực hiện bài kiểm tra này. Sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành tổng kết điểm của tất cả các đề mục để có thể đưa ra đánh giá chuẩn xác về mức độ bệnh trầm cảm của người thực hiện.

2. Thang đánh giá Beck Depression Inventory (BDI)

Thang đánh giá Beck Depression Inventory (BDI) được nghiên cứu và tạo ra bởi Aaron T. Beck cùng các cộng sự của ông, chúng được công bố cụ thể vào năm 1961. Thang điểm này sẽ bao gồm tất cả 21 câu hỏi (1961) nhằm hướng tới suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của con người. Sau đó, các chuyên gia đã rút gọn thành 13 câu hỏi và được áp dụng vào năm 1972 và cho đến năm 1978 thì sửa đổi thành BDI-II và được xuất bản.

Tính cho đến thời điểm hiện tại thì thang đánh giá này vẫn được đánh giá cao về mức độ chính xác và được sử dụng phổ biến trong quá trình chẩn đoán trầm cảm. Hiện nay, thang đánh giá Beck Depression Inventory có tất cả 3 phiên bản như sau:

  • Bảng đánh giá BDI gốc được giới thiệu vào năm 1961
  • Bảng đánh giá BDI-1A (là phiên bản chỉnh của bản BDI gốc) được công bố vào năm 1978
  • Bảng đánh giá BDI-II (được thiết kế dành cho đối tượng từ 13 tuổi trở lên) ra mắt vào năm 1996

Dựa vào kết quả đã được tổng hợp trên khoảng hơn 2.000 nghiên cứu thực nghiệm áp dụng thang BDI tại 28 quốc gia trên toàn thế giới cho biết, bảng đánh giá này hoàn toàn có thể mang đến hiệu quả rất cao về mặt lâm sàng và cận lâm sàng. Thế nhưng bảng đánh giá gốc vào năm 1961 chỉ tiến hành đánh giá vào thời điểm phỏng vấn nên có ý nghĩa thấp. Còn đối với bảng đánh giá BDI-II sẽ có tính ưu việt hơn, chỉ số alpha cũng ổn định hơn.

  • Bảng tổng hợp các nghiên cứu đánh giá thang BDI-II (phiên bản năm 1978)
Nước Số lượng Thang BDI-II
Mẫu

Nghiên cứu

Số lượng

Nghiên cứu

Điểm

trung bình

Độ lệch

chuẩn

Hệ số

Cronbach’s alpha

Argentina 608 2 8,46 7,26 0,86
Australia 1343 3 9,55 7,50 0,86
Brazil 3203 6 8,47 6,69 0,83
Canada 139 3 7,53 4,61
Greece 98 1 8,17 6,69 0,86
Japan 116 2 10,99 8,04
Mexico 1012 12 7,64 7,58
Netherlands 10 1 1,00 1,10
Spain 2407 5 6,44 5,81 0,83
Turkey 1514 4 13,06 7,88
United Kingdom 47 1 4,60 4,20
USA 1602 13 8,56 6,63 0,86
Hong-Kong 675 3 10,86 7,90 0,86
Tổng cộng 12774 56 8,81 6,88 0,85

Cho đến hiện nay, thang BDI -II là một trong các công cụ được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán trầm cảm và cũng được đánh giá rất cao về độ hiệu quả. Thông qua các nghiên cứu nhận thấy rằng thang đo này có độ tin cậy rất cao, hệ số Cronbach’s alpha dao động trong khoảng 0,87-0,94. Trong nhiều nghiên cứu chuyên khoa đã từng thực hiện cho biết, thang đánh giá này có thể phù hợp được cho rất nhiều nền văn hóa khác  nhau, kể cả những nền văn hóa tồn tại sự kì thị cao về những vấn đề tâm lý.

Thang đánh giá BDI – II bao gồm 21 câu hỏi nghiên cứu sâu về nhận thức, những triệu chứng về tình cảm, hành vi và các thể của rối loạn trầm cảm. Từng câu hỏi sẽ được đánh giá cụ thể bởi số điểm phản ánh mức độ trầm trọng của các triệu chứng bệnh. Người thực hiện sẽ tiến hành khoanh tròn vào số liên quan đến nhận định về cảm xúc của mình trong 2 tuần vừa qua. Việc sử dụng thang đánh giá này cần phải do bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý lâm sàng thực hiện. Hiện nay, tại nước ta trong lâm sàng áp dụng thang Beck Depression Inventory để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán, theo dõi lâm sàng và kết quả điều trị.

3. Thang đánh giá Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale (CES-D)

Thang đánh giá Centre for Epidemiological Studies – Depression Scale (CES-D) bao gồm một bộ câu hỏi ngắn tự điền được thiết kế nhằm phục vụ cho việc đánh giá các triệu chứng của bệnh trầm cảm trong cộng động. CES-D đã được thử nghiệm tại các cuộc điều tra phỏng vấn của các hộ gia đình và cũng từng được áp dụng trong các nghiên cứu tâm thần học. Thang đánh giá này đã được kiểm chứng có độ chính xác và tính cụ thể rất cao.

Các mục có trong thang đánh giá CES-D được thành lập dựa vào hệ thống biểu mẫu tự điền. Các chuyên gia cũng có đánh giá rất cao về độ tin cậy và tính hợp lệ của CES-D. Nó có sự đồng nhất về các đặc điểm nhân khẩu học ở những mẩu thử nghiệm trên dân số chung. Đây cũng là một công cụ rất hữu ích đối với những nghiên cứu dịch tễ học đối với căn bệnh rối loạn trầm cảm.

Thang đánh giá CES-D được thiết để nhằm để đo lường mức độ hiện tại của các triệu chứng bệnh trầm cảm. Các bằng chứng cho thấy rằng, đây là một công cụ đáng tin cậy nhưng cũng có sự nhạy cảm đối với mức độ hiện tại của những triệu chứng nên có thể sử dụng để kiểm tra lại về điểm số, điển hình như điểm số của các hộ gia đình được phỏng vấn trước và sau các sự kiện gây sang chấn hoặc điểm số của những người bệnh trước và sau quá trình điều trị.

Tuy được đánh giá khá cao về hiệu quả nhưng thang đánh giá CES-D cũng có một số hạn chế nhất định. Bởi nó không được sử dụng như một tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh lâm sàng, điểm cắt trầm cảm để tiến hành kiểm tra lâm sàng hiện vẫn chưa được xác nhận cụ thể. Bên cạnh đó việc áp dụng thang đánh giá CES-D trong cộng đồng còn phải tùy thuộc nhiều vào kỹ năng và trình độ nhận thức của người phỏng vấn và người được phỏng vấn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn đọc nắm được các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm được áp dụng phổ biến hiện nay. Để việc chẩn đoán bệnh được chính xác và hiệu quả, người bệnh cần phải tìm đến các cơ sở, bệnh viện uy tín và chất lượng để được hỗ trợ cụ thể.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Bình luận

  1. Quốc Thái says: Trả lời

    cho mình hỏi các references của bài viết được lấy từ nguồn nào không ??

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *