Tìm hiểu cách chữa rối loạn lo âu bằng phương pháp diện chẩn
Chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn là liệu pháp được Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Quốc Châu nghiên cứu và công bố vào năm 1980. Phương pháp này chẩn đoán và điều trị bệnh lý bằng cách quan sát, sờ, dò sinh huyệt và tác động đến từng vùng ở mặt tương ứng với cơ quan bị tổn thương.
Tìm hiểu phương pháp diện chẩn chữa rối loạn lo âu
Diện chẩn hay còn có tên gọi đầy đủ là phương pháp diện chẩn – điều khiển liệu pháp. Đây là liệu pháp điều trị được công bố vào năm 1980 bởi Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Quốc Châu.
Diện chẩn là phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thông qua đồ hình phản chiếu (dựa trên quan niệm các vấn đề bên trong cơ thể sẽ biểu hiện qua từng vị trí cụ thể trên khuôn mặt). Sau đó, thầy thuốc sử dụng các dụng cụ chuyên dụng tác động đến sinh huyệt (những điểm nhạy cảm trên khuôn mặt) để điều trị bệnh lý.
Trên thực tế, chẩn đoán và điều trị bệnh bằng diện chẩn còn dựa trên nhiều học thuyết khác nhau. Hiện nay, phương pháp này đã được mở rộng trị liệu toàn thân bao gồm cả bàn tay, bàn chân thay vì chỉ tập trung vào khuôn mặt như trước đây. Diện chẩn bao gồm 4 bước khám chữa bệnh chính là vọng chẩn (nhìn), thiết chẩn (sờ), nhiệt chẩn (dò sinh nhiệt) và vấn chẩn (hỏi – đáp). Sau đó, bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp như dùng que dò, búa gõ, cây cào, cây lăn, hơ nóng, chườm lạnh,…
Diện chẩn được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu là chứng bệnh tâm thần đặc trưng bởi trạng thái lo âu thái quá, căng thẳng, phiền muộn và hoảng loạn kéo dài ít nhất 6 tháng. Chứng bệnh này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sức khỏe và thậm chí có thể dẫn đến ý nghĩ, hành vi tự sát.
Theo quan niệm trong liệu pháp diện chẩn, tác động lên các sinh huyệt ở vùng mặt có thể thư giãn cơ, kích thích thần trung ương và thúc đẩy tuần hoàn máu. Qua đó cải thiện tình trạng đau đầu, mất ngủ, lo âu và căng thẳng quá mức.
Về nguyên tắc, diện chẩn có nguyên lý tương tự như xoa bóp bấm huyệt. Chính vì vậy, phương pháp này chỉ thích hợp trong trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Các dạng rối loạn có cơn lo âu cấp tính kèm hoảng sợ thường không có đáp ứng tốt.
Chi tiết các bước khám và điều trị rối loạn lo âu bằng diện chẩn
Bệnh nhân rối loạn lo âu có ý định điều trị bằng diện chẩn nên tham khảo quy trình khám và chữa trị để hiểu hơn về phương pháp này.
1. Quá trình thăm khám
Như đã đề cập, quá trình thăm khám rối loạn lo âu bao gồm có 4 bước bao gồm nhìn, sờ, dò sinh huyệt và hỏi. Các bước được diễn ra cụ thể như sau:
- Nhìn: Thầy thuốc sẽ quan sát cử chỉ, dáng điệu, sắc mặt, cách đi đứng, ngồi,… Đặc biệt, quan sát kỹ những dấu hiệu trên mặt như hình dáng lông mày, nếp nhăn, vết nám và tàn nhang.
- Sờ: Sau đó, thầy thuốc sẽ chạm vào huyệt và da để đánh giá sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Với bệnh nhân bị rối loạn lo âu, bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua vùng trán và một số vùng liên quan như cằm, mũi (các vị trí phản ảnh tình trạng sức khỏe của tim).
- Dò sinh huyệt: Dò sinh huyệt được thực hiện bằng cách dùng que dò gõ các điểm trên khuôn mặt để tìm ra điểm nhạy cảm hay còn gọi là sinh huyệt. Việc khám phá các điểm nhạy cảm giúp thầy thuốc xác định được cơ quan có bệnh và hỗ trợ cho quá trình điều trị.
- Hỏi: Cuối cùng, thầy thuốc sẽ trao đổi trực tiếp để hiểu rõ hơn về biểu hiện, thời gian, mức độ của từng triệu chứng cụ thể. Thầy thuốc cũng có thể đặt câu hỏi liên quan đến căn nguyên và yếu tố gây bệnh như có trải qua các sang chấn tâm lý, tổn thương não bộ, lạm dụng rượu bia và chất kích thích hay không.
2. Điều trị rối loạn lo âu bằng diện chẩn
Theo thứ tự bộ huyệt của Giáo sư Bùi Quốc Châu, cần tác động đến vị trí số 22, 127, 19, 50, 188, 106, 1, 0, 103, 34 và 124 để chữa chứng lo âu và căng thẳng thần kinh. Trước tiên, thầy thuốc sẽ xác định vị trí sinh huyệt và làm dấu. Sau đó, tùy vào tình trạng bệnh, thầy thuốc sẽ lựa chọn các kỹ thuật điều trị phù hợp như:
- Gõ: Sử dụng búa nhỏ gõ nhẹ vào huyệt theo đường vuông góc. Thầy thuốc sẽ gõ khoảng 5 lần, sau đó ngưng một thời gian và gõ tiếp tục. Tổng số lượng lần gõ thường 20 – 30 cái.
- Ấn: Kỹ thuật ấn sử dụng que dò chạm vuông góc với bề mặt da và ấn trực tiếp vào sinh huyệt. Thầy thuốc sẽ ấn chậm cho đến khi cảm giác đau ở vị trí ấn giảm dần thì ngưng và chuyển sang huyệt vị khác.
Diện chẩn còn có nhiều kỹ thuật khác nhưng chỉ có kỹ thuật gõ và ấn được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu. Vùng mặt là nơi nhạy cảm và có nhiều dây thần kinh. Chính vì vậy, thầy thuốc thực hiện phải là người có kinh nghiệm để tránh gây tổn thương các mô da.
Chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn có hiệu quả không?
Diện chẩn là phương pháp thăm khám và điều trị được phát triển từ nhiều liệu pháp truyền thống như xoa bóp, bấm huyệt,… Phương pháp này được cho là có thể điều trị nhiều bệnh lý cả về tâm thần và thể chất. Mặc dù được áp dụng khá rộng rãi nhưng diện chẩn chưa được khoa học công nhận.
Hiện nay, diện chẩn chỉ được xem là liệu pháp hỗ trợ trong điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này còn khá hạn chế. Chính vì vậy, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ khoa Tâm thần để được tư vấn cụ thể nếu có ý định điều trị rối loạn lo âu bằng diện chẩn.
Ngoài diện chẩn, bệnh nhân cũng nên cân nhắc một số liệu pháp không dùng thuốc đã được khoa học chứng minh như thiền định, yoga, âm nhạc trị liệu, lao động trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,… Các liệu pháp này góp phần cải thiện những cảm xúc tiêu cực ở bệnh nhân rối loạn lo âu và đã được chứng minh an toàn với sức khỏe.
Cách chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn là phương pháp chưa được công nhận trên cơ sở khoa học. Do đó, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện để hạn chế rủi ro và tác dụng không mong muốn.
Tham khảo thêm:
- Mẹo xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn lo âu, căng thẳng hiệu quả
- Bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu từ các thảo dược thiên nhiên
- Rối loạn lo âu có gây tăng huyết áp không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!