Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là dạng thường gặp nhất của rối loạn lo âu, điển hình bởi sự lo lắng quá mức, thường trực và kéo dài ít nhất 6 tháng. Bệnh lý này dễ tiến triển mãn tính và tái phát thường xuyên ngay cả khi được điều trị tích cực.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là dạng rối loạn lo âu thường gặp nhất

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là gì?

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) còn được biết với những tên gọi khác như Generalized Anxiety Disorder và rối loạn lo âu toàn thể. Đây là một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp nhất.

Rối loạn lo âu lan tỏa là hội chứng rối loạn tâm lý đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức, kéo dài và thường trực về mọi khía cạnh và vấn đề xung quanh cuộc sống. Tuy nhiên, sự lo lắng ở bệnh nhân GAD thường quá mức so với mức độ của vấn đề.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 3% dân số thế giới gặp phải hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa với tỷ lệ nhiều hơn ở nữ giới. Sự lo lắng quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều vấn đề về thể chất. Rối loạn lo âu lan tỏa được xác định có liên quan đến các vấn đề tim mạch, rối loạn giấc ngủ, tiểu đường, trầm cảm,…

So với các dạng rối loạn lo âu khác, rối loạn lo âu toàn thể có khả năng tiến triển mãn tính cao và có thể xảy ra đồng thời với các rối loạn tâm lý khác. Dù quá trình điều trị còn nhiều thách thức nhưng thông qua trị liệu tâm lý, dùng thuốc và điều chỉnh lối sống, bệnh nhân có thể kiểm soát phần nào sự lo lắng thái quá và duy trì được chất lượng cuộc sống.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu toàn thể

Rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu toàn thể nói riêng đều không có nguyên nhân cụ thể. Trong nhiều trường hợp, GAD có thể là hệ quả do nhiều yếu tố tác động và rất ít khi xảy ra do 1 nguyên nhân.

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Di truyền (gen): Rối loạn lo âu lan tỏa và các bệnh tâm thần khác đều có khả năng di truyền. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cách thức mà gen tác động đến quá trình hình thành rối loạn lo âu. Tuy nhiên qua các nghiên cứu đã thực hiện, có thể khẳng định gen di truyền là yếu tố có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn lo âu lan tỏa.
  • Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Các hóa chất (chất dẫn truyền thần kinh) trong não bộ là yếu tố quy định cảm xúc và phản ứng của cơ thể với những vấn đề trong cuộc sống. Ở những người bị rối loạn lo âu toàn thể, các chất dẫn truyền thần kinh thường giảm thấp hơn bình thường. Điều này làm gia tăng sự lo âu và các cảm xúc tiêu cực như bi quan, chán nản, lo sợ,…
  • Môi trường, nhân cách: Môi trường giáo dục và nhân cách quy định cách nhìn nhận và đáng giá của mỗi cá thể với những vấn đề trong cuộc sống. Những người được nuôi dạy trong điều kiện thiếu thốn, eo hẹp về tài chính, tính cách hướng nội, bi quan và ít nói thường có nguy cơ bị rối loạn lo âu lan tỏa cao hơn.
  • Lạm dụng chất gây nghiện: Sử dụng thuốc lá, uống nhiều rượu bia và dùng các chất kích thích gây rối loạn hoạt động của các tế bào thần kinh trung ương. Về lâu dài, chất gây nghiện làm giảm sản xuất các hóa chất chi phối cảm xúc và tâm lý dẫn đến trạng thái chán nản, uể oải, mệt mỏi và lo âu quá mức. Nghiên cứu cũng cho thấy, những người hút thuốc lá lâu năm có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa cao hơn 5 – 6 lần.
  • Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, rối loạn lo âu lan tỏa cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân/ yếu tố khác như mắc các bệnh nan y, mãn tính, phải đối mặt với những khủng hoảng về mặt tài chính, tình cảm, cuộc sống có nhiều vấn đề nan giải,… Trong một số trường hợp, rối loạn lo âu lan tỏa cũng có thể xảy ra thứ phát sau stress trường diễn và trầm cảm.

Các triệu chứng nhận biết rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) đặc trưng bởi nỗi lo lắng kéo dài, quá mức và thường trực về mọi vấn đề trong cuộc sống xảy ra trong ít nhất 6 tháng. Ngoài ra, hội chứng này còn gây ra các triệu chứng tâm lý và thể chất khác. So với một số dạng rối loạn lo âu khác, các triệu chứng của GAD không quá đặc trưng nhưng kéo dài và đa phần đều tiến triển mãn tính.

rối loạn lo âu lan tỏa wiki
Người mắc hội chứng GAD thường lo lắng quá mức và kéo dài về những vấn đề trong cuộc sống

Các triệu chứng nhận biết rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Luôn có cảm giác lo lắng thường trực, mức độ lo lắng quá mức, không tương xứng với những vấn đề/ khía cạnh trong cuộc sống
  • Dành nhiều thời gian để suy nghĩ giải pháp cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra
  • Luôn nhìn mọi việc, vấn đề theo chiều hướng xấu, bi quan mặc dù vấn đề không thật sự quá nghiêm trọng
  • Do dự, chần chừ khi đưa ra các quyết định
  • Một số bệnh nhân có thể nhận thức được sự lo lắng quá mức của bản thân nhưng không thể kiểm soát được nỗi lo
  • Mức độ lo âu nặng dần theo thời gian khiến người bệnh mất tập trung, giảm trí nhớ, cơ thể mệt mỏi và nặng nề
  • Tâm tính dễ bực bội, cáu gắt
  • Có nỗi sợ mơ hồ về mọi khía cạnh và vấn đề trong cuộc sống
  • Gần như không có cảm giác thoải mái và thư giãn vì phải liên tục suy nghĩ và bận tâm về những mối lo
  • Lo lắng kéo dài gây ra cảm giác bồn chồn, giảm hiệu suất làm việc, gián đoạn quá trình học tập và gây rối loạn giấc ngủ.

Ngoài những triệu chứng trên, rối loạn lo âu lan tỏa còn gây ra một số vấn đề sức khỏe như:

  • Tim đập nhanh, hồi hộp, đau thắt ngực và làm tăng triệu chứng của các bệnh tim mạch sẵn có
  • Đau nhức vai gáy, căng cơ
  • Tiểu tiện nhiều lần
  • Đau dạ dày, đau vùng bụng dưới, kích thích các bệnh tiêu hóa mãn tính bùng phát (viêm đại tràng co thắt, viêm xung huyết hang vị,…)
  • Đau nhức hốc mắt, đỏ bừng mặt
  • Cơ thể thiếu sức sống, mệt mỏi và uể oải

Ảnh hưởng của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) đặc trưng bởi sự lo lắng không cần thiết về những vấn đề trong cuộc sống. Khác với lo âu thông thường, người mắc hội chứng này gần như không thể kiểm soát nỗi lo của bản thân. Đồng thời dành nhiều thời gian trong ngày để suy nghĩ về những vấn đề lo lắng và tìm giải pháp cho những trường hợp xấu nhất.

Người mắc hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa không thể kiểm soát sự lo lắng quá mức của bản thân. Nỗi lo có đặc tính kéo dài, mơ hồ và lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được cải thiện và khắc phục sớm, rối loạn lo âu lan tỏa có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề như:

rối loạn lo âu lan tỏa là gì
Rối loạn lo âu toàn thể có thể gây đau đầu, đau nửa đầu và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
  • Hiệu quả học tập và làm việc bị ảnh hưởng do suy giảm khả năng tập trung và sự nhanh nhạy
  • Mất nhiều thời gian để suy nghĩ về sự lo lắng không cần thiết
  • Việc lo âu quá mức khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, từ đó giảm hiệu quả của các hoạt động thể chất
  • Tăng nguy cơ trầm cảm

Ngoài ra, rối loạn lo âu lan tỏa cũng có thể gây ra hoặc làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe thể chất như:

  • Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt)
  • Đau nửa đầu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Các bệnh mãn tính – đặc biệt là tim mạch, tiểu đường, ung thư,…

Rất khó để điều trị dứt điểm rối loạn lo âu lan tỏa, đặc biệt là khi xảy ra đồng thời với các dạng rối loạn lo âu khác như rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn hoảng sợ, các ám ảnh sợ,… Ngoài ra, những trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa có lạm dụng chất gây nghiện và đã từng có suy nghĩ/ hành vi tự sát gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình điều trị.

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa bằng cách nào?

Rối loạn lo âu lan tỏa cần phải được chẩn đoán trước khi điều trị. Hội chứng này có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trong trường hợp mắc đồng thời nhiều dạng rối loạn lo âu khác nhau.

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm các bước sau:

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Xét nghiệm nước tiểu, máu và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác
  • Khai thác bệnh sử và các triệu chứng
  • Trắc nghiệm tâm lý

Sau khi thu thập đầy đủ dữ liệu, bác sĩ sẽ sử dụng các tiêu chí được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và Thống kê về rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ để chẩn đoán rối loạn lo âu toàn thể.

Cách điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) gặp khá nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình điều trị. Kế hoạch điều trị được cá thể hóa tùy theo mức độ ảnh hưởng của bệnh lý đối với sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân.

Hiện tại, sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý là hai phương pháp điều trị chính. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp cả dùng thuốc và liệu pháp tâm lý để mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài điều trị y tế, bản thân người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống và thực hiện các biện pháp hỗ trợ để giải tỏa sự lo lắng, căng thẳng và ổn định cảm xúc.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu (liệu pháp tâm lý) là phương pháp tác động đến tâm lý của người bệnh thông qua hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Đây là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu và các bệnh tâm thần thường gặp khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…

rối loạn lo âu là gì
Trị liệu tâm lý là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng

Liệu pháp nhận thức hành vi là hình thức trị liệu được áp dụng phổ biến cho bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa. Hình thức trị liệu này giúp người bệnh nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng của sự việc, đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết để quản lý và hạn chế sự lo lắng quá mức.

Sau khi trị liệu tâm lý, bản thân người bệnh sẽ biết cách kiểm soát sự lo lắng của bản thân, đánh giá đúng mức độ của vấn đề và có khả năng tự vượt qua những tình huống căng thẳng. Ngoài ra, người bệnh còn có học được cách cân bằng cảm xúc và hình thành tư duy tích cực. Với những trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa nặng, trị liệu tâm lý sẽ được kết hợp với sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa. Tùy theo triệu chứng và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc và xem xét chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu đều tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần phải chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo và xử lý khi gặp phải tác dụng ngoại ý.

điều trị rối loạn lo âu
Một số trường hợp rối loạn lo âu toàn thể có thể phải dùng thuốc để kiểm soát sự lo lắng và cải thiện các cảm xúc tiêu cực khác

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Thuốc chống trầm cảm: Đây là nhóm thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị rối loạn lo âu toàn thể. Tùy theo mức độ lo âu và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng các nhóm chất ức chế serotonin + norepinephrine hoặc nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Các nhóm thuốc chống trầm cảm khác như thuốc chống trầm cảm 3 vòng và MAOI ít được sử dụng do tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng.
  • Thuốc chống lo âu: Ngoài thuốc chống trầm cảm, một số trường hợp sẽ được sử dụng thuốc chống lo âu để cải thiện sự lo lắng, căng thẳng quá mức với những vấn đề trong cuộc sống. Thuốc gồm có 2 nhóm chính là Benzodiazepin và Non- Benzodiazepin.
  • Các loại thuốc khác: Bên cạnh thuốc chống trầm cảm và giải lo âu, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác tùy theo tình trạng cụ thể như thuốc ức chế beta (dùng để kiểm soát các triệu chứng cơ thể do lo âu gây ra), vitamin nhóm B, khoáng chất (nuôi dưỡng các tế bào thần kinh) và thuốc kháng histamine (có tác dụng an thần, gây ngủ).

Thuốc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa được sử dụng trong thời gian dài và cần dùng thêm khoảng 6 – 12 tháng để phòng ngừa tình trạng tái phát. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần phải tái khám thường xuyên để được đánh giá mức độ đáp ứng và phát hiện sớm các rủi ro, tác dụng không mong muốn.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý là các phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thực tế cho thấy, các biện pháp hỗ trợ có thể giảm bớt sự lo lắng, mang đến cảm giác thư thái và thoải mái ở những bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa.

điều trị rối loạn lo âu
Tập yoga có thể giải tỏa các cảm xúc tiêu cực và nâng cao sức khỏe thể chất cho bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa

Các biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Ngồi thiền và yoga: Thiền định và yoga là liệu pháp hỗ trợ điều trị các bệnh tâm lý nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng. Phương pháp luyện tập này giúp điều hòa hơi thở, nhịp tim và giải phóng những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bồn chồn, sợ hãi, hoảng loạn,… Bên cạnh lợi ích đối với sức khỏe tinh thần, tập yoga thường xuyên còn giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và giảm các triệu chứng cơ thể do ảnh hưởng của chứng lo âu kéo dài.
  • Ngủ đủ giấc: Đa phần những bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa đều gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ và chất lượng giấc ngủ kém. Chất lượng giấc ngủ đi xuống làm gia tăng sự lo lắng và các cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp để cải thiện giấc ngủ và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Ngủ đủ giấc giúp khôi phục các tổn thương ở tế bào thần kinh, cải thiện tâm trạng và phục hồi năng lượng cho cơ thể.
  • Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều chất xơ, Omega 3, magie, canxi, kẽm, vitamin C và D có thể giảm mức độ lo lắng và mang đến những cảm xúc tích cực. Vì vậy cần tăng cường bổ sung thực phẩm lành mạnh và tránh các loại đồ uống, thực phẩm có hại như rượu bia, cà phê, trà đặc, đường, chất béo bão hòa,…
  • Các biện pháp thư giãn: Căng thẳng quá mức là nguồn cơn dẫn đến sự lo lắng thái quá. Do đó ngoài những biện pháp kể trên, bệnh nhân cũng nên áp dụng một số biện pháp thư giãn để giải phóng cảm giác lo âu quá mức như liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm, nghe nhạc, nghỉ ngơi, đọc sách, du lịch và thực hiện các hoạt động yêu thích (bơi lội, chạy bộ, vẽ tranh, đan len,…).

Các biện pháp kể trên có thể giảm phần nào cảm giác lo lắng quá mức và hỗ trợ cân bằng các cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, những biện pháp này không thể thay thế cho các phương pháp điều trị chính. Vì vậy, bệnh nhân nên kết hợp với sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Không có biện pháp nào có thể phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) hoàn toàn. Tuy nhiên, một số biện pháp đơn giản sau có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế tình trạng tái phát. Ngoài ra, các biện pháp này còn có thể giảm tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…

điều trị rối loạn lo âu
Hạn chế sử dụng cà phê, thuốc lá và rượu bia có thể giảm nguy cơ bị rối loạn lo âu lan tỏa

Các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa rối loạn lo âu toàn thể:

  • Học cách kiểm soát stress. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, nên tìm sự trợ giúp sớm để tránh stress trường diễn dẫn đến rối loạn lo âu lan tỏa và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục ít nhất 3 lần/ tuần. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Không sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện và tránh lạm dụng rượu bia, cà phê quá mức.
  • Chủ động tìm gặp bác sĩ nếu gặp khó khăn về mặt tâm lý (không thể kiểm soát sự lo lắng, cảm thấy bi quan, sợ hãi, hoảng loạn,…).

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là một dạng của rối loạn lo âu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hy vọng qua bài viết, bản thân người bệnh sẽ có sự chủ động trong việc thăm khám và điều trị để hạn chế tối đa những ảnh hưởng nặng nề do bệnh lý này gây ra.  

Bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *